Cái cổng - mở ra mọi thế giới!

Thứ Sáu, 31/05/2024, 09:30

Ngày xưa ở quê, ai cũng gắn bó với cái cổng làng, thậm chí thân quen hơn các biểu tượng cây đa, bến nước, sân đình - vốn được coi là linh hồn của làng xã Việt. Ngày nay đi đến bất cứ không gian nào, kể cả trên thế giới cũng đều phải đi qua cái cổng nào đó, dù chỉ mang tính biểu trưng.

Được hiểu là sự vật xây bằng gạch đá hoặc làm bằng gỗ, kim loại, thậm chí chỉ là hai cái cột gỗ nhỏ hoặc hai bụi cây… ngăn cách hai không gian trong, ngoài. Tên tiếng Anh (gate) có gốc từ tiếng Na Uy cổ (gat) để chỉ lối đi là một ô trống trong bức tường hoặc hàng rào. Nghĩa ban đầu của nó cũng đa dạng, là sự ngăn chặn, kiểm soát việc ra vào, hoặc đơn giản là để trang trí.

image001.jpg -0
Cổng tam quan Đền Hùng.

Người Việt ta có thành ngữ: "Phòng người ngay, không phòng kẻ gian" có lẽ xuất phát từ hình tượng cái cổng này. Ngày xưa ở làng quê, có nhà là có cổng nhưng đại đa số chỉ mang tính ước lệ, khi khép "cánh" hoặc một ngọn rào "rấp ngõ" chỉ là để thông báo với "người ngay" là chủ đi vắng, chứ không "ý nghĩa" gì với kẻ gian… Ngày nay nhiều địa phương/ quốc gia có những cái cổng thật hoành tráng thực chất cũng chỉ mang tính biểu tượng… Nhưng bước vào bất kỳ một không gian nào (vật lý, tâm linh) cũng phải qua cổng, kể cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Vào một cơ quan phải qua "cổng", vào một làng phải qua cổng, rồi muốn "lên trời" phải qua "cổng trời", muốn "thăm" âm phủ phải qua cổng địa ngục… Lại muốn tìm hiểu thông tin phải qua "cổng thông tin"… Thật muôn hình vạn trạng.

Xin phép bàn góp trước về cổng làng Việt

Cấu trúc mô hình làng Việt thường theo lối "ngoài hào trong lũy" tức ngoài cùng là hào nước bên trong là lũy tre. Làng luôn có hai cổng, cổng chính thường ở phía đông và phụ (cổng hậu) thường ở phía tây. Con đường chính của làng nối cổng trước đến cổng sau. Ngày xưa trộm cướp nhiều nên cổng được xây kiên cố, thường bằng gạch. Làng nghèo thì xây cổng một cửa. Làng khá giả xây cổng "tam quan" (ba cửa) cấu trúc theo thuyết tam tài của triết học phương Đông cổ.

Cổng có ba lối đi, lối chính ở giữa chỉ mở khi có lễ lạt và đón quan, hai lối ngách để đi lại hàng ngày. Là ranh giới ước lệ nhưng thể hiện quyền uy của làng nên khách lạ qua cổng phải "hạ mã" (xuống ngựa/xe). Là một biểu tượng văn hóa nói lên phong tục, tập quán cùng khát khao ước vọng nên tuy chung mô hình nhưng cổng mỗi làng được điêu khắc, trình bày khác nhau.

Tên làng thường được đắp nổi trên trán cổng. Những câu đối, hoành phi được viết ở hai bên cổng không chỉ truyền đạt thông tin ngắn gọn (về làng), còn là lời giáo huấn, nhắn nhủ những ai đi xa luôn nhớ về nguồn cội mà làm vẻ vang cho dòng họ, quê hương. Cổng trước thường ở phía Đông đón gió đón nắng, đón sự may mắn, còn là đón quan trên, đón khách tứ phương đón người đi thi đỗ đạt, đón người làng đi làm về… Cổng sau để "đưa", đưa người chết về với tiên tổ nên từ cổng sau là đường đi ra nghĩa trang.

