“Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay”...

Chủ Nhật, 03/03/2024, 10:22

Nhìn về văn hóa cổ xưa của nhân loại thì mưa nói chung là một tín ngưỡng cơ bản, một biểu tượng thiêng của nhiều cộng đồng. Hầu như hình tượng giọt mưa đều rơi ở mọi chân trời văn hóa, vì đơn giản nhờ có mưa mà mùa màng mới tươi tốt, mọi vật mới sinh sôi.

Có lẽ Nguyễn Trãi là một trong những tác gia đầu tiên viết về hình tượng mưa xuân được hậu thế truyền tụng và ca ngợi: “Nhàn trung tận nhật bế thư trai/ Môn ngoại toàn vô tục khách lai/ Đỗ vũthanh trung xuân hướng lão/ Nhất đình sơ vũ luyện hoa khai” (Nhàn rỗi suốt ngày đóng cửa phòng sách/ Ngoài cửa vắng khách tục đến/ Trong tiếng đỗ vũ kêu ý chừng xuân đã muộn/ Cả một sân hoa xoan nở dưới mưa phùn” (Mộ xuân tức sự). Khi đỗ vũ (tức chim cuốc) kêu thì đã vào cữ cuối xuân.

Tiêu biểu cho phép “lấy động tả tĩnh”, bài thơ có 4 câu thì ba câu tả không gian vắng vẻ, im lặng, chỉ ở câu 3 vang lên một thanh âm khắc khoải, thảng thốt. Nó vọng về từ miền điển cố xa xưa rồi vọng cả vào nỗi trăn trở, tiếc nuối của thăm thẳm một tâm trạng buồn. Truyền thuyết Trung Hoa kể vua Đỗ Vũ (tức Vọng Đế) tin dùng bề tôi Miết Linh mà cất lên làm tướng. Miết Linh cướp ngôi, Đỗ Vũ đau đớn hóa thành con chim ngày đêm kêu “Quốc! Quốc”. Dễ thấy bài thơ được làm trong thời gian Ức Trai ở ẩn vẫn luôn thao thức một nỗi “vua tôi”. Hình ảnh thơ cho thấy thời ấy tiết xuân dài hơn hôm nay. Mưa phùn có ở cả cuối xuân.

mua_xuan_16255529122023.jpg -0
Mưa xuân xứ Việt.

Hoa xoan, dù ở nhà quê cũng ngày một ít đi, thật tiếc. Vì ngày nay làm nhà bằng bê tông cốt sắt nên thứ cây quý để làm nhà là cây xoan không còn được quý nữa. Nhưng mưa xuân thì ở thành phố vẫn còn, nhưng biết đâu, cũng theo hoa xoan mà đi vào dĩ vãng. Thế nên, một nhà thơ hiện đại mới lo xa mà hoài cổ trong một bài thơ hay có tên “Tạ lỗi cùng mưa bụi”: “Chao ôi mưa bụi, ơi mưa bụi/ Chữ nghĩa vô duyên lỡ hẹn rồi/ Ước gì trở lại xuân năm cũ/ Để được “làm mưa tan giữa trời” (Anh Ngọc). “Làm mưa tan giữa trời” là mượn từ lời bài hát “Biết đâu nguồn cội” của Trịnh Công Sơn nhưng cũng là đặc trưng của mưa phùn, mưa không thành giọt mà tan ra thành muôn triệu hạt li ti… Thế nên mưa xuân còn gọi là mưa bụi…

Nhưng khoa học thì gọi là mưa phùn- hiện tượng ngưng tụ nước thành những hạt (đường kính dưới 0.5 mm) nhỏ hơn giọt mưa, được tạo ra bởi những đám mây thấp. Lượng mưa rơi xuống cũng không đáng kể (khoảng 1mm mỗi ngày). Do kích thước nhỏ nên hầu hết những hạt mưa phùn sẽ bị bốc hơi trước khi chạm mặt đất. Mưa phùn xuất hiện ở miền Bắc khi nhiệt độ xuống thấp, độ ẩm cao. Mưa phùn giúp cây cối đâm chồi nảy lộc. Mưa bịn rịn, mơn man vào lá cành như mời gọi cây xanh thức tỉnh sau một mùa đông dài.

Nhìn về văn hóa cổ xưa của nhân loại thì mưa nói chung là một tín ngưỡng cơ bản, một biểu tượng thiêng của nhiều cộng đồng. Hầu như hình tượng giọt mưa đều rơi ở mọi chân trời văn hóa, vì đơn giản nhờ có mưa mà mùa màng mới tươi tốt, mọi vật mới sinh sôi. Mưa tạo ra nước, nhờ nước mà con người mới có thể sinh hoạt, lao động, do vậy tín ngưỡng cầu mưa có ở hầu khắp mọi nền văn minh. Người Việt cổ ngày xưa khấn trời: “Lạy trời mưa xuống/ Lấy nước tôi uống/ Lấy ruộng tôi cày...”. Người Việt quý mưa đến mức đồng nhất mưa với ân huệ của “bề trên” (ơn mưa móc), thậm chí đồng nhất với hạnh phúc (Mưa bao giờ mát mặt bấy giờ)…

image003.jpg -0
Tranh minh họa mưa xuân Nhật Bản.

