Bài thơ “Hoàn Kiếm hồ” có thật là của Trung Mục Vương Đinh Liệt?

Thứ Năm, 24/03/2022, 19:48

Sách “Ngàn năm thương nhớ” (NXB Hội Nhà văn - 2004) có đăng bài thơ “Hồ Hoàn Kiếm” của Đinh Liệt và cho biết: “Gần đây, dòng họ Đinh ở Nông Cống - Thanh Hóa, có tìm thấy di cảo của Đinh Liệt, người đã phục vụ bốn triều vua Lê: Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông, Thánh Tông. Trong di cảo có bài thơ nói về việc trả lại kiếm cho rùa vàng, nguyên văn chữ Hán, đề ngày 15 tháng Tám năm Mậu Thân 1428, tức là ngày Tết Trung thu”.

Bên cạnh đó còn “ghi chú” rằng: “Trong di cảo Đinh Liệt còn ghi thêm: Lê Sát xin cho chăng lưới bắt rùa để lấy lại kiếm thần nhưng Lê Lợi gạt đi”. Bài thơ như sau: “Nguyễn Thận hiến thần kiếm/ Vương gia phương kiếm bính/ Chân thiên thiện an bài/ Thập nhị niên đại định/ Hoàng Đế phụng thiên mệnh/ Bách tính đắc an cư/ Triều đình tân thiết lập/ Nông tang khởi phong thu/ Bang giao chính khai triển/ Hồi ức lạp tuyên từ/ Hồi ức Lam Sơn vãn/ Thiên hạ trương thái hòa/ Tinh giản binh thập vạn/ Quân thần ngoạn Tả Vọng/ Thuận Thiên hoàn kiếm thời/ Không trung khai lôi vũ/ Biếm nhãn nhật trùng lai/ Kim quy quẫn du vịnh/ Thanh thiên điểu tường phi/ Quần thần hoan tuyền tiếu/ Bách tính hô vạn tuế/ Hạnh phúc thái bình ca/ Ngoạn du thi nhất thủ/ Ân trạch nhuận vạn gia

(Dịch nghĩa: Nguyễn Thận dâng lưỡi kiếm thần/ Vương gia có được chuôi kiếm/ Trời sắp xếp thật là hoàn hảo/ Mười hai năm (thì) định xong công nghiệp lớn/ Hoàng Đế vâng mệnh trời/ Trăm họ giờ đã an cư/ Triều đình mới đã được thiết lập/ Lúa dâu đã bắt đầu tươi tốt/ Bang giao đang mở rộng/ Nhớ sao lời thề xưa/ Nhớ sao chiều Lam Sơn cũ/ Giữa thiên hạ thái hòa/ Cho giảm mười vạn quân/ Vua tôi du ngoạn hồ Tả Vọng/ Lúc trả kiếm Thuận Thiên/ Giữa trời, mưa sấm nổi lên/ Rồi bất giác, bầu trời lại sáng trong/ Rùa vàng bơi lội trên hồ/ Trên trời xanh, từng đàn chim bay tới/ Các quan thảy đều vui cười/ Trăm họ hô câu vạn tuế/ Ca vang lời ca thái bình - hạnh phúc/ Từ cuộc du ngoạn ấy, viết một bài thơ (này)/ Ân trạch của vua ta thấm đến mọi nhà).

Bài thơ “Hoàn Kiếm hồ” có thật là của Trung Mục Vương Đinh Liệt? -0

Tranh vẽ vua Lê Lợi (1385 - 1433).

*

Nếu thật thế, thì đây quả là một tư liệu quý. Nó làm cho việc “hoàn kiếm” của Lê Lợi không chỉ là huyền thoại nữa, mà là chuyện có thật.

Tuy vậy, bài thơ có một câu cần giải thích và hai câu cần xét kỹ:

Câu thứ nhất: “Thập nhị niên đại định” (Mười hai năm (thì) định xong công nghiệp lớn). Ta biết, Lê Lợi chính thức dựng cờ khởi nghĩa vào Mùa xuân năm Mậu Tuất - 1418 ở Lam Sơn. Mười năm sau, năm Mậu Thân - 1428, cũng vào mùa xuân (3/1), tên giặc Minh cuối cùng buộc phải rời khỏi nước ta, khởi nghĩa hoàn toàn thành công - “Đại định”. Nhưng vì trước khi dựng cờ hai năm, năm Bính Thân - 1416, theo “Đại Việt thông sử” của Lê Quý Đôn (thế kỷ 18), thì Lê Lợi và 18 thân tín khác đã ủ mưu khởi nghĩa ở Hội thề Lũng Nhai và vì thế, “Thập nhị niên đại định” là có thể hiểu được.

Câu thứ hai: “Hoàng Đế phụng thiên mệnh” (Hoàng Đế vâng mệnh trời) thì khó giải thích, vì vào ngày 15/4 năm Mậu Thân - 1428, tại Điện Kính Thiên, Lê Lợi lên ngôi, chỉ xưng “Vương” chứ không xưng “Đế” (Thuận thiên thừa vận Duệ Văn Anh vũ Đại Vương). Chính Lê Lợi đã nói: “Những vị vua có công đức lớn như các vua Vũ, Thang, Văn... thời Tam Đại mà cũng chỉ xưng Vương thôi, huống chi trẫm tài đức mỏng manh, đâu dám nói đến Đế hiệu. Nay chỉ xưng Vương cũng đã là quá lắm rồi”. Thế nên câu thơ “Hoàng Đế phụng thiên mệnh” trong bài thơ của Đinh Liệt là không “chính danh”.

