Chữ “nhẫn” - nền tảng nhân cách, sự nghiệp!

Thứ Hai, 04/11/2024, 21:47

Hiểu theo lối chiết tự thì chữ "nhẫn" được tạo bởi bộ "đao" chỉ con dao ở trên và bộ "tâm" chỉ trái tim ở dưới. Ý tượng hình của chữ nhắc nhở, nếu không giữ bình tĩnh, nóng nảy, không làm chủ được bản thân, tức không biết nhẫn nhịn thì lưỡi dao sẽ bập xuống, gây đau đớn.

Hiểu cụ thể hơn, chữ "nhẫn" gồm hai chữ: chữ "nhận" (một loại vũ khí cổ) được tạo bởi bộ "đao" và bộ "phiệt". Chữ "nhận" ở trên kết hợp với chữ "tâm" ở dưới tạo thành chữ "nhẫn". Ý cũng tương tự: phải biết nhẫn nhịn, kẻo vũ khí đâm vào tim. Hiểu rộng ra, ngoài để răn mình, biết làm chủ chính mình, có "nhẫn" là còn phải biết mở lòng vị tha, khoan dung với người, đừng cố chấp mà nên rộng rãi, nhìn vào cái tốt của người.

image003.jpg -1
Nhà phát minh Thomas Edison (1847 – 1931) trong phòng thí nghiệm.

Vì thế "nhẫn" là nhẫn nhịn, nhẫn nại chứ không nhẫn nhục, nhịn nhục, cam chịu để chiều nịnh, theo đuôi kẻ khác. Bức tranh thư pháp chữ "nhẫn" được nhiều người ưa thích dành treo nơi trang trọng là một cách để răn mình, dạy con cháu phải lấy đó làm nền móng ngôi nhà nhân cách không nghiêng ngả, làm nền tảng cho kết cấu gia đình bền vững, hạnh phúc.

Chữ "nhẫn" có nghĩa là điềm đạm, bình tĩnh đối lập với vội vàng, nóng nảy. Người có nhẫn luôn có tâm thế "vững như bàn thạch". Mọi cái nguy biến xảy ra không tác động, chi phối tiêu cực đến suy nghĩ nên thường có lời nói, hành động chuẩn mực, giải quyết tình thế nhẹ nhàng, biến cái "đại sự" thành "tiểu sự", biến cái "tiểu sự" thành "vô sự". Nghĩa là đã hiểu mình, hiểu đời, hiểu người. Như vậy có được chữ "nhẫn" rất khó, phải là cả một quá trình tu tâm dưỡng tính lâu dài, bền bỉ.

Vì thế cổ nhân luôn nhắc người giàu mà biết nhẫn, sẽ bảo vệ được gia đình, của cải, danh phận. Người nghèo mà có nhẫn sẽ không cảm thấy nhỏ bé, tự ti. Cha con mà biết nhẫn, gia đình sẽ hòa ái, hiếu thuận. Anh em cư xử bằng nhẫn, mọi việc suôn sẻ, êm đềm… Người Việt có truyền ngôn (khuyết danh) dễ nhớ, dễ thuộc: "Cha con nhẫn nhịn nhau/ Vẹn tròn đạo lý/ Vợ chồng nhẫn nhịn nhau/ Con cái khỏi bơ vơ/ Anh em nhẫn nhịn nhau/ Trong nhà thường êm ấm/ Bạn bè nhẫn nhịn nhau/ Tình nghĩa chẳng phai mờ". Có thêm phương ngôn đồng nhất "nhẫn" với một "một bước lùi" nhưng là "lùi" để mà "tiến" vì làm chủ được chính mình, thấu hiểu hoàn cảnh, thấu cảm lòng người: "Nhẫn một bước gió yên bể lặng/ Lùi một bước biển rộng trời cao".

Trước nay chữ "nhẫn" vẫn được coi là một nguyên tắc ứng xử văn hóa, thậm chí là một nguyên tắc phổ quát có ở mọi thời, mọi nơi, nhất là với các tôn giáo lớn. Đạo Công giáo luôn dạy con người yêu thương nhau, biểu hiện bằng sự nhường nhịn, nhẫn nhịn, nín nhịn nhau. Rất đúng với một tục ngữ Việt: "Một điều nhịn, chín điều lành".

