Cảm thức vũ trụ và tâm linh trong “Bài thơ thời gian”
Nhà thơ, nhà giáo ưu tú, PGS TS Lê Quốc Hán vừa cho ra mắt tập thơ “Bài thơ thời gian” (NXB Hội Nhà văn, 2024). Theo tôi đây là một tập thơ hay của anh.
... Ngu ngơ chạm phải ao làng
Sen chưa kịp hái đã tàn trên tay
Trái đất ơi ngược vòng quay
Cho ta nhặt lại cái ngày đầu tiên
(Bài thơ thời gian)
Tôi đã đưa những câu thơ này vào cuốn “Những câu thơ hay Đông - Tây - Kim - Cổ” (NXB Giáo Dục, 2013) khi tôi đọc bài thơ này in trên báo lúc đó.
Cùng lúc, tôi có viết một bài bình ngắn cho một cuốn tạp chí địa phương. Cuốn tạp chí không đăng. Nhà báo Võ Minh Châu lúc đó là phóng viên thường trú của báo Tiền phong bảo tôi rằng: Người ta không đăng vì khi đọc hai câu thơ “Ngu ngơ chạm phải ao làng/ Sen chưa kịp hái đã tàn trên tay” họ bảo tác giả không yêu quê... trước ao sen của làng mà còn ngu ngơ...!
Tôi suýt bật cười vì kiểu thẩm thơ này! Nhưng, đó là những câu thơ hay mà tôi thuộc lòng, vẫn thường ngâm ngợi...
Sinh thời nhà thơ Trinh Đường một người yêu thơ, sống chết vì thơ. Tôi có mời ông cùng các nhà văn Nguyên Ngọc, Lê Minh Khuê tham gia ban giám khảo cuộc thi “Tác phẩm tuổi xanh” (1989 -1990) và sau đó là cuộc thi “Tầm nhìn thế kỷ” do báo Tiền phong tổ chức thời tôi làm Tổng biên tập. Nhà thơ Lê Quốc Hán dự thi cuộc thi “Tầm nhìn thế kỷ” và được giải chính thức. Một hôm nhà thơ Trinh Đường bảo tôi: Mình thấy thơ Dương Kỳ Anh và Lê Quốc Hán đều có nét riêng. Dương Kỳ Anh là “cảm thức thời gian, là nhành mai vàng thời gian”... Còn Lê Quốc Hán là “Cảm thức vũ trụ và tâm linh”...
Tôi đọc hầu hết các tập thơ của nhà thơ Lê Quốc Hán đã xuất bản và thấy ông nói đúng. Ngay cả tên các tập thơ của Lê Quốc Hán đã xuất bản cũng nói lên điều đó: “Lời khấn nguyện” (1996); “Bến vô cùng” (1999); “Mạc khải” (2004); “Bất biến” (2009); “May” (2019).
Bây giờ, không ít người làm thơ đang cố “đổi mới” theo kiểu quay ngang, quay ngược, câu chữ rối rắm, khó hiểu, triết lý vụn vặt ... vì muốn cho mình là hiện đại, là không lạc hậu với thời cuộc...
Lê Quốc Hán không thế. Lê Quốc Hán hiểu rằng thơ là sự thăng hoa của hồn người, câu thơ phải giao cảm với tâm hồn người đọc: “Chập chờn đợi phút thăng hoa/ Câu thơ nối được hồn ta, hồn người”... Tôi thiển nghĩ rằng đây là một định nghĩa về thơ và quá trình sáng tác thơ khá chuẩn.
Thơ Lê Quốc Hán giản dị mà sâu xa. Cái giản dị nói như nữ tiểu thuyết gia người Pháp George Sand: “Giản dị là cái khó nhất trên đời này. Đó là giới hạn tột cùng của từng trải và nỗ lực tột cùng của thiên tài”...