Câu thứ ba: “Quân thần ngoạn Tả Vọng” (Vua tôi du ngoạn hồ Tả Vọng) thì lại càng khó tin! Sử sách chép rằng, từ xa xưa, ít nhất là từ thời Lý Bí - Lý Bôn dựng nước Vạn Xuân, xưng “Đế” và chọn xây kinh thành thuở ban đầu ở cửa sông Tô Lịch (tức vùng Chợ Gạo quận Hoàn Kiếm bây giờ), thì kinh thành vốn đã có nhiều sông hồ.

Về sông, ví dụ là sông Hồng, sông Tô Lịch, sông Thiên Phú, sông Kim Ngưu.

Về hồ, ví dụ là hồ Tây, hồ Lục Thủy. Hồ Tây là nơi Lý Nam Đế cho xây “Khai Quốc Tự” trên đảo “Kim Ngư” (đảo Cá Vàng), tiền thân của “Trấn Quốc Tự” sau này; còn hồ Lục Thủy là chỗ phình ra to nhất của một phân lưu sông Hồng, chảy từ mạn Hàng Than, Hàng Đào, Hàng Trống bây giờ xuống phía Nam, tràn qua các phố Bà Triệu, Hai Bà Trưng, Hàng Chuối ngày nay, rồi đổ ra bến Bình Than (đầu đường Nguyễn Du bây giờ) để gặp lại sông Hồng. Thế là, hồ Lục Thủy xưa còn gồm cả, còn trùm lên cả, hồ Hoàn Kiếm ngày nay.

Bài thơ “Hoàn Kiếm hồ” có thật là của Trung Mục Vương Đinh Liệt? -0
Hồ Hoàn kiếm, Hà Nội.

Bên hồ Lục Thủy, phía Tây, vào thế kỷ 11 (1056), Lý Thánh Tông cho xây “Sùng Khánh Tự” (chỗ Nhà Thờ Lớn bây giờ) với “Báo Thiên tháp”.

Hồ cũ Lục Thủy như vậy suốt các triều Lý - Trần - Hồ. Đến khi Lê Lợi ngự Đông Quan và trả gươm thì hồ mới có thêm cái tên “Hoàn Kiếm”.

Mãi đến đời Lê Trung Hưng (1533 - 1593), tức là đến thế kỷ 16, sau khi đuổi Mạc lên Cao Bằng, các chúa Trịnh mới dần dựng phủ chúa bên ngoài Hoàng Thành (vốn dành cho Vua Lê) và mới cho xây “Ngũ Long lâu”, “Thưởng Trì cung”, “Tả Vọng đình”... quanh hồ rồi đắp đường, ngăn hồ Lục Thủy làm hai để tiện qua lại giữa “Thưởng Trì cung” và “Ngũ Long lâu”. Phần hồ có “Tả Vọng đình” trên đảo Ngọc Sơn, được gọi là “Tả Vọng hồ”. Phần hồ còn lại được gọi là “Hữu Vọng hồ”. Thủy quân triều đình, từ đó chỉ luyện - duyệt ở “Hữu Vọng hồ”, chứ không luyện - duyệt khắp trên hồ Lục Thủy (hay Hoàn Kiếm) như trước nữa.

Thế rồi mãi đến giữa thế kỷ 19, Tự Đức (1847 - 1883) mới chính thức lấy cái tên “Thủy quân hồ” đặt cho “Hữu Vọng hồ”. Và, khi xây thành phố Hà Nội, người Pháp đã cho lấp hẳn “Thủy quân hồ” - “Hữu Vọng hồ”. Từ đó, toàn bộ “Lục Thủy hồ” chỉ còn là “Tả Vọng hồ”, tức hồ Hoàn Kiếm hiện nay. Trên bản đồ Pháp vẽ, hồ Hoàn Kiếm có tên Pháp là Lac de Hoan Guom.

Tóm lại, cái tên “Tả Vọng hồ” chỉ có từ thế kỷ 16.

Thế nên, Đinh Liệt (1400 - 1471), chỉ sống trong thế kỷ 15, không thể có câu thơ: “Quân thần ngoạn Tả Vọng” viết từ Trung Thu năm Mậu Thân - 1428 được!

Đinh Liệt là người rất tài giỏi và có công lớn với nhà Lê. Ông là “Khai quốc công thần”, từng trực tiếp chỉ huy cánh quân tập kích núi Mã Yên, chém Liễu Thăng tại trận; 70 tuổi, còn cùng Lê Niệm - cháu nội Lê Lai - thừa mệnh Lê Thánh Tông đi tiên phong, hạ thành Chà Bàn, bắt sống vua Chiêm là Trà Toàn; từng là Thái Sư phụ chính, từng là Tể Tướng đầu triều, được ban quốc tính (Lê Liệt) và được truy phong tước Vương (Trung Mục Vương)... Ông cũng là người quan trọng tâu lên Lê Thánh Tông vụ án oan Lệ Chi Viên để nhà vua xuống chiếu “chiêu tuyết” cho Nguyễn Trãi.

Vì có công lớn như thế, Đinh Liệt được vua Lê ban “Lộc điền” ở Nông Cống, dù ông quê ở Thọ Xuân. Vậy là thời gian trôi đi, “Dòng họ Đinh ở Nông Cống” dần hình thành và dài lâu đến sau này. Họ, có thể vì lòng yêu kính tổ tiên, đã làm ra bài thơ trên rồi sau nhiều đời, chính mình lại nhầm rằng, nó thuộc “Di cảo” của Đinh Liệt chăng?

Vả lại, chuyện “Trả gươm”, dù rất đẹp nhưng chỉ là truyền thuyết, nếu “Di cảo” lại viết: “Lê Sát xin cho chăng lưới bắt rùa để lấy lại kiếm thần nhưng Lê Lợi gạt đi”, thì lại càng khó tin!

Đỗ Trung Lai
.
.