Chống dịch - Thơ và sứ mệnh nhà thơ

Thứ Bảy, 15/01/2022, 07:58

Dịch COVID – 19 đã tác động vào toàn bộ đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội ở nước ta và hầu hết các nước trên thế giới. Trong bối cảnh ấy, nhà văn nhà thơ nói riêng, văn nghệ sĩ nói chung không thể đứng ngoài cuộc, bởi nói như nhà thơ Xuân Diệu “Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi”. Thơ là thể loại thuận lợi nhất, nhanh chóng nhất nhập cuộc cùng Đảng, Nhà nước nhân dân chống dịch. Lúc này nhà thơ mang sứ mệnh thời đại.

1.Những vần thơ từ “tâm bão”

Với đề tài chống dịch COVID - 19, bên cạnh những bài thơ lên gân, khẩu hiệu, chúng tôi bắt gặp khá nhiều tứ thơ “đẹp”, ý thơ hay, câu thơ sáng. Nói thơ từ “tâm bão” không có nghĩa là nhà thơ phải đi trực tiếp vào tâm dịch mà nhà thơ cần nói lên những vấn đề lớn lao đằng sau cái sự kiện ấy. Dịch chỉ là cái cớ, là bối cảnh để thơ bay cao với những giá trị nhân văn của tình người, của những phẩm chất nhân - trí – dũng người Việt. Thơ lúc ấy còn là những thước phim, những bức họa cận cảnh, viễn cảnh, những “thuật nội soi” để ta cảm thấu được sâu thẳm tâm thức con người trong cơn dịch dã.

image001.jpg -0
Những hình ảnh đẹp trong phòng chống dịch rất cần được ngôn ngữ thơ ca chắp cánh (ảnh chỉ mang tính minh họa).

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh có những câu thơ giản dị như những thước phim cận cảnh về con người. Chị xót xa cho những đứa trẻ “vừa đi vừa lớn” trong bão dịch, cả những trăn trở về kiếp nhân sinh trong những cuộc hành hương của hàng vạn người nghèo. Họ đã từ bỏ quê hương mà ra đi, rồi đến khi bất lực nhất, tuyệt vọng nhất, họ lại trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Nơi nào là hi vọng, nơi nào khổ đau thật khó đoán định: “Con lớn/ Trên triệu triệu vòng lăn của cặp bánh xe vẹt mòn/ nhẫn nại cõng cả một gia đình/ gia tài duy nhất là sinh mạng/ lầm lũi trở về nơi đã từng hăm hở ra đi/ rồi lại dứt ruột giã từ nơi đã có bao nhiêu ấm êm”… (Những em bé trên đường thiên lý).

Nhà thơ Đào Tuấn đã nhập thân cùng nỗi đau của người mẹ trước cảnh những đứa trẻ sơ sinh phải bú sữa lẫn bụi đường. Cuộc hành hương của em bé cùng cha mẹ khi chang chang nắng gắt, lúc tầm tã dưới mưa, khi bỏng rát bởi cơn gió trên hàng ngàn cây số, ngày rong ruổi đi, tối ngủ ven đường.... Nỗi khổ ấy người lớn khỏe mạnh đã khó lòng vượt qua huống gì những đứa trẻ…: “Đừng khóc nữa con ơi, mẹ đau trong lồng ngực/ Thương yêu ơi, yêu à! giấc khát bạc gió sương/ Giọt nồng nàn con bú lẫn cả vạt bụi đường/ Có nắng phương Nam, có mưa vùng duyên hải”… (Thương yêu ơi).

 Nhà thơ Khánh Chi lại chiêm nghiệm khi thế giới thay đổi. COVID -19 đã làm cho con người trở nên xa cách, vô cảm, thậm chí là nghi kỵ lẫn nhau sau những chiếc khẩu trang: “Tất cả chỉ là những chiếc khẩu trang, đến màu sắc cũng đơn điệu/ Trắng, xanh, và đen, những chiếc khẩu trang y tế/ Người người nhìn nhau nghi ngại: Chả biết nó là ai để mỉm cười/ Mà cũng cười chi nữa khi ai thấy ta cười/ Cứ việc thế mà sống thôi, vô cảm sau chiếc khẩu trang che tất cả” (Khi cả thế giới đeo khẩu trang).

image003.jpg -0
Cán bộ, chiến sĩ Công an xuống đồng gặt lúa giúp dân trong đại dịch COVID-19.

Nữ tác giả Mai Hoa rưng rưng khi nghĩ về những người lính tuyến đầu chống dịch: “Cầm hộp cơm lên/ Mưa chan chín phần còn một/ Đói mệt nhưng anh cố nuốt”. Những câu thơ gây xúc động đến nghẹn ngào như khi ta đang bưng bát cơm mà không nuốt nổi vậy. Nhưng đó mới chỉ là phần nổi của sự hy sinh, bác sĩ Vũ Quốc Tuấn trong bài thơ “Nếu anh không về” nhìn “cuộc chiến” ở một góc độ khác: xót xa, đượm buồn nhưng cũng vô cùng ấm áp qua lời dặn vợ của “người lính” trước khi đi vào “mặt trận”: “Nếu anh không về trong buổi chiều nay/ Em đừng buồn và lo âu quá nhé/ Nhớ đón con và động viên cha mẹ/ Bởi Tổ quốc cần anh chẳng thể ngồi yên”. Nhà thơ Trần Vũ Thìn bày tỏ sự trân trọng những hy sinh thầm lặng của chị em, những người phụ nữ chân yếu tay mềm nhưng ra trận trên vai còn có cả gánh nặng gia đình: “Nhớ chồng, nhớ con nỗi nhớ đằm sâu/ Nhưng cố quên tất cả vì người bệnh/ Dù bất kể mưa tuôn gió nắng/ Tiếng gọi từ lòng mệnh lệnh trái tim”.

