Bùi Thị Xuân Mai, con sóng nhỏ say mê
Lớp sinh viên Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, khóa 11 (1966-1970), tựu trường từ muôn nẻo đường chiến sự của đất nước, bằng rất nhiều phương tiện giao thông, phần lớn là đi bộ, nên ai cũng lấm bụi đất chiến tranh, lôi thôi sĩ tử…. Họ gồm trên bảy mươi chàng trai, cô gái mới mười tám đôi mươi, vừa tốt nghiệp phổ thông, gặp nhau nơi núi rừng trùng điệp, bạn mới lạ lẫm, gian nan nhiều bề, đói rét thường nhật, nhớ nhà triền miên…
Nhưng bỏ qua cái vẻ bề ngoài “lôi thôi sĩ tử” kia đi, trong trái tim, trong đôi mắt của những chàng trai, cô gái sinh viên ấy đang cháy lên biết bao niềm say mê học tập, niềm tin yêu cuộc sống… Cô sinh viên hiền hậu với hai bím tóc tết đuôi sam bỏ ngang vai Bùi Thị Xuân Mai cũng hòa trong những gương mặt đáng yêu ấy.

Vốn là học sinh miền Nam, lớn lên và học tập trên đất Bắc, Bùi Thị Xuân Mai ít nói, hiền lành, khiêm nhường và giản dị. Nhưng chỉ những ai để ý mới thấy bên trong Mai không hề “yên lặng” mà là ẩn chứa một nội tâm phong phú, thơ mộng, một tình cảm sâu nặng, nhất là tình cảm với quê hương, xứ sở, với những nơi chị đã từng trải qua trong suốt thời thơ ấu, nơi đã từng cưu mang chị thời cắp sách đến trường… Đây là cái gốc, cái nguồn mạch của tâm hồn chị.
Đúng như con người chị, thơ Bùi Thị Xuân Mai không “to lời lớn tiếng”, ngược lại, là một tiếng nói thầm kín, dịu dàng. Chị nhận mình là "nhỏ nhoi như suối/ Róc rách lời ban mai" là “con sóng nhỏ mê say”. Vì thế thơ chị thầm thì mà đằm thắm:
Ai ơi ngược lối về nơi ấy
Chuyển giúp giùm tôi nhánh mai vàng
Hương hoa sẽ níu cơn gió lại
Cho biển yên lòng lúc xuân sang
(Nhánh mai vàng)
Hình như chị là “nhánh mai vàng” của một vùng biển động đang muốn nhắn gửi đến “nơi ấy”, cái nơi chắc chắn chị rất nặng lòng? Bùi Thị Xuân Mai thường là vậy, thủy chung và tình nghĩa, nhớ nhung và khắc khoải. Đây là nỗi lòng của người đí xa về lại ngôi nhà cũ của mình: có tiếng động mà sao vẫn bị át đi bởi “cỏ dại, rêu phong”, mà sao vẫn thấy cô quạnh trên mỗi bước chân, nơi bóng cha, bóng mẹ chỉ còn trong tâm tưởng:
Đông Tây hai phía tường hiu quạnh
Cỏ dại rêu phong bóng ngả chiều
Tiếng ai ru trẻ còn vang vọng
Chó sủa ngoài hiên, tiếng dế kêu
(Về thăm nhà cũ)
Một lần chị trở về nơi ngày xưa chị theo học, mái trường thân yêu trên đất Hải Phòng với biết bao tình nghĩa. Với niềm xúc động tận tâm can, chị gửi vào thơ cả tâm tình của mình bằng những ngôn từ thủy chung, ơn nghĩa:
Cánh chim bay khắp mười phương
Sáng nay gặp lại mái trường ngày xưa
Cái màu vôi vữa nguyên sơ
Đằm trang sách vở đến giờ chưa phai
Trường đời dẫu lắm chông gai
Chảy qua dâu bể sông dài vẫn trong
(Gặp lại ngày xưa)
Nhà thơ đã đi qua biết bao năm tháng, chứng kiến biết bao đổi thay, biết bao “chông gai”, “dâu bể”…, vậy mà trong tâm hồn chị vẫn “trong trẻo”, vẫn nguyên vẹn “cái màu vôi vữa” của mái trường xưa. Chỉ có thể gọi tên đó là sự chung thủy, một sự chung thủy sâu sắc của một trái tim từng trải, từng va đập, nhưng biết phân định những gì là son sắt là đinh ninh sau những năm tháng không đơn giản của đời người!
