Cao Thanh Mai: Lời châu thổ trổ xanh chín nhánh

Thứ Hai, 10/02/2025, 08:44

Cao Thanh Mai là nữ nhà văn đến từ xứ gạo trắng nước trong Cần Thơ vừa được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam cuối năm 2024 vừa rồi. Có lẽ, với nhiều người hoạt động văn chương phía nam thì chị không xa lạ, nhưng trên bình diện toàn quốc chị lại chưa được biết đến nhiều. Âu cũng bởi do tính cách lặng lẽ và thường chọn đứng ngoài những cuộc vui. Nhưng, với văn chương thì Cao Thanh Mai lại là một người viết bằng tâm thế tử tế.

Nhà văn áo xanh hiền lành thuần phác

Thượng tá Cao Thanh Mai vốn xuất thân là giáo viên Trường Quân sự Quân khu 9, yêu văn chương và âm thầm viết trong những tháng ngày còn là giáo viên. Mãi đến năm 2015, truyện ngắn "Trầu không xanh lá" của chị đoạt giải trong cuộc thi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, độc giả mới thấy một giọng văn thuần phác từ miệt Cửu Long nổi lên với lối viết như thủ thỉ kể chuyện. Cứ nhẩn nha kể từ quãng thời gian xưa cũ dẫn dắt người đọc đi đến hiện tại bằng lối mở biên độ tự nhiên, câu chữ đôn hậu và cốt truyện thật như đời.

Khi đã xác tín một lối riêng đó, Cao Thanh Mai bắt đầu hăng say hơn với nghề viết. Cho đến bây giờ chị đã in 6 tập cá nhân: "Trầu không xanh lá" (NXB Hội Nhà văn - 2015), "Chim cánh cụt biết bay" (NXB Văn học, 2018), "Biển về bên sông" (NXB Hội Nhà văn- 2018). "Về miền xa lắc" (NXB Quân đội nhân dân - 2022), "Tự tình với quê" (NXB Hồng Đức - 2023), và "Ngày ấy chưa xa" (NXB Hồng Đức - 2024).

Quả thật, từ ấn tượng với "Trầu không xanh lá" mà mãi đến năm 2020 tôi mới có dịp gặp chị trong một buổi ra mắt sách của cây bút trẻ Phát Dương, người cũng vừa được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam vừa qua. Ngồi cùng nhau trong một sáng trời Cần Thơ dịu nắng, tôi bắt gặp một Cao Thanh Mai ít nói, hay cười và thường là ngồi lặng lẽ quan sát mọi thứ đang diễn ra. Thoảng khi chị mới góp lời trong câu chuyện, nhưng phần lớn là những câu hỏi mang tính xác thực, bởi có nhiều điều như chị nói, chị không biết.

Rời bục giảng, chị nghỉ hưu, cũng là phần lớn thời gian chăm sóc gia đình, dành cho căn nhà ấm áp cùng người chồng bác sĩ cũng mang quân hàm Đại tá. Hoặc chị dành những chuyến đi thăm lại bạn bè, đồng đội, hay các cựu chiến binh của chiến trường Tây Nam khốc liệt ngày đó. Rồi phần thời gian ít ỏi sót lại của riêng mình, chị sống cạn cùng với văn chương.

Cao Thanh Mai: Lời châu thổ trổ xanh chín nhánh -0
Nhà văn Cao Thanh Mai.

Phần lớn các nhân vật của chị là người lính ra đi và trở về trong cuộc chiến vùng biên giới Tây Nam ngày ấy. Hoặc có khác chăng, cũng là những mảnh đời hay số phận mà gốc tích câu chuyện khởi phát từ những nỗi vui lẫn niềm đau dính dáng đến cuộc chiến đó.

Có lẽ, nghiệp áo xanh vận luôn vào câu chữ của chị, nên khi viết về chuyện những người anh hùng nhuốm máu đỏ để phù sa bồi chín nhánh sông trổ xanh những an lành ngày nay, luôn là những câu chuyện đời nhất, đau nhất và toát lên khí phách kiên cường bất khuất nhất của một thế hệ quyết tử để bảo vệ bờ cõi đất nước.

Đôi lần khi đọc tác phẩm của chị, tôi ngờ ngợ câu chữ đó như một quãng đời mà chính chị đã trải qua. Bởi nó thật đến một cách quặn thắt tim mình. Có lần tôi bạo dạn hỏi thử, qua điện thoại chị ngập ngừng đôi chút rồi xác tín một đoạn đời in hằn ký ức của chính mình.

Năm tuổi đã chứng kiến cảnh ba mình bị tra tấn chết đi sống lại trước sân nhà. Chị kể lại bằng kí ức của những ngày tao loạn đầy ám ảnh. Lời kể đau đáu ấy thế nhưng lại mang đến cho độc giả một sự xanh lành của tấm lòng thảo thơm vị tha. Cuộc chiến đi qua, điều còn lại chính là sự sống. Sống như loài cỏ nát vẫn sinh sôi qua bao bận nắng nôi dập bầm. Sống để thấy đời vẫn xanh và lòng người vẫn rộng.

Trong tản văn "Kí ức tháng tư" của chị mà tôi từng đọc, chị mang đến một câu chuyện của ba, nhưng mở ra cho độc giả chân trời của đời người, ở đó giữa biển rộng bao la giao thoa cùng trời mây, con người nhỏ nhoi như một cá thể giữa trùng vây phong ba. Ấy vậy, chỉ cần lòng mình đủ an tĩnh thì chân trời trong mình tự khắc cũng soi chiếu cho mình hướng đi.

