Bích Câu – Hồn bướm mơ tiên
Phố Bích Câu (Đống Đa- Hà Nội) khá rộng nhưng chỉ dài chừng hơn 200 mét. Đây là một địa chỉ biểu tượng sống động cho vùng đất kinh kỳ cổ kính. Con phố nằm trong khu trung tâm phường Bích Câu xưa, một vùng đất rộng lớn nằm về phía Nam - Tây Nam của Hoàng thành Thăng Long. Mốc giới có thể tạm hình dung cánh cung Cửa Nam - Khâm Thiên quét từ Ô chợ Dừa theo Đê La Thành lên tới sông Hồng. Không gian nơi đây khác biệt với phường kẻ chợ 36 phố Hàng.
Liễu biếc đào hồng tiết tháng Ba
Có thể nói phường Bích Câu tựa vào quần thể Văn Miếu - Quốc Tử Giám như một lá chắn. Quanh vùng xen kẽ có những dòng sông nhỏ, kênh rạch trôi tới các hồ lớn và đổ về sông Tô Lịch chảy qua kinh thành. Vậy nên tàu thuyền đi lại tấp nập. Điều kỳ thú tạo nên cảnh quan nơi đây bởi những con hồ và kênh nước trong vắt cùng những gò đất cao. Trên những khu đất rộng lớn bên hồ mọc lên hàng chục ngôi nhà vườn, biệt thự sang trọng của những ông hoàng, bà chúa.
Đặc biệt vào thời Lê -Trịnh hầu hết các quan lại và vương tôn công tử đều xây nhà đẹp tập trung ở phường Bích Câu. Miền đất này được gọi tên Bích Câu (ngòi biếc) bởi lẽ nơi đây có một con kênh dài chảy từ hồ Tây xuống Thủ Lệ. Sau đó dòng nước trong xanh ngọc bích này đổ về hồ Tảo Liên (bên cạnh Bích Câu Đạo Quán) chảy qua khu hồ Văn trước mặt Quốc Tử Giám rồi đi vào phố chợ. Con đường Cát Linh chính là dòng sông nhỏ kéo dài tới hồ Văn.
Một trong những quan lớn của triều Lê (1740-1786) là Tham tụng (Tể tướng) Nguyễn Nghiễm (1708-1776), quê ở Tiên Điền - Nghi Xuân - Hà Tĩnh, đã xây khu nhà vườn ở Bích Câu. Đó chính là Dinh Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm. Khi ra sống ở Bích Câu ông đã cưới bà vợ thứ là Trần Thị Tần (quê Bắc Ninh) và đã sinh ra thi hào Nguyễn Du (1766-1820). Nguyễn Du là con thứ bảy theo thứ tự con của hai bà vợ đã mất của Nguyễn Nghiễm.
Dinh thự của Tiến sĩ Nguyễn Nghiễm là nơi hội tụ văn nhân tài tử trong kinh thành. Đặc biệt những danh sĩ một thời như Phan Huy Chú, Đoàn Thị Điểm, Đặng Trần Côn, Lê Hữu Trác luôn có mặt đàm đạo thơ văn và luận bàn về kinh thư, sử sách. Chính đây là cái nôi văn hóa Bích Câu đã nuôi dưỡng tâm hồn thi ca Nguyễn Du.
Cậu Chiêu Bảy (tức Nguyễn Du) ngày đó sáng dạ chăm chỉ học hành ngày đêm theo gương cha và anh cả là Tiến sĩ Nguyễn Khản (1734-1786). Cùng với nhóm Nguyễn Khản có rất nhiều danh sĩ trẻ đã trở thành bạn hữu với Nguyễn Du tại đây. Có thể kể đến Nguyễn Huy Tự (soạn ra cuốn Hoa Tiên). Văn bản "Đoạn trường Tân Thanh" cũng được Nguyễn Du biết tới từ đây.
