Cái tóc - nét văn hóa

Thứ Sáu, 18/11/2022, 15:18

Ca ngợi công ơn thầy cô có lẽ bài hát “Bụi phấn” (nhạc Vũ Hoàng, thơ Lê Văn Lộc) là một trong những tác phẩm thành công nhất: “Khi thầy viết bảng/ Bụi phấn rơi rơi/ Có hạt bụi nào/ Rơi trên bục giảng/ Có hạt bụi nào/ Vương trên tóc thầy/ Em yêu phút giây này/ Thầy em, tóc như bạc thêm/ Bạc thêm vì bụi phấn/ Đã cho em bài học hay...”.

Hình tượng tóc thầy bạc lại như bạc thêm vì bụi phấn là liên tưởng bất ngờ mà hợp lý. Tóc thầy bạc để “cho em bài học hay” là lời biết ơn trước công lao, tấm lòng và sự hy sinh của thầy. Chúng ta còn rất thiếu những bài hát như thế! Nói về tóc, nhà thơ Đoàn Văn Cừ có câu thơ để đời: “Nước thời gian gội tóc trắng phau phau”, tả tóc làm người đọc hình dung ra cả một thời gian đời người...

Những ý thơ trên tựa vào câu tục ngữ: “Cái răng cái tóc là góc con người”, từ cái răng cái tóc mà có thể biết được con người, tính cách người... Cái để làm người khác chú ý, trước hết là “tóc”: “Một thương tóc để đuôi gà...”. Thế nào là “tóc để đuôi gà”?.

Trong “Nhớ gì ghi nấy”, nhà văn Nguyễn Công Hoan tả: “Trước kia con gái lên ba, lên bốn thì đầu cạo trọc, nhưng để một cái “cút” ở phía trước. Từ mười sáu tuổi trở đi, thì vấn khăn. Tức rẽ giữa trán rồi chải sang hai bên mới vấn khăn ra ngoài, quấn chặt cho thật lẳn. Khăn chít một vòng quanh đầu. Nên tóc ít hoặc ngắn thì phải độn thêm cho vành khăn khỏi bé. Chỗ tóc thừa ở đầu khăn, khi chít thì rủ xuống vai, gọi là đuôi gà. Nếu tóc ngắn, không có đuôi gà thì các cô mượn tóc ngoài để nối vào tóc mình, làm “đuôi gà giả”.

image002.jpg -0
Hình ảnh vua Louis XIII đội tóc giả.

Người Việt nói “mái tóc” là rất tinh tế. “Mái” luôn để che, mái nhà để che mưa che nắng. Mái tóc để che chắn, bảo vệ đầu. Còn là ý nghĩa thẩm mỹ, mái tóc đẹp làm tôn lên vẻ đẹp khuôn mặt, vẻ đẹp con người. Gắn liền với đời người, thế nên mái tóc được các thi sĩ mượn để ẩn dụ cho cuộc đời.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn trong bài “Tóc của mẹ tôi” tả người mẹ gội đầu rất sinh động, tình cảm: “Mẹ tôi hong tóc buổi chiều/ Quay quay bụi nước bay theo gió đồng/ Tóc dài mẹ xoã sau lưng/ Bao nhiêu sợi bạc chen cùng sợi đen”. Nhà thơ liên tưởng đến những lần nhổ tóc sâu cho mẹ: “Tóc sâu của mẹ, tôi tìm/ Ngón tay lần giữa ấm mềm yêu thương/ Bao nhiêu sợi bạc màu sương/ Bấy nhiêu lần mẹ lo buồn vì tôi/ Con ngoan rồi đấy mẹ ơi/ Ước gì tóc mẹ bạc rồi lại xanh!”.

Nhổ tóc sâu cho mẹ chưa có thơ, nhưng đến khi liên tưởng tóc mẹ bao nhiêu sợi bạc vì lo buồn cho con thì đã có chất thơ. Đến khi người con ao ước quay ngược thời gian để mẹ trẻ lại thì có thơ hay: “Ước gì tóc mẹ bạc rồi lại xanh!”. Thơ là một mô hình, một hệ thống. Có nhiều câu bình thường để dồn cho một câu hay. Nhưng nếu tách câu này ra đứng riêng thì có khi lại thành sáo, mất hay. Thế nên đọc thơ phải đọc hệ thống toàn bài...

