Chu Xuân Diên - Nhà folklore “thế hệ vàng” từ Bắc vào Nam
Cùng với các vị tiền bối lớp trước hay cùng thế hệ như Đào Duy Anh, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Đổng Chi, Cao Huy Đỉnh đến Đinh Gia Khánh, Tô Ngọc Thanh, Phan Đăng Nhật, Võ Quang Nhơn... Chu Xuân Diên là nhà nghiên cứu văn học dân gian và văn hóa dân gian (folklore) hàng đầu nước ta, góp phần khai phá, định hướng và giải quyết những vấn đề mang tính lý luận của ngành khoa học nhân văn đặc sắc và thú vị này...
Một "thế hệ vàng" từ miền Bắc chi viện miền Nam
Phó Giáo sư - Nhà giáo ưu tú Chu Xuân Diên với gần 60 năm giảng dạy, nghiên cứu đã xuất bản hơn 20 đầu sách. Nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2023, Khoa Văn học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) - ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã tổ chức mừng thọ ông 90 tuổi và ra mắt cuốn sách "Nhà giáo - Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Chu Xuân Diên" do NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh ấn hành. Đây là nghĩa cử đáng quý của các thế hệ học trò, mà trực tiếp là những người đang giảng dạy văn học dân gian đối với ân sư đáng kính Chu Xuân Diên.
Đến chúc mừng PGS-NGƯT Chu Xuân Diên, chúng tôi cũng vui mừng xúc động được gặp những thầy cô hiếm hoi của "thế hệ vàng" còn sót lại của ngành Ngữ văn. Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, lần lượt có những giảng viên đại học từ ngoài Bắc vào Nam giảng dạy tại các trường đại học. Riêng với Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh (nay là Khoa Văn học Trường ĐH KHXH&NV- ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) xuất hiện nhiều tên tuổi: Hoàng Như Mai, Lê Đình Kỵ, Nguyễn Lộc, Mai Cao Chương, Chu Xuân Diên, Lương Duy Thứ, Trần Chút, Nguyễn Khắc Thi, Nguyễn Đức Dân, Đinh Lê Thư, Nguyễn Thị Hoa… cùng với những giảng viên thỉnh giảng: Lê Trí Viễn, Nguyễn Văn Hạnh, Cao Xuân Hạo, Trần Thanh Đạm, Trần Đình Đề, Trần Đình Hượu, Phạm Thị Hảo,…
Các thầy cô từ miền Bắc vào nhanh chóng hòa nhập với đời sống giáo dục, học thuật miền Nam. Họ hợp cùng với các thầy cô lưu dụng từ Trường ĐH Văn khoa Sài Gòn trước năm 1975 như: Nguyễn Văn Trung, Bửu Cầm, Nguyễn Tri Tài, Huỳnh Minh Đức, Nguyễn Khuê, Lê Văn Chưởng,… chẳng những đào tạo nên nhiều thế hệ học trò hữu ích cho xã hội, mà các công trình nghiên cứu của các thầy cô còn đặt nền móng quan trọng cho các ngành khoa học nhân văn.
Chu Xuân Diên là một trong những tên tuổi tiêu biểu nói trên. Ông sinh năm 1934 tại tỉnh Bắc Ninh, tốt nghiệp ngành Ngữ văn Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội khóa đầu tiên (1956-1959) và được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy văn học dân gian. Năm 1984, ông được Nhà nước phong học hàm Phó Giáo sư, sau đó là Nhà giáo ưu tú.
