Chiếc gùi bầu trời nắng tươi

Thứ Năm, 08/06/2023, 20:38

Lần nào đi qua Bảo Lộc (Lâm Đồng) tôi cũng phải dừng chân ngắm những cô gái hái chè. Trên vai họ đeo những chiếc gùi đựng búp lá tươi non. Đôi tay các cô gái thoăn thoắt như lướt trên nương chè xanh tỏa hương. Gió trên ngàn thổi tràn xuống dãy đồi chè cùng tiếng chim ríu rít hót vang. Những chiếc gùi nghiêng nghiêng trong sương mai mát lạnh.

Chúng bồng bềnh trong câu hát: “Chị gùi chiếc lá cỏ non/ Chị gùi nụ cười chênh vênh trên môi…” (''Chiếc gùi'' - Y Phôn Kso).

Mẹ gùi mùa màng, gùi cả cuộc đời

Với đồng bào Tây Nguyên những chiếc gùi được coi là bạn đường suốt cuộc đời mình. Chúng luôn bám trên lưng mọi người trong lao động và sinh hoạt tạo nên hình ảnh thân quen. Theo tập tục mẫu hệ, người con trai Tây Nguyên phải giỏi đan gùi mới được con gái bắt về làm chồng. Khi sang ăn hỏi người con gái cũng đeo gùi đầy những bó củi đẹp như một lời cầu hôn xứng đáng. Chàng trai nào càng đan được nhiều loại gùi càng được những cô gái để mắt tới. Họ thường tới nhà Rông để xem mặt và kiểm chứng tài đan lát của những người con trai.

Chiếc gùi bầu trời nắng tươi -0
Gùi củi về nhà.

Không kể là chiếc gùi hoa đan bằng mây và tre cứng cáp mà các cô gái còn để ý cả tới chiếc gùi lên rừng săn thú của chàng trai. Đó là những chiếc gùi đựng dao nỏ, cung tên cùng cây sáo hay tù và khi đi săn. Sự khéo léo tài hoa của người con trai đều thể hiện trên mỗi nét hoa văn và sự chau chuốt của từng chiếc nan đan trên gùi mây. Họ phải biết đan nhiều loại gùi khác nhau. Nào là gùi đi chợ, gùi lên nương rẫy, gùi đi củi; nào là gùi lấy nước, hay gùi đi lễ hội, biểu diễn văn nghệ…

Không ít các gia đình đã dùng gùi lớn như một cái tủ đựng quần áo sạch và cất những đồ vật quý. Thôi thì đủ các kích cỡ, thân tròn, thân dẹt hợp với từng lứa tuổi. Dấu ấn sâu đậm hình ảnh chiếc gùi gắn bó với người phụ nữ như một phần của cơ thể. Nhạc sĩ kiêm ca sĩ Y Cel Nie (Ban Mê) đã cất tiếng hát về mẹ: “Chiếc gùi tre, gùi tre bóng đen, ngàn đời bám trên lưng người đàn bà Ê Đê. Như là thân thể, tổ tiên xưa để lại…”.

Chính vì thế chiếc gùi được coi là sản vật văn hóa đậm sắc màu Ba zan và đời sống tâm linh của người Tây Nguyên. Đặc biệt với lễ bến nước, hay cúng thần lúa thì người Ê Đê luôn đặt một chiếc gùi hoa đựng đồ cúng ngay bên bàn thờ. Khi cúng bến nước phải có bảy người phụ nữ mang gùi múa trước bàn lễ. Riêng người Mạ có tục người phụ nữ thường đẻ con bên ngoài. Khi đứa bé được tám ngày mới được làm lễ rước bằng gùi về nhà. Riêng con gái trong lễ này phải có chiếc gùi hoa cùng bộ khung dệt thổ cẩm nhỏ xinh.

