Bên mùa Lục bát của một cõi chữ
Hào sảng mà thong dong là diện mạo của thi sĩ Trần Đăng Thao khảm vào cuộc sống này. Quê ông ở Hà Nam, lại là dân chữ nghĩa, nên cái chất khí tiết, hàn lâm mà gần gũi, dân dã, hóm hỉnh của cụ Tam Nguyên đã ngấm vào bản khí nơi ông.
1. Nói đến Trần Đăng Thao là giới văn chương nhớ đến một vị tiến sĩ văn chương thông kim bác cổ, từng là Tổng biên tập Báo Giáo Dục và Thời đại suốt mười năm đằng đẵng! Rất khó để có thể định danh đầy đủ về ông, bởi trên cương vị nhà văn, nhà báo, nhà giáo, dịch giả hay một người quản lý, lĩnh vực nào ông cũng có những thành công ấn tượng.
Nhà thơ Trần Đăng Thao tuổi Kỷ Sửu - 1949. Ngoài những đầu sách nổi bật ở lĩnh vực sáng tác, phê bình văn học, ông còn là dịch giả Hoa ngữ và Nga ngữ, là người đã dịch tới 25 đầu sách. Trong đó có bộ "Thông sử thế giới vạn năm" hai tập (3 quyển), (xuất bản năm 2004) dịch từ tiếng Trung sang tiếng Việt.
Hào sảng mà thong dong là diện mạo của thi sĩ Trần Đăng Thao khảm vào cuộc sống này. Quê ông ở Hà Nam, lại là dân chữ nghĩa, nên cái chất khí tiết, hàn lâm mà gần gũi, dân dã, hóm hỉnh của cụ Tam Nguyên đã ngấm vào bản khí nơi ông. Dựng nghiệp văn chương bằng tài năng và sự đốn ngộ trong nhiều lĩnh vực, riêng với thơ ông đã xuất bản 10 tác phẩm. Tổng số các ấn phẩm mà ông đứng tên xuất bản đã là hơn 60 đầu sách. Số lượng đầu sách ông xuất bản đã dài hơn cả một vòng hoa giáp của đất trời. Chỉ riêng điều ấy đã nói lên cái uy tín và vị thế của ông trong nền văn học Việt Nam hôm nay.
Trong khoảng trời thơ của Trần Đăng Thao, người ta nhận ra một góc riêng, ở đấy, thơ ông chạm đến cái tinh túy văn hóa của nhiều miền đất. Và với ông, những nét tinh túy ấy là nguồn mạch để khởi phát nên những gương mặt văn nhân chí sĩ. Mạch thơ ấy rất đặc trưng, bởi cho đến bây giờ, trong giới văn chương vẫn chưa mấy ai có đủ cảm xúc và sự thấu hiểu văn hóa vùng miền để viết một cách say mê và có hệ thống như thế về những kẻ sĩ thời nay. Ngẫm ra, thơ ăn nhau ở cái độc đáo và trí tuệ, ở cái tư tưởng mà nguồn thơ ấy dựng lên thành hệ thống riêng của người viết, ở cái đích mà những trang thơ ấy hướng đến, chứ đâu nệ vào sự sành sỏi hay biến ảo của ngôn từ!
2. Trong cõi chữ của thi sĩ Trần Đăng Thao gần đây, sau tập thơ "Mùa chim lạc bay về", giờ lập thêm một cung chữ thuần lục bát, ấy là tập thơ "Độc hành". Thi phẩm này được thiết đặt bởi hình thức thơ tương đối lạ, cái lạ ấy đã góp phần tạo nên những nét mới cho thơ lục bát Việt Nam, và cũng là cách để nhà thơ mở rộng sức chở, sức tải cho câu chữ thơ của mình. Những cung lục bát được nhà thơ nhấn nhá, ngắt nghỉ tách dòng đã tạo ra một hệ ngôn ngữ thơ khác lạ trong "Độc hành".