Dường như sâu thẳm trong tản văn của mình, Cao Thanh Mai lấy chính niềm đau mà soi sáng đường trần chính mình. Gót mỏi phiêu linh nơi đâu thì chân trời của bất cứ ai cũng chính là quê hương, là chân lý sống đời tử tế, trên hết vẫn là tấm lòng giữa người và người. Người với người giản đơn như phù sa với chín nhánh sông. Cứ thương nhau mà sống.

Cánh mai vàng của làng văn Cần Thơ

Có lần ngồi cùng các anh chị bạn bè văn chương Cần Thơ, tôi gọi đùa Cao Thanh Mai là cánh mai vàng của làng văn Cần Thơ, vì chị hay chọn dịp cuối năm để ra sách. Như lần này, tập truyện ngắn "Ngày ấy chưa xa" một lần nữa cho thấy nữ Thượng tá cần mẫn với con đường văn chương của mình. Với 14 truyện ngắn và gần 250 trang sách, Cao Thanh Mai như rót vào lòng độc giả những bồi hồi của hai chữ thân phận trong biển dâu cuộc người. Những thân phận chọn màu xanh áo lính làm nghĩa cử để sống, để chiến đấu và kí thác đời mình với sóng nước châu thổ Cửu Long này.

Cao Thanh Mai: Lời châu thổ trổ xanh chín nhánh -1
Một tác phẩm của nhà văn Cao Thanh Mai.

Từng nhân vật hiện lên có lớp lang, bài bản và khắc họa được một đời sống của thời tao loạn đầy cuốn hút. Dẫu giọng văn của chị vẫn hiền lành, man mác buồn, và ràn rạt đau và miên miết tâm tư. Nhưng, khác chăng là một sự vượt thoát hơn ở cách chị chọn đặt tựa truyện. Một sự chắt chiu đầy dụng ý, gợi lên những xúc cảm ngay từ ban đầu với độc giả như: "Dưới bóng cây thốt nốt", "Bìm bịp kêu chiều trong giấc mơ xưa", "Ngày ấy chưa xa", "Vầng trăng gửi lại chiến trường". Hoặc có khi là sự rút tỉa mang đầy tính triết luận mà phải đi qua quãng đời gieo neo dâu bể người ta mới thấu ngộ được: "Một góc sân đời", "Chuyến xe bến cuối", "Điều kỳ diệu có thể xảy ra".

Trong phần lớn các câu chuyện ở thời kỳ các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế hỗ trợ Campuchia chống lại chế độ diệt chủng Pôn Pốt, Cao Thanh Mai đã khéo léo dựng lại các câu chuyện theo cách đan xen quá khứ và thực tại bằng lối viết truyện lồng truyện. Ở đó biên độ thời gian và không gian giãn nở ra tối đa, tạo cho người viết tha hồ tung tẩy câu chữ, tình tiết, lẫn những trường đoạn kể về cuộc chiến. Nhất là cách miêu tả không khí cuộc chiến đầy ám gợi đau đớn ấn tượng. Nhưng, tận cùng của bi thương lại hóa nên sự kiên cường để phụng hiến sức lực cho sự sống cao cả.

Kết truyện của Cao Thanh Mai luôn thắp lên những ánh lửa của niềm tin và hy vọng sống; của những cuộc gặp gỡ hai thế hệ trong và sau cuộc chiến; của những con người đã đi qua cuộc chiến và một thế hệ sinh ra sau cuộc chiến. Như chính truyện ngắn mà tôi thích nhất "Dạ thưa em ở miền Tây", đúng điệu một cách sống, cách nói, nếp nghĩ, lẫn sự buông bỏ những đớn đau để hướng về một ngày mai tươi sáng.

Tôi nhớ, hôm ra mắt tập truyện "Ngày ấy chưa xa", nhà thơ Trúc Linh Lan - Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Cần Thơ đã xúc động chia sẻ: "Nhà văn Cao Thanh Mai qua ngòi bút của mình với trái tim yêu thương chị đã ghép những mảnh lát ấy thành bức tranh đầy tính hiện thực, giàu tính nhân văn. Cách sử dụng ngôn ngữ địa phương khá thành công hấp dẫn được người đọc. "Ngày ấy chưa xa", cũng làm tôi nhớ về những học trò tôi, có em đã nằm lại chiến trường K mãi mãi không về từ một mùa hè. Tôi tin những tác phẩm tiếp theo của chị sẽ bật lên những điểm sáng làm chói mắt bạn đọc và đau ở trái tim".

Riêng cá nhân tôi, khi chọn đọc tập truyện ngắn này vào những ngày xuân đang tưng bừng ngoài kia, chính những câu chuyện này khiến tôi suy ngẫm về hai chữ: Hòa bình. Hòa bình có đẹp không? Kỳ thực, rất đẹp. Đẹp từ những câu chuyện mà tôi được đọc trong tập sách của một nữ Thượng tá. Tập sách gói trọn lời yêu thương với quê hương bản xứ mà chị đã gắn bó cả quãng đời người.

Miệt gạo trắng nước trong long đong từ thời chiến đi qua thời bình, nay ngồi lại với miền kí ức, chị như con tằm rút ruột giăng tơ. Từng sợi tơ mỏng mảnh ấy chính là từng lời đau đáu dành cho xứ quê miệt vườn của mình. "Cuống rốn mình chôn ở đâu mình thuộc về nơi đó". Tôi nhớ trong một tản văn chị đã viết câu này, như một lời rưng rức của người phụ nữ gieo neo dâu bể với phù sa sóng nước chín nhánh sông kí thác lại, ngõ hầu độc giả những chuyện vụn vặt của đất và người xứ này. Vụn đó, nhưng đầy nỗi niềm.

Tống Phước Bảo
.
.