Cảm thức thời gian trong thơ Dương Kỳ Anh

Thứ Năm, 27/04/2023, 15:53

Thời gian trong thơ Dương Kỳ Anh ít nói tới tương lai mà nghiêng về hoài niệm quá khứ. Ngay cả khi viết thời gian hiện tại, ông vẫn luyến tiếc về những gì tươi đẹp nhất.

Nhà thơ Dương Kỳ Anh đã trình làng 5 tập thơ rưỡi. Gọi như thế vì tác phẩm thứ sáu Minh triết (NXB Hội Nhà văn, 2019), gồm hai phần: một nửa văn, một nửa thơ. Trừ thi tập thứ tư “Thơ Dương Kỳ Anh” (NXB Kim Đồng, 2005) được tuyển chọn từ ba tập thơ trước, các tập thơ còn lại đều in đậm dấu ấn thời gian: “Và anh đợi” (NXB Lao động, 1987), “Đi qua thời gian” (NXB Hội Nhà văn, 1982), “Miền ký ức” (NXB Quân đội nhân dân, 2001), “Thong thả” (NXB Hội Nhà văn, 2016). Tên các tập thơ đã minh định điều đó. Số lượng tiêu đề các bài thơ và câu thơ trong một bài thơ càng khẳng định thêm nhận định ấy.

Nhưng thời gian trong thơ Dương Kỳ Anh ít nói tới tương lai mà nghiêng về hoài niệm quá khứ. Ngay cả khi viết thời gian hiện tại, ông vẫn luyến tiếc về những gì tươi đẹp nhất. Một năm mở đầu bằng mùa xuân, mùa xuân mở đầu bằng tháng giêng. Trước sự thay da đổi thịt của đất trời, lòng thi nhân vẫn bâng khuâng tiếc nuối: "Tháng giêng mắt ướt tóc dài/ Cỏ non xanh rợn chân trời hư không/ Ngõ buông một sợi tơ hồng/ Anh buông chiều biếc vẫn không gặp mình" (Tháng giêng). Dẫu rằng, người thơ vẫn luôn cố gắng làm mới tâm hồn mình, luôn giữ được niềm tin hy vọng cuộc sống tương lai sẽ đẹp hơn: "Thời gian rũ áo không quay lại/ Bảng lảng nghìn năm sương khói ơi/ Đất trời như thực như mơ ấy/ Xin một cành non hái với đời… Được sống ngàn năm, anh vẫn trẻ/ Vẫn say sắc lạ, với hương đời/ Mùa xuân rũ áo không quay lại/ Bảng lảng nghìn năm, sương khói ơi" (Ngẫu hứng ngày Tết).

nhà thơ dương kỳ anh.jpg -0
Tranh chân dung nhà thơ Dương Kỳ Anh.

Trong cuộc sống với bao bộn bề công việc, niềm tin tưởng hy vọng ấy vẫn không giảm, trái lại càng bền vững hơn, càng mạnh mẽ hơn: "Thế sự ngày ngày chen cột báo/ Bao nhiêu biến đổi với xoay vần/ Riêng anh lòng vẫn như thơ ấy/ Khao khát đợi chờ trong gió xuân" (Trong gió xuân). Trước “thời gian ngọn gió vèo qua”, thi nhân luôn trăn trở về sự “được - mất”, “mất - còn” của đời người. Hãy lắng nghe những suy ngẫm về “một ngày”, đơn vị chính yếu của thời gian: "Một ngày không nắng, không mưa/ Bão giông lắng ở nơi vừa bão giông/ Một ngày, sắc sắc, không không/ Mõ chùa không đánh, chuông lòng không ngân/ Một ngày, rêu mọc ngoài sân/ Ngựa xe thuở trước bụi trần hôm nay/ Một ngày, rượu uống chưa say/ Lời chưa nói, gió đã bay mất lời/ Một ngày tôi gặp…mình tôi" (Một ngày). Chính bởi cảm nhận sâu sắc về sự “mất - còn” như chớp mắt của đời người như vậy, người thơ luôn nâng niu những ký ức, những kỷ niệm đẹp nhất cuộc sống đã dâng tặng mình: "Đôi khi chợt nhớ một miền ký ức xa xôi/ Thời gian như bông hồng đỏ thắm/ Cứa vào ta ký ức tuyệt vời/ Dù đến đâu của sự im lặng/ Tận cùng của sự kiên nhẫn/ Cũng không thể nào có được điều ta mong/ Khát khao vò nát bông hồng/ Thời gian chỉ còn gai sắc/ Ta nuôi dưỡng tình yêu bằng ảo giác" (Miền ký ức).