Sau này đỗ đạt làm quan xa Nguyễn Du mới viết thành truyện thơ "Kim Vân Kiều" (khoảng 1805-1809). Có thể nói cảnh đẹp xuân tươi, bốn mùa hoa nở ở Bích Câu đã nhập vào hồn thơ Nguyễn Du khi viết "Truyện Kiều". Ta có thể bắt gặp những hình ảnh mang đậm sắc màu chính nơi nhà ông đã ở như: "Nao nao dòng nước uốn quanh/ Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh, bắc ngang", hoặc huyền diệu bên hồ nước trong xanh: "Long lanh đáy nước in trời/ Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng".
Chính vì sự bay bổng kỳ ảo nơi đây, phố Bích Câu xưa còn in lại dấu son mối hận tình của Nguyễn Du. Chuyện kể, mỗi khi đi học cậu Chiêu Bảy thường phải đi nhờ chuyến đò của một cô gái sang bên kia sông Nhị Hà. Cô gái có làn mi cong mơ màng cùng má lúm đồng tiền luôn cười tươi mỗi khi cậu Chiêu Bảy vẫy đò. Sóng mắt đưa tình như bủa lưới mây êm. Lúc vắng người, chuyến đò ngang chỉ có đôi tình nhân trao gửi thơ ca. Cô lái đò luôn thẹn thùng mỗi khi tay chạm tay má kề bên má. Con sóng tình cứ lênh đênh. Người người đợi chờ gọi hoài mà đò vẫn lững lờ trôi. Dòng nước biếc êm ru mà bầu trời mây bay tán loạn với nhịp tim khua sóng.
Ít lâu sau người anh cả Nguyễn Khản biết chuyện mắng cậu Bảy một trận vô hồi giận dữ. Bởi lẽ con quan tể tướng không thể lấy cô lái đò nghèo. Mối tình bị chấm dứt phũ phàng khi người lái đò khác đã thay cô gái. Cậu Chiêu Bảy ngậm ngùi than: "Yêu nhau những muốn gần nhau/ Bể sâu trăm trượng, tình sâu gấp mười/ Vì đâu cách trở đôi nơi/ Bến này còn đó, nào người năm xưa".
Mỹ nữ trong tranh
Cảnh đẹp xưa ở phường Bích Câu gợi tình với gò xanh, nước biếc, rừng cây. Chuyện xưa kể lại rằng trên gò cao đầu phố Bích Câu có một chàng thư sinh tìm đến dựng quán đọc sách làm thơ, tiêu dao thú rượu mây ngàn. Đây là gò Kim quy giữa hồ Tảo Liên nhìn về Quốc tử giám trường thi. Chàng tên là Tú Uyên con quan huyện nghèo họ Trần. Một hôm chàng cùng bạn đi dự hội chùa xuân bên Y miếu mấy dặm đò. Tình cờ khi đứng bên cây mẫu đơn chàng thấy có chiếc lá bàng rơi xuống. Trên lá có những dòng chữ đẹp như bức họa. Chàng nhặt lên đọc: "Liễu biếc đào hồng tiết tháng ba/ Xe loan hạ cánh của thiền gia/ Cầu Lam chật ních người như kiến/ Ai biết thần tiên trước mắt ta".
Ngay lúc đó có mấy cô gái chạy từ sân chùa tới vườn cây. Một cô gái má hồng đào, gương mặt trái xoan và mái tóc dài liếc mắt nhìn chàng như một tia chớp rồi bỏ đi. Tú Uyên ngơ ngẩn rảo chân bước theo bóng hồng. Đôi chân chàng líu ríu vấp lên vấp xuống. Chàng vượt qua cửa Nam theo gót hồng thấp thoáng phía trước. Bất ngờ khi tới khu đình Quảng Văn (Cửa Nam) thì chàng không thấy bóng người đẹp đâu nữa.
