Cầu Đất gió cuốn mây hồng

Thứ Sáu, 11/10/2024, 15:47

Lâu nay, vùng Cầu Đất (xã Xuân Trường - TP Đà Lạt) được coi là cái nôi xứ sở trà Lâm Đồng. Sở trà Cầu Đất thành lập từ 1927 sớm nhất ở nước ta. Không những thế, Cầu Đất còn nức tiếng với hương vị cà phê thơm ngon từ đầu năm 1920.

Bác sĩ Yersin (người tìm ra Đà Lạt năm 1893) còn sớm trồng cây Canh-ki-na trên đất này để chế thuốc chống sốt rét. Vùng Cầu Đất được coi là cửa ngõ phía Đông Nam, cách thành phố Đà Lạt chừng 25km tính tới chân đèo DRan.

Miền đất lạ dưới chân đèo DRan

Vùng đồi núi điệp trùng nhấp nhô như sóng biển lớn ở Cầu Đất chính là nơi nhà thám hiểm, bác sĩ Yersin nhìn thấy đầu tiên khi ông phi ngựa vượt qua đèo DRan cao chừng 1.500 mét. Vùng Cầu Đất kéo dài hơn chục cây số với diện tích đất bazan rộng lớn, được coi là khởi đầu cho vùng cao nguyên Lâm Viên. Sau khi vượt qua cung đường đèo đầy hiểm trở DRan, đoàn thám hiểm cùng bác sĩ Yersin đóng trại nơi đây.

1-cầu đất xưa giờ đã xây mới trên đường phố xã xuân trường.jpg -0
Cầu Đất xưa giờ đã xây mới trên đường phố xã Xuân Trường.

Sau này, họ cho làm con đường bộ bắt đầu từ Phan Rang (Ninh Thuận) cùng với hệ thống đường sắt cho tàu chở vật liệu lên xây dựng thành phố Đà Lạt (từ năm 1912). Thành phố được coi là Paris thu nhỏ, nơi nghỉ dưỡng cho những quan chức và gia đình người Pháp. Nhiều cung đường dốc lớn họ đã phải dùng hệ thống đường sắt có bánh răng cưa để leo qua. Hai ga là Đa Thọ và Trại Mát cao tới 1.550 mét. Từ đó đi tiếp 7 cây số là tới trung tâm ga Đà Lạt.

Riêng dốc ga Trạm Hành (thuộc Cầu Đất) đã cao tới 1.515 mét. Đầu máy hơi nước ngày đó khi leo dốc chỉ với vận tốc 5 tới 10 cây số một giờ và phải đi qua 5 đường hầm xuyên núi. Tàu phải vượt qua hai con đèo dài Ngoạn Mục (Ninh Thuận) và DRan (Lâm Đồng), lên tới Đà Lạt (dài 84km) chạy tới gần 4 giờ.

Chính vì có hệ thống đường sắt này mà hình thành đời sống dân cư phát triển. Nhiều phố xá mọc lên với những cửa hàng và chợ giao thương với các tỉnh lân cận như Ninh Thuận, Nha Trang, Phan Thiết và Sài Gòn. Các thương nhân chở hàng lên rồi mua lâm sản đưa về vùng xuôi. Vùng cà phê và trà Cầu Đất luôn đón khách hàng sau khi đã vượt qua đèo cao, rừng sâu đều dừng chân tại đây trước tiên.

Sớm sớm, những ông chủ đội mũ phớt ngậm tẩu như người Pháp sang trọng vào nhâm nhi cà phê hay thưởng trà tại một quán giải khát bên Quốc lộ (đường 20). Cầu Đất ngày đó đã có tới 5 làng gộp lại nằm trải dài hai bên đường quốc lộ. Xưa người dân ở đây trồng rau và hoa cung cấp cho thành phố Đà Lạt nên các thôn như Trạm Hành, Phát Chi, hay Trường Sơn vẫn còn giữ được những cung đường hoa anh đào trồng từ năm 1940. Diện tích chè hiện chỉ còn 250ha nhưng cũng đủ cung cấp cho nhiều tỉnh thành phía Nam.

Gần đây chúng tôi có dịp tới gia đình cụ Luyến với bốn đời con cháu làm trà ở xã Xuân Trường. Cụ khẳng định vùng trà Cầu Đất được coi là linh hồn ngát hương của thành phố Đà Lạt. Bởi nơi đây có nhiều gia đình ở các vùng quê miền Trung cùng với những người Hoa vẫn tồn tại từ những năm 1927.

Cụ kể ông chủ người Pháp chỉ gọi người làm thuê bằng con số để dễ chấm công. Cụ còn nhớ những câu ca dao truyền tụng trong giới thương nhân ngày đó: “Tình cờ dính nụ trà xuân/ Chia tay bao nỗi nhớ gần nhớ xa/ Chưa kịp về tới quê nhà/ Mà hương Cầu Đất thiết tha theo cùng”. Chúng tôi đang đi trên những đồi chè khi những bông hoa trắng muốt bung nở. Những giống chè cổ thụ còn được giữ gìn 100 năm qua (3 ha) cùng những máy sàng, sấy cổ lỗ thuở sơ khai (tại Bảo tàng trà). Đó là di sản văn hóa trà Cầu Đất còn tồn tại mãi mãi với thời gian.

Cánh điện gió trên đồi mây

Chúng tôi mải xem những di vật được giữ lại trong bảo tàng trà Cầu Đất thì bất ngờ có tiếng ồn ào từ phía ngoài. Những bạn trẻ hò reo khi đón được những đám mây còn bồng bềnh trên sườn đồi chè. Toàn bộ dãy núi ở đây đều chiếm vị trí cao hơn cả Đà Lạt nên bầu trời luôn đọng mây sương cho tới gần trưa. Đây cũng là dưỡng khí được coi là bảo vật trời cho hương vị riêng của cây chè Cầu Đất. Do vậy, dãy đồi chè ở thôn Trạm Hành được coi là thiên đường săn mây của hàng trăm tay máy thiện nghệ ở Đà Lạt.