Nhưng thực ra đối với cuộc đời người phụ nữ, chiếc gùi như một biểu tượng minh chứng cho sự kham khổ vất vả của một đời người. Tới khi kiệt sức nằm xuống, bên mộ người phụ nữ thường được bày một chiếc gùi cũ đã dùng. Thi sĩ Nguyễn Đình Hoài Việt đã truyền cảm nỗi xót xa ấy qua một áng thơ: “Buôn làng hoang vắng mưa sa/ Khóc thương một đóa hồng hoa lìa đời/ Bên đường nấm mộ đơn côi/ Cái gùi còn đó bóng người còn đâu?” (Chiếc gùi sơn nữ).

Bến nước phận người

Có lần tôi may mắn được gặp anh Vinh người quản lý sinh hoạt văn hóa làng Plei Op (làng Op) phường Hoa Lư, thành phố Pleiku. Khi đó anh cùng những cô gái Jrai đang tập một điệu múa gùi cho ngày hội làng. Tôi được anh Vinh đưa lên nhà Rông cùng với những chiếc gùi treo trên vách như một bức tranh sắp đặt thật vui mắt. Bất chợt có tiếng hát của ai đó vang lên phía sau vách gỗ. Đó là bài hát “Chiếc gùi” của nhạc sĩ Y Phôn Ksor.

Anh Vinh nói bài hát là bản thánh ca về chiếc gùi. Giai điệu bồi hồi cất lên khi nhạc sĩ Y Phôn trở về thăm quê nhà. Anh thấy chiếc gùi của chị mình đã bao ngày được mẹ cõng lên nương và ra bến nước vẫn treo trên tường gỗ. Cuộc đời của người chị lại tiếp tục với chiếc gùi như mẹ. Chiếc gùi gắn bó với bao niềm vui và nỗi buồn của người phụ nữ Tây Nguyên như thế.

Lời ca rung ngân. Chúng tôi cùng lắng nghe. Một giai điệu sâu nặng thâm tình: “Chị gùi tiếng trống/ Chị gùi tiếng chiêng/ Chị gùi bến nước ngày xưa/ Chị là tuổi xuân chị là trăng tròn/ Gót mòn đôi chân/ Chị gày gò…”. Rồi đột ngột lời ca như một nút kết cho hình ảnh người phụ nữ: “Nghẹn ngào tiếng nói/ Nghẹn ngào tiếng cười/ Trên lưng chị suốt đời/ Chiếc gùi không nói/ Long đong phận người”. Chúng tôi cùng lặng đi trong tiếng hát như nấc lên tiếng khóc nghẹn từ tâm hồn người ca sĩ. Đúng như nhạc sĩ trẻ Y Cel Nie đã chia sẻ về “Chiếc gùi của mẹ” với hình ảnh: “Ôi chiếc gùi tre, cái bóng đen bám trên lưng mẹ làm sao con quên”. Đó là sự đồng cảm về thân phận đời người phụ nữ qua hình ảnh chiếc gùi đã truyền qua nhiều thế hệ của đồng bào Tây Nguyên.

Tuy vậy, chiếc gùi luôn là niềm an ủi và đầy kiêu hãnh trong cuộc sống mưu sinh và đấu tranh với sự sống còn với thiên nhiên khi được Y Phôn ngợi ca: “Chị gùi tiếng hát/ Chị gùi lời Khan/…Trên lưng gùi gió đỏ/ Chiếc gùi bầu trời nắng tươi/ Đầu trần đội nắng/ Đung đưa nghiêng chiều”. Chiếc gùi là dấu ấn văn hóa sâu nặng nhất của các dân tộc trên vùng núi dẫy Trường Sơn đại ngàn này. Những năm tháng chiến tranh, đồng bào Tây Nguyên nô nức dùng gùi cõng lương thực, vũ khí và thuốc men cho các chiến sĩ Trường Sơn. Khi đó chiếc gùi là phương tiện hữu hiệu của người phụ nữ Tây Nguyên đóng góp cho sự nghiệp giải phóng đất nước.

Chiếc gùi bầu trời nắng tươi -1
Những người đan gùi.

