Chàng shipper mê tiếng Pháp trở thành dịch giả

Thứ Ba, 15/08/2023, 14:16

Nhà xuất bản (NXB) Phụ nữ vừa ấn hành tiểu thuyết "Con gái" của nữ nhà văn Camille Laurens - một tiểu thuyết gia đương đại nổi tiếng bậc nhất ở Pháp, chủ nhân của hàng chục giải thưởng văn học danh giá. Theo thông tin trên bìa của bản tiếng Việt, tiểu thuyết "Con gái" do một người có tên viết tắt là J.B dịch.

Theo tìm hiểu của phóng viên, J.B là bút danh của chàng shipper mê tiếng Pháp từng nổi tiếng với clip nói tiếng Pháp với nhà văn Marc Levy ở đường sách Nguyễn Văn Bình (TP. Hồ Chí Minh) khi nhà văn này có dịp trở lại giao lưu, ra mắt sách tại Việt Nam hồi cuối năm 2022.

Nhà văn Marc Levy có nhiều tác phẩm được dịch sang tiếng Việt như "Nếu em không phải một giấc mơ", "Kiếp sau" … và đã có lần đến Việt Nam giao lưu vào năm 2008. Ông trở lại Việt Nam hồi tháng 11/2022 theo lời mời của đạo diễn Việt Linh để xem vở kịch "Mọi điều ta chưa nói" được đạo diễn Việt Linh mua bản quyền và chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên rất nổi tiếng của ông.

Trong buổi giao lưu của nhà văn Marc Levy ở đường sách Nguyễn Văn Bình (TP. Hồ Chí Minh), một nam thanh niên mặc chiếc áo cam đồng phục shipper đã đứng lên đặt câu hỏi cho nhà văn bằng tiếng Pháp khi phần giao lưu vừa bắt đầu. Đó chính là Huỳnh Hữu Phước. Lúc đó, chàng shipper đã hỏi nhà văn rằng: "Trong tiểu thuyết "Ngày đầu tiên và Đêm đầu tiên" những tình tiết sâu sắc rất được săn đón. Ông đặt câu hỏi về nguồn gốc của vũ trụ, niềm tin, vậy xin mạn phép hỏi, ông có được những kịch bản tinh tế như vậy ở đâu? Nguồn cảm hứng của ông là từ đâu?".

1.jpg -0
Chàng shipper Huỳnh Hữu Phước trong buổi giao lưu với nhà văn Marc Levy tại đường sách Nguyễn Văn Bình (TP Hồ Chí Minh) tháng 11/2022.

Không chỉ nhà văn Marc Levy và những người có mặt trong buổi giao lưu hôm đó đều bất ngờ, mà sau đó clip này đã gây "bão" khi lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, chàng trai Huỳnh Hữu Phước được nhiều người biết đến. Qua báo chí và mạng xã hội, mọi người mới biết Huỳnh Hữu Phước đã học tiếng Pháp từ nhỏ, từng là sinh viên khoa tiếng Pháp - Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, nhưng do biến cố đặc biệt của gia đình đã phải bảo lưu kết quả, tạm dừng việc học từ giữa năm học thứ 3 để bước vào con đường mưu sinh.

Trải qua nhiều công việc, Phước trụ lại với công việc làm shipper cùng với chiếc xe cub cũ và nuôi mong ước có ngày được trở lại giảng đường hoàn thiện chương trình học còn dang dở. Câu chuyện về shipper chân phương dễ mến, nói tiếng Pháp lưu loát nhưng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, từng mắc bệnh trầm cảm với những suy nghĩ tiêu cực khiến nhiều người xúc động. Sau đó, nhờ sự lên tiếng của Báo Thanh niên, cộng đồng đã chung tay giúp đỡ để Huỳnh Hữu Phước có đủ tiền đóng học phí, trang trải cuộc sống và quay trở lại giảng đường.

Thời gian phải rời giảng đường để mưu sinh tuy rất vất vả, Phước thường xuyên phải làm việc với cường độ 10-12 tiếng/ngày, nhưng lúc nào trong hành trang của Huỳnh Hữu Phước cũng có sách, tài liệu tiếng Pháp để tranh thủ đọc, học trong thời gian trống giữa các đơn hàng. Trước hôm có buổi giao lưu với nhà văn Marc Levy, shipper Huỳnh Hữu Phước đã ghé hiệu sách cũ quen thuộc trên đường Trần Nhân Tôn (Quận 5) và mua được 2 cuốn sách cũ nguyên bản tiếng Pháp của ông. Khi biết có buổi giao lưu với nhà văn Marc Levy ở đường sách Nguyễn Văn Bình, Phước hào hứng chạy về nhà lấy sách rồi đến đường sách chờ từ sớm. Kết thúc buổi giao lưu, Phước lại bật app với công việc quen thuộc của mình. Trở về nhà khi trời đã khuya, Phước còn không biết hình ảnh mình đã được cộng đồng mạng lan truyền mạnh mẽ.

Chàng trai Huỳnh Hữu Phước ngoài tình yêu đối với tiếng Pháp còn có tình yêu đặc biệt đối với văn chương, với sách ngoại văn. Chính vì thế khi "Con gái" - tác phẩm dịch đầu tay của mình được xuất bản, Phước không giấu được niềm vui và có thêm động lực trong việc học tiếng Pháp cũng như nuôi dưỡng tình yêu văn chương. Em cũng hi vọng sau này có thể tìm kiếm, tiếp cận được những tác phẩm hay từ tiếng Pháp để chuyển ngữ sang tiếng Việt.