Chàng ra về trong cơn sầu não nhớ nhung. Tú Uyên tương tư với sắc đẹp kiều diễm của người con gái môi hồng. Có lần nghe theo thần Bạch Mã lên chợ Cửa Đông chàng mua được bức tranh lụa vẽ cô gái giống như người đẹp trong mộng của mình. Tú Uyên treo tranh trước bàn sách rồi ngắm suốt ngày đêm. Một lần chàng đi học về thấy có mâm cơm để sẵn. Chàng lấy làm ngạc nhiên nhưng vẫn vui vẻ bày thêm bát ra mời người đẹp trong tranh cùng ăn. Thế rồi có lần chàng bồn chồn trong lòng bỗng nhớ tới người mình yêu vội vã về để ngắm tranh cho vơi phần rối loạn con tim. Không ngờ bức lụa trong veo, chàng thấy người đẹp đang dọn nhà.
Ôi! Người đẹp trong tranh của ta, Tú Uyên chạy tới ôm chầm lấy người yêu. Lúc này cô gái mới thú nhận mình là Giáng Kiều, một tiên nữ xuống trần. Do nợ tiền duyên với chàng nên đã tìm đến Bích Câu để gá nghĩa trọn tình. Từ đó Tú Uyên và Giáng Kiều sống trong hạnh phúc và sinh được con trai là Trần Nhi. Dân gian truyền tụng cả ba đều tu luyện đắc đạo thành tiên cưỡi hạc bay về trời. Trên ngôi gò Kim Quy này từ đời vua Lê Thánh Tông (1442-1479) người ta xây đền Bích Câu Đạo Quán (14 Cát Linh) để thờ tiên ông Tú Uyên. (Lễ hội chính 12 tháng Tám hàng năm).
Thăng Long Cầm giả ca
Bích Câu Đạo Quán giờ đây còn là địa chỉ văn hóa ca trù tiếp nối những bậc vương giả ở phường xưa. Nguyễn Du một thời thường tham gia với các anh trai tổ chức mời ca nương tới nhà hát. Người vang danh lúc đó là cô Cầm cũng đã được mời đến dinh Nguyễn Nễ (anh thứ của Nguyễn Du cùng mẹ Tần) ở phường Bích Câu biểu diễn. Nguyễn Du thực sự bị giọng hát cô Cầm quyến rũ. Cô vừa có giọng hát cao vút ngân rền bay bổng và vừa có ngón đàn thánh thót suối reo. Làm quan xa nhà, hai mươi năm sau Nguyễn Du được triều đình cử đi sứ Trung Hoa. Trong một bữa yến tiệc trước khi lên đường ở Thăng Long, ông ngờ ngợ khi nhìn thấy một ca nương gày gò trong tấm áo bạc màu. Chỉ khi tiếng đàn cất lên hòa cùng giọng hát chói chang quen thuộc Nguyễn Du mới nhận ra cô Cầm ngày nào bên hồ Giám.
Trên đường đi sứ, Nguyễn Du trong lòng ám ảnh khôn nguôi về cô Cầm và bất ngờ viết bài thơ "Thăng Long cầm giả ca" (Bài ca người đánh đàn đất Long Thành). Lời thơ than khóc cho bạc phận má đào: "Khúc xưa từng tiếng bồi hồi/ Ta nghe tê tái, lệ rơi đáy lòng/ Chuyện xưa hai chục năm ròng/ Người đêm Hồ Giám tiệc tùng là đây". Hồn thơ Nguyễn Du luôn bay bổng trong tiếng đàn đáy ở Bích Câu Đạo Quán. Nếu ai đã từng đến đây nghe hát ắt hẳn sẽ không thể nào quên nỗi lòng thi nhân day dứt xót xa: "Trăm năm thấm thoắt trôi qua/ Thương tâm chuyện cũ lệ nhòa áo khăn/ Đầu ta bạc trắng ai bàn/ Trách gì người đẹp dung nhan héo sầu/ Mở trừng đôi mắt nhìn lâu/ Gặp nhau chẳng nhận được nhau, thật buồn!".