Cánh chim gọi đàn xôn xao đại ngàn

Thứ Bảy, 20/08/2022, 09:32

Lần này tôi lên Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) nhà văn Linh Nga chỉ hướng đi về hồ Ea Kao. Chị nói có những điều bất ngờ đang chờ đón tôi. Thật thú vị, tôi lên đường ra ngoại vì thành phố trong tiếng nhạc rì rào trên từng ngọn cây. Tây Nguyên là vậy chỉ có âm nhạc dẫn đường. Lời hát của Y Phôn bỗng vang lên từ góc phố: "Tôi như con thú hoang/ lang thang trong rừng sâu". Tôi giật mình ngơ ngác như lạc vào khu rừng hoang vu.

Những cổ tích xanh trong đại ngàn

Xã Ea Kao được ví như chiếc áo mới của TP Buôn Ma Thuột. Mảnh đất bị bỏ quên một thời khá dài trong tiến trình đô thị hóa tấp nập. Con hồ thủy lợi Ea Kao nằm ở trung tâm xã giờ được coi là mắt ngọc của thành phố với núi non sơn thủy hữu tình (Rộng 300ha). Hồ được cải tạo kè bờ làm đường trải nhựa bao quanh chừng bốn cây số. Khu du lịch văn hóa xã Ea Kao nằm kế bên hồ tạo nên quần thể vui chơi cho người dân thành phố. Nơi đây hoa ngợp trời cùng con thuyền đá khổng lồ như một điểm nhấn cho những câu chuyện cổ tích về biển hồ mênh mông dưới chân núi.

Người ta kể hồ được sinh ra bởi 5 con suối chính từ trên dẫy núi Trường Sơn. Bà con người Ê Đê đã sống bao đời cùng những con suối huyền thoại. Nhà văn Linh Nga nói trong tiếng Ê Đê giải nghĩa Ea là hồ, còn Kao có ý không bao giờ cạn. Hồ còn được bà con của mấy vùng núi quanh gọi là vực nước sâu (Ktơng Jú). Chính vì thế thôn bản ở triền núi nằm trên hồ được đặt tên là thôn Ktơng Jú (thuộc xã Ea Kao). Có thể nói đó là một thôn bản đẫm sắc màu huyền thoại bởi nó hội tụ những con suối đổ về dâng đầy thung lũng Ea Kao đẫm sương bay.

untitled-3.jpg -0
Cổng làng Xã Ea Kao.

Chuyện kể rằng trong năm con suối đó có suối Ea Knin là dài nhất chảy từ núi cao. Nó khúc khuỷu và đầy hiểm trở cho người Ê Đê mỗi khi lên nương hay săn bắt trong rừng. Suối chia làm nhiều đoạn theo từng độ cao và vực sâu. Có đoạn nước chẩy xiết người dân đã đi chặt cây để bắc cầu nhưng không sao chặt được. Những lưỡi dìu vung lên cao đều bị văng xuống suối sâu. Họ đành chờ con nước nguôi ngoai rồi mới lội về bản. Thậm chí có lần tất cả trai bản đều bị bay rìu xuống vực. Từ đó không ai nghĩ tới chuyện chặt cây bắc cầu qua suối nữa. Họ gọi khúc suối này là Ktơng Jông (vực xoáy những chiếc rìu).

Mẹ thiên nhiên là vậy. Rừng xanh linh thiêng cần được bảo vệ. Bên dòng suối cuồn cuộn đổ về thung lũng chỉ có tiếng hát Ay Ray là tồn tại và rộn ràng. Đó là lời ru mơ màng trong xóm thôn tĩnh lặng mỗi khi trăng lên. Khi ấy những con suối cùng thầm thì róc rách cùng tiếng đàn K'ní nỉ non. Suối cũng ngân nga cùng lời ru. Chả thế khi tới vùng đất cao nguyên đầy nắng gió này nhạc sĩ Nguyễn Cường đã cất tiếng hát: "Nguyên sơ câu hát Ayray. Tươi nguyên câu hát Ayray. Lều lêu lêu lêu lêu lêu. Em hát Aray nắng quên chiều hè, núi quên lời thề, tôi quên đường về" (Em hát Ayray)

Lại có chuyện xưa có đoạn suối gấp khúc liên tục trong rừng sâu ai đến đó đều bị lạc. Không ít chàng trai đi săn đã bị ma ám đi loanh quanh dọc ngang khắp chốn mà không tìm được đường ra. Họ đi hết nửa con sào nắng bị gai đâm vắt cắn cuối cùng lại trở về đầu suối. Dân bản phải làm lễ tế thần mặt trời mới tìm được đường về. Họ gọi đây là suối ma và phải thờ cúng mỗi khi đi săn trên núi.

Có điều kỳ lạ những người con có hiếu với cha mẹ mỗi khi đi săn đều được thần mặt trời giúp chiếu ánh sáng chỉ đường đi lối lại thuận lợi chứ không bị lạc. Những ngọn suối thiêng dồn tụ về thung lũng Ktơng Jú làm nên hồ Ea Kao xanh trong quanh năm. Dòng nước hiền hòa soi bóng những ngọn núi điệp trùng thơ mộng nhưng luôn ẩn chứa những câu chuyện trong các sử thi của người Ê Đê muôn trùng khắc nghiệt.