Đức Chúa Giêsu dạy mọi người nên yêu thương cả chính kẻ thù của mình. Vì chỉ có lòng yêu thương quảng đại mới đủ sự nhẫn nhịn để kiềm chế cảm xúc tức giận mà bỏ qua cho kẻ định hãm hại mình. Thế nên dù biết rõ Giuđa âm mưu phản chúa, Người vẫn coi như không có chuyện gì xảy ra, vẫn khuyên bảo hắn hướng về cái thiện. Điều này gặp gỡ với quan niệm Phật giáo: lấy ân trả oán thì hết oán. Lấy oán trả oán thì oán gấp đôi.

Triết lý nhà Phật dạy: "Bất nhẫn bất giới, tiểu sự thành đại/ Nhất thiết, chư phiền não, giai tòng bất nhẫn sinh" (Không nhịn không kiêng, việc nhỏ hóa to/ Tất cả mọi sự phiền não, bởi không nhẫn nhịn mà ra). Như vậy "nhẫn" còn là để giữ mình. Phật thoại kể, một hôm Đức Phật đi dọc bờ sông bỗng thấy một con dã can (một loài sói) muốn ăn thịt con rùa. Nhưng con rùa thụt đầu và cả tứ chi vào trong mai, rồi nằm yên mặc dã can làm gì thì làm. Không đủ kiên nhẫn, một lúc sau dã can bỏ đi. Đức Phật nói với Tôn giả A Nan đi cùng rằng: "Người tu hành cũng nên (như con rùa) như vậy". Tức trước kẻ định ăn thịt mình phải biết ẩn đi, còn nếu "xuất đầu lộ diện" thì thật khó bảo toàn sinh mệnh.

Nhẫn là nhẫn nại, kiên trì theo đuổi mục tiêu, lý tưởng. Phật thoại kể tiếp, có hai người đều giàu lòng từ bi, hay giúp đỡ người. Một ông tính nhẫn nại gọi là Năng Nhẫn, còn ông kia nóng nảy gọi là Bất Năng Nhẫn. Hai ông tu hành ở một ngôi chùa gần rừng nên hàng ngày chim chóc tha rác vào làm tổ, chồn kéo nhau vào đào hang. Ông Năng Nhẫn không hề kêu ca phàn nàn, mà cứ điềm nhiên tụng kinh niệm Phật, cuối ngày dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ. Còn ông Bất Năng Nhẫn thì xua đuổi mọi vật, quát tháo om sòm. Mười năm trôi qua, chỉ ông Năng Nhẫn đạt quả vị Bồ Tát, còn ông Bất Năng Nhẫn tuy dày công tu hành, nhưng kém phần nhẫn nhịn nên không được lên cõi Niết bàn. Thì ra giàu lòng yêu thương chưa đủ, còn phải biết nhẫn nại, kiên trì đến cùng mục tiêu đã chọn.

Một biểu hiện cơ bản của nhẫn là nhịn, chịu phần thiệt về mình (lùi một bước). Vì nếu ai cũng nhận phần hơn thì cấu trúc cuộc sống sẽ bị phá vỡ. Trước khi tạm biệt thầy, trò Tử Trương xin thầy Khổng Tử lời khuyên để tu thân, Khổng Tử nói: "Cái gốc của nết, chữ nhẫn là cao hơn cả". Tử Trương: "Tại sao phải nhẫn?". Khổng Tử: "Thiên tử nhẫn, nước vô hại. Chư hầu nhẫn, thành nghiệp lớn. Anh em nhẫn, nhà giàu sang. Vợ chồng nhẫn, danh rỡ ràng. Bản thân nhẫn, tránh được tai ương". Tử Trương hỏi: "Nếu không nhẫn thì sao?". Khổng Tử: "Thiên tử không nhẫn, nước trống rỗng. Chư hầu không nhẫn, phải chôn thây. Anh em không nhẫn, phải chia ly. Vợ chồng không nhẫn, tình nhạt nhẽo. Bản thân không nhẫn, gặp tai ương". Tử Trương: "Hay quá! Nhưng nhẫn khó lắm thay!". Khổng Tử kết luận: "Không biết nhẫn, không phải người!".

Chữ “nhẫn” - nền tảng nhân cách, sự nghiệp! -0
Hình ảnh minh họa Câu Tiễn “nếm mật nằm gai”.

