Bầu vú mẹ - Một cổ mẫu kỳ diệu!

Thứ Sáu, 31/03/2023, 15:35

Bầu vú mẹ là một biểu tượng như thế. Hoạt động đầu tiên mang tính bản năng của đứa trẻ khi sinh ra là khóc rồi bú. Thế nên "Kinh Thánh" có câu "Khởi thủy là vú mẹ" là có ý giáo dục con người biết ghi ơn người mẹ. Xét về sinh học thì khóc là đòi hỏi, bú là thỏa mãn nhu cầu. Ngạn ngữ Việt thật sâu sắc "Con có khóc mẹ mới cho bú" là triết lý về cặp phạm trù đòi hỏi và thỏa mãn ấy.

Là những biểu tượng nguyên thủy gắn liền với văn minh buổi đầu của con người, cổ mẫu (mẫu gốc) luôn lưu giữ quá trình phát triển của văn hóa nhân loại. Vì được gieo trồng ở miền thượng nguồn xa xưa nên cổ mẫu đậm đà chất thơ của cái nguyên sơ trong trẻo, rất giàu có về ý nghĩa bởi được bồi đắp phù sa văn hóa theo thời gian, là một điểm tựa tinh thần nên thiêng liêng trong cảm xúc tiếp nhận.

Bầu vú mẹ là một biểu tượng như thế. Hoạt động đầu tiên mang tính bản năng của đứa trẻ khi sinh ra là khóc rồi bú. Thế nên "Kinh Thánh" có câu "Khởi thủy là vú mẹ" là có ý giáo dục con người biết ghi ơn người mẹ. Xét về sinh học thì khóc là đòi hỏi, bú là thỏa mãn nhu cầu. Ngạn ngữ Việt thật sâu sắc "Con có khóc mẹ mới cho bú" là triết lý về cặp phạm trù đòi hỏi và thỏa mãn ấy.

image001.jpg -0
Bìa cuốn "Lịch sử vú".

Biểu tượng bầu vú mẹ được xem như là nguồn cội của sức mạnh nuôi dưỡng và ban phát có từ thời văn minh Hy Lạp - La Mã. Đến văn minh Ai Cập cổ đại bầu vú thêm một nét nghĩa biểu tượng của nữ tính. Bằng chứng là khảo cổ học khai quật được những tấm bia đá khắc nhiều hình tượng những bầu vú được dùng để biểu thị cho phái nữ, tính nữ. Vương miện của Nữ thần Ai Cập được tạo dáng giống như một bầu vú căng tròn vừa mạnh mẽ phồn thực vừa nguyên sơ tinh khiết.

Người ta cũng khẳng định rất nhiều tác phẩm nghệ thuật thời nguyên thủy Hy Lạp lấy bầu vú làm đối tượng mô tả với cảm hứng ca ngợi cái đẹp cùng những đường cong huyền diệu mà tiêu biểu là tác phẩm "Aphrodite ở đảo Ismailos" hiện lưu giữ trong bảo tàng Musee du Louvre ở Paris (Pháp).

Nghệ thuật Phục hưng Ý càng cho thấy hầu hết các họa sĩ đều say mê với hình tượng bầu ngực tràn trề sức sống, nhất là khi miêu tả nữ thần Vệ nữ. Người Việt ta cũng lấy bầu vú là một tiêu chí để đánh giá cái đẹp: "Lưng chữ cụ, vú chữ tâm". Thành ngữ "Thắt đáy lưng ong" không tả vú nhưng cách dùng ẩn dụ làm người đọc hình dung về dáng hình cao ráo, cái mông rắn mẩy và bộ ngực căng tròn. Trước đây phụ nữ một số dân tộc Tây Nguyên có tập quán không mặc áo với quan niệm cái đẹp phải "khoe" ra…

Cái đẹp đi liền với tình yêu. Thời trung cổ, một số dân tộc châu Âu có tập quán làm những chiếc bánh tình yêu có hình giống bộ ngực thiếu nữ để tặng bạn trai. Trong tâm thức nhân loại, bầu vú là điểm tựa tinh thần, là chỗ vịn vững chắc. Không chỉ ở Tây Nguyên Việt Nam và vùng Đông Nam Á mà còn nhiều nơi trên thế giới, ở tấm gỗ cạnh cầu thang lên xuống nhà sàn thường đẽo hình hai bầu vú để bám tay vào đó mỗi lúc lên xuống.

