Chim bồ câu bay ở phương Đông!

Chủ Nhật, 18/08/2024, 09:50

Được mặc định là biểu tượng của hòa bình trên khắp thế giới đương đại nhưng trong bầu trời văn hóa cổ phương Đông, chim bồ câu có những đường bay khác lạ thể hiện những quan niệm, tư tưởng đáng chú ý.

Tận xa xưa, có lẽ xuất phát từ đặc trưng được dùng để đưa thư, mà thư thì gắn liền với niềm hy vọng, mong mỏi, đợi chờ; hơn nữa lại đưa thư chính xác, nhanh chóng nên chim bồ câu được coi là vật tượng trưng cho "cát tường", "bình an", "tín nghĩa". "Sơn Hải kinh", một trong những sách cổ nhất Trung Quốc đã ghi chép việc Tây Vương Mẫu sai "chim xanh" (bồ câu) đưa thư vào cung Hán Vũ Đế.

image001.jpg -0
Bồ câu trên tay Phật.

Cũng trong sách này có thuật những chuyện vợ chồng không hòa hợp, hay cãi cọ nhau thì nên nuôi chim bồ câu. Vì tập quán vợ chồng chim luôn bên nhau, hòa hợp, thân tình, quấn quýt không rời. Những âm thanh "cúc cu" gợi nên sự ấm áp như "cầm sắt hòa minh". "Cầm sắt" là đàn cầm và đàn sắt, hai loại nhạc khí thời cổ xưa, tương truyền do Phục Hy chế ra để thuận hòa khí âm dương, thuần khiết nhân tâm, chỉ cảnh vợ chồng con cái đầm ấm (Thê tử hảo hợp như cổ sắt cầm). Từ đấy chim bồ câu tượng trưng cho gia đình hạnh phúc.

Từ câu chuyện cổ "Giếng bồ câu" (nay ở thành phố Thạch Gia Trang, Hà Bắc, Trung Quốc) chép trong sách "Kỳ Phụ thông chí" kể: Thời Xuân Thu chiến quốc Hán Sở tranh hùng, Hán Cao tổ Lưu Bang bị Hạng Vũ truy sát nên trốn dưới cái giếng, quân lính đuổi đến thấy hai con chim bồ câu thanh thản, yên lành đậu trên miệng giếng, tưởng không ai dưới đó nên bỏ đi. Lưu Bang thoát nạn. Thế là từ đó bồ câu còn tượng trưng cho may mắn, bình an.

Chim bồ câu bay nhiều trong Phật thoại nhưng chưa vươn tới tư cách biểu tượng, chỉ như con thuyền để chuyên chở những giáo lý sang bên kia bến Giác.

Truyền thuyết về Đức Phật kể, một hôm, Đức Phật cùng Tôn giả Xá Lợi Phất đang tản bộ, bỗng xuất hiện một con chim ưng đuổi bắt con chim bồ câu. Bồ câu bèn bay đến núp dưới bóng Đức Phật nên thoát nạn. Bóng Phật rời khỏi chim, bóng Tôn giả phủ lên nó. Bồ câu bỗng lộ vẻ hoảng sợ. Ngài liền thưa với Phật: Vì sao chim núp bóng Người thấy an yên, nhưng dưới bóng con lại sợ hãi? Đức Phật đáp vì trong ông "tập khí" (tức những phiền não còn sót lại dai dẳng) chưa hết.