Nhà thơ Phạm Đình Ân có bài thơ “Tóc mẹ” rất cảm động: “Tóc sâu nhổ giúp mẹ xưa/ Chỉ mươi sợi đục đặt vừa lòng tay/ Năm năm… Tháng tháng… Ngày ngày…/ Tóc con xanh, tóc mẹ phai nhạt dần”. Vẫn chưa phải thơ hay. Thơ hay phải cậy nhờ đến liên tưởng: “Mỗi lần trông mẹ vấn khăn/ Giật mình: sợi bạc còn ngần ấy sao?/ Một đời sung sướng – khổ đau/ Sương sa bạc xóa tóc đầu rụng vơi”.

Thơ hay thường gợi suy ngẫm, suy nghiệm, chất vấn, tự vấn: “Vo vo sợi giắt đầu hồi/ Lang thang sợi rải khắp nơi trong vườn/ Sợi vương vào bát canh cần/ Bữa ăn con nghẹn mấy lần, mẹ ơi!/ Rụng rồi, còn bạc chưa thôi/ Mòn thêm cùng với dáng người lom khom”. Thơ hay là thơ chân thành ở cảm xúc, gây ám ảnh ở hình tượng. Ai cũng có mẹ nhưng nhìn thấy và thương những sợi tóc mẹ thật thấm thía thì mới chỉ thấy ở thi phẩm này!

Văn hóa phương Đông xưa chịu sự chi phối của Nho giáo với quan niệm: “Những gì thuộc về thể xác như cơ thể, mái tóc, không phải của bản thân mà thuộc sở hữu của đấng sinh thành”. Thế nên con cái không được tùy ý cắt tóc vì mái tóc của mình là do bố mẹ cho, tự cắt là bất hiếu. Hơn nữa tóc còn là để biểu hiện tầng lớp xã hội, mức độ giàu có và tình trạng hôn nhân của mỗi người. (Ngày nay ở nước ta còn phụ nữ dân tộc Thái theo tục này, quấn tóc lên cao (tằng cẩu) là báo hiệu người đã có chồng). Nói nhiều hơn một “góc con người”, cái tóc trở thành nét văn hóa của người!

So sánh với phụ nữ Hàn Quốc xưa thì ở ta còn chưa phức tạp bằng. Khi chưa lấy chồng người con gái Hàn thường để tóc tết thả dài, kết hôn thì búi tóc lên rồi cài trâm. Cái trâm mới thể hiện sự giàu có của chủ nhân và gia đình. Với kỹ nữ thì phải đội mũ trang trí sặc sỡ để dễ nhận biết. Phụ nữ quý tộc, vương giả thì có bộ tóc riêng biệt được trang trí thượng đẳng cực kỳ công phu xa xỉ. Ngày nay với người Hàn, mái tóc vẫn rất quan trọng, nó như một giá trị văn hóa của chủ nhân. Trong trường học, kỷ luật hà khắc nhất là bị cắt tóc. Thế nên ảnh các diễn viên Hàn Quốc luôn có mái tóc hấp dẫn nổi bật.

Với người Trung Hoa xưa theo quan niệm đầu là nơi tiếp giáp với vũ trụ thần linh, tóc là “tơ trời”, là “duyên trời” nên tóc mang sức mạnh huyền bí, là mối liên kết giữa âm dương. Với phụ nữ, tóc là biểu hiện “duyên phận”, “duyên kiếp” nên thất tình thì cắt tóc là biểu hiệu một sự giải thóat, rũ bỏ bụi trần, sau đó thường tìm nơi cửa Phật đi tu... Với người đàn ông thì tóc còn là “lộc trời”, trời cho thì được nên tóc trở thành một sự bảo hiểm cho số phận. Cả đàn ông đàn bà mắc tội lớn sẽ chịu hình phạt cắt tóc. Con gái mà chửa hoang sẽ bị cạo trọc đầu bôi vôi (với cái ý không cho tóc mọc lại) cho thả bè trôi sông là có thật, là hình phạt cao nhất, bố mẹ từ bỏ, xóm làng ruồng rẫy, cho trở về với tạo hóa...

image001.jpg -0
Cô gái Hà Nội xưa “tóc bỏ đuôi gà”!