Bầu vú còn là biểu trưng cho sức sống mãnh liệt, và khả năng sinh sôi nẩy nở, duy trì nòi giống. Ở phương diện này hình tượng gắn liền với tín ngưỡng phồn thực rất sinh động. Đến Bảo tàng Điêu khắc Chăm (Đà Nẵng), du khách bắt gặp nhiều những tượng nữ thần Uma, Laskmi, Tara với bầu ngực tròn. Chung quanh Đài thờ Tháp Mẫm (Bình Định), Trà Kiệu (Quảng Nam) là một chuỗi hình vú nằm giữa hai lớp hoa lá cách điệu tinh tế.

Đi vào truyền thuyết bầu vú thể hiện một quan niệm mỹ học về tình yêu giàu triết lý. Ở huyện Trinh Phong (tỉnh Quý Châu, Trung Quốc) có ngọn núi tên Núi Đôi bởi hai đỉnh của nó giống như hai bầu vú. Truyện kể ngày xưa có cặp vợ chồng mãi mới sinh hạ được đứa con trai nên rất chiều chuộng. Càng lớn đứa bé càng hư hỏng nên quan trên bắt đi tù. Cậu ta xin quan được uống những giọt sữa mẹ lần cuối.

Nhưng khi bú thì cậu ta lại cắn vú mẹ như một sự trả hận vì cho rằng cha mẹ không cứu được con. Quan lập tức cho xử trảm. Đau đớn vô cùng, người mẹ khóc nước mắt chảy thành máu. Bà chết, thân thể hóa thành cặp núi đôi, nước mắt biến thành hồ nước có tên gọi hồ Mẹ. Từ đó, nếu ai đó có nỗi phiền muộn đến rửa mặt bằng nước hồ sẽ được vơi bớt. Trẻ nào hư, uống nước hồ cũng trở nên ngoan ngoãn. Truyện là cả một bài học về lối dạy dỗ con cái, về tình thương cha mẹ, về báo ơn đền nghĩa bậc sinh thành…

Ở tỉnh Hà Giang nước ta (huyện Quản Bạ) cũng có Núi Đôi hình bầu ngực thiếu nữ. Truyền thuyết kể xưa có một chàng trai người Mông tuấn tú, có tài thổi đàn môi. Chàng thổi hay đến mức một nàng tiên trên thượng giới tên là Hoa Đào bị mê hoặc bèn tìm cách ở lại hạ giới. Họ nên vợ nên chồng và sinh được một bé trai kháu khỉnh. Ngọc Hoàng vô cùng giận dữ, sai người đi bắt nàng về.

Thương chồng, thương con thơ thiếu sữa mẹ, nàng để lại đôi nhũ hoa của mình. Đứa con nhờ đó lớn lên khỏe mạnh còn hai bầu vú biến thành hai quả núi được gọi là Núi Đôi hay núi Cô Tiên. Nhờ thế mà vùng đất này có khí hậu mát mẻ, hoa quả thơm ngon, rau trái xanh tươi, lúa ngô tươi tốt. Nước mắt khóc thương chồng con của nàng đã biến thành dòng sông Miện xanh trong quấn quýt rẻo đất phía sau cổng trời huyền thoại. Truyện thật hay, toát ra một ý nghĩa: nghệ thuật đích thực có sức cảm hóa, chinh phục cả người tiên. Tình thương người mẹ là vô cùng, có thể làm thay đổi cả tự nhiên…

Truyền thuyết về cây vú sữa của Việt Nam cũng có cái lõi hình tượng một cậu bé được mẹ cưng chiều nên rất nghịch và ham chơi. Một lần, bị mẹ mắng, cậu vùng vằng bỏ đi, đi mãi không về. Ở nhà người mẹ buồn nhớ con mà chết hóa thành một cây xanh có quả tròn như bầu vú mẹ, bên trong có sữa. Một hôm, vừa đói vừa rét, cậu mới tìm về nhưng chỉ còn biết ôm lấy cây mà khóc. Một quả to rơi vào tay cậu. Vội vàng, cậu cắn một miếng rồi phải nhả ra vì chát quá. Bỗng cây rung cành lá thì thào: "Ăn ba lần mới biết trái ngon/ Con có lớn khôn mới hay lòng mẹ". Cậu oà lên khóc. Mẹ đã không còn nữa. Nước mắt hối hận rơi xuống gốc cây. Cây xòa cành ôm cậu, cành lá như tay mẹ ngày trước vẫn âu yếm vỗ về. Từ đó, trái cây trở nên thơm ngon nhưng trước khi ăn phải làm mềm quả, chẳng khác đứa trẻ vân vê bầu vú mẹ. Cây được gọi là cây vú sữa.

image002.jpg -0
Núi Đôi (Quảng Châu - Trung Quốc).