Ai cũng biết rằng thời gian là vô cùng, không gian là vô tận. Giấc mơ mà thi sĩ Lê Quốc Hán viết thành thơ thật giản dị nhưng cũng thật sâu xa. Giấc mơ của đời người giữa thời gian vô cùng và không gian vô tận: “Vừa chợp mắt đã mơ/ Gặp mình ngàn năm trước/ Những lỗi lầm ngày xưa / Trái tim còn vết xước// Khuya, giật mình tỉnh giấc/ Mồ hôi ướt đầm lưng/ Đời đo bằng gang tấc/ Thước thời gian vô cùng/ Sẩy chân sa xuống vực/ Gặp mình ngàn năm sau/ Giữa đôi bờ hư thực/ Chênh vênh một nhịp cầu” (Giấc mơ)
Tiến sĩ Đặng Lưu cho rằng: “Phần lớn thơ Lê Quốc Hán không chỉ thể nghiệm mà đích thực nghiệm sinh. Thơ ấy có thể dẫn người đọc vào một miền hun hút, thăm thẳm đời sống tâm linh con người và neo giữ mối liên hệ giữa tâm linh và thực tại bằng sợi dâymỏng manh kỳ diệu có tên gọi là thời gian...” (trích bìa 4 cuốn sách ).
Một nhận định theo tôi là chuẩn.
Tôi quen biết Lê Quốc Hán nhiều năm nay. Học trước Lê Quốc Hán một năm thời phổ thông nhưng tôi hơn Lê Quốc Hán ba tuổi. Dẫu vậy tôi coi Lê Quốc Hán không chỉ là một người bạn thơ, mà hơn thế... Thời học phổ thông Lê Quốc Hán vừa giỏi văn, vừa giỏi toán. Khi là cán bộ giảng dạy đại học ở Trường Đại học Sư phạm Vinh (Nghệ An), Lê Quốc Hán nổi tiếng về toán học, giải được nhiều bài toán khó cho Tạp chí “Toán học và tuổi trẻ” của Hội Toán học Việt Nam. Là tiến sĩ toán, tôi đâu ngờ Lê Quốc Hán cũng say thơ và sáng tác thơ. Khi Lê Quốc Hán gửi mấy bài thơ cho báo Tiền phong thời tôi làm Tổng biên tập, tôi đọc thấy hay và thực sự rất mừng. Rồi Lê Quốc Hán dự thi cuộc thi “Tầm nhìn thế kỷ” do Báo Tiền phong tổ chức và được giải chính thức tôi rất vui...
Tôi vẫn cho rằng thời nào thì thơ hay cũng là những câu thơ “Ý tại ngôn ngoại” như ông cha mình đã nói. Lời ít mà ý nhiều, ấy là những vần thơ giàu sức cảm, sức gợi, sức mở...
Trẻ ngỡ mình nặng nhất
Già, biết mình nhẹ tênh
Thời gian như rìu sắc
Đẽo bạc mái đầu xanh
(Ngẫm)
Bài thơ có bốn câu, ngần ấy chữ mà nói lên bao điều, ẩn chứa bao ý...
Được và mất, có và không, hay và dở, họa và phúc... Những triết lý hay quy luật của muôn đời mà Lão Tử đã nói trong “Đạo đức kinh” cả hai ngàn năm trước được nhà thơ thể hiện sinh động và hơn thế trong bài thơ “Công bằng”: "...Hoa hồng và gai sắc/ Mọc chung trên một cành/.../ Thiên đường và Địa ngục / Muôn đời còn giao tranh".
Bài thơ “Tự thán” ba câu đầu nhiều nhà thơ cũng viết được, nhưng đến câu cuối cùng thì tôi giật mình vì sự bất ngờ thú vị, sự bất ngờ tạo nên cảm xúc sâu lắng, tạo nên triết lý sâu xa: “Ban ngày xoay xở sống/ Sấp ngửa một bàn tay/ Đêm về nhìn lại bóng/ Giật mình ngỡ bóng ai”.