Câu chuyện tóc ảnh hưởng sang cả chính trị. Chính sử Trung Quốc kể trong thời nhà Đông Tấn, một viên quan tên là Đỗ Thao làm phản, tiến đánh Kinh Châu. Tướng triều đình là Đào Khản dẫn quân thu phục. Đào Khản biết có thể dùng tấm lòng chân thành mà cảm hóa, bèn cắt tóc mình phái người đem đến cho Đỗ Thao. Theo quan niệm cổ xưa, tóc đại diện cho đầu, cắt tóc rồi gửi cho đối phương ý rằng muốn dùng tấm lòng mình để giao hảo. Việc lớn thành công chỉ nhờ một hành động nhỏ.

“Tam quốc diễn nghĩa” kể, để lấy lòng dân, Tào Tháo hạ lệnh: “Những kẻ giẫm lên lúa mạch, bất kể là ai, lập tức sẽ bị chém đầu thị chúng”. Trăm họ thấy thế vô cùng tán thưởng. Không ngờ ngựa Tào Tháo trở chứng chạy vào ruộng lúa. Tào Tháo lập tức gọi viên quan tùy tùng tới yêu cầu trị tội mình vì “phạm quân lệnh”. Tất nhiên bách quan quỳ lạy xin Tháo bỏ qua. Tháo bèn cầm gươm ngửa mặt lên trời mà rằng xin trị tội mình. Nói xong Tháo cắt phăng mái tóc trên đầu. Bách quan run cầm cập vừa sợ, vừa phục Thừa tướng sát đất... Thời đó cắt tóc là một chuyện tày trời. Không phải là hành vi mỵ dân giả dối như đã từng hiểu, nó như một mũi tên bắn tới ba bốn đích, là sự tự trừng phạt nghiêm khắc, giữ được kỷ cương, quân tử đã nói là làm.

Như vậy tóc là một biểu hiện văn hóa. Hiểu từ góc độ này ta càng thấy lời hịch bất hủ của Quang Trung Nguyễn Huệ đanh thép, sâu sắc: “Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để răng đen/ Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn...” là cực kỳ có ý nghĩa. Kẻ xâm lược bắt dân ta cạo trọc đầu ngược với tập quán và cũng ngược lại chính Nho giáo, ta đuổi giặc tức ta giữ lại văn hóa của ta cũng là giữ nếp văn hóa Nho gia từ xa xưa. Rõ ràng ta đã chính nghĩa càng chính nghĩa, kẻ thù xâm lược phi nghĩa càng thêm phi nghĩa vì chúng đi ngược lại với chính tổ tiên họ!

Đội tóc giả ban đầu được dùng ở Ai Cập với mục đích để bảo vệ vùng đầu tránh nắng sa mạc.Dần dần phụ nữ tại Rome đội chúng như một thời trang. Tới thế kỷ XVII vì bệnh chấy rận hoành hành dữ dội ở châu Âu nên người ta phải cắt tóc và buộc/thích dùng tóc giả. Tương truyền năm 1624, vì mắc bệnh hói đầu nên vua Louis XIII phải đội tóc giả rồi thành mốt trong giới quý tộc. Ở nước Anh thế kỷ XVII tóc giả thường có màu tự nhiên nhưng bắt chước “mốt” rắc bột mỳ hoặc bột thạch cao lên tóc giả từ Pháp mà người ta tạo ra những bộ tóc màu hồng, xanh, nâu hay xám. Cũng tại Anh, năm 1705, giới quan tòa bắt đầu đội tóc giả để hòa nhập với xu hướng đang thịnh hành, có đặc trưng riêng nên dần được coi là mốt thời thượng!

Nguyễn Thanh Tú
.
.