Lần này lên Pleiku chúng tôi còn có dịp tới vườn tượng của nghệ nhân KSor HNao tại làng Kép, phường Đống Đa. Ông là người đục tượng nhà mồ nổi tiếng một thời. Nay nghệ nhân dựng nhiều tượng các thể tài sinh hoạt cộng đồng đều mang âm sắc Tây Nguyên đại ngàn. Đặc biệt, ông có tài đục những tượng phụ nữ người Jrai nhiều sắc thái khác nhau cùng với chiếc gùi trên lưng.

Khi tới vườn tượng chúng tôi choáng ngợp trong một không gian đầy ắp những cảm xúc hoang mạc cổ phong. Đâu đâu chúng tôi cũng gặp những đôi mắt Tây Nguyên thăm thẳm nỗi niềm. Bên cạnh những tượng cô gái đeo gùi trên lưng là những cặp tình nhân đang bày tỏ yêu thương. Đây đó những bầu nước và cặp nồi đồng bên những chiếc gùi. Hay kia là hình ảnh hai bầu vú mẹ trên cầu thang nhà sàn. Rồi cả một đàn chim cùng quạ và chèo bẻo bằng gỗ trò chuyện qua những con gió đung đưa.

Nghệ nhân KSor HNao đã thổi hồn vào những góc cạnh ghồ ghề sương khói qua những dáng vẻ khác nhau. Ông kể những bức tượng nhà mồ là một kho tàng nghệ thuật dân gian trở thành báu vật của người Tây Nguyên. Những bức tượng gắn bó với đời sống tâm linh của các dân tộc như Jrai, Ba Na, Kho, Ê đê… giống như hình ảnh chiếc gùi vậy. Nghệ nhân KSor HNao bất ngờ chỉnh lại tiếng chiêng để cùng những cô gái đeo gùi cất tiếng hát: “Đung đưa đung đưa. Xích gùi đung đưa Hren lên rẫy/ Ôi con đường đất đỏ. Ôi mặt trời nắng đỏ/ Bạt ngàn cao su, bạt ngàn cà phê, một trời âm thanh, một rừng hương say lộng gió…” (''HRen lên rẫy'' - Nguyễn Cường)

Đôi bàn tay đan 60 mùa rẫy

Lần về Đức Trọng (Lâm Đồng) người kể nhiều chuyện về chiếc gùi cho chúng tôi nghe chính là nhà văn Ninh Thế Hùng (Hội Văn nghệ Lâm Đồng). Nhà văn cho biết ở thôn Prê xã Phú Hội có già làng Ya Hiêng là một pho sử sống về nghệ thuật của người Chu Ru. Ông say mê và gắn bó cuộc đời mình với những chiếc gùi. Bàn tay chai sần của già làng Ya Hiêng đã làm nên hàng ngàn chiếc gùi cho dân làng quanh vùng. Ông thường cùng vợ chung tay đưa từng chiếc nan vào khuôn gùi. Ông nói đó là cái duyên và còn là cái hồn Chu Ru thắm tình trao gửi vào từng đường nan óng mượt.

Cho dù nay đã có những chiếc gùi sắt và nhựa trên những nẻo chợ bản làng nhưng bao giờ người Chu Ru hay người Kho vẫn chọn những chiếc gùi mây nõn nà xinh xắn. Đó là chiếc gùi trên vai cô gái Kho đung đưa theo giai điệu bay bổng trên núi rừng Tây Nguyên. Ca sĩ Bonneur Trinh luôn biểu diễn với chiếc gùi của mẹ trao khi vào tuổi trăng rằm. Chị ví von trong lời ca: “Em lên nương mang gùi trên vai như hoa trên đồi Lang Biang”. Giọng hát Bonner ngọt như nước suối Đăm Bri. Chiếc gùi đựng những bầu nước long lanh từ ngọn thác chảy về tỏa hương hoa anh đào bay lên thơm ngát rừng xanh.

Chung Tử
.
.