Balagtasan - Nghệ thuật tranh luận của thơ ca

Thứ Năm, 24/03/2022, 20:54

Balagtasan là một hình thức biểu diễn thơ truyền thống của đất nước Philippines, hình thức nghệ thuật này xuất hiện trong thời kỳ Philippines là thuộc địa của Tây Ban Nha. Vở Balagtasanđược các nhà văn và nhà thơ Philippines sử dụng trong việc thể hiện những ý tưởng chính trị tiến bộ, cũng như bình luận về các vấn đề xã hội đương thời. Hình thức nghệ thuật này bị lãng quên trong một thời gian và giờ đang được hồi sinh bởi các nhà thơ trẻ Philippines.

Cũng giống như Việt Nam, trong thời kỳ bị thực dân chiếm đóng, thơ ca tại Philippines không chỉ là một môn nghệ thuật đơn giản chỉ để thưởng thức mà còn được sử dụng trong tuyên truyền cổ vũ người dân Philippines chống lại ách thống trị của bọn thực dân Tây Ban Nha.

Trong bài luận nghiên cứu “Nghệ thuật và chính trị Balagtasan” của nhà thơ, nhà phê bình văn học người Philippines - ông Virgilio S. Almario có viết: “Phong trào tuyên truyền trước cuộc cách mạng 1896 của Philippines, anh hùng dân tộc Marcelo H. del Pilar sử dụng thơ ca dân gian và các cuộc tụ tập công khai để cổ động dân chúng chống lại thực dân đô hộ. Như trong phong trào tuyên truyền, nghệ thuật Balagtasan được sử dụng để thể hiện sự tiến bộ trong hệ tư tưởng chính trị của các nhà thơ đầu thế kỷ XX bất chấp sự cai trị của thực dân tại Philippines”.

Balagtasan - Nghệ thuật tranh luận của thơ ca -0

Biển quảng bá nghệ thuật Balagtasan với mô tả là sự kiện tranh luận bằng thơ ca.

Nghệ thuật tranh luận qua thơ ca

Tại Philippines, nhà thơ Francisco Balagtasan (1788 - 1862) được người hâm mộ gọi là “Thiên tài của Balagtas” ông là một tượng đài văn học được đông đảo người dân Philipines mến mộ tương tự như nhà thơ Dante - cha đẻ của ngôn ngữ Ý - tại nước Ý. Thời kì này, Philippines đang là thuộc địa của Tây Ban Nha và khi ấy chữ viết của Philippines phải dùng ngôn ngữ của Tây Ban Nha, nhưng thơ của Francisco Balagtasan lại được viết bằng ngôn ngữ Tagalog (nền tảng tiếng Philippines sau này). Để tôn vinh và tưởng nhớ đến ông, nhân 62 năm ngày mất của nhà thơ Balagtasan, vào năm 1924, một nhóm nhà thơ Tagalog đã biến tấu hình thức thơ ca dân gian truyền thống Duplo thành tranh luận bằng thơ ca để trình diễn, ngoài ra nhằm quảng bá thơ Tagalog và củng cố thêm ngôn ngữ Philippines.

Quy tắc của nghệ thuật tranh luận thơ Balagtasan là: Một người quản trò lakandiwa (nhà thơ nam) haylakambini (nhà thơ nữ) điều hành trò chơi và ra chủ đề cho cuộc tranh luận, ngoài ra còn có Ban Giám khảo. Ban Giám khảo là các thẩm phán, các nhà thơ nổi tiếng để lựa chọn xem ai xứng đáng nhận danh hiệu nhà thơ vua Balagtasan. Balagtasan có sự tham gia của hai hoặc nhiều người vào cuộc tranh luận nhằm bảo vệ luận điểm của mình theo chủ đề của cuộc chơi bằng thơ hoặc văn vần. Thường thì các tác phẩm được dùng trong vở Balagtasan được viết và chuẩn bị trước khi trình chiếu cho công chúng, mặc dù đa số đều cần sự nhanh nhạy, sáng tạo và ngẫu hứng của người tham gia tranh luận. Các nhà thơ sẽ sử dụng cách diễn đạt hoa mỹ cùng những câu văn mạnh mẽ, họ cố gắng "tấn công" phản biện lại luận cứ của đối thủ bất cứ khi nào có cơ hội. Ban Giám khảo sẽ công bố người chiến thắng bằng thơ hoặc văn vần, đây cũng là điểm thú vị của nghệ thuật Balagtasan.

Vào những năm đầu của thế kỷ XX, Balagtasan là một môn nghệ thuật rất phổ biến ở Philippines. Những năm đó, Balagtasan luôn được tổ chức bởi những nhà thơ giàu kinh nghiệm sáng tác nên đã tạo được sự thích thú và thu hút đông đảo công chúng đến xem. Balagtasan được trình diễn ở những nơi bình thường như nhà ở, khu chợ cho đến những nơi sang trọng hơn như ở các nhà hát thành phố. Chính Balagtasan đã giúp người dân Philippines tìm thấy cảm hứng nghệ thuật, củng cố tinh thần yêu nước trong một thời kỳ lịch sử đầy ảm đạm.

