Câu chuyện về trời cho và nhân tạo trong thơ
Nhân giờ đang độ tiết thu, mời các bạn cùng tôi thử đọc lại hai đoạn thơ viết về mùa thu của hai nhà thơ lừng danh thời Thơ Mới và cùng ngẫm nghĩ, so sánh đôi chút về bút pháp xem sao nhé.
Đoạn thứ nhất là từ bài “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư:
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô.
Đoạn thứ hai là của Huy Cận, trong bài “Thu rừng”:
Bỗng dưng buồn bã không gian
Mây bay lũng thấp dăng màn âm u
Nai cao gót lẫn trong mù
Xuống rừng nẻo thuộc nhìn thu mới về
Sắc trời trôi nhạt dưới khe
Chim đi, lá rụng, cành nghe lạnh lùng...
Cùng tả cảnh thu, cùng lấy không gian là rừng núi, lại cùng có “nhân vật” trung tâm là con nai, và cuối cùng hiệu quả cảm xúc là đều gợi lên vẻ quạnh hiu, lạnh lùng và buồn bã như ấn tượng muôn thuở của mùa thu, nhưng ta thấy ngay ở hai đoạn thơ trên có hai cách tiếp cận và xử lý chất liệu thơ khác nhau rất cơ bản.
Ở Lưu Trọng Lư, đó là lối thơ tả cảnh thuần túy khách quan. Ngoài câu thơ đầu là một lối đưa đẩy làm duyên vô thưởng vô phạt, ba câu còn lại đúng là một tác phẩm tạo hình, đến mức dường như người làm thơ đang trực tiếp ngắm nghía một khung cảnh thiên nhiên trước mắt, hoặc giả đang nhìn lên một bức tranh tả thực treo trên tường, rồi mượn ngôn ngữ giản dị của đời sống mà vẽ lại thành bức tranh thơ, không thừa thiếu một chi tiết, không thêm bớt một ý tưởng hay cảm xúc chủ quan nào.
Lối viết khách quan này mang vẻ lạnh lùng đến nỗi tất cả từ ngữ đều được dùng ở dạng nghĩa đen nguyên gốc. Chẳng hạn các bạn hãy để ý đến từ “kêu” trong “lá thu kêu xào xạc” - ở vị trí này, ta hoàn toàn có thể dùng từ “reo”, hay “khua”, hay “rơi” ... nhưng các từ ấy đều ít nhiều có tính biểu cảm chủ quan, còn từ “kêu” thì không - “kêu” là hành vi gốc gác của việc phát ra âm thanh, “kêu xào xạc” là một cụm từ mô tả nguyên sơ, trung tính, như thiên nhiên vốn vô tình, buồn hay vui là việc của con người.
Và đặc biệt đến con nai của Lưu Trọng Lư thì thực là một pho tượng đúng nghĩa, từng lời thơ vừa như thổi hồn vào một cảnh tượng đã hóa đá, lại như vừa hóa đá một cảnh tượng rất có hồn. Nhưng sức lay động mạnh nhất của ngôn ngữ nghệ thuật ở đây vẫn là tính khách quan riết róng, với những từ “ngơ ngác” và “đạp” vẫn được dùng ở dạng gốc gác và duy nhất đúng chỗ. Sự lạnh lùng (hay giả vờ lạnh lùng) và vẻ khách quan tự nhiên nhi nhiên này đã khiến cho ta có cảm giác đây là thứ thơ “bắt được”, món quà tặng “Trời cho”, tựa như thứ vàng lộ thiên, người có duyên may nhặt được, phủi bụi qua loa đã có ngay một báu vật. Ấy là nói cho vui, chứ dù Trời có cho thì cũng chỉ cho những ai đáng mặt, không phụ lòng Trời mà thôi.
Trở lại với nhà thơ Huy Cận, ta thấy sự thể dường như ngược lại. Cả bài “Thu rừng” của ông cũng là một bức tranh, nhưng là một bức tranh đầy dấu ấn chủ quan. Những chi tiết thực trong đời sống luôn được nhìn qua lăng kính của một con người là tác giả, chúng mang hộ hồn vía của tác giả một cách không giấu giếm : “không gian” thì “buồn bã”, những đám mây “dăng màn âm u” để bủa vây vạn vật, “sắc trời” không ở trên trời mà lại “trôi” “dưới khe”, hơn thế, còn “trôi nhạt”, nghĩa là trôi với một vẻ hắt hiu, buồn tẻ; “lá” thì “rụng”, còn lũ chim thì đã “đi” - bay đi, bỏ đi - để lại những thân cành trơ trụi đến nỗi cả cỏ cây mà cũng cảm “nghe” được nỗi “lạnh lùng” !
Và, thú vị nhất là khi ta ngắm nghía con nai của Huy Cận, sau khi đã chiêm ngưỡng con nai của Lưu Trọng Lư. Nếu như con nai của thi sĩ họ Lưu là một bức tranh hay pho tượng có hồn nhưng gần như bất động, tựa như một khoảnh khắc, một lát cắt cố định, giấu kín các ý tưởng và biểu cảm đằng sau vẻ lạnh lùng vô ngôn, thì con nai của Huy Cận luôn chuyển động và biến hóa không ngừng, nó tinh khôn và ý tứ như người, vì đơn giản nó được hóa thân từ hồn vía của chính nhà thơ, nó sinh động vì nó luôn thấp thóang “gót lẫn trong mù”, nó ở nơi cao xanh, nhưng thông thuộc đường đi lối lại, ngày ấm áp nó xuống bìa rừng, đồng cỏ vui vầy, ngày thu tàn tạ, nó biết “nhìn thu mới về”.
Và như thế, con nai trong “Thu rừng” như là chứng tích của những ngày ấm áp, để khi cùng với sự vắng bóng của nó, thế gian chỉ còn lại những ngày thu tiêu điều và hoang lạnh. Để diễn đạt những cảnh trí và cảm xúc ấy, Huy Cận đã dụng công huy động rất nhiều thủ pháp ngôn ngữ, kỹ lưỡng đến từng chữ, và đã để lại một bức tranh nhân tạo đẹp não nùng, được chạm khắc bởi một bàn tay nghệ sĩ tài hoa và tinh tế.