Từ cơn cuồng phong của dịch bệnh do tự nhiên, Lê Thiếu Nhơn có một liên tưởng thú vị về “dịch bệnh lòng người”: “Các bệnh từ lòng tham hay căn bệnh từ tội ác/ Đám mây cũng lây nhiễm trên trời thói ích kỷ nhân gian”.

Nhìn chung, thơ về đề tài chống dịch thâm trầm, sâu lắng, đượm buồn. Đượm buồn cho những kiếp nhân sinh, đượm buồn cho những khó khăn, những hi sinh tổn thất của quân và dân ta nhưng trên hết vẫn là tình yêu thương dạt dào, là ý chí quyết thắng. Cuộc chiến tuy gay go ác liệt, xuất hiện nhiều tấm gương dũng cảm không ngại hiểm nguy vì hạnh phúc nhân dân, nhưng nhà thơ vẫn không thể viết bằng cảm xúc sử thi hào hùng, không diễn tả bằng không gian vũ trụ bởi nhà thơ đã đứng giữa cõi nhân gian, nơi những âm thanh và hình ảnh cuộc đời va đập. Ngay cả khi ca ngợi những tấm gương dũng cảm, đề cao sức mạnh dân tộc thì cảm xúc chủ đạo vẫn là trầm hùng, tha thiết. Bác sĩ Nguyễn Văn Trang đã có những câu thơ như thế: “Khi ta sống ta làm thầy thuốc/ Bất luận là gì phải giữ được cái tâm/ Muốn khi chết hóa thành cây cổ thụ/ Để cho đời thêm một bóng râm”.

2. Sứ mệnh của thơ

Có thể nói, qua đề tài dịch bệnh, ta thấy thơ không chỉ là chia sẻ, cảm thông, bộc bạch… mà thơ còn tiếp thêm động lực sống cho mỗi con người, thơ thổi bừng sinh khí của đất nước trong thời kỳ mới. Do vậy, thơ không thể né tránh, không nên né tránh những đau thương mất mát của con người trong cuộc sinh tồn. Chỉ có điều, thơ không đơn thuần phản ánh bằng những số liệu, những sự kiện thuần túy, những vấn đề chung chung một cách khô khan. Thơ cũng không được phép làm con người ta hoang mang, sợ hãi mà qua từng số phận, từng tình huống éo le trắc trở, thơ khơi gợi niềm cảm thương, thơ thổi vào đời niềm khát khao sống, tôn vinh sức mạnh của lòng nhân ái bao dung.

3. Sứ mệnh nhà thơ

Nhà thơ cần phản ánh cuộc chiến chống dịch qua lăng kính văn học. Nghĩa là nhà thơ phản ánh, truyền tải thông điệp qua hình tượng và ngôn ngữ văn chương. Muốn vậy, những đề tài được lựa chọn cần có chiều sâu nhân bản để nhà thơ dễ dàng đi sâu khai thác những cảnh đời, những số phận, những trận chiến quyết liệt nhiều hi sinh tổn thất nhưng cũng thể hiện được ý chí, nguyện vọng, tinh thần đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái, lòng yêu nước của người Việt…

Đã có hàng vạn bài thơ ra đời trong suốt gần 3 năm dịch bùng phát ở nước ta, tuy nhiên, hầu hết các tác phẩm mang tính phong trào, dấu ấn khẩu hiệu còn đậm nét, chất văn học chưa cao. Vậy, văn nghệ sĩ cần xác định những gì trong sáng tác để tác phẩm văn học vẫn giàu giá trị nghệ thuật nhưng vẫn bám sát hơi thở của thời đại.

Trong đại dịch, cái mà người ta cần ở văn nghệ sĩ nói chung, nhà thơ nói riêng là tác phẩm, bên cạnh đó còn là thái độ tích cực ngay cả trong hoàn cảnh tiêu cực, cùng nhân dân và Nhà nước vượt qua khủng hoảng. Chung quy lại, nhân dân cần ở nhà thơ những hành động thiết thực. Nhà thơ không được cho rằng mình nhiều chữ, nổi tiếng mà có những phát biểu thiếu chuẩn mực, thiếu thiện chí về công cuộc phòng chống dịch của xã hội.

Vai trò của văn nghệ sĩ trước hết là sáng tác, nhưng bên cạnh đó, với trách nhiệm công dân, văn nghệ sĩ cần gương mẫu tuân thủ những quy định của Đảng và Nhà nước. Văn nghệ sĩ có thể dùng ảnh hưởng cá nhân để tuyên truyền và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Có thể phản biện về phương pháp chống dịch nhưng cần đúng lúc, đúng nơi, đúng người tiếp nhận.

Trần Hữu Vinh
.
.