Với văn hóa phương Tây cổ thì mưa là cuộc giao hoan hạnh phúc của trời đất. Mưa đồng nghĩa với tinh khí (làm thụ thai), với hạt giống, với sữa mẹ. Người Sumer cổ tin rằng mưa là tinh dịch của thần bầu trời (An) rơi xuống để thụ tinh cho vợ là nữ thần trái đất (Ki). Thần Ki sinh ra mọi cây cối, hoa màu. Người Akkad lại cho rằng mây là ngực còn mưa là sữa của nữ thần Antu, cây cối được uống sữa này mới tươi tốt…

Truyền thuyết Hy Lạp kể thần Zeus hóa thành cơn mưa vàng rồi lọt qua kẽ nứt mái vòm mà vào phòng người yêu là công chúa Danae. Họ sinh ra được cả một thế hệ thần thánh mới. Từ đó thuật ngữ “cơn mưa vàng” chỉ những cuộc giao phối sẽ sinh nở ra tài năng, dần dần chuyển nghĩa chỉ những cơ hội hiếm có. Theo tích truyện thì “cơn mưa vàng” ấy hạt mưa cũng rất nhỏ, rất nhỏ thì mới có thể lọt qua kẽ nứt của mái vòm để êm dịu nhẹ nhàng rơi vào bụng công chúa…

Thì ra, với tình yêu và với cả tự nhiên thì “mưa dầm thấm lâu” hay hơn nhiều kiểu “mưa như trút”… (!?). “Mưa dầm” thực ra là mưa phùn nhưng kéo dài trong thời gian nhiều ngày… Không chỉ các nhà thơ thích, nông dân cũng thích vì cây xanh được tưới tắm để sinh sôi, người vẫn có thể làm việc bình thường. Dưới mưa phùn vẫn có thể gặp người tình để trao lời: “Mưa xuân lác đác ngoài trời/ Trông ra đường, thấy một người thơ ngây/ Gặp nhau ở quãng đường nầy/ Như cá gặp nước như mây gặp rồng”.

Mưa xuân trao cho con người cơ hội thu được nhiều thành quả: “Mưa xuân phơi phới vườn hồng/ Ta về đập đất, ta trồng lấy cây/ Trồng lấy cây mong ngày ăn quả/ Can chi mà vất vả như ai”. Mưa xuân cho người ta biết thương nhau, sẻ chia cho nhau: “Mưa lâm râm ướt đầm lá cải/ Em cảm thương người áo vải mong manh”… Mỹ cảm người Việt yêu thích những gì nhẹ nhàng, tình tứ, tinh tế: “Mưa xuân lác đác vườn đào/ Công anh đắp đất ngăn rào vườn hoa”, ghét cảnh thô bạo: “Ai làm gió táp mưa sa/ Cho cây anh đổ, cho hoa anh tàn”…

Ở châu Á, Nhật Bản có mưa phùn gần giống mưa phùn ở ta nhưng nặng hạt hơn. Những cơn mưa ấy nhẹ nhàng, trong trẻo được người Nhật ví như những hạt ngọc trời rơi xuống tưới tắm cho mùa màng và tinh thần con người. Nhà thơ Kobayashi Issa có bài “Mưa mùa xuân reo...” lấy mưa để tả niềm vui, phấn khởi: “Mưa mùa xuân reo/ một cô gái bé nhỏ/ dạy mèo con múa theo”. Mưa reo không chỉ làm người vui mà con vật cũng vui, có thể múa theo người. Nhưng cũng nhiều bài buồn, thăm thẳm cô đơn, hướng nội: “Mưa xuân/ không viết nổi thứ gì/ thân sao thật đáng thương” (Yosa Buson - “Mưa xuân”). Về văn xuôi có “Truyện mưa phùn ngày xuân” của tác giả Ueda Akinari được coi là một trong những kiệt tác của văn học Nhật Bản thế kỷ XVIII. Từ vựng Nhật cũng có các từ tương đương nghĩa với tiếng Việt như “harusame” (mưa xuân/mưa phùn), “shunrin” (mưa dầm), “harushigure” (mưa bóng mây)…

Ở nước ta, hầu hết dân ca các dân tộc phía Bắc đều có bài về mưa xuân. Nhưng phổ biến và đặc sắc hơn cả là bài “Mưa rơi” của dân tộc Xá với lời hát vui tươi, ấm áp, nồng nàn mà thật tinh tế: “Mưa rơi cho cây tốt tươi, búp chen lá trên cành/ Rừng đẹp trăm hoa rung rinh theo gió, bướm tung cánh bay vờn/ Bên nương ríu rít tiếng cười bao trai gái đang nô đùa/ Đầu sàn có đôi chim cu đua gáy, thách đôi én cùng múa vui…”. Những hạt “mưa xuân” nhẹ nhàng đủ để “hoa rung rinh theo gió”, để “bướm tung cánh”, và con người “ríu rít tiếng cười” bên nương…

Trong âm nhạc đương đại, bài “Hạt mưa mùa xuân” của Trương Ngọc Ninh diễn tả những cơn mưa song hành, mưa xuân ngoài trời và mưa xuân trong tâm trạng “đắm say”, “nồng nàn”: “Gió đưa trên cành hạt màu mưa xanh/ Cười trong mắt ai rộn ràng mùa xuân tới/ Nước non tháng ngày mầm xanh cỏ cây/ Trái tim dâng đầy tình yêu đắm say/… Ðất nước vào xuân rộn rã lòng người/ Nồng nàn tình yêu trào dâng sức sống”. Nhạc sĩ Đức Trịnh lại có bài “Mưa xuân” tha thiết, dịu dàng diễn tả mưa nhẹ vương trên hoa xuân, vương vấn cả trong lòng người: “Hạt mưa mùa xuân/ Là hạt mưa lòng em ngời trong ánh mắt/ Hạt mưa mùa xuân/ Dịu dàng mưa nhẹ hôn lên má em ngọt ngào…/ Đậu vào hoa tình yêu mùa xuân phơi phới…”.

Mời bạn cùng du hành trong mưa xuân mát lành…!!!

Nguyễn Thanh Tú
.
.