Bước chân trần Ban Mê

Thứ Sáu, 03/09/2021, 19:54

Thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đầu tiên được đặt tên là Ban Mê Thuột trên bản đồ từ năm 1905 cho đến sau ngày giải phóng (1975). Cái tên Ban Mê luôn gợi mở sự bí ẩn hoang sơ nhưng đầy mơ mộng và hùng vĩ trên cao nguyên đất đỏ. Với tôi Ban Mê là những ly cà phê thơm đắng tê người cùng những chú voi khổng lồ băng qua dòng sông Sê Rê Pok cuồn cuộn sóng cao.

Mênh mang Ngã Sáu

Có những chuyến đi không định trước và thói quen giang hồ lãng tử một chiều tháng ba tôi có mặt tại thành phố Buôn Ma Thuột. Nghệ nhân Y Mip Ayun hẹn đón tôi ở Ngã Sáu. Đây là nút giao thông sầm uất nhất thành phố Ban Mê. Tôi lang thang đến công viên A Ma Thuột với sự tò mò về cái tên của lão tù trưởng đã mang tên thành phố. Nghe nói trước đây công viên chính là nơi đã đặt mộ của ông (70 Nguyễn Tất Thành, phường Tự An, TP Buôn Ma Thuột). Thực ra tên của lão tù trưởng nổi tiếng này là Y Mun H'Dơk. Ông có con trai tên là Y Thuột nhưng theo tục của người Ê đê, người ta gọi ông là A Ma Thuột (nghĩa là cha của thằng Thuột). Đó là cách gọi tên thân mật và có phần kính trọng.

screen shot 2021-09-03 at 19.56.00.jpg -0
Hai cha con nghệ nhân Y Mip biểu diễn đàn dân tộc Ba Na.

Lát sau nghệ nhân Y Mip tới theo lời hẹn. Ông muốn tôi được nghe ban nhạc của bản biểu diễn và tổ chức hát dân ca Ey Rey tại bản Kor sier cách thành phố chừng vài cây số. Thấy tôi mải mê ngắm tượng đài chiến thắng có hình ảnh chiếc xe tăng sừng sững phía trước nghệ nhân Y Mip cũng dừng chân. Ông bồi hồi nhớ lại những ký ức đã ghi dấu ấn sâu đậm trong hàng chục năm qua. Ngã Sáu là nơi bùng nổ những hồi ức khói lửa khốc liệt trong cuộc tổng tiến công của quân đội ta tại mặt trận Ban Mê Thuột.

Ông kể quân đội ta đã bí mật mở chiến dịch đánh vào Tây Nguyên bắt đầu từ Ban Mê. Cuộc tập kích dũng mãnh bất ngờ của các binh chủng xe tăng, pháo và bộ binh đã làm giặc hoảng loạn. Trận chiến cho dù khốc liệt nhưng cũng chỉ diễn ra nhanh chóng từ sáng ngày 10-3-1975 đến gần trưa ngày hôm sau (11-3-1975). Thành phố Ban Mê Thuột hoàn toàn được giải phóng. Đây chính là chiến thắng đầu tiên mở màn cho chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 giải phóng miền Nam.

Ngã Sáu giờ đây không chỉ là mối kết nối của sáu con đường mà chính là nơi hội tụ muôn phương trở về của hàng trăm buôn làng Tây Nguyên. Các chàng trai cô gái hát giao duyên hẹn hò. Ngã Sáu nơi tình yêu nảy sinh và hạnh phúc gửi trao. Cây Kơ Nia cao vút trong Bảo tàng lịch sử thành phố ngả bóng về Ngã Sáu làm tôi xao xuyến. Lời ca từ đâu đó vang lên: "Trời sáng em lên rẫy/ Thấy bóng cây Kơ Nia/ Bóng ngả trên ngực em/ Về nhớ anh không ngủ/ Trời chiều mẹ lên rẫy/ Thấy bóng cây Kơ Nia/ Bóng tròn che lưng mẹ/ Về nhớ anh mẹ khóc...". Bất chợt nghệ nhân Y Mip cất tiếng ca như được mở lòng đón khách phương xa. Trước mắt tôi không phải là một ông già nữa mà đó hiện lên một thợ săn voi Ê đê dũng cảm bên dòng sông Sê Rê Pôk thuở nào. 