Thử nhấn nhá một cung thơ ngắt dòng trong vườn khế quê mùa: "Tay trong tay/ Mắt trong tay/ Mở lòng/ Nâng chén/ Rót!/ Đầy/ Gió/ Trăng" (Viết bên vườn khế). Cách thiết lập nhịp mạch cho lục bát theo kiểu vắt dòng thế này, nhiều người đã làm, tuy nhiên từ cái nhịp độ ngắt nghỉ ấy khiến cho câu thơ vừa khác lạ vừa đa diện, đa chiều hơn mới là cái đích đến của sáng tạo nghệ thuật. Đó mới có thể được xem là những thành công trong sự làm mới và mở rộng biên độ cho một thể thức thi ca: "Hà Nam/ Đất chật/ Nêm người/ Ngàn năm/ Đạp đất/ Đội trời/ Ngàn năm!/ Nghìn xưa/ Mảnh đất dâu tằm/ Muốn ăn cơm đứng/ Về thăm vườn Bùi" (Chiều sông Châu).
Trải khắp những trang thơ "Độc hành" là những câu lục bát cứ tự nhiên kết thành chùm đôi, chùm ba, chùm tư như thế, thong thả rơi xuống từ cõi chữ của một thi nhân: "Khói hương/ Lặng lẽ/ Lên trời/ Đường xa thăm thẳm/ Cõi người/ Bể dâu/ Con về/ Chẳng thấy mẹ đâu/ Ngoài sân/ Chỉ một giàn trầu/ Mồ côi!" (Nhà xưa). Như đã luận ở trên, việc ngắt nhịp, ngắt dòng là một thủ pháp trong thơ lục bát, người giỏi dụng pháp ấy, thì ý thơ đầy hơn, gợi hơn, sức mở, sức tải của câu chữ được nâng cấp nhiều lần so với cái mạch 14 chữ của thơ lục bát cổ tích.
Đây, vẫn những dòng thơ về mẹ, được thi sĩ Trần Đăng Thao ngắt dòng, ngắt nhịp, để khi đọc thơ mà tưởng những đơn vị chữ của bài thơ kia đang lặng lẽ rơi xuống từ đôi khóe mắt chiều: "Mẹ ta,/ Ra chợ lâu rồi/ Phong phanh áo bạc/ Một đời gió sương/ Một đời tần tảo, nhịn nhường/ Ổ rơm mẹ trải/ Vương hương đến giờ/ Mùi na, thơm đến sững sờ/ Tưởng hương xứ Lạng/ Tuổi thơ Kỳ Cùng/ Chợ phiên năm ấy còn đông/ Ta đi…/ Giữa những/ Mênh mông… Áo chàm!" (Nhà xưa).
Trần Đăng Thao đi - đọc - yêu và sống qua những địa tầng văn hóa, thơ ông khởi phát và kết tinh qua những yếu tố ấy! Thơ muôn đời đứng về phe nước mắt, nên thơ dễ nhập vào nỗi đau hơn là vào niềm vui. Điểm nhìn của thơ thường ở cái phần khuyết, phần mất mát của nhân gian và thế cuộc. Nhưng để có được điểm nhìn và cách nhìn ấy, lại phải dựa vào trí tuệ: "Cái ngày vừa tắt binh đao/ Nhìn ra khăn trắng/ Trên bao mái đầu" (Kính thầy). Câu thơ lục bát ngỡ viết dễ đến mức không tưởng, nhưng nó độc đáo bởi nó là sự tổng hợp của mọi cuộc chiến. Khi kết thúc chiến tranh, cái dải khăn trắng thắt chặt trên mái đầu của một dân tộc vừa bước ra khỏi cuộc chiến kia mới ám ảnh, mới nhói thức làm sao dưới một rừng sắc đỏ khải hoàn!
Thơ Trần Đăng Thao đa phần được cấu thành từ những câu chữ dung dị, nhưng tất cả đều là mật ngôn. Xem cái cách ông hào sảng khắc về quê hương đồng chiêm của ông, ngỡ chỉ là những con chữ của bút pháp tự sự, nhưng phải tinh ý mới thấy được những mật ý mà ông gửi trong ấy: "Anh cầm lên một tiếng ve/ Nghe tim nức nở/ Tiếng hè/ Hỡi em/ Quê mình là đất đồng chiêm/ Ngàn năm tuấn kiệt/ Làm nên đất này" (Trường xa). Người ta thường nói, nơi nào có núi cao, sông lớn, thì nơi ấy mới sinh kỳ nhân, dị bảo, ấy thế mà quê hương ông chỉ với chiêm khê mùa thối, vậy mà hun đúc nên bao bậc tuấn kiệt, danh tiếng vọng vang bốn cõi. Mới hay cái mạch phong thủy ngầm chảy trong lòng người, lòng đất mới dễ khởi phát nên những điều vĩ đại.