Nghĩa trang ở phía Tây, phía của nhà Phật nơi các linh hồn siêu thoát. Hương ước nhiều làng còn quy định rõ những tội phạm, những người xấu, người không chấp hành lệ làng… thì đi, về không được theo lối cổng chính mà phải đi về cổng sau. Như vậy cổng trước mang tính bề nổi, thiên về giáo dục các giá trị tích cực thì cổng sau thiên về tâm linh, về sự răn đe, nhắc nhở… Hình như các nghiên cứu văn hóa hiện nay chưa chú ý sâu về hình tượng "cổng sau" này (!?).

Ngày xưa mỗi làng như là một "tiểu vương quốc" nên cổng được canh gác nghiêm ngặt, ngoài sự bảo vệ trị an chống trộm cướp, còn để giữ "lệ làng" (Phép vua thua lệ làng). Hai chữ "gác cổng" trở thành một ký hiệu ăn sâu vào tâm thức cộng đồng, dai dẳng đến mức ở ngày hôm nay vẫn mang ý nghĩa ban đầu, biểu thị một sự ngăn cản, giữ gìn không cho "ra vào" những gì trái "lệ làng", (tức "lệ" của cơ quan, ngành nghề, công việc...).

Nhiều xứ sở có hai loại cổng: cổng trời và cổng địa ngục

Ở Việt Nam có 4 cổng trời nổi tiếng là cổng trời chùa Linh Quy Pháp Ấn (Đà Lạt); Cổng trời mũi Nghinh Phong (Vũng Tàu); Cổng trời Sa Pa (Lào Cai); Cổng trời Bãi Trường (Phú Quốc). Như tên gọi, các cổng này đều hùng vĩ, thơ mộng, khách đến tham quan như được đưa lên trời hoặc chốn Bồng Lai chiêm ngưỡng những cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, như được siêu thoát, cởi bỏ mọi tục lụy để thanh khiết, trong lành.

Nhật Bản có cánh cổng trời Torii thiêng liêng gắn liền với sự tích xứ sở "mặt trời mọc". Hiểu theo lối chiết tự thì "Torii" có nghĩa là "nơi gà ở" có từ truyền thuyết cổ: nữ thần mặt trời Amaterasu trốn vào trong hang để tránh trò quấy phá của đứa em trai nghịch ngợm. Cửa hang bị lấp kín gây ra hiện tượng nhật thực. Mọi người lo sợ mặt trời không trở lại thì mặt đất sẽ tối tăm, cây cối sẽ chết… Họ bèn dựng lên một cái sào bằng gỗ và thả nhiều gà trống đậu trên đó. Đám gà trống gáy ầm ĩ làm nữ thần mở cửa hang. Thừa dịp, các võ sĩ sumo to lớn chạy đến đẩy hòn đá sang một bên... Mặt trời rực rỡ trở lại. Cái sào bằng gỗ cho gà đậu này là cánh cổng Torii đầu tiên. Về sau Torii trở thành biểu tượng cho sự thịnh vượng, sung túc, may mắn có ở khắp đất nước Nhật Bản. Bước qua cổng Torii là bước vào con đường đến với thần linh nên ai cũng phải rửa tay thật sạch và ngậm nước  - biểu thị sự tĩnh lặng, thanh tịnh.

Cổng trời của đất nước Bolivia có cánh được khắc từ miếng đá nguyên khối, nặng khoảng 10 tấn, có niên đại khoảng 1.500 tuổi (từ văn minh cổ đại Tiwanaku). Theo truyền thuyết nơi cổng trời này thần Mặt trời Viracocha sáng tạo ra loài người và qua cánh cổng các thần mới có thể đi lại giữa các thế giới.

image003.jpg -1
Cổng Ấn Độ.