Làng bích họa đầu tiên trên cao nguyên

Thôn bản Ktơng Jú hội tụ bao ký ức và sóng gió của đồng bào Ê Đê trên đại ngàn. Thung lũng Ktơng Jú đã làm nên biển hồ Ea Kao. Đó chính là trung tâm văn hóa Ê Đê của xã Ea Kao. Mới đây các họa sĩ đã đến Ktơng Jú trao gửi những sắc màu và kể những câu chuyện huyền thoại của chính ngôi làng này. Từ một ngôi làng ngập trong cỏ lác và sình lầy giờ Ktơng Jú đã trở thành làng bích họa đầu tiên trên cao nguyên.

Dân trong toàn xã Ea Kao đã hiến đất làm đường nhựa rộng như đường quốc lộ. Làng bích họa được hình thành trên trục đường ấy. Hàng chục bức tường của những dãy nhà khang trang trong thôn đã được chọn dài hơn 700 mét để vẽ. Già làng thường hát khan để nói lên khát vọng của dân Ê Đê cho các họa sĩ thể hiện. Những người dân bản rất ngạc nhiên khi thấy mình hiện lên trong những bức tranh. Họ chăm chút bên khung dệt thổ cẩm, hay có lúc lại giã gạo, bơi thuyền. Hoặc đó còn là dãy cà phê nở hoa trắng xóa trên đồi cao.

untitled-4.jpg -0
Cảnh tranh “Dệt vải” trong làng bích họa Ktơng Jú.

Đặc biệt đó là hình ảnh các chàng trai Ê Đê cưỡi voi, thổi tù và trong những cánh rừng của đại ngàn. Đó là khi họ cất lên tiếng ca bên dòng thác dữ dằn trên con đường mưu sinh. Mỗi bức tranh là một câu chuyện về tình yêu Ê Đê được kể trong chất liệu sử thi. Riêng điệu múa "Chim đại bàng" (Múa Chim Grứ) thể hiện một sức mạnh dồi dào và bay cao nhất vượt qua bao ngọn núi. Múa chim đại bàng luôn xuất hiện trong các lễ thần và ngày hội chính của người Ê Đê. Cánh tay của vũ nữ cùng với những bước chân uyển chuyển thể hiện sự bay cao. Những ngón tay và bàn tay hiện lên đầu và con mắt của đại bàng dũng mãnh. Hình tượng đại bàng thể hiện cõi tâm linh của người Ê Đê khi nói lên sự gắn bó và luân hồi giữa cái sinh và diệt, trời và đất. Nhìn hình vẽ các cô gái Ê Đê bay bổng trong vũ điệu cuồng nhiệt như đang mời gọi thần linh trở về. Đó là một quá trình thể hiện sự khát khao trong câu chuyện của chàng Đam San.

Hình tượng trong sử thi Đam San cũng đã được nhạc sĩ Y Phôn K'So thể hiện qua giai điệu "Đi tìm lời ru mặt trời". Cố NSND Y Moan đã thể hiện xuất sắc ca khúc này với hình ảnh chan chứa sắc màu Ê Đê. Ca khúc được coi là đỉnh cao âm nhạc Tây Nguyên với nỗi khát khao cháy bỏng của người trên cao nguyên đi tìm sự sống. Chàng Đam San đã cầu hôn nữ thần mặt trời nhưng bị từ chối. Và nàng đi đến đâu cũng thiêu đốt tất cả. Cuộc sống bị hủy diệt. Mọi ước muốn và hy vọng bị dập tắt. Hạn hán liên miên.

Chàng Đam San trở về rồi bị chết chìm giữa rừng sình lầy. Đam San hóa thành con ruồi bay vào miệng chị gái. Từ đó chị có thai và sinh ra một Đam San cháu. Lại một Đam San khác bất tử được sinh thành và tiếp tục nuôi hy vọng cứu sống dân tộc mình và những cánh rừng xanh tươi. Âm thanh tràn đầy sức mạnh và niềm khao khát của người Ê Đê luôn vang lên trong câu ca: "Hát giữa mọi người không ngại ngần/ Bài hát nữ thần mặt trời, nữ thần mặt trời của tôi/ Hát giữa mọi người không ngại ngần. bài hát nữ thần mặt trời, nữ thần mặt trời. Tôi đi tìm em"

Những điệu Xoang trên hồ xanh

Ngoài những bài hát dân ca Ayray người Ê Đê còn có hàng chục điệu múa Xoang cũng được vẽ trên tường thôn. Mỗi khi dàn cồng chiêng nổi lên trên chiếc ghế dài (K'pan) cùng những tiếng kèn thì các thiếu nữ trình diễn xoang cũng bắt đầu khăn áo. Khác với điệu múa Chim đại bàng trong các nghi lễ thì múa Xoang tạo nên không khí rộn ràng tươi mát cho các hội bản thôn. Chúng tôi có dịp gặp nghệ nhân A Ma Kim ở TP Buôn Mê Thuột, ông cho biết các làn điệu Ayray luôn là điểm tựa cho vũ điệu xoang cuốn theo.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường gắn bó với âm nhạc Tây Nguyên nhiều năm đã để lại hàng chục ca khúc hay về vùng đất này. Giai điệu bay bổng đẹp như nắng cao nguyên của ông đã mô tả thật sinh động: "Em hát Ayray tạnh cơn mưa núi. Em hát Ayray tạnh cơn mưa rừng/ Xao xuyến trong tôi lời con sông hát. Câu hát xa đưa rừng núi mơ màng…". Vũ điệu xoang như bay bổng trong lời ca. Những cánh tay thon trần uốn cong cùng gót chân của vũ nữ nhún nhảy trong giai điệu âm vang: "Em hát Ayray nắng tung hạt vàng. Cánh chim gọi đàn xôn xao đại ngàn".

Vương Tâm
.
.