Cải cách phát hành Sách giáo khoa
Sẽ có nhiều người tiếp tục tiếp cận chủ đề cải cách giáo dục từ các khía cạnh lớn lao như cách giảng dạy, cách học, nội dung giảng dạy… Tuy nhiên, khi mà cái nhỏ nhất, nhưng lại cơ bản nhất vẫn còn chưa được cải cách thì e rằng những điều lớn lao sẽ vẫn còn trong bế tắc lâu dài. Và một trong những điểm tuy nhỏ nhưng có tầm ảnh hưởng lớn cần phải cải cách ngay lập tức chính là việc phát hành và kinh doanh Sách giáo khoa.
Vụ ông Nguyễn Đức Thái, 61 tuổi, cựu Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam bị bắt với cáo buộc “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” mà cụ thể là sai phạm trong đấu thầu cung cấp giấy in thực sự chưa phải là một thông tin chấn động so với nhiều vụ tham nhũng bị phanh phui gần đây, nhưng nó đủ để chúng ta đặt ra một vấn đề lớn, đủ sức ảnh hưởng trên toàn quốc và ở nhiều thế hệ sau. Đó chính là vấn đề “cải cách giáo dục cần bắt đầu từ đâu?”.
Sẽ có nhiều người tiếp tục tiếp cận chủ đề cải cách giáo dục từ các khía cạnh lớn lao như cách giảng dạy, cách học, nội dung giảng dạy… Tuy nhiên, khi mà cái nhỏ nhất, nhưng lại cơ bản nhất vẫn còn chưa được cải cách thì e rằng những điều lớn lao sẽ vẫn còn trong bế tắc lâu dài. Và một trong những điểm tuy nhỏ nhưng có tầm ảnh hưởng lớn cần phải cải cách ngay lập tức chính là việc phát hành và kinh doanh Sách giáo khoa (SGK).
Năm học 2022 - 2023 này có một thực trạng bất cập mà rất nhiều phụ huynh học sinh tiểu học đang gặp phải. Ấy là việc khan hiếm, thậm chí thiếu SGK tiểu học của hai bậc lớp 4 và 5. Tất cả các nhà sách lớn, nhỏ trên cả nước gần như không còn SGK lớp 4, 5, hoặc nếu có còn thì không đủ bộ. Chủ yếu, nguồn sách các môn quan trọng như Toán, Tiếng Việt lớp 4, 5 cạn kiệt. Nhiều phụ huynh đã buộc lòng phải tải bản pdf từ Internet để đi in hoặc xin photocopy lại cho con mình sử dụng. Lý do rất mỉa mai: đây là năm học cuối cùng sử dụng bộ sách cũ này nên đơn vị kinh doanh SGK không in dư vì chắc chắn lượng dư sẽ không còn bán được ở năm học sau.
Cùng với vụ vi phạm quy định về đấu thầu ở Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mới bị phanh phui kể trên, chúng ta nhận ra quá rõ một sự phi lý đang tồn tại ở Việt Nam. Đó chính là SGK đang là mặt hàng độc quyền và bởi vậy, đơn vị kinh doanh có thể tự tung tự tác dẫn tới sai phạm nghiêm trọng, trong khi phụ huynh học sinh bắt buộc phải chịu một mức chi phí quá cao cho những cuốn SGK chưa được in ấn đẹp nhất trong khả năng và tầm tiền.
Câu hỏi đặt ra là tại sao không mở cửa cho các nhà xuất bản khác, các công ty sách khác được quyền cùng khai thác kinh doanh SGK theo cơ chế muốn khai thác thì trả tiền bản quyền cho ngành Giáo dục. Còn lại, việc bán sách giá thế nào, ấn bản đẹp hay không là do các đơn vị ấy tự cân đối kinh doanh trên cơ sở xây dựng một dự án đầu tư nghiêm túc cho một hạng mục.
Hãy nhìn vào hệ thống pháp luật hiện nay, chúng ta sẽ hiểu hơn. Luật được soạn thảo và thông qua bởi Quốc hội nhưng không chỉ có một mình một đơn vị xuất bản cụ thể nào được phép ấn bản các văn bản luật dưới dạng sách in. Bất kỳ nhà xuất bản nào cũng có thể phát hành các văn bản pháp luật Việt Nam để người dân mua và tham khảo. Điểm cơ bản và đúng luật nhất là nhà xuất bản ấy phải chịu trách nhiệm mua bản quyền, chịu trách nhiệm xuất bản đúng 100% nội dung văn bản luật: từng câu, từng chữ; từng dấu chấm; dấu phẩy.
Cái lợi ấy cho thế hệ tương lai mới là cái lợi cần hướng tới chứ không phải cái lợi thu gọn về cho một ngành, mà nếu nhìn sâu xa, sẽ không khác gì một dạng lợi ích nhóm.