Nhớ hôm nào cả lớp K11 Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội trở lại cánh rừng Tràng Dương, nơi chị trải qua những năm tháng sơ tán, Bùi Thị Xuân Mai như trẻ lại với suối trong, cuội trắng…, nơi lưu giữ những ký ức không phai mờ một thời “chớm lớn”, nơi trải qua biết bao vui buồn của thuở sinh viên, nơi mà mỗi khi nhớ về hình như trong mỗi trái tim lại bập bùng ánh lửa gian nan giữa rừng của bếp ăn thời chiến tranh. Nhưng vượt lên những nỗi nhớ kia, vẫn là một Tràng Dương tinh khôi núi rừng:
Suối vẫn trong đợi mắt người xa vắng
Bước chân trần chạm viên cuội rưng rưng
Tràng Dương ơi! Người xanh tươi thánh thiện
Tình yêu tôi mãi mãi xuân rằm
(Đồng vọng)
Một tấm lòng hồn hậu, một ký ức trong trẻo, một tâm trạng xúc động. Bùi Thị Xuân Mai vốn kín đáo, ít khi bộc bạch nội tâm ("Em nhỏ nhoi con suối/ Róc rách lời ban mai" - "Tình yêu ngọt ngào"; "Em là con sóng nhỏ mê say" - Trăng Thiện Chánh) nhưng kín đáo mà không hề khép kín. Những gì chị trải lòng trong thơ cho ta thấy một tâm hồn đằm thắm, rộng mở, đón nhận, bao dung, say mê:
Xa xôi thế sao bỗng nên gần gũi
Ta giang tay ôm Cốc Lếu vào lòng
(Lào Cai ơi)
Nhiều khi là cái “vấn vương”, “chạnh lòng” rất thi sĩ của một người giàu cảm xúc trước thiên nhiên, trước lịch sử. Thi nhân là vậy, họ không dửng dưng trước cuộc đời. Ngược ại, họ âm thầm ghi nhận và đưa vào những câu thơ như những “ghi chú của tâm hồn”:
Thạch Động, Chùa Mây lòng vấn vương
Qua hòn Phụ Tử chạnh niềm thương
(Về Hà Tiên)
Một lần đến Hàn San tự, với cảm thức nhân thế “mang mang thiên cổ sầu”, Bùi Thị Xuân Mai lắng nghe trong tâm khảm mình một trăm linh tám tiếng chuông chùa như muốn hòa chung tâm trạng của hôm nào của Trương Kế:
Chuông ơi sao tan được
Trăm lẻ tám nỗi sầu
(Vãn Hàn San tự)

Bùi Thị Xuân Mai không chỉ hồn hậu, dịu dàng, chị là nhà thơ khiêm nhường, biết hy sinh, biết dâng hiến. “Phần nổi” bé nhỏ như bao số phận khác là để “bươn chải với đời”. “Phần chìm” chất chứa khát vọng tình yêu là phần chị âm thầm dâng hiến, đem cho. Và như thế chị là người hạnh phúc: "Em như băng đảo/ Một phần năm nổi trên mặt nước/ Bươn chải với đời/ Bốn phần năm khát vọng chìm trong biển/ Đó là tình yêu rất thật/ Dành cho anh" (Băng đảo).
Khác với nhiều cây bút khác đề quá cao “cái tôi” của mình, Bùi Thị Xuân Mai tự nhận mình: "Em chỉ là chiếc lá/ Nhỏ nhoi đậu trên cành/ Một cánh hoa mỏng manh/ Giữa đời bao hương sắc…Em chỉ là một khắc/ Trong vô tận thời gian/ Và chỉ là một hạt/ Trong mênh mông cát vàng" (Cầu nguyện).
