Bài thơ bắt đầu từ một chữ
Trong nghề thơ, chắc ai cũng trải qua những phút lao tâm khổ tứ vì câu chữ. Và khi tìm ra được giải pháp tối ưu, dù chỉ là một chữ, cũng thật sung sướng vô cùng. Tôi nhớ mãi cái duyên may đã một lần giúp tôi tìm được một chữ ưng ý như thế. Thậm chí cả bài thơ có thể quên đi nhưng một chữ ấy vẫn còn lại mãi, để luôn nhắc nhở đến cái dụng công rất vất vả của công việc lao động ngôn từ.
Lần ấy cách nay đã lâu lắm rồi, tôi sống ở một nơi sơ tán giữa Bãi Nổi sông Hồng, một miền quê lam lũ, thất học. Ngoài công việc cơ quan, tôi đã bắt đầu làm thơ, và có vẻ như chính thời gian mới cầm bút này tôi làm việc nghiêm túc, kỹ lưỡng thậm chí còn hơn cả sau này, khi đã ít phải bận tâm hơn đến chuyện được in ấn. Bài thơ dạo ấy tôi đã viết có tên là Hẹn. Chuyện thơ thì dài dòng nhưng đại khái trong đó tả tâm trạng một chàng trai lần đầu tìm đến nhà cô gái mình yêu theo lời hẹn. Do nhiều lý do, cuộc tìm kiếm hoá ra lại chẳng dễ dàng, bởi vì:
"Nhà gần... ngõ thì xa
Đường phố không nhớ, số nhà không hay".
Cái một chữ tôi nói ở trên chính là ở tại vị trí của ba chấm (...) này đây. Để diễn đạt ý sáng rõ thì rất dễ dàng: Chỉ cần đặt vào đó hoặc từ "mà", hoặc từ "nhưng", thế là xong. Nhưng khi đọc lại cả bài, cứ đến câu này thì tự nhiên thấy nặng trình trịch, ngang phè phè. Phân tích kỹ sẽ thấy: "mà" và "nhưng" là những liên từ, tức là những thực từ, có ý nghĩa độc lập, có vị trí bình đẳng như những thực từ khác. Do đó, câu thơ rõ nghĩa và đầy đủ đến mức... lãng phí. Mà ngôn ngữ thơ vốn đòi hỏi cô đúc, tinh lọc, và tối kỵ là cái sự lãng phí. Với thơ lục bát, số chữ là bất di bất dịch. Đào đâu ra một chữ nữa lấp vào đây để câu thơ đạt đến cô đúc mà vẫn tự nhiên? Loay hoay mãi vẫn không tìm ra. Đến giờ ăn cơm trưa, tôi vác bát xuống nhà ăn tập thể mà trong miệng vẫn lẩm nhẩm đọc đi, đọc lại hai câu thơ ấy với các cách xử lý khác nhau: "Mà, nhưng ... nhưng, mà...". Đúng khi tôi bước chân vào nhà ăn và cất tiếng: "Nhà gần ...", thì cô cấp dưỡng đang xới cơm trong bếp bất ngờ mở miệng đọc tiếp ngay, hầu như không phải suy nghĩ gì "cái ngõ thì xa"...
Đã 30 năm trôi qua mà đến giờ tôi vẫn không quên được cảm giác ngạc nhiên, sung sướng kỳ lạ khi nghe từ "cái" ấy. Đúng là cảm giác của Acsimét: "Ơrêca - tìm thấy rồi!". Vâng, tất cả sự mầu nhiệm chỉ nằm trong một chữ "cái" ấy. Ngay lúc đó không kịp lý giải gì hết, tôi đã thấy ngay tính hợp lý trời sinh của từ "cái". Mổ xẻ ra thì thế này: Khác với "nhưng", "mà" là những liên từ độc lập, "cái" là một mạo từ (hoặc loại từ) luôn đi kèm với danh từ như một bộ phận không thể tách rời và cùng với danh từ làm thành một từ: Chẳng hạn trong trường hợp này, "cái ngõ" và "ngõ" đều có giá trị như một từ. Nói "gần nhà xa ngõ", thế là đủ, nhưng khi buộc phải kéo ra thành 6 chữ thì rõ ràng tối ưu chính là câu: "Nhà gần cái ngõ thì xa". Giảm bớt được một thực từ mà câu thơ cô đúc lên bao nhiêu!
Tôi còn nhớ cô cấp dưỡng đã ban cho tôi một chữ quý hoá đó, dạo ấy mới 18, 19 tuổi, cô tên là Côi, một cái tên nghe đã thương cảm, và hình như cô còn không biết chữ! Có gì đâu, cô chỉ quen nói bằng lời lẽ chân quê - thứ ngôn ngữ vốn đã được kết tinh tuyệt vời qua suốt chiều dài năm tháng mà không một thiên tài nào có thể tạo ra từ các bàn giấy.