Cái “giật mình” của văn hóa!?

Thứ Sáu, 01/04/2022, 19:15

Cụ Tú Xương có hai câu thơ không chỉ là để đời mà sẽ là muôn đời: "Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò". Đây là cái "giật mình" của lịch sử, của thời đại: sự đổi thay quá nhanh liệu có là tốt đẹp? Xưa là tiếng người thao thiết nay là tiếng ếch vô tình! Cái âm thanh vô tình lại trở nên hữu tình, đau đáu, ngẩn ngơ, bàng hoàng...!

Tiếng ếch, con ếch vốn là một phần đời sống văn hóa người Việt!

Để chê trách kẻ nào to mồm rồi gặp nạn, người ta sẽ nói: "Ếch chết tại miệng". Để phê phán ai đó kiến thức hạn hẹp mà lại cố tỏ ra hiểu biết thì: "Ếch ngồi đáy giếng". Khinh thường ai đó người ta dè bỉu: "Loại ếch/cóc nhái!". Nói về thân phận đáng thương (của người nông dân) thì: "Ếch kêu dưới vũng tre ngâm/ Ếch kêu mặc ếch tre dầm mặc tre". Những kẻ dưới đáy sống ở môi trường dưới đáy sẽ muôn đời không ánh sáng...

Để tưởng nhớ Léon Jean Laurent Chavassieux (1848 - 1895) - phó Toàn quyền Đông Dương, năm 1897 ở Hà Nội, người Pháp xây dựng vườn hoa Chavassieux, nay là vườn hoa Diên Hồng, trong đó có những bức phù điêu con ếch phun nước. Thế nhưng dân gian cứ coi đấy là con cóc và gọi luôn là "vườn hoa con Cóc". Vì với tín ngưỡng của họ chỉ con cóc mới xứng đáng ngồi ở đó... Còn con ếch chỉ là nhỏ bé, thảm hại, đáng thương!?

Cái “giật mình” của văn hóa!? -0
Hình tượng con ếch trong "Vườn hoa Con Cóc".

Người Việt sáng tạo hẳn một truyện ngụ ngôn "Ếch ngồi đáy giếng" để răn dạy con người phải biết mình, biết ta để mà ứng xử, kẻo không thì thiệt mạng. Vì sống dưới đáy giếng, khi nhìn lên ếch ta thấy bầu trời chỉ bằng cái miệng giếng. Nó thấy các loài sống dưới đó như nhái, cua, ốc... đều bé nhỏ thảm hại cả. Nó chỉ cần cất tiếng kêu ộp ộp là bọn chúng hoảng sợ. Chưa từng gặp ai mạnh mẽ hơn nên ếch cứ nghĩ nó là một vị chúa tể.

Một hôm trời mưa lụt nước giếng dâng tràn ếch được dịp ra ngoài mặt đất rộng mênh mông. Lẽ ra phải coi đây là một dịp để quan sát, học hỏi thì nó vẫn giữ cái "quan niệm" cũ, cứ coi mình là nhất thiên hạ, nghênh ngang giữa đường. Thế là hỡi ôi, nó bị con trâu giẫm bẹp. Nó chết mà chưa hiểu vì sao mình chết! Thế đấy, những kẻ kiêu căng "coi trời bằng miệng giếng", không chịu học hành tiếp thu cái mới... sẽ trả giá bằng cái chết! Bài học giản dị, sâu sắc, thấm thía. Chắc chắn sẽ sống mãi, vì còn con người là còn những bài học như vậy!

Truyện "Sự tích con ếch" lại tập trung cái thiếu thiện cảm của dân gian vào hình tượng. Ngày xưa có một nhà sư xuất gia từ bé. Nổi tiếng chân tu học rộng, thông kinh bác cổ, mọi bí truyền sát quỷ trừ tà đều thông tỏ. Một hôm Phật báo mộng cho biết sư sẽ đắc đạo sau một cuộc thi sát hạch ở Thiên đình. Từ đó sư thêm quyết tâm ôn luyện kinh kệ, ấn quyết cho tinh luyện. Đột nhiên một hôm, sư nghĩ ta đã đủ cả lục trí thần thông, duy một việc chưa từng biết là cơ thể đàn bà. Nếu lên trời, được hỏi thì biết gì mà trả lời. Phải "tìm hiểu" thôi!