Nhưng “một khắc trong vô tận thời gian” kia, “một hạt trong mênh mông cát vàng” kia đang mang trong mình “biển khát”. Đó chính là “ký hiệu” cho ta biết tâm hồn của chị: "Lòng em là biển khát/ Dòng máu nóng mặn mòi/ Như muôn trùng sóng biếc/ Nhớ về anh không nguôi" (Biển khát).
Thơ Bùi Thị Xuân Mai không chỉ có hồn hậu, dịu dàng, khiêm nhường… Như bao thi nhân khác chị sống và rút ra những bài học từ cuộc sống. Những lúc như vậy thơ chị cũng rất đa sự, nghĩ ngợi, chân thành, sâu lắng dễ tạo ra sự đồng cảm.
Thơ chị thảng hoặc trầm ngâm triết lý, chất chứa nỗi niềm: "Chiều nay biển ốm rồi/ Sóng đục ngầu vật vã/ Tóc bạc tung trắng xóa/ Trăn trở bao nỗi niềm" (Biển ốm).
Thơ chị cũng đã từng thấm thía cô đơn: "Hồi chuông nào góa bụa/ Trời xanh sắc bồ đề/ Có thương người đơn chiếc/ Hoàng hôn tím hồn quê" (Hoàng hôn).
Thơ chị cũng đôi lúc thảng thốt, hoang vu, lạnh lùng: "Trông ánh sao băng trời tái mặt/ Anh đi phố xá lạnh như chùa/ Tưởng tay chẳng còn gì để mất/ Rêu mọc hồn em đã vạn mùa" (Hoang vu).
Có thể hình dung chị đang ngẫm ngợi, đang trăn trở, đang trắc ẩn “buồn thương gì khôn nguôi” trên bến thời gian, khi chị nhận ra “Ga lòng tôi đang mưa” (Còi tàu). Nhưng chị là cây viết hướng thiện, lấy lòng tốt của mình cảm hóa để mọi sự diễn ra tốt lành, lấy ngôn từ của mình để làm lành vết thương đau: "Có vầng trăng/ Lưu lạc bến Bạch Đằng/ Sóng nước cuốn/ Vỡ ra trăm mảnh/ Em vớt lên/ Ủ giữa bàn tay ấm/ Trăng lại lành/ Vầng sáng lung linh" (Vầng trăng lưu lạc). Như có lần chị thừa nhận đây thôi: "Nếu em không là mùa xuân/ Cho lòng anh hoa nở"…
Có thể nhận ra sự bao dung và bản lĩnh trong tính cách, tâm hồn chị!
"Nên một mùa hoa mưa" là tập thơ chọn của Bùi Thị Xuân Mai sau mấy chục năm sáng tạo mê say. Là “thơ chọn” nên khá nhiều chủ đề được đề cập đến trong thơ. Từ chủ đề chiến tranh sang thế sự. Cũng như khá nhiều vùng đất được nhắc đến trong thơ, những nơi chị đến và ghi lại những xúc cảm của mình. Chủ đề nào, vùng đất nào với chị cũng là những nơi chị ghi nhớ và biểu hiện những cảm xúc chân thành của một ngòi bút cần mẫn và mê say.
Hà Nội tháng 6 năm 2025
Tiến sĩ, nhà thơ Bùi Thị Xuân Mai, sinh năm 1948, tại Bình Định.
Tốt nghiệp Khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp năm 1970.
Vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010.
Từng là Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin tỉnh Bình Định.
Đã xuất bản 8 tập thơ: "Hạt cát vàng", NXB Trẻ, 1990; "Cầu trăng", NXB Trẻ, 1994; "Dòng sông thao thức", NXB Hội Nhà văn, 2000; "Từ Krong Bung", NXB Đà Nẵng, 2003; "Lời ru bếp lửa", NXB Văn học, 2005; "Những vì sao lặng lẽ", NXB Hội Nhà văn, 2015; “Mùa đông thương nhơ”á, NXB HNV, 2020; "Nên một mùa mưa hoa", NXB Hội Nhà văn, 2024). Ngoài ra còn 3 tập văn xuôi và 1 tập truyện ngắn cho thiếu nhi.
Đã được tặng thưởng 6 lần Giải Văn học Đào Tấn - Xuân Diệu.