Cây lềnh si đứng đợi

Chủ Nhật, 22/01/2023, 08:41

Trước cổng nhà mỗi người dân Tênh Phông quê tôi đều trồng một cây lềnh si. Cuối tháng Chạp, thời tiết càng rét, hoa lềnh si càng chen chúc nở dày, ban đầu đỏ rực, sau một đêm thì ngả màu đỏ thẫm như vết thương chưa kịp liền sẹo, giữa nền trời âm u mây mù và mặt đất sam sam băng giá. Ấy là lúc sau một chuyến thiên di khắc nghiệt, đàn chim voan nắng khấp khởi trở về, đậu trên chót vót cành cao, thiết tha gọi Tết...

Bản nằm lọt thỏm giữa thung lũng hình cánh võng, nơi mặt trời muốn ghé thăm phải rón rén bước qua những dãy núi đá đen sừng sững. Mùa đông, rẻo đất này dường như bị ánh sáng bỏ quên khiến không gian đùng đục màu nước vo gạo pha loãng và cái rét thì được chuốt sắc lẹm như sợi cật nứa cứa trên da thịt. Phải chăng vì thế mà cây lềnh si đã gom hết khát vọng sinh sôi, cháy lên kiệt cùng cho một mùa hoa đỏ. Sắc đỏ bung tràn hòa vào trong gió, đón vía tổ tiên về đúng cổng nhà và nhắc đường cho những đôi chân đang mải mê phiêu bạt chốn xa rằng Tết đã về trên gác bếp!

Nhớ những ngày cuối Chạp đã xa, vùi sâu hạt ngô trên nương đá xong, mẹ thường gọi mấy chị em ra thềm nhà, tỉ mẩn bắt chấy rồi nấu nước cánh hoa lềnh si gội đầu cho từng đứa. Mùi nước cánh hoa thơm ngòn ngọt đến mê hoặc, tưởng như dưới suối tóc mềm là một chậu mật ong sóng sánh. Mẹ bảo, trước Tết, phải gội rửa cho bằng sạch đau buồn, đen đủi năm cũ để con ma lạc không còn chỗ bám vào. Sau này, khi những chai dầu gội đủ nhãn mác, kiểu dáng tràn về bản, mẹ vẫn giữ thói quen gom cánh hoa lềnh si, treo từng chùm đung đưa trên gác bếp ám đen bồ hóng, làm của để dành cho những mùa hoài niệm...

Người già trong bản bảo, cây lềnh si nhà ai nở hoa nhiều nhất, đỏ nhất thì gia chủ năm ấy đón Tết ấm áp nhất, sung túc nhất. Vậy mà, những mùa hoa cháy rực trước cổng chưa bao giờ mang lại niềm vui và tiếng cười trong ngôi nhà nhỏ bạc màu năm tháng này. Từ ngày bố xuống núi, mỗi cái Tết gõ cửa, mẹ lại ra đứng bên gốc lềnh si, ngóng về phía con đường hình ruột dê ngoằn ngoèo, tít tắp. Người ta đồn thổi rằng, bố đã có người đàn bà khác. Và những cánh lềnh si tầm tã rụng đầy như muốn hát: “Người đi không nhớ nhớ/ Người ở đừng mong mong/ Sợi tóc thề xuân ấy/ Theo gió chiều đi rong...”. Tất niên, thấy nhà người ta đoàn tụ vui vầy, không kìm nổi, mẹ ôm hai chị em tôi vào lòng, lặng lẽ khóc. Cũng từ đó, Tết trong ký ức tôi là đôi mắt buồn vời vợi của mẹ như cánh lềnh si đẫm sương cuối mùa rơi rụng. Giá mà Tết không đến, không khí còn đỡ ảm đạm hơn. “Mùng Một Tết bếp, mùng Hai Tết nhà, mùng Ba Tết cây”. Nhà nghèo nên Tết chẳng dám ở lâu. Mùng Ba Tết, chị tôi xuống thành phố làm thuê và tìm bố. Tiễn chị ra cổng, mẹ nhổ một sợi tóc chị, buộc vào búi gai trên thân cây lềnh si để dặn chị, đôi chân dù có đi xa chín núi, mười đèo thì cái đầu cũng không được phép quên con đường về bản.

Tết năm sau, chị vẫn nhớ đường về nhưng tâm hồn chị đã bị lạc mất giữa thành phố xô bồ, tấp nập. Mẹ nấu cho chị một nồi nước đượm màu cánh mối thơm lừng bằng những chùm hoa lềnh si ủ gác bếp lâu ngày. Khi mẹ lom khom trong chái bếp, chị lén đổ chậu nước còn bốc hơi nghi ngút đi và thoa lên mái tóc mình thứ dầu gội đầu đóng chai nhiều bọt. Chị về ngồi bên mâm cơm Tết chưa ấm chỗ thì đã vội đi. Tiễn chị ra cổng, mẹ không nói gì. Đợi chị đi khuất sau con dốc, mẹ lẳng lặng nhổ một sợi tóc bạc của mẹ và một sợi tóc đen của tôi, nối vào nhau rồi quấn nhiều vòng lên búi gai lềnh si, buộc chặt.

Bố đi biền biệt. Chị lấy chồng hun hút miền xuôi. Năm hết, Tết đến, mẹ chẳng còn ra đứng bên gốc lềnh si mà chờ, mà ngóng. Đúng Ba mươi Tết, cây lềnh si bất chợt bùng lên ngọn hoa lửa khổng lồ thắp sáng cả khoảng trời xám xịt. Hương hoa theo gió tràn từng đợt qua kẽ nứt vách nhà, buồn thổn thức. Tôi ngồi bắt chấy cho mẹ bên bếp lửa hồng dậy mùi nồi nước cánh hoa ngào ngạt, đếm từng sợi tóc bạc của mẹ qua bao mùa tần tảo trèo đèo nhặt củi, leo núi tra ngô. Sáng hôm sau, mở cửa đón năm mới, cánh lềnh si trải thảm trước sân nhà. Trên cây chỉ còn sót lại duy nhất một bông lung linh như phát ra ánh sáng...

Cây lềnh si cứ âm thầm đứng đó, nhắc đường cho những đôi chân tha hương tìm về với bản, về với căn nhà mùa xuân thơm ngọn khói lam tuyền, về với tiếng kèn lá gọi tình yêu qua bờ rào đá... Mẹ vẫn bón tro giữ ấm gốc cây mỗi chiều rét mướt. Gần hết tháng Chạp, bầy chim voan nắng luôn kịp hẹn bay về, đậu trên cành lềnh si cao nhất, thi nhau gieo những giọt âm thanh dịu dàng, trong trẻo...

Phan Đức Lộc
.
.