Không ít người làm thơ bây giờ muốn làm lạ thơ, vì cho rằng thơ viết như cũ đã trở nên nhàm chán! Đúng là thơ cũng như mọi thể loại văn chương nghệ thuật cần luôn được làm mới. Nhưng cái mới phải từ trong tư tưởng, cảm xúc, suy nghĩ chứ không chỉ tạo ra sự lạ về hình thức. Và tôi thiển nghĩ trong thơ sự lạ phải là lạ mà quen, quen mà lạ ấy mới thực sự cuốn hút người đọc...
Mây lang thang/ Gió lang thang/ Ta lang thang/ Hành khất/... /Ta lang thang/ Trên đường tít tắp/ Bàn tay không/ Óc rỗng không/ Chỉ trái tim đầy ắp/ Những nỗi buồn đắng đót sẻ chia nhau (Lang thang)
... Cúc xưa / cúc xưa/ cúc xưa/ giờ thành cúc dại/ nở trắng bờ rào/ Hương cúc ngai ngái/ lạc vào chiêm bao (Cúc xưa)
Quen và lạ, lạ mà quen trong thơ Lê Quốc Hán là vậy.
Vũ trụ và tâm linh là của muôn đời. Thế nhưng thi sĩ Lê Quốc Hán muốn biến vũ trụ tâm linh thành của riêng mình! Đúng hơn là sự biến hóa vũ trụ tâm linh vào những vần thơ của mình! Phải sống thế nào. Yêu thế nào, cảm nhận cuộc đời như thế nào mới có được phép biến hóa kỳ diệu đó! Phải “đi mây về gió” như Tôn Hành Giả ngày xưa chăng!
Thi sĩ Bùi Giáng sinh thời đã nói rằng: “Thơ là vật gì không thể bàn tới, không thể dịch, diễn gì được... Muốn bàn về thơ, dịch thơ chỉ có thể làm một bài thơ khác. Người xưa am hiểu sự đó nên họ chỉ vịnh thơ, chứ không bao giờ điên rồ gì mà luận bàn về thơ...!”. Khi đã ở tuổi tri thiên mệnh tôi mới hiểu được phần nào ý sâu xa của thi sĩ họ Bùi!
Bởi vậy, nhiều năm qua vì yêu thơ nên tôi đã đọc và đi tìm những câu thơ hay theo ý tôi và xuất bản cuốn sách “Những câu thơ hay Đông - Tây - Kim - Cổ”.
Không thể bàn luận gì nhiều, mà tốt hơn là trích những câu thơ hay theo ý tôi trong tập thơ “Bài thơ thời gian” của nhà thơ Lê Quốc Hán ngõ hầu bạn đọc:
Ba phần đời trôi dạt
Hồn lạc về cố hương
(Vọng)
...Viết một bài thơ khó nhất câu kết
Sống đẹp một đời khó nhất: cái chết!
(Mười điều răn)
Ngày mai anh chết thật rồi
Có cô hàng xóm khóc cười như điên
(Vu vơ)
... Lung liêng giải yếm bắc cầu
Chỉ tơ đã mục còn khâu nỗi gì
Xin đừng ướt đỏ đôi mi
Kẻo mai ngập hết đường đi lối về
(Muộn)
Ầm ầm tiếng sấm
tan trong thinh không
Ào ào tiếng sóng chìm vào mênh mông
Nghìn năm sót lại
Điệu hò trên sông
(Âm thanh)
Thời gian vô cùng, không gian vô tận, có mà không, không mà có. Vũ trụ và tâm linh và đời người... Cả những nghịch lý hàng ngày và muôn thuở... Thi sĩ Lê Quốc Hán đã biến ảo vào thơ mình, vào “Bài thơ thời gian”. Tôi thiển nghĩ vậy. Nếu như trong văn, tác giả thành công là khi sáng tạo ra “những nhân vật điển hình”có thể bước ra cuộc đời từ trang sách như Chí Phèo, Thị Nở... thì trong thơ phải là “tâm trạng điển hình” người đọc mới có được những giao cảm... Mới tìm đến thơ ...
Sóc Sơn 4/2024