Chuyện bên "Ly cà phê Ban Mê"

Sau cuộc trò chuyện như trở về với cội nguồn sứ xở Ê đê tại bản Ko Sier, nghệ nhân Y Mip giới thiệu tôi gặp ca nhạc sĩ Y Phôn K'Sor. Anh là người đã cùng nghệ nhân biểu diễn trong nhiều chương trình ca nhạc tại các buôn làng. Tôi thật sự háo hức tìm gặp Y Phôn vì anh chính là tác giả bài "Đôi chân trần" nổi tiếng một thời. Câu chuyện chúng tôi nổ như bắp rang cùng với những câu hát do Y Phôn sáng tác. Ngỡ như chúng tôi đã quen nhau từ lâu. Nhiều lúc bàn cà phê rung lên vì không khí sôi nổi mà anh cất giọng. Đúng là một chất liệu âm thanh Tây Nguyên. Bay bát ngát và bừng sáng như tia nắng. Đầu tiên anh hát khúc ca "Ly cà phê Ban Mê" của nhạc sĩ Nguyễn Cường. Y Phôn là học trò của nhạc sĩ Nguyễn Cường khi tham gia lớp học sáng tác và tuyển chọn giọng hát cho đoàn ca múa Đắk Lắk.

Y Phôn bùi ngùi nhớ lại những câu chuyện thuở ban đầu của mình ở quê hương, buôn Sek (huyện Ea H'leo) nghèo khó. Từ nhỏ Y Phôn đã theo cha biểu diễn cồng chiêng và ca hát khắp nơi. Những hình ảnh cha lận đận đó đây trong những đêm lửa trại hát ca đã ghi sâu trong tâm hồn Y Phôn. Khi thành phố Ban Mê được giải phóng Y Phôn vừa tròn 15 tuổi với bao ước vọng được hát ca trên đường phố phục vụ cách mạng.

Đội văn nghệ buôn Sek chính là nơi gắn bó với Y Phôn suốt quãng đời thiếu niên trưởng thành. Cũng từ đây Y Phôn thi đậu vào trường âm nhạc thành phố. Y Phôn nổi bật với giọng ca cao vút bay bổng như gió đại ngàn Tây nguyên. Anh học thêm sáng tác và biểu diễn rồi được về đoàn ca múa dân tộc Đắk Lắk (1993). Ở đây anh được làm quen với lớp đàn anh như Y Moan và nhạc sĩ Nguyễn Cường. Sau sáng tác đầu tay "Chim Phí bay về cội nguồn", Y Phôn viết bài "Đôi chân trần" trong giai đoạn này.

 

Bài hát ra đời trong một chuyến đi biểu diễn cùng Y Moan. Y Phôn nhớ lại trên quãng đường vắng bất ngờ anh nhìn thấy một ông già lưng trần đeo gùi củi chập choạng đi trên đường dốc trong rừng. Y Phôn bỗng cay mắt nhớ tới hình ảnh cha mình ở bản Sek. Trên chuyến xe mọi người ồn ào và bàn luận đến đêm diễn. Trong khi đó Y Phôn bị hình ảnh ông già lưng trần làm day dứt khôn nguôi. Anh bỗng nhớ lại những ngày bị đói trong rừng già cha anh đã phải đi lo từng miếng cơm cho mình.