Câu kết của Khổng Tử được người đời sau chứng minh đúng ở nhiều phương diện. Xin kể trường hợp: không nhẫn không thành tướng (phi nhẫn bất thành tướng). Trong thời Tam Quốc, Tư Mã Ý là trọng thần phò tá bốn đời triều Tào Ngụy, nhưng thuở ban đầu đã bị Tào Tháo coi là mầm mống phản loạn. Biết thế, Tư Mã kiên tâm ẩn nhẫn, không thể hiện tài năng xuất chúng. Mãi khi về già, được Ngụy đế Tào Duệ ủy thác, gửi gắm sứ mệnh phụ chính đại thần cho vua mới. Thế là 70 tuổi, Tư Mã Ý mới làm binh biến, soán ngôi. Rõ ràng không giấu mình chờ thời, Tư Mã Ý không được coi là tướng thành công nhất thời Tam Quốc.

Câu chuyện sau chứng minh không nhẫn không thành đại nghiệp (phi nhẫn bất thành đại nghiệp). Trận đánh cuối cùng ở Cối Kê đã kết thúc chiến tranh hai nước Việt - Ngô. Quân Việt đại bại. Vua Ngô Phù Sai bắt vua Câu Tiễn cùng Hoàng hậu và tướng tài Phạm Lãi mang về đất Ngô. Với ý đồ làm hết ý chí phục quốc, vua Ngô bắt ba người tù hàng ngày phải cắt cỏ ngựa, quét dọn chuồng ngựa. Câu Tiễn cam chịu tất cả. Phù Sai còn thử bằng nhiều việc làm khổ sở khác, Câu Tiễn đều làm theo đúng ý. Cho rằng đã hoàn toàn quy phục, ba năm sau, Ngô Phù Sai trả tự do cho Câu Tiễn.

Về nước, Câu Tiễn tự sống thật kham khổ để nuôi chí lớn, lạnh không đắp chăn, nóng nằm bên bếp lửa. Dưới chỗ nằm trải một lượt gai, phía trên treo một túi mật đắng, thỉnh thoảng ngồi dậy nhấm một giọt. Câu Tiễn báo thù thành công. Thành ngữ "Nếm mật nằm gai" có xuất xứ từ đấy, chỉ những người nhẫn nại nuôi chí lớn phụng dựng đại nghiệp. Từ đó, ở phương Đông có thành ngữ "Chính sách Câu Tiễn" nói về việc phải biết nhẫn nhịn trước đối phương mạnh hơn nhiều, tu chí, rèn binh, đợi thời để giành thắng lợi!

Xét kỹ, làm gì cũng cần có lòng quyết tâm và kiên trì. Đó là "nhẫn". Câu chuyện "Ngu Công bạt núi" trong sách "Liệt Tử" (viết vào thế kỷ thứ IV - V TCN) kể, trước cửa nhà Ngu Công đã gần 90 tuổi có hai ngọn núi cao nên việc đi lại rất bất tiện. Ông quyết bạt núi. Nhiều người cười hỏi làm sao có thể xong việc được. Ngu Công nói đời tôi chưa xong thì đời con cháu tôi làm. Việc nhất định xong! Thì ra chữ "Nhẫn" cần có ở mọi tuổi tác.

Trên đời này, ai cũng muốn thành công. Nhưng điều tiên quyết là phải có ý chí và tính kiên nhẫn. Nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm trong bài "Nhẫn thì qua" đã khái quát: "Chưa dễ ai là bụt Thích Ca/ Mọi điều nhân nghĩa, nhẫn thì qua". Ngày nay, theo tỷ phú Jack Ma, để có thành công bạn luôn phải vượt qua những khó khăn. Thất bại ban đầu là đương nhiên. Chỉ có sự không ngừng kiên trì, nhẫn nại mới giúp giấc mơ thành sự thật.

Trong nghiên cứu khoa học, nhà bác học Thomas Edison tiêu biểu cho chữ "nhẫn". Để có bóng đèn điện, ông phải thử nghiệm hàng chục nghìn lần. Câu nói nổi tiếng của thiên tài cần được tạc bằng vàng đặt trong bảo tàng phát minh thế giới: "Tôi không thất bại. Tôi chỉ tìm ra 10.000 cách (bóng đèn) không hoạt động". Thế là phải có 10.000 thất bại để có 1 thành công!

Nguyễn Thanh Tú
.
.