Đến năm 1986, PGS Chu Xuân Diên chuyển vào Nam giảng dạy tại Khoa Ngữ văn Trường ĐH Tổng hợp TP Hồ Chí Minh cho đến khi nghỉ hưu năm 2000. Hưu nhưng chưa nghỉ, ông nhận lời mời của Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến là PGS-NGƯT Nguyễn Lộc nguyên Trưởng khoa Ngữ văn Trường ĐH Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, sang làm Chủ nhiệm Khoa Văn hóa học. Ông cùng đồng nghiệp thân thiết là Nguyễn Khuê nguyên giảng sư Trường ĐH Văn khoa Sài Gòn và Trưởng bộ môn Hán Nôm Trường ĐH KHXH&NV TP Hồ Chí Minh, sát cánh gầy dựng Khoa Văn hóa học Trường ĐH Văn Hiến từ ngày đầu còn nhiều khó khăn.
Tình yêu sâu nặng với di sản văn hóa tổ tiên, mà cụ thể là với văn học và văn hóa dân gian, đã trở thành nguồn động lực say mê không mệt mỏi cho PGS-NGƯT Chu Xuân Diên nghiên cứu và truyền lửa cho những thế hệ sau. Đặc biệt, ông đã cùng các thầy cô lưu dụng ở miền Nam và chi viện từ miền Bắc, đã đào tạo nhiều thế hệ học trò trở thành những nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà báo, nhà giáo, nhà xuất bản, nhà hoạt động xã hội,… có mặt hầu khắp miền Nam. Thú vị hơn, Khoa Ngữ văn Trường ĐH Tổng hợp TP Hồ Chí Minh mà PGS Chu Xuân Diên là một trong những trụ cột đã trở thành cái nôi hay "khoa mẹ" sản sinh nhiều "khoa con" cho nhà trường sau này về Báo chí, Ngôn ngữ…
Người đi đầu trong nghiên cứu, dịch thuật văn học - văn hóa dân gian
Vừa giảng dạy vừa nghiên cứu, PGS Chu Xuân Diên đã xuất bản hơn 20 công trình, tiêu biểu như: "Giáo trình văn học dân gian" (biên soạn chung, 2 tập - 1972, 1973); "Tục ngữ Việt Nam" (biên soạn chung- 1975); "Sáng tác thơ ca dân gian Nga" (dịch chung, 2 tập - 1983); "Tuyển tập truyện cổ tích Việt Nam" (biên soạn chung - 1987); "Truyện cổ tích dưới mắt các nhà khoa học" (1989); "Văn hóa dân gian (folklore) và phương pháp nghiên cứu liên ngành" (1995); "Cơ sở văn hóa Việt Nam" (2002); "Tuyển tập V.IA. Propp" (dịch chung, 2003-2005); "Mấy vấn đề về văn hóa và văn học dân gian Việt Nam (2004)"; "Nghiên cứu văn hóa dân gian: Phương pháp, lịch sử, thể loại (2008)";…
Qua các công trình có thể thấy Chu Xuân Diên đóng góp quan trọng về nghiên cứu, lý luận và dịch thuật về văn học dân gian, văn hóa dân gian và văn hóa nói chung. Các công trình của ông chẳng những đặt nền móng, mà còn có giá trị bền vững và truyền tải đến các thế hệ học trò tiếp tục liên tài nghiên cứu.
Chẳng hạn, Chu Xuân Diên là người đầu tiên đã chỉ ra mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn học viết, khi ông cho rằng thời kỳ nhà văn tiếp thu, tích lũy tri thức từ văn học dân gian là giai đoạn chuẩn bị cho nhà văn cảm nhận, sử dụng các chất liệu sáng tác dân gian tinh hoa để sáng tạo văn học. Ông còn là người đưa ra khái niệm "văn học dân gian hiện đại", đề xuất nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học dân gian hiện đại với văn học quần chúng và văn học thành văn. Ông còn nêu định nghĩa và khẳng định tầm quan trọng nghiên cứu thi pháp, đặc trưng của văn học dân gian,… Đồng thời, Chu Xuân Diên còn có những đóng góp quan trọng về nghiên cứu văn hóa dân gian và văn hóa cũng như dịch thuật giới thiệu thành công văn hóa dân gian Nga, dù ông chưa một lần được đặt chân đến Nga và chủ yếu tự học tiếng Nga.