Bóng dáng của ông già lưng trần trong rừng cứ nhập nhòa với hình ảnh người cha thân yêu ở quê nhà. Bất ngờ những câu nhạc đầu tiên vang lên như thần linh mách bảo. Và cứ thế lời ca tuôn chảy cùng cảm xúc dâng trào. Y Phôn tâm sự với tôi trong ánh mắt đỏ hoe rồi anh cất tiếng hát. Giọng anh mộc mạc chan chứa nỗi niềm thương cha: "Tôi muốn quên đi/ Tháng với ngày/ Cha đi lượm từng quả ngọt rừng/ Cho con đỡ đói qua đêm/ Tôi muốn quên đi đôi chân trần/ Cha đi lượm từng hạt thóc/ Cho con một bữa cơm chiều...".

Đó là những giây phút xúc động bất ngờ đối với tôi khi được nghe Y Phôn hát về cha mình qua những cung bậc âm thanh xót xa. Anh kể khi bài hát viết xong trong đêm ca sĩ Y Moan đã đòi tập bản nháp đầu tiên. Trong kỳ thi hội diễn năm đó nghệ sĩ đã đoạt HCV. Ca khúc "Đôi chân trần" cũng được khán giả đón nhận với nỗi xúc động sâu sắc.

Trong thời gian mấy năm sau hầu hết những ca sĩ trên vùng đất đỏ Bazan đều biểu diễn ca khúc này. Bởi ca khúc như một lời nguyện cầu của người Ê đê cho dân tộc mình với hình ảnh: "Ôi! Thời gian/ Hãy quên đi/ Đôi chân trần/ Cha đi giữa rừng hoang vu...". Tôi lắng nghe giai điệu âm nhạc như xát muối vào lòng mình. Thiết tha lắng đọng hồn người. Y Phôn xù xì như tảng đá ngồi trước mặt tôi. Anh còn có nhiều ca khúc hay đã đoạt giải thưởng như "Đi tìm lời ru mặt trời", "Giọt mưa trắng", "Chiếc gùi", "Hồn nhiên Panaga"...

Người đẹp Ê đê

6-h'hen nie tham gia ho tro p hòng chống dịch covid-19..jpg -0
H'Hen Nie tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19.

Thành phố Buôn Ma Thuột còn để lại ấn tượng với tôi qua hình ảnh người đẹp nghệ sĩ H'hen Niê. Ai cũng biết H'hen Niê là người dân tộc thiểu số đầu tiên đoạt vương miện Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam (năm 2017). Người đẹp Ê đê sinh năm 1992 tại buôn Sưt M'Đưng huyện Cư M'Gar, Đắk Lắk (gần thành phố Buôn Ma Thuột). H'hen Niê còn được xếp trong top 5 cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ ở Thái Lan năm 2018. Đây là một Hoa hậu đúng chất Tây Nguyên với phong cách giản dị và năng động trong cộng đồng xã hội. Hiện H'hen Niê là người dẫn chương trình "Thành phố 18h" và biểu diễn thời trang. Mới đây H'hen Niê làm xúc động mọi người khi cam kết hỗ trợ học phí trong nhiều năm cho một em học sinh mất cả cha lẫn mẹ trong nạn dịch COVID-19. 

Đặc biệt trong chiến dịch chống COVID-19 hiện đang diễn ra vô cùng phức tạp tại TP Hồ Chí Minh, người đẹp H'hen Niê cùng đội tình nguyện trong nhiều tháng qua đã hỗ trợ các y bác sĩ làm công tác chữa bệnh cứu người. Với nụ cười "Ban Mê" trong sáng và sự nồng nhiệt H'hen Niê đem lại nguồn an ủi ấm áp cho những bệnh nhân trong nạn dịch. Thật bất ngờ H'hen Niê đã được đề cử giải "Nghệ sĩ Ấn tượng" nằm trong các hạng mục Giải thưởng Đài Truyền hình Việt Nam "VTV Award 2021". Đó là dấu ấn nổi bật khi ai cũng thấy H'hen Niê luôn hăng hái làm thiện nguyện bấy lâu nay với trái tim nồng hậu và tình cảm chân thành của một nghệ sĩ Hoa hậu người Tây Nguyên.

Vương Tâm
.
.