Người thơ tin vào sự vĩnh cửu luôn tươi mới của thời gian, vào tương lai của lớp hậu sinh kế tiếp mình: "Ai bảo thời gian/ Không quay trở lại/ Mình gặp tuổi mình/ Khi mùa xuân tới/ Trong các con ta/ Ta còn trẻ mãi/ Thời gian chậm rãi/ Sao ta vội vàng" (Thời gian). Do điều kiện công tác, thi nhân được đi đến nhiều nơi trên thế giới và trong nước. Đến đâu cũng ghi lại cảm xúc của mình trước những danh thắng, di tích lịch sử. Và cảm xúc sâu đậm nhất vẫn là cảm xúc thời gian, về những vui buồn nhân thế, những bài học lịch sử nghìn năm vẫn còn tươi rói, nóng hổi tính thời sự hôm nay: "Máu, nước mắt, tiếng hổ gầm và tiếng kêu than của người nô lệ/ Thời gian đã rêu phong những tiếng thét gào/ Tôi chỉ thấy du khách nói cười trên khổ đau của nghìn năm trước/ Những khổ đau bây giờ, người đời bây giờ nghĩ sao?!" (Ghi ở đấu trường La Mã).

Cảm xúc ấy được lật đi lật lại trong các thi phẩm tiếp theo: “Trên Vạn Lý Trường Thành”, “Tượng người đàn bà ngoại tình ở Luc - xăm - bua”, “Ghi ở Hòn Chồng” hay “Trước lăng Khải Định”: "Ở đây bùn đất lên ngôi/ Mảnh sành mảnh chĩnh cùng ngồi với vua… Đâu hồn thơ của người xưa/ Tài hoa một nét, bây giờ còn đây… Nghe trong hương khói phơi bày/ Thời gian như thể tháng ngày phôi pha/ Đời người như ngọn gió qua/ Bao triều vua cũng chỉ là hư không", mà tôi đã lạm bình như sau: “Nếu ai đã có duyên nợ ít nhiều với thi ca khi đặt chân đến Huế không sáng tác một câu thơ, một bài thơ, một chùm thơ về xứ sở đáng yêu này? May mắn và tài hoa, các bài thơ đó được trường tồn cùng với thời gian như "Đẹp và thơ" của Nam Trân, "Đây thôn Vĩ Dạ" của Hàn Mặc Tử, "Giời mưa ở Huế" của Nguyễn Bính, và chí ít cũng trở nên báu vật của một người. Bài thơ "Trước lăng Khải Định" của Dương Kỳ Anh không phải ngoại lệ.

Hai câu mở đầu hơi lạ. Nhân dân ta thường nói: "được thời võng lọng cân đai/ hết thời mảnh chĩnh vứt ngoài bụi tre". Nhưng ở đây mảnh chĩnh được ngồi ngang hàng với vua chúa, bùn đất được lên ngôi hoàng đế, một cảnh tượng chưa thấy ở đâu - bao giờ. Trong bài "Khoảng tĩnh không trong thơ" (Báo Văn nghệ trẻ, số ra ngày 25/3/2001), nhà thơ Phạm Tiến Duật đã có nhận xét tinh tế: "Dòng thứ hai rất thú vị, vừa tả được cái tài khéo phù điêu rồng phượng của nghệ nhân vừa sướng khoái trong sự bá vai vua của người chân đất".