Nghĩ mãi không ra cách, sư nhờ người đàn ông trông coi nhà chùa. Ông ta về dỗ vợ... Nhưng từ đó sư đâm ra ngơ ngẩn, chả chú ý gì đến kinh kệ thần Phật nữa. Việc phù phép cũng mất thiêng. Phật nổi giận bèn cho sét đánh chết, bắt hóa làm con ếch: "Đi tu mà chẳng trót đời/ Sinh ra con ếch cho người lột da!". Câu chuyện đau đớn mà thâm thúy vô cùng: Làm người phải theo đuổi ý chí đến cùng. Đừng vì bất kỳ một cám dỗ gì mà quên đi lý tưởng. Nhà sư lẽ ra sẽ thành Phật nhưng vì một dục vọng cỏn con mà chết, chết còn bị biến thành loài "ếch nhái"... Làm người đã khó. Làm Phật còn khó gấp vạn lần!

Trong văn hóa Việt, hiếm khi ếch được coi là kẻ hiền lành, thân thiện, thương người như trong truyện Nôm "Trê Cóc". Cóc bị kiện, đi khắp nơi để nhờ, gặp được Ếch thân mật: "Hay là có việc chi chăng?/ Đầu đuôi ngỏ thực xin đừng giấu nhau". Thấy Ếch chân thành quan tâm, Cóc kể về hoạn nạn của mình. Không giúp được gì, Ếch thương cảm giới thiệu đến Nhái bén: "Nghề tay thầy kiện trứ danh/ Có chàng Nhái bén thực anh bợm già". Nhờ thế mà Cóc thoát nạn.

Trong khi đó ở hầu hết các nền văn hóa thì ếch là biểu tượng mang nhiều ý nghĩa tích cực. Những ngụ ngôn của La Phông-ten (Pháp) lấy ếch làm hình tượng đáng chê là hiếm hoi: Thấy chú bò "kếch xù", ếch ta bèn cố phình bụng cho hết cỡ để to bằng bò. Hỡi ôi, cái thân bé bỏng tong teo mà lại cố làm cho to tất sẽ gặp hậu quả: ếch vỡ bụng mà chết. Đó là bài học cho tất cả những kẻ nào hợm hĩnh, cố học đòi, học sang vượt quá cái giới hạn của mình...!

Cái “giật mình” của văn hóa!? -0
Chú ếch ngoài đời!

Cổ tích châu Âu, châu Mỹ cũng có nhiều truyện mô tip người đội lốt vật nhưng ở ta thì thường đội lốt cóc, trong khi đó thì ở họ đội lốt ếch nhiều hơn. Ví như truyện "Hoàng tử Ếch" (truyện cổ Grimm) thì người đáng phê phán là cô công chúa tuy xinh đẹp vương giả nhưng lại chẳng giữ lời hứa, kênh kiệu đáng ghét... Dù bị mắc phải lời nguyền ác độc của mụ phù thủy, chàng Hoàng tử vẫn lạc quan tốt bụng trong cái lốt ếch xấu xí. Cuối cùng sự kiên nhẫn và lòng chân thành của chàng đã cảm hóa được công chúa. Thoát khỏi lời nguyền, họ lấy nhau hạnh phúc…

Gần gũi văn hóa Việt, "cổ mẫu" ếch trong văn hóa Trung Hoa cũng mang nhiều nghĩa biểu tượng tích cực như may mắn, hiền lành, dễ thương và nhất là mang ý nghĩa phồn thực sinh sôi. Người ta tặng các cặp vợ chồng hiếm muộn những tượng ếch xinh xinh ý nói họ sẽ con đàn cháu đống. Mới nhất, trong tiểu thuyết "Ếch", Mạc Ngôn cũng khai thác cổ mẫu này để xây dựng hình tượng con người tràn trề sinh lực giao hoan...