Đức Phật lại bảo Tôn giả xem nó bị đọa làm chim đã bao lâu rồi. Tôn giả thiền nhập định, rồi thưa: Con chim này bị đọa làm chim đã được 8 vạn kiếp, kiếp nào cũng làm thân bồ câu. Phật lại nói xem tương lai nó bao giờ mới thoát khỏi kiếp chim, để làm người trở lại. Lúc sau Tôn giả trả lời đệ tử chỉ nhìn thấy được 8 vạn kiếp nữa nó vẫn làm thân chim, còn bao giờ được làm người thì không rõ. Đức Phật thong thả nói: Con bồ câu này đời quá khứ đã phạm nhiều tội. Nó phải trải qua số kiếp làm thân chim nhiều như cát sông Hằng, mới được làm người…

Thông qua hình tượng chim bồ câu, câu chuyện toát ra ít nhất ba bài học: Một là, quan niệm về con người rất quý, quý vô cùng, như con bồ câu kia chỉ vì kiếp người có tội nên bị hóa kiếp chim. Muốn trở thành người phải mất mấy lần 8 vạn kiếp, còn phải trả tiếp các kiếp "nhiều như cát sông Hằng"… Thế nên những ai đang được làm người phải biết vô cùng trân quý chính con người mình, những người đẻ ra mình, giúp mình, cả những người xung quanh mình. Nhất là phải sống đích thực con người để kiếp sau vẫn được làm người. Còn không như con chim bồ câu kia, biết khi nào "hoàn kiếp"?

Hai là, rũ bỏ hết "tập khí" tham, sân, si rất khó. Như Tôn giả Xá Lợi Phất kia đi theo Phật, có tài nhìn thấu 8 vạn kiếp trước và sau của chim bồ câu, nhưng vì còn "tập khí" trong người nên không thể nhìn tiếp các đời "vị lai" (tương lai) của chim. Chỉ có Phật đã "vô thường" tuyệt đối, trong sáng tuyệt đối nên mới có thể nhìn thấu mọi kiếp trước sau của sinh linh.

Ba là, phải trở thành người tốt mới có thể che chắn, giúp đỡ được người khác. Mà muốn thành người tốt (như Đức Phật) phải biết hy sinh, biết buông bỏ, biết tu tập… Như Tôn giả Xá Lợi Phất dù tài giỏi nhưng chưa được là Phật vì trong người còn có "tập khí". Con người ta cũng vậy phải biết học tập, rèn luyện, biết bỏ qua tính xấu luôn tìm mọi cách níu nhân cách xuống sự thấp hèn…, mới có thể thành người tốt. Phật ở đây biểu tượng cho phạm trù lý tưởng để con người vươn tới, đạt tới.

Xin kể lại một thần thoại Phật có tên "Phật cắt thịt mình thế thịt chim bồ câu". Hôm ấy trời đẹp, ánh dương chiếu khắp, cảnh sắc tươi vui, Ðức Phật đi vào rừng bỗng gặp một con chim ưng lớn đuổi theo một con chim bồ câu. Chim bồ câu bay nhanh tới đậu bên cạnh Ngài để lánh nạn. Chim ưng nói: "Ngài thương mà muốn cứu sống bồ câu, chẳng lẽ để cho tôi chết đói. Như vậy Ngài không phải người tốt". Ðức Phật hỏi: "Ngươi cần gì để no lòng, ta sẵn sàng cung cấp". Chim đáp: "Tôi muốn ăn thịt". Ðức Phật liền rút con dao, thản nhiên cắt thịt nơi cánh tay mình đưa cho chim. Chim ưng chê ít không bằng thịt bồ câu. Ðức Phật lại xẻo thêm… Cắt đến tận xương vẫn không đủ thịt chim yêu cầu.

Chim ưng hỏi: "Ngài có hối tiếc khi hủy hoại cánh tay của Ngài không?". Ðức Phật trả lời: "Không. Hạnh nguyện của ta là cứu độ tất cả mọi chúng sanh thì một ít thịt nơi cánh tay có đáng gì!". Chim ưng mỉa mai: "Ngài nói nghe đạo đức quá mà không biết có thực tâm không?". Ðức Phật liền đáp: "Nếu lời nói của ta xuất phát từ sự chí thành thì mong thịt cắt khỏi cánh tay sẽ liền lại như trước". Vừa phát lời thề nguyền, cánh tay Ngài tức khắc lành lặn hồng hào như cũ…

image003.jpg -1
Tranh “Bạch điểu và tượng Quan âm”.