Riêng tôi, tôi hình dung rằng sau khi viết xong hai câu thơ mở đầu, nhà thơ Dương Kỳ Anh không thể không nhếch mép cười. Nhưng rồi anh lại trở về với cái tính nghiêm trang của mình: "Đâu hồn thơ của người xưa/ Tài hoa một nét, bây giờ còn đây". Thì ra như vậy! Ở cái xứ được mệnh danh đẹp và thơ này, có cái không mang hồn thi sĩ: một dòng Hương chảy lững lờ, một hòn núi Ngự thông reo, một tà áo tím tung bay… Và cả ở đây, trên cái kiến trúc nặng phương Tây nhẹ phương Đông này, người nghệ nhân dân gian tài hoa cũng kịp gửi tâm hồn thi sĩ của mình trên những nét phù điêu rồng phượng. Họ đã kịp làm được cái xưa kia Vũ Như Tô không làm được khi xây Cửu Trùng Đài.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng nhận xét: "Triều đại Nhà Nguyễn là triều đại để lại rất nhiều lăng". Trong cái không được kia cũng có cái được. Ấy là các kiến trúc này đã ghi lại dấu ấn lịch sử - văn hóa của dân tộc ta trong một thời đại đau thương đáng ghi nhớ. Biết làm sao tránh được các quy luật của tạo hóa: thịnh - suy, tròn - khuyết, còn - mất… tất cả, tất cả sẽ bị chôn vùi dưới tro bụi thời gian. Và đời người mới ngắn ngủi làm sao: "Đời người như ngọn gió qua". Lại thêm một cách ví von thú vị.

Người xưa từng nói: đời người như chớp mắt, như chiêm bao, như vó câu qua cửa sổ… Nhà thơ lại ví: "Đời người như ngọn gió qua" vừa nhanh vừa nhẹ như lông hồng. Bởi tất cả sẽ trở thành hư vô, cát bụi: "Bao triều vua cũng chỉ là hư không". Hơn một lần anh từng nói đến điều này khi đứng trên Vạn Lý Trường Thành: "Mọi bạo chúa, cường quyền rồi sẽ chết/ Mọi tấn trò đời khép lại phía sau". Nhưng tôi tin anh không phải là người yếm thế, phủ nhận tất cả. Anh hiểu sâu sắc rằng: "Chỉ có tình yêu song hành cùng trái đất/ Triệu năm rồi và triệu năm sau". Tình yêu luôn là nguồn sữa nuôi dưỡng mọi cảm hứng sáng tạo, mọi tài hoa.

Kết thúc bài thơ có một chút phảng phất buồn, nhưng nếu để hồn ta lắng lại, ta vẫn được an ủi rất nhiều. Bởi: "Trước lăng Khải Định" - lăng của một vua bù nhìn và thuần phục mẫu quốc một trăm phần trăm này (cả khi còn sống và sau khi đã chết!) - ta vẫn còn được chiêm ngưỡng "tài hoa một nét". Dẫu một nét thôi, nhưng nó sẽ trường tồn vĩnh cửu với thời gian như chính văn hóa xứ Huế vậy”.

Trong bài viết “Câu thơ nối được hồn ta hồn người” (Báo Văn nghệ Công an, 6/4/2018), nhà thơ Dương Kỳ Anh chia sẻ: “Cố nhà thơ Trinh Đường một người sống chết vì thơ, nhiều năm biên tập thơ ở Báo Văn nghệ trước đây, rất công tâm và tinh tế, sinh thời chúng tôi mời ông chấm thơ vòng chung khảo cho cuộc thi Tác phẩm tuổi xanh và Tầm nhìn thế kỷ. Có lần ông bảo tôi: Thơ Dương Kỳ Anh và Lê Quốc Hán đều có nét riêng: Dương Kỳ Anh là cảm thức về thời gian, là nhành mai vàng thời gian, còn Lê Quốc Hán là cảm thức về tâm linh và vũ trụ”.

Thu 2019, khi cả hai bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy”, tôi lên chơi “biệt phủ” của Dương huynh trên Sóc Sơn. Sau khi đưa khách đi khắp khu trang trại với cơ man hoa quý và cây ăn quả, chúng tôi ngồi im lặng bên nhau ngẫm nghĩ về bài học “cái đẹp cứu rỗi thế giới”. Sự im lặng anh học được qua bảy mươi năm sống và chiêm nghiệm trong những câu thơ tuyệt đẹp của mình: "Bây giờ tôi biết lặng im/ Như con sông chảy im lìm ngoài kia/ Lặng im khi buổi chiều về/ Phù sa lắng đọng bộn bề tâm tư/ Tôi nào đâu dám thờ ơ/ Trước bao la những bến bờ con sông/ Lặng im cây lúa làm đòng/ Lặng im đến với mênh mông mùa vàng/ Một đời lặng lẽ nuôi con/ Lặng im vạt áo nâu sồng mẹ tôi/ Bao nhiêu năm học nói, cười/ Hôm nay tôi học được lời lặng im" (Lặng im).

Lê Quốc Hán
.
.