4-từ đồi chè cầu đất, có thể săn mây giữa bồng bềnh tiên cảnh..jpg -2
Từ đồi chè Cầu Đất, có thể săn mây giữa bồng bềnh tiên cảnh.

Không ít các bạn trẻ ở Đà Lạt, trước khi cưới bao giờ cũng vượt 25 cây số lên đây để ghi lại những cảnh sắc đáng yêu nhất trong đời. Đó là tấm voan thiên nhiên choàng lên vai họ những cảm xúc khó tả và tình yêu luôn dâng trào. Khi những đám mây dâng cao theo mặt trời lên thì cũng là khoảnh khắc độc chiêu của những nghệ sĩ nhiếp ảnh. Không ít người đã thức đêm đợi khối mây hình thành và ngủ quên lãng đãng trên những đồi chè.

Nhưng điều thú vị với chúng tôi, cùng với những áng mây diệu kỳ là hình ảnh sinh động của hệ thống điện gió mới được xây lắp trên đồi núi ở thôn Trạm Hành. Những cây điện gió cao 80 mét cùng với cánh gió dài 50 mét tạo nên sự kỳ vĩ bất ngờ trên đồi cao. Vùng Cầu Đất có độ cao 1.650 mét, đón gió đông nam từ biển thổi về cùng gió rừng, tạo nên sức quay tuốc-bin mạnh hơn nhiều nơi. Dự án 15 trạm điện được trải rộng tới 350ha trên đồi cao. Đây là hệ thống tạo nguồn điện bổ sung cung cấp điện cho Lâm Đồng và các tỉnh quanh vùng trung nam bộ.

Nhiều người dân Cầu Đất khó tưởng tượng được, nơi những ngọn gió hoang vu ngày nào mà họ luôn phải chống trọi với hiểm nguy nay trở nên diệu kỳ tới vậy. Những đám mây luôn biến hóa theo những thời khắc của đất trời. Mỗi giây phút là một vẻ đẹp mới lạ của Cầu Đất mộng du. Thi sĩ Vũ Hùng đã lên đây với tâm hồn lãng du: “Cánh điện gió cuộn mây hồng/ Bình minh quăng lưới mênh mông đồi vàng/ Điệp trùng ngực nắng mây tan/ Gió lồng tung cánh bờm hoang ngựa trời” (Cánh gió bình minh).

Những đám mây cuồn cuộn dâng cao trắng muốt từ dãy núi Langbiang trong cái nắng trong veo. Người ta nói Đà Lạt có thời tiết bốn mùa trong một ngày là vì thế. Cầu Đất cũng vậy, ngỡ như ngủ lịm trong đêm đông mây phủ. Nhưng khi bình minh lên là những giàn hoa bừng nở trong tiết xuân ấm áp dịu dàng. Mây tan. Những cánh điện gió bắt đầu tăng tốc độ tuabin. Đội quân hái chè bắt đầu lên đồi như vào hội mùa xuân.

2-những cây điện gió trên đồi chè cầu đất.jpg -1
Những cây điện gió trên đồi chè Cầu Đất.

Có nhạc sĩ tới đây gửi gắm những giai điệu yêu thương qua lời ca hò hẹn rằng: “Sương tan quấn quýt đồi chè/ Tóc dài nghiêng nón vờ khoe mắt cười/ Xanh cây trổ búp non tươi/ Chén hương em rót thay lời một mai” (Lê Quân). Các cô gái hái chè nhanh tay trước tiết hè trưa ập tới. Lúc này cánh điện gió lại càng tung bay với gió thu tràn về nửa chiều mát rượi. Rồi sau đó lại một đêm ủ trà và ủ gió gây men cho nhựa trà hương. Vậy nên mọi người vẫn gọi vùng Cầu Đất là cửa gió hương rừng của vương quốc hoa Đà Lạt.

Tiếng còi tàu trên cao nguyên

Người dân vùng trà Cầu Đất (xã Xuân Trường) không chỉ giỏi làm trà mà còn có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Lâm Đồng. Là cửa ngõ đông nam thành phố Đà Lạt, dân cư nơi đây cũng luôn đứng mũi chịu sào trong những cuộc kháng chiến chống Pháp (19 liệt sĩ) và Mỹ (127 liệt sĩ, anh hùng) cho tới ngày thống nhất đất nước. Sau này trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Xuân Trường có 9 chiến sĩ hy sinh vì Tổ quốc. Đồng thời, xã có 6 người được công nhận là Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Đặc biệt, xã Xuân Trường còn được Nhà nước trao tặng danh hiệu Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Mới đây, hay tin con đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt sẽ được khôi phục và trạm ga Cầu Đất sẽ hoạt động trở lại. Những đầu tàu đường sắt răng cưa thở phì phò leo dốc quả là hình ảnh vô cùng thú vị bên những đồi trà. Trăm năm trước, đây là một trong hai đường sắt leo cao bằng răng cưa trên thế giới. Giờ đây, không còn chỉ là những chuyến tàu du lịch Đà Lạt - Trại Mát để sống lại ký ức một thuở. Tới đây sẽ là chuyến tàu liên thông giữa các tỉnh, lấy ga Tháp Chàm là điểm hẹn đi lên Đà Lạt bằng con tàu đường sắt răng cưa. Tiếng còi tàu sẽ vang trên đỉnh cao nguyên Lâm Viên với những chiếc đầu máy kéo hơi nước kinh điển và độc đáo nhất thế giới.

Vương Tâm
.
.