Cây cọ được chúa cầm tay
Người chơi tranh và người vẽ tranh đôi khi hình thành quan hệ đặc biệt, như trường hợp tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng và họa sĩ Phạm Lực đã làm "anh em kết nghĩa". Cuốn sách "Cây cọ được Chúa cầm tay" của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng là thái độ tri ân được người chơi tranh dành cho người vẽ tranh.
Người chơi tranh ở Việt Nam hiện nay rất đa dạng và phong phú, có người xem như một kênh đầu tư, có người xem như một thú vui sưu tập. Thậm chí, có người chơi tranh đã mở luôn bảo tàng tư nhân. Đời sống kinh tế khá giả hơn, người chơi tranh cũng nhiều hơn, vì điều kiện vật chất và năng lực thẩm mỹ đều nâng lên. Chứng kiến đội ngũ người chơi tranh càng ngày càng đông đảo, một nhà phê bình đã lý giải hóm hỉnh: "Tốc độ xây dựng nhà cửa chóng mặt như vậy, hàng triệu mét vuông tường không lẽ để trống không?".

Trong sự chuyển biến đáng mừng ấy, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng (nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) bộc bạch: "Tôi là một người chơi tranh, nhưng chủ yếu là chơi tranh của họa sĩ Phạm Lực. Đối với tôi, tranh của anh rất đẹp, rất Việt Nam và có sức hút kỳ lạ. Ở đời, rất nhiều thứ mới nhìn thì thấy đẹp, nhưng nhìn mãi thấy quen, thấy bình thường. Tranh của họa sĩ Phạm Lực thì lại khác, mới nhìn thấy đẹp, càng nhìn càng thấy đẹp. Quả thực, tranh của anh là những bức tranh gây nghiện".
Và tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng trở thành một người chơi tranh đặc biệt, khi ông ở tuổi 70 vừa xuất bản cuốn sách "Cây cọ được Chúa cầm tay" viết về người vẽ tranh Phạm Lực. Xin nói thêm, tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng là một nhà khoa học yêu nghệ thuật, đồng thời ông là con rể của nhà thơ Định Hải.
Với cuốn sách "Cây cọ được Chúa cầm tay" dày hơn 200 trang, được in ấn công phu, tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng tỏ ra khiêm nhường: "Tôi viết cuốn sách này để tri ân họa sĩ Phạm Lực, người anh kết nghĩa thân thiết và tài hoa của tôi. Mục đích chính của cuốn sách là để kể câu chuyện về cuộc đời và nghiệp vẽ của anh Phạm Lực. Những phân tích đánh giá về các tác phẩm của anh Phạm Lực chỉ phản ánh góc nhìn và cảm nhận của một người chơi tranh, không phải một chuyên gia nghệ thuật".
Người vẽ tranh khiến tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng phải động bút là ai? Họa sĩ Phạm Lực năm nay 82 tuổi, là một nhân vật được trọng vọng trong giới mỹ thuật Việt Nam đương đại. Họa sĩ Lê Thiết Cương ở góc độ chuyên môn, chia sẻ về họa sĩ Phạm Lực: "Có người đi xe, có người đi tàu trên con đường nghệ thuật, còn Phạm Lực là người chân trần chạy bộ. Tranh của ông tự nhiên, không màu mè, xã giao, làm dáng, không xúng xính kỹ thuật, phấn son trang điểm. Hội họa của Phạm Lực là cỏ dại đồng hoang, là rơm rạ chứ không phải vườn hoa, không phải là cây cảnh, hòn non bộ cắt tỉa sắp đặt gọn gàng. Bút pháp của Phạm Lực nhiều trực cảm, nhiều trực giác".
Nguyên nhân khiến họa sĩ Phạm Lực được gọi là "Cây cọ được Chúa cầm tay", xuất phát từ kỷ niệm riêng tư của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng. Một người bạn quốc tế của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng là cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khi xem các bức tranh "Nữ dân quân chở con", "Phố cổ", "Thiếu nữ khỏa thân" của họa sĩ Phạm Lực, đã thốt lên: "Không, không phải ông Phạm Lực vẽ, mà là Chúa vẽ. Đây là những bức tranh do Chúa cầm tay ông Phạm Lực vẽ".
Một người bạn khác đã củng cố vững chắc hơn cho tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng về khái niệm "cây cọ được Chúa cầm tay", đó là ông Thomas Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam của Đại học Harvard, với nhận định: "Những bức tranh đẹp nhất của họa sĩ Phạm Lực là ở đẳng cấp thế giới, không thua gì tranh của Van Gogh và Picasso đâu. Thực ra, 60-65% tranh của họa sĩ Phạm Lực là tranh đẹp có thể trang trí ngôi nhà của bạn, 20-25% là những tác phẩm hội họa đẳng cấp cao, 7-10% là kiệt tác ở đỉnh của thế giới".
Tuy nhiên, quan hệ giữa tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng và họa sĩ Phạm Lực không đơn thuần là quan hệ giữa người chơi tranh và người vẽ tranh. Trong cuốn sách "Cây cọ được Chúa cầm tay", tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng minh định: "Nhờ hồng phúc tổ tiên, tôi đã được gặp khá nhiều may mắn trong cuộc sống. Một trong những may mắn lớn nhất là được gặp và kết nghĩa anh em với họa sĩ Phạm Lực. Nhờ anh, tôi đã có được một bộ sưu tập tranh vô cùng quý giá. Nhờ anh, tôi đã có được một đời sống tinh thần phong phú hơn. Và nhờ anh, tôi đã được tận hưởng sự thăng hoa tinh khiết của mỹ cảm".
Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng và họa sĩ Phạm Lực gặp nhau lần đầu tiên năm 1997, ghi dấu bằng bức tranh đầu tiên được giao dịch với giá 50 USD. Từ đó đến nay, lúc thì mua lúc thì tặng, tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng đã có một bộ sưu tập tranh Phạm Lực. Tính chi li theo thị trường mỹ thuật hiện tại, tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng đang sở hữu một tài sản không hề nhỏ.
Lẽ thường, người chơi tranh luôn có cách cảm thụ của họ. Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng hoàn toàn không mông lung trước mỗi tác phẩm của họa sĩ Phạm Lực. Ví dụ, ông phân tích: "Bức tranh "Chợ cá ven sông" làm gợi lên cảm giác về sự nhộn nhịp và sôi động đặc trưng của cuộc sống ven sông. Tác giả sử dụng màu sắc rực rỡ và những nét vẽ mạnh mẽ, phóng khoáng để mô tả không gian chợ cá náo nhiệt với đầy màu sắc. Cảnh chợ cá được miêu tả thông qua sự hòa quyện giữa đất và nước, với bến thuyền ở một bên và một bên là bãi chợ. Những phản chiếu màu sắc trên mặt nước tạo nên hiệu ứng gần như ảo giác, phản ánh sự chuyển động và nhịp đập của cuộc sống hàng ngày".

Tương tự, với bức tranh "Ngư dân đánh cá", tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng phát hiện: "Theo chuẩn mực điển phạm thì ở vị trí trung tâm của bức tranh, nhân vật phải được vẽ chính diện, nghĩa là không thể vẽ nhân vật quay lưng về phía người xem. Thế nhưng để thể hiện cuộc mưu sinh vất vả, nặng nhọc của những người ngư dân, anh Phạm Lực lại vẽ lên đó một tấm lưng trần và cánh tay to ngoại cỡ. Bức tranh có vẻ sai chuẩn mực điển phạm, nhưng lại rất đúng về mặt biểu cảm. Nó mô tả thật chính xác và với một sự hài hước nhẹ nhàng công cuộc mưu sinh của những ngư dân trên biển".
Người yêu tranh là "anh em kết nghĩa" với người vẽ tranh, thì cuộc đời của người vẽ tranh không chỉ được thấu hiểu thông qua tác phẩm. Họa sĩ Phạm Lực có hai người vợ, người vợ đầu Nguyễn Minh Châu và người vợ hai Francoise Plaine (quốc tịch Pháp, sinh năm 1938) thì có lẽ nhiều người biết. Họa sĩ Phạm Lực có ba người con, gồm hai con ruột Phạm Yến Hương, Phạm Hùng Cường và nhận nuôi con riêng của vợ cũ với người chồng sau Phạm Thu Trang, thì có lẽ nhiều người cũng biết. Thế nhưng, họa sĩ Phạm Lực thỉnh thoảng viết những câu thơ buồn bã và luôn khắc khoải về người yêu lỡ làng miền Tây Nam bộ, thì có lẽ chỉ "anh em kết nghĩa" mới tường tận.
Khi công tác ở Quân khu 9 những ngày đất nước vừa thống nhất, họa sĩ Phạm Lực có quen một cô gái vùng sông nước tên Lán. Tình đang nồng nàn, thì cô Lán rủ họa sĩ Phạm Lực đi chụp một tấm ảnh chung, rồi lặng lẽ biến mất. Có thể cô Lán đã di tản, và họa sĩ Phạm Lực không cách nào gặp lại cố nhân, nên đành gửi gắm nhớ nhung vào bức tranh "Cô Lán".
Bằng sự thông cảm của anh em kết nghĩa, tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng thổ lộ tâm tư: "Cô Lán còn sống nữa hay không? Đang ở phương trời nào? Hay đã vùi thây ngoài biển cả? Trong bất cứ trường hợp nào, cô Lán đã thực sự trở thành một phần của quá khứ buồn thương thăm thẳm kiếp người trên đất nước chúng ta. An ủi lớn nhất cho cô Lán, cho họa sĩ Phạm Lực và có lẽ, cho cả chúng ta là cho dù số kiếp có đưa đẩy cô Lán như thế nào đi chăng nữa, thì cô Lán vẫn trở thành bất tử. Chính tác phẩm "Cô Lán" của họa sĩ Phạm Lực đã làm nên điều đó".
Họa sĩ Phạm Lực lừng lẫy trong giới mỹ thuật với dòng "tranh bao bố" (tận dụng bao bố đựng gạo trong thời chiến để thay cho toan). Bây giờ, với cuốn sách "Cây cọ được Chúa cầm tay", họa sĩ Phạm Lực tìm được khách tri âm ở chiều kích khác: "Tranh của họa sĩ Phạm Lực không chỉ phản ánh hiện thực mà còn chứa đựng cảm xúc, tâm hồn Việt qua từng nét cọ. Những bức tranh của anh mang đến cho người xem cảm giác vừa quen thuộc vừa sâu lắng, đưa người xem trở về cội nguồn văn hóa Việt".