Huỳnh Hữu Phước tâm sự: "Em đến với tác phẩm này thực sự như một cơ duyên. Cuối năm 2021, sau khi khỏi COVID -19, em xuất viện thì một người chị mà em trò chuyện văn chương cùng ngỏ ý hỏi em có muốn dịch quyển này không? Ban đầu em hơi e dè một chút vì bản thân chưa có nhiều kinh nghiệm dịch thuật, với lại dịch sách một văn sĩ đương đại như Camille Laurens không phải dễ với em. Nhưng sau khi được chị khích lệ, em cũng gắng thử sức. Trong quá trình dịch, khó khăn nhất là em phải vừa giao hàng mưu sinh vừa dịch sách, cũng khá stress. Nhưng vì đam mê đã trở thành một động lực vô hình. Thời ấy, em vừa khó khăn về vật chất lẫn tinh thần vì em phải điều trị rối loạn lo âu lưỡng cực, nhưng cuối cùng nhờ sự giúp đỡ của người chị đó và ban biên tập, chúng em đã hoàn thành được tác phẩm đầu tay này".

Lý do Huỳnh Hữu Phước không lấy tên thật của mình đề trên sách hay chọn một bút danh khác mà đề tên dịch giả là J.B vì đây là 2 từ viết tắt trong tên thánh của em: Gioan Baotixita (tiếng Pháp: Jean le Baptiste). Phước cho biết, ngoài cái tên được ba mẹ đặt cho, thì cái tên này có ý nghĩa rất quan trọng với em. Trả lời câu hỏi của phóng viên: "Điều em cảm thấy thú vị nhất khi dịch tác phẩm "Con gái" của Camille Laurens là gì?", chàng trai trẻ Huỳnh Hữu Phước không ngần ngại chia sẻ: "Cuốn sách này khiến em có những cảm xúc mạnh mẽ: tức giận, thất vọng, ghê tởm, giận dữ, bất lực, khó hiểu. Em cảm thấy muốn la hét, mắng mỏ, thậm chí là... khóc. Độc giả sẽ nói đây là một cuốn sách buồn, nhưng không hoàn toàn như vậy, bởi vì trong tất cả nỗi đau cũng có vẻ đẹp và một chút hi vọng. "Con gái" vẽ nên một bức chân dung đầy sức sống về chủ nghĩa phân biệt giới tính đã bị tầm thường hóa và được chấp nhận trong tâm tưởng nhân loại từ rất lâu và vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Cuốn sách này là bản tóm tắt tất cả những sự phân biệt giới tính và những bất công mà một người phụ nữ phải đối mặt lúc này hay lúc khác trong đời…".

Có thể nói, lần xuất hiện gây "bão" ở buổi giao lưu với nhà văn Marc Levy hay trở thành dịch giả với tác phẩm "Con gái" của nhà văn Camille Laurens đều là cơ duyên tốt đẹp em có được từ tiếng Pháp và tình yêu với văn chương. Huỳnh Hữu Phước xúc động cho biết: "Sự giúp đỡ của cộng đồng đã giúp em cải thiện cuộc sống, đặc biệt được an tâm quay trở lại giảng đường đại học. Hiện tại em đang hoàn thành chương trình học tại Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh và vẫn đi làm thêm những công việc tự do. Tuy nhiên, em dành phần lớn thời gian cho việc học, nghiên cứu với mong muốn đạt được kết quả tốt nhất để không phụ lòng thầy cô, bạn bè và những người tốt bụng trong cộng đồng đã nâng đỡ, tiếp sức cho em. Em cũng mong tác phẩm dịch đầu tay sẽ được nhiều người đón nhận và đem lại những trải nghiệm thú vị cho bạn đọc. Đồng thời qua việc dịch tác phẩm này em cũng hi vọng góp tiếng nói nhỏ bé của mình về sự bình đẳng giới, hướng đến một xã hội văn minh...".

Nhà văn Camille Laurens tên thật là Laurence Ruel-Mézières, sinh năm 1957 là một tiểu thuyết gia đương đại nổi tiếng nhất ở Pháp với nhiều giải thưởng văn học danh giá như Prix Femina, Prix Renaudot dé Lycéens và Le Prix Bourgogne. Tác phẩm của bà đã được dịch ra 30 thứ tiếng, được chuyển thể thành kịch, phim và hiện bà là thành viên hội đồng giám khảo Prix Gontcourt. Những tác phẩm của bà đặt ra câu hỏi về mối quan hệ giữa văn học và sự thật, đồng thời tiến gần hơn đến thể loại "écriture de soi" (tự truyện).

2.jpg -0
Tác phẩm "Con gái" của Camille Laurens do Huỳnh Hữu Phước dịch.

Với tác phẩm "Con gái" (Fille), thông qua nhân vật chính là Laurence Barrqué - người đối diện với những thay đổi trong xã hội Pháp suốt 40 năm, tác giả đã lật mở số phận của những người phụ nữ. Tài năng văn chương đã giúp bà miêu tả sắc sảo những khoảnh khắc tuổi thơ ảnh hưởng tới sự trưởng thành sau này và phân tích một cách tinh tế, rõ ràng về trải nghiệm của phụ nữ trong một xã hội phân biệt giới tính.

Nữ nhà văn Camille Laurens đã sử dụng 3 ngôi kể nhằm mô tả, nhấn mạnh những suy nghĩ, cảm xúc và sự chuyển đổi từ một cô gái sang một phụ nữ. Điều này giúp thể hiện một cách chân thực và độc đáo trải nghiệm của phụ nữ trong thế kỷ 20-21. Theo đánh giá của các nhà phê bình, Camille Laurens trở thành một đại diện cho câu chuyện cuộc đời của vô số phụ nữ.

Nguyệt Hà
.
.