Thơ Hồ Xuân Hương có câu cực hay tả bầu vú thiếu nữ: "Đôi gò Bồng đảo sương còn ngậm". Gò là khoảnh đất nổi cao lên giữa nơi bằng phẳng. Bồng đảo là tên gọi khác của núi Bồng Lai nơi các vị tiên luyện thuốc trường sinh. Bà Chúa thơ Nôm đã nâng vị thế người thiếu nữ lên tầm vũ trụ, hơn thế, là chốn thiên đường… Và còn một nét nghĩa gốc nguyên thủy không nên bỏ qua: Ai lên/đến được gò ấy, sẽ… trường sinh!

Trong tiểu thuyết không thể không nhắc đến "Báu vật của đời" được dịch từ nguyên tác tiếng Trung "Phong nhũ phì đồn", nghĩa đen là "Vú to mông nở" ca ngợi vẻ đẹp phồn thực của người phụ nữ. Lấy bầu vú là một hình tượng mẫu gốc của nguyên lý Mẹ, Mạc Ngôn làm toát ra những phẩm tính huyền diệu về tất cả những gì to lớn, bao bọc, nuôi dưỡng, chở che và sưởi ấm cả những trái tim bất hạnh...

Cũng dựa vào nguyên lý này trong "Mẫu thượng ngàn", nhà văn Nguyễn Xuân Khánh hết lời ca ngợi vẻ đẹp của các nhân vật nữ là biểu tượng của sự tái sinh mạnh mẽ và vẻ đẹp phồn thực nồng nàn. Nếu ai đó được "nằm khoanh lòng mẹ" sẽ có thể "nghe nghìn muôn năm sau". Thì ra người mẹ còn là điểm tựa cội nguồn để con người trở về với xa xưa lịch sử.

Trong thơ hiện đại, hình tượng "bầu vú lụa", "chũm cau căng đứt"… là những hình tượng rất gợi trong thơ Hoàng Cầm. Nhưng được biết đến nhiều nhất là bài hát "Khúc hát ru người mẹ trẻ", nhạc Phạm Tuyên, thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Bản thân hình tượng đã đậm chất thơ, được chắp thêm cánh nhạc của nhạc sĩ tài năng nên càng bay cao bay xa vào bầu trời văn hóa để đậu vào trái tim mọi độc giả, vì ai cũng có mẹ sinh ra, ai cũng lớn lên từ vú mẹ: "Đôi làn môi con/ Nghiêng về vú mẹ/ Như cây lúa nhỏ/ Nghiêng về phù sa/ Như hương hoa thơm/ Nghiêng về ngọn gió/ Đôi làn môi con/ Ngậm đầu vú mẹ/ Như búp hoa huệ /Ngậm tia nắng trời…/ Sữa mẹ trắng trong/ Con ơi hãy uống/ Sữa mẹ trắng trong/ Con ơi hãy uống/ Rồi mai khôn lớn/ Con ơi hãy nghĩ/ Hãy nghĩ những điều trắng trong".

Viết riêng về hình tượng vú, năm 1997, nhà văn Mỹ Marilyn Yalom (1932-2019) đã cho xuất bản cuốn sách nổi tiếng có tên "Lịch sử vú". Với cảm hứng chống căn bệnh ung thư vú và đấu tranh vì nữ quyền, bằng vốn hiểu biết sâu sắc về khoa học, chính trị, lịch sử  văn hóa… tác giả trình bày thật hấp dẫn quá trình phát triển của hình tượng để tất cả cùng nhau thấu hiểu hơn về người phụ nữ với sứ mệnh cao cả khai sinh ra loài người nhưng lại phải gánh chịu những thiệt thòi lớn.

Nguyễn Thanh Tú
.
.