Từ miền cổ mẫu xa xưa, ếch nhảy vào hội họa hiện đại Trung Hoa được bao họa sĩ tài ba miêu tả rất sinh động. Hẳn nhiên có tranh của bậc thầy Tề Bạch Thạch (1864 - 1957). Bức họa "Oa thanh thập lý xuất sơn tuyền" (Tiếng ếch vượt suối vang 10 dặm) được danh họa vẽ năm 91 tuổi như thách thức thời gian, thách thức nghệ thuật. Tiêu đề ghi tả tiếng ếch kêu nhưng không có bất kỳ con ếch nào, chỉ có vài con nòng nọc bơi dọc dòng suối xuống vách núi…

Mãi sau người ta mới "ngộ" ra ý thâm thúy: vẽ ếch thì chỉ thấy được "ếch kêu" trong tưởng tượng chứ không tả được âm thanh "vượt suối vang 10 dặm". Đó là chân lý hàm súc của nghệ thuật, cơ bản hơn là tôn trọng độc giả, dành cho độc giả khoảng không gian tưởng tượng. Đó là tiếng ếch mẹ gọi con từ trên đỉnh núi, vọng khắp vùng lâm tuyền sơn cước. Đó cũng là quan niệm của danh họa: Người thạo vẽ tả thực thì chú trọng cái hình. Người giỏi về tả ý thì chuyên tâm lột tả cái thần. Quả là tài năng kiệt xuất!

Những năm 2009 - 2010 người dân Cơ Tu (Tây Giang - Quảng Nam) liên tiếp phát hiện được trống đồng cổ loại 2 Hê Gơ (thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ VI). Có trống còn khá nguyên vẹn, tâm điểm mặt trống trang trí hình mặt trời với 6 tia nắng, trên mặt trống có trang trí nổi 4 con ếch. Theo các nhà nghiên cứu thì vũ điệu ya-ya truyền thống của phụ nữ Cơ Tu còn được gọi là vũ điệu "hình con ếch".

Đó là điệu múa thiêng cầu mùa của người phụ nữ Cơ Tu bắt nguồn từ những động tác dâng lễ vật từ thời xa xưa. Nó là sự mô phỏng động tác thể hiện tâm trạng hân hoan, ăn mừng khi săn bắt được thú lớn… Động tác múa với hai tay giơ lên trời, hai chân dạng ra đối xứng theo trục dọc chính là sự mô phỏng điệu nhảy của ếch. Vũ điệu này được người tiền sử thể hiện qua các hình vẽ trên nhiều vách hang động ở Đông Nam Á.

Có nhiều căn cứ khẳng định hình trên mặt trống đồng Ngọc Lũ là ếch chứ không phải cóc. Có mặt trống là hình các cặp ếch đang giao phối rất tự nhiên.

Giống như trống ở Tây Giang, vầng mặt trời tỏa tia sáng ở giữa mặt trống là dương thì các tượng ếch vây quanh là âm. Đó là biểu tượng của tín ngưỡng phồn thực cổ xưa của nhiều dân tộc. Trong vũ điệu ya-ya Cờ Tu, người múa vừa múa vừa xoay vòng quanh chiếc cột tế giữa sân, thì cột tế biểu tượng của dương (tương tự hình tượng Linga của người Chăm), các phụ nữ múa vây quanh là âm. Âm dương làm thành bộ đôi phồn thực trong lễ cầu mùa!

Vấn đề đặt ra là tại sao văn hóa Việt sau này thiếu thiện cảm với ếch? Phải chăng từ khi chịu ảnh hưởng Phật giáo với quan niệm "diệt dục", "từ bi, hỷ xả"... Điều này trái hẳn với đặc điểm sinh lý của ếch là sinh sản rất mạnh, giao phối rất khỏe. Mặc dù đã đi vào văn hóa trở thành biểu trưng cho phồn thực sinh sôi nhưng do Phật giáo quá mạnh (có thời điểm trở thành "quốc giáo") nên sắc màu biểu trưng nhạt dần rồi bị thay thế!?

Nguyễn Thanh Tú
.
.