Về những cái cổng mang tính biểu tượng quốc gia thì cổng Ấn Độ rất nổi tiếng. Ban đầu cổng có tên là "All India War Memorial" sau được đổi lại thành "India". Là một tượng đài kiến trúc của thế kỷ 20 theo phong cách Ấn-Saracenic, cổng được dựng lên kỷ niệm hành trình của vua George V và hoàng hậu Mary trong chuyến thăm Ấn Độ năm 1911. Về sau cổng cũng là đài tưởng niệm cho hơn 80 nghìn người Ấn Độ hy sinh trong thế chiến thứ nhất. Cấu trúc cổng là vòm làm bằng đá bazan, cao 26 mét (85 feet). Thiết kế được phê chuẩn năm 1914, được hoàn thành vào năm 1924. Ngoài ra, nước Đức có cổng Brandenburg Gate (tại Berlin) và Khải Hoàn môn (ở Siegestor - Muenchen). Nước Pháp có Khải hoàn môn (Paris)…

Nhiều tôn giáo, tín ngưỡng cho rằng có một thế giới địa ngục. "Cổng địa ngục" là cái bản lề khép mở hai thế giới: dương gian/ âm phủ. Dù tin hay không thì trên thế giới vẫn có các cổng địa ngục nổi tiếng, có thể kể đến "Giếng thần Thor" ở Mỹ. Lấy tên thần sấm Thor (trong thần thoại Bắc Âu) để chỉ một hố sụt tự nhiên hình phễu nằm ở mũi Perpetua, theo truyền thuyết là con đường dẫn xuống âm phủ. Đến nay vẫn chưa thám hiểm được mạch nguồn và độ sâu của hố. Chỉ biết, mỗi khi thủy triều lên, nước từ hố trào phun lên những tảng đá xung quanh tạo ra cảnh tượng kỳ thú khó tả.

Nhiều nước châu Âu có chung tên gọi "cổng Hades" hay "các cửa âm phủ" đều chỉ con đường đi xuống địa ngục. Hades là tên của vị thần cai trị vương quốc của người chết (còn gọi là "ngôi nhà của Hades"). Thần thoại kể thần Hades phải lòng nàng Persephone - con gái Demeter (nữ thần của mùa màng). Hades tới chỗ Persephone đang dạo chơi và biến thành bông hoa thơm. Nàng vừa giơ tay chạm vào bông hoa thì mặt đất nứt toác và Hades giơ tay kéo Persephone xuống dưới cõi âm… Từ đó, nơi này được gọi "cổng Hades". Người Hy Lạp cổ tin rằng hang đá bên dưới ngôi đền ở Hierapolis là lối đi xuống địa ngục được cai quản bởi Thần Chết Hades. Nên nếu ai đặt chân vào miệng hang sẽ bị ngạt thở mà chết. Mãi về sau khoa học mới tìm ra "khí độc chết chóc" này do hoạt động núi lửa gần đó phát ra!

Truyền thuyết trên lý giải nhiều nơi lấy tên Hades hoặc "Cổng địa ngục" để chỉ miệng núi lửa. "Cổng địa ngục" ở Turkmenistan chính là miệng núi lửa Darvaza có nhiệt độ lên tới 1.000 độ C… "Cổng địa ngục" ở Siberia là miệng núi lửa Batagaika khổng lồ, rộng 1km, sâu tới 85m và ngày càng sâu, rộng hơn. Truyền thuyết vùng thị trấn Hellam (Mỹ) kể có 7 cánh cổng địa ngục bí ẩn tồn tại trong rừng. Đến nay chỉ tìm thấy một "cổng". Dĩ nhiên chẳng ai dám "khám phá" nên sự bí ẩn vẫn mời gọi và các cánh cổng ấy vẫn đang mở trong truyền thuyết…

Phía trong cánh cổng luôn là một thế giới khác. Theo nhiều nghiên cứu kiến trúc, mái vòm nhà thờ chính là mô hình cổng, những ai bước vào đó sẽ bước vào một thế giới thiêng, cao cả. Những cô gái tươi trẻ bước qua cái cổng "vu quy" cũng là bước sang một thế giới khác hẳn…!

Nguyễn Thanh Tú
.
.