GS-TS Nguyễn Xuân Kính từng là Viện trưởng Viện Văn hóa, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, trong bài viết "Nhà nghiên cứu Chu Xuân Diên" từ năm 2010 đã nhìn nhận: "Điều dễ nhận thấy là, trong hơn bốn chục năm qua, cùng với bước đi của ngành, ông luôn luôn là một trong số ít người đứng ở vị trí đề xuất hoặc góp phần giải quyết những vấn đề lí luận về văn học dân gian nói riêng, về văn hóa dân gian nói chung. Ông thuyết phục mọi người bằng vốn tri thức phong phú, bằng sự cập nhật những thông tin mới".
Trong khi đó, GS-TS Trần Nho Thìn ở Đại học Quốc gia Hà Nội trong bài "Nghiên cứu Tục ngữ Việt Nam của Chu Xuân Diên có đóng góp quan trọng đối với khoa nghiên cứu văn học" đã viết: "Nhà nghiên cứu Chu Xuân Diên là một chuyên gia lớn về văn học dân gian và văn hóa Việt Nam, với nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu đã được nhiều bài viết giới thiệu công phu. Tôi chọn viết về điều có ảnh hưởng mạnh đến chuyên môn của mình từ công trình "Tục ngữ Việt Nam" mà cụ thể là phần nghiên cứu do Chu Xuân Diên viết". Và sau khi trình bày, lý giải nhiều nội dung từ những nghiên cứu của Chu Xuân Diên về tục ngữ nước ta, GS-TS Trần Nho Thìn kết luận: "Việc sớm được tiếp xúc với những vấn đề thú vị, sâu sắc của Chu Xuân Diên về tính mâu thuẫn của tục ngữ đã khích lệ tôi triển khai những nghiên cứu của mình theo hướng giải cấu trúc trong nghiên cứu văn học trung đại dưới góc nhìn văn hóa".
Không chỉ có tầm ảnh hưởng trong nghiên cứu khoa học, mà PGS-NGƯT Chu Xuân Diên còn là nhân cách lớn mang lại nguồn cảm hứng cho đồng nghiệp và học trò. Nhà giáo Nguyễn Khuê tâm sự: "Tôi với anh Chu Xuân Diên cùng đi với nhau một chặng đường, tuy không dài, nhưng cũng đủ để lại cho nhau những ấn tượng sâu sắc và tốt đẹp. Mỗi lần nghĩ đến anh Diên là tôi nghĩ đến một người bạn hiền hòa rất đáng quý trọng, và một nhà giáo, hay đúng hơn, một bậc thầy với ý nghĩa cao quý của chữ "thầy", đã có công xây đắp Bộ môn Văn hóa dân gian Khoa Văn học trường ta và đặt nền móng cho Khoa Văn hóa học của Trường ĐH Văn Hiến".
Học trò của PGS-NGƯT Chu Xuân Diên ai cũng gần gũi, quý trọng thầy ngay cả khi ông không còn lên bục giảng. TS La Mai Thi Gia là người thân gần ông nhất và lo tổ chức ấn hành cuốn sách "Nhà giáo - Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Chu Xuân Diên" cho hay: "Ba năm gần đây thầy không đi đâu xa được nữa, chỉ có chúng tôi cùng rủ nhau đến thăm thầy. Dịp gần Tết năm ngoái, chúng tôi mỗi người chuẩn bị một món ngon mình tự làm mang đến thăm thầy, rồi bày biện cùng nhau ăn tất niên tại nhà thầy, tôi biết thầy tôi vui biết mấy. Và lúc ấy tôi đứng nép một bên, nhìn thầy tôi rộn rã nói cười giữa những người học trò, đồng nghiệp cũng đã gần 70 tuổi của mình mà tự nhiên nghe lòng cảm động.