Thi sĩ Trần Đăng Thao là một nhà thư pháp, là tiến sĩ thuộc chuyên ngành nghiên cứu và giảng dạy văn học, là một dịch giả uy tín về tiếng Hán và tiếng Nga, thì hiển nhiên, thơ ông phải được định hình và nhận diện là sản phẩm của trí tuệ, hay của một cõi chữ! Đọc ấn phẩm "Độc hành", đặc biệt ấn tượng với những bài thơ ông viết về kẻ sĩ ở các vùng miền, bởi với ông, văn nhân, chí sĩ là người tài, mà người tài thì phải là linh khí của trời đất sinh ra: "Đại Hoàng/ Dệt sợi/ Ươm tơ/ Bãi bồi dâu ngự/ Nhởn nhơ thành rừng/ Nhà xưa, cụ Bá lẫy lừng/ Bây giờ Bá Kiến/ Ở trong diện nghèo/ Sông Châu vẫn tím hoa bèo/ Bến xưa, vườn chuối/ Nắng chiều mang mang/ Chí Phèo vừa mới tạt ngang/ Xách chai quốc lủi/ Mà sang với tình!" (Về Đại Hoàng).
Ấy là nếp đất, nền người làng Đại Hoàng, nơi đã xuất sinh một ngôi tháp văn chương mang tên Nam Cao lừng lững, còn đây là những câu thơ đặc tả về cái ngõ trúc, nơi đã sinh ra một ngôi Tam Nguyên độc nhất dưới trời Nam: "Ao thu/ Sóng biếc/ Trong ngần/ Trăm năm dâu bể/ Bao lần đổi thay/…/…/ Ngõ này là ngõ Tam Nguyên/ Nẻo xuôi Cầu Họ/ Ngược lên Thượng Và/ Con ngồi dưới bóng chiều tà/ Đọc thơ thu/ Vọng người xa/ Cạn ngày…!" (Ngõ trúc).
Với văn nhân, chí sĩ. Trần Đăng Thao đặt họ thành chủ thể sáng tác, đặt họ vào những địa mạch văn hóa của vùng đất và con người nơi họ được sinh ra. Từ đó, ông khai thác và tôn vinh cái độc đáo, cái khí chất, cái tài năng của họ bằng ngôn ngữ thơ mình. Xin hãy đọc mấy câu thơ ông tặng Nhà sử học Trương Đình Tưởng ở non nước Ninh Bình: "Đầu non, một mảnh trăng ngà/ Hỏi con chim phượng/ Làm nhà nơi nao/ Cúc Phương/ Tam Điệp/ Đồng Giao/ Thái Vi u tịch/ Rượu đào Kim Sơn/ Thuyền ai thấp thoáng Hang Luồn/ Có qua Tam Cốc/ Lên nguồn Thiên Thai/ Nghìn năm, tiên nữ là ai/ Người đi/ Lòng vẫn nhớ hoài/ Trường Yên!" (Hương quê).
3. Trần Đăng Thao một cây bút hàn lâm mà lãng tử, nghiêm cẩn mà dung dị! Viết về một văn nhân như ông là điều không dễ, nếu chỉ nhìn từ ấn phẩm lục bát vắt dòng "Độc hành" này mà quán chiếu về phong cách thơ ông thì chắc chắn đó là một sự khiên cưỡng. Bài viết này chỉ là một góc mở, tương tác và chia sẻ đôi chút về một văn nhân của nền văn học Việt Nam đương đại, cùng những trang thơ lục bát thong dong, dung dị, nhưng đầy lay gợi, được sinh ra từ cõi chữ của ông!
Thời thế thì hợp tan, bể dâu, chìm nổi, vô thường, ấy là lẽ Đời, còn văn chương, thuộc về Đạo, thuộc về lẽ Trời thì bất biến. Mấy dòng nhỏ chia sẻ cùng cõi người, cõi văn bên những câu thơ được sinh ra từ sự bất biến của thi nhân Trần Đăng Thao xin neo lại đôi dòng!
Hà Nội, 5/2024