Balagtasan - Nghệ thuật tranh luận của thơ ca -0
Nhà hát Teatro (Philippines) là một trong những nơi được sử dụng để tổ chức nhiều vở diễn Balagtasan.

Balagtasan được phổ biến ở thế kỷ XX bởi thực chất nó là một cuộc chiến không chỉ về trí tuệ mà còn về cách những người tham gia trình bày luận điểm của họ, đây là một hình thức để các nhà thơ có thể lồng ghép “tiếng nói”, quan điểm của bản thân vào các vấn đề chính trị, xã hội của quốc gia. Khán giả phải thán phục trước cả sự nhạy bén trong đầu óc và nghệ thuật của các nhà thơ - nhà tranh luận. Hình thức văn học giải trí với các yếu tố hài hước, dí dỏm cùng gia vị châm biếm và cách trình bày sân khấu dạng kịch, tất cả điều này khiến nghệ thuật Balagtasan trở nên rất thú vị, thu hút được sự quan tâm của dân chúng Philippines vào thế kỷ XX.

Nghệ thuật và chính trị của vở Balagtasan

Nhà thơ, nhà phê bình văn học Virgilio S. Almario đã viết: “Về mặt chính trị, Balagtasan là sản phẩm tâm lý của người Philippines phản ứng ngược lại với sự xâm lược của thực dân và nhận thức được vấn đề bị thực dân đồng hoá… Nghệ thuật này giúp bảo tồn các di sản văn hoá dân gian, phong tục cổ truyền lâu đời của người Philippines”.

Trong các vở Balagtasan, tranh luận liên quan đến các đề tài chính trị, đặc biệt nổi tiếng với vở có chủ đề “Làm thế nào để giành được độc lập” được tranh luận bởi nhà thơ De Jesus và nhà văn Amado V.Hernandez. Trong đó, nhà thơ De Jesus ủng hộ cách mạng bạo lực là cách duy nhất để đạt được độc lập, thì nhà văn Amado V.Hernandez bảo vệ luận điểm sử dụng phương pháp hoà bình để giành độc lập. Các cuộc tranh luận về chính trị trong vở Balagtasan giúp công chúng Philippines hình thành, nhận biết được chính kiến của giới trí thức và tự bản thân mình chiêm nghiệm những vấn đề lớn, làm ảnh hưởng đến cuộc sống và tương lai đất nước Philippines.

Balagtasan không chỉ mang lại sự giải trí cho người dân mà đây còn là nghệ thuật thơ ca qua tranh luận có vai trò quan trọng giúp người dân thể hiện ý kiến cá nhân thông qua nghệ thuật. Nó giải quyết các vấn đề xã hội và trở thành một bản tóm tắt đầy nghệ thuật cho quan điểm chính trị, giống như các cột xã luận của báo in.

Vào thời đó, Balagtasan còn được sử dụng làm các diễn đàn để các ứng cử viên tranh cử vào các vị trí lãnh đạo trong bộ máy nhà nước. Qua các cuộc tranh luận, cử tri sẽ đánh giá được tâm và tầm cũng như xu hướng chính trị của các ứng cử viên.

Mặt khác, Balagtasan cũng thường được biểu diễn trong các trường học. Các vở Balagtasan được tổ chức trước khán giả và khán giả cũng là giám khảo cho cuộc tranh luận. Việc để khán giả làm Ban Giám khảo buộc họ phải có chính kiến, lập trường trước những vấn đề phức tạp đang được đặt ra. Họ phải đủ lập luận và nhận thức để bảo vệ quan điểm và sự chính trực của mình trong các vấn đề mà họ lựa chọn, đây thực sự là những buổi học ngoại khóa bổ ích và có tính giáo dục cao trong trường học.

Sau một thời gian dài, Balagtasan bị chìm vào quên lãng do sự phát triển mạnh của mạng xã hội đã thu hút giới trẻ và phần đông dân chúng, nhưng giờ đây ở Philippines đã có những chính sách kịp thời nhằm bảo tồn và phát triển văn hoá truyền thống trong đó có việc đưa Balagtasan vào biểu diễn trong các hoạt động văn hóa, trong các trường học và trong ngày lễ “Tháng tiếng Philippines là ngôn ngữ quốc gia” được tổ chức vào tháng tám hàng năm. Ngoài ra Balagtasan cũng được tổ chức trong các cuộc thi giữa trường học này với trường học khác, giữa địa phương này với địa phương khác trên đất nước Philippines.

Những nhà lãnh đạo của Philippines đã nhận thức rằng Balagtasan là một phần quan trọng trong văn hóa đại chúng của đất nước họ, cũng giống như tuồng, chèo, cải lương ở Việt Nam, tuy không còn ở thời kỳ vàng son nhưng vẫn cần được bảo tồn và phát triển, bởi đó là vốn văn hóa quý của cả một dân tộc.

Khánh Hà
.
.