Câu chuyện minh họa cho giáo lý nhà Phật về cứu độ chúng sinh nhưng ý nghĩa của nó mang tính phổ quát rộng rãi hơn nhiều: Một là, sẵn sàng hy sinh cái nhỏ để phục vụ cho cái lý tưởng lớn lao. "Cứu độ chúng sinh" là lý tưởng lớn nhất của Phật thì hy sinh một ít thịt trên cơ thể mình cũng chẳng mấy băn khoăn. Con người ta cũng vậy, khi xác định cái lý tưởng lớn nhất của cuộc đời thì phải hy sinh cái nhỏ cũng là lẽ thường.

Hai là, Đức Phật thành tâm cứu chim bồ câu nên sẵn sàng cắt thịt mình cho chim ưng để bồ câu được sống. Đó là hành vi thương người, giúp người một cách cao nhất, tuyệt đối. Vì có gì quý hơn thịt da mình đâu. Đức Phật lấy cái quý nhất ấy để cứu một sinh linh hiền lành, bé bỏng. Hỏi còn gì cao thượng hơn thế!? Thì ra, hãy thương người, giúp người một cách chân thành (chí thành) nhất thì luôn gặp điều tốt đẹp, an lành, tránh được mọi tai ương.

Nhà Phật còn mượn hình tượng chim bồ câu để giáo dục đạo đức, qua một ngụ ngôn. "Kinh Bách Dụ" kể vợ chồng chim bồ câu nọ chăm chỉ, mùa thu tha về đầy tổ trái cây ngon để dành cho mùa đông. Thời gian trôi, những trái cây khô tóp lại còn nửa tổ, chim chồng nghi vợ ăn vụng bèn căn vặn, gây sự rồi nóng nảy đến mức mổ chết chim vợ. Hôm sau trời mưa, quả ngấm nước nở ra đầy tổ như cũ. Chim chồng bàng hoàng bấy giờ mới nhận thức ra rằng quả khô lại thì bé đi. Sự hối hận đã quá muộn màng.

Câu chuyện giáo dục gia đình vợ chồng phải biết yêu thương, tin nhau. Tình thương yêu và niềm tin là nền móng của ngôi nhà gia đình. Nền móng lung lay thì ngôi nhà, không chóng thì chầy, tất sẽ sụp đổ. Tương tự, cái gốc của nhân cách người là niềm tin. Cái gốc mục thì cây ắt sẽ đổ. Con người không có niềm tin tất sẽ có tính cách vũ phu phi nhân tính. Vì không tin vợ nên chim chồng mới hành động giết vợ. Không tin vợ dễ dẫn tới thói gia trưởng, thêm một chút nóng nảy không làm chủ được mình, những anh chồng vũ phu dễ gây ra tai họa. Cái quan trọng nhất của gia đình là giữ hòa khí, nhiều khi biết nín nhịn, biết "chín bỏ làm mười"…

Trong đời sống người Việt xưa chim bồ câu như là một loài gia cầm nuôi lấy thịt, nhưng không được yêu mến. Đó là loài vật tham ăn, biểu trưng cho tính cách dễ bị lôi kéo, dụ dỗ vì miếng ăn: "Thóc đâu bồ câu đấy". Là loài vật nhưng không có nhiều lợi ích, thậm chí phá hoại: "Muốn giàu nuôi trâu/ lợn nái/ Muốn lụn bại nuôi bồ câu". Có lý do là ngày xưa thóc gạo rất quý mà bồ câu thường ăn thóc. Nhiều khi chim hay lẻn vào nhà, tìm chỗ để thóc ăn vụng. Mái nhà xưa hầu hết lợp rơm rạ, là nơi để chim bới tìm thức ăn dẫn đến nhanh hỏng, dễ dột nát… Nhà nào giàu có "nhà ngói cây mít" mới nuôi chim bồ câu. Nhưng chim lại bay sang mái nhà láng giềng… Thế là ghét chim ghét lây sang người…!!!

Nguyễn Thanh Tú
.
.