“Bài thơ anh chỉ làm một nửa mà thôi…”
Trong “Sổ tay thơ”, Chế Lan Viên có viết: “Bài thơ anh chỉ làm một nửa mà thôi/ Còn một nửa để mùa thu làm lấy” có thể hiểu đó là mối quan hệ biện chứng giữa sáng tạo và tiếp nhận.
Khi ra đời tác phẩm sẽ có một đời sống riêng độc lập với tác giả, bạn đọc khám phá và phú thêm cho nó những ý nghĩa mới. Chỉ với hai câu thơ này cũng cho thấy Chế Lan Viên là một nhà phê bình văn chương đích thực, sắc sảo. Trên thế giới trước nay tiếp nhận, đánh giá nghệ thuật vừa là vấn đề muôn thuở vừa là thời sự (nếu với một tác phẩm mới).
Năm 2005, thế giới tổ chức kỷ niệm tròn 400 năm ngày tác phẩm “Đôn Kihôtê” bất hủ của Xécvantéc (1547 - 1616) được xuất bản. Trong nhiều cuộc khảo sát trước đó, tác phẩm được coi là cuốn sách văn học có nhiều bạn đọc với mức kỷ lục, chỉ sau “Kinh Thánh”. Nó có lịch sử ra đời khá đặc biệt, được viết khi tác giả đang bị tù (1602), tới năm 1615 mới hoàn thành và quá trình tiếp nhận rất khác nhau. Bản thân tác giả coi tác phẩm chỉ là để giễu cợt thứ văn chương kiếm hiệp rẻ tiền đương thời với những nhân vật hoang đường.
Người Tây Ban Nha lại coi nhân vật Đôn Kihôtê là “con người lý tưởng”. Khi được dịch ra tiếng nước ngoài thì người Pháp coi đó là gã khùng. Độc giả Anh lại đánh giá đó là nhân vật gây cười đầy tinh thần giễu nhại... Các tài năng lớn cũng tiếp nhận khác nhau. Như nhà tiểu thuyết Nga Đôtxtôiepxky thừa nhận niềm ngưỡng mộ với tác giả và coi Đôn Kihôtê là “một người hoàn hảo nhất” nhưng “anh ta hoàn hảo là do anh ta kỳ quặc”... Càng về sau tiếp nhận trên thế giới mới gần đi đến thống nhất coi đó là một mẫu mực của văn học hiện thực phê phán mô tả trung thực xã hội Tây Ban Nha nói riêng, châu Âu nói chung vào cuối thời đại Hiệp sĩ bước sang thời kỳ Phục hưng để phát ra những ánh sáng giá trị nhân văn vĩnh cửu…
Mặc dù đã sản sinh ra nhiều trường phái tiếp nhận mới mẻ nhưng phương Tây hiện đại vẫn có những trường hợp “tréo ngoe”, tiêu biểu là tiểu thuyết “Chúa Ruồi” (1954) của William Golding (người Anh). Khi đưa đi xuất bản thì biên tập viên đánh giá đó là thứ “rác rưởi và vô nghĩa”. Được in ra nhiều người đọc hơn, với độc giả Anh đó lại là “cuốn tiểu thuyết xuất sắc” bởi “không chỉ là một cuộc phiêu lưu hạng nhất mà còn là một câu chuyện ngụ ngôn của thời đại”. Vì nội dung đề cập đến cuộc sống ngột ngạt thời Đức Quốc xã nên với độc giả Mỹ thì đó lại là tác phẩm “yếm thế”, nhân vật là “những sinh vật ích kỷ”...
Năm 1960, một tạp chí văn học ca ngợi tác phẩm “vẽ nên một bức tranh thực sự đáng sợ về sự suy tàn của một xã hội... Nó đang trên đường trở thành một tác phẩm kinh điển hiện đại”. Một tờ báo lớn đánh giá đó “là một cuốn tiểu thuyết của những năm 1950, và cho mọi thời đại”. Năm 2005, cuốn tiểu thuyết được Tạp chí Time nổi tiếng bình chọn là 1 trong 100 tiểu thuyết tiếng Anh hay nhất từ năm 1923 đến 2005, cũng là 1 trong 100 cuốn sách dành cho thanh thiếu niên hay nhất mọi thời đại...
Lịch sử tiếp nhận phương Đông có phần còn phức tạp hơn. Từ thế kỷ I trước công nguyên, tác gia Đổng Trọng Thư khái quát có hai kiểu tiếp nhận cơ bản là “tri âm” và “kí thác”. Tri âm là hiểu rõ tiếng lòng nhau, tức tiếp nhận là cảm và hiểu cuộc sống được gợi lên trong tác phẩm như chính ý của tác giả mà câu chuyện Bá Nha - Tử Kỳ là một minh họa. Ký thác là gửi lòng mình vào câu chữ tác phẩm. Ký thác thường đi liền với tri âm nên tri âm hay được nói đến nhiều hơn.
Ở ta tiêu biểu có bài thơ “Khóc Dương Khuê” của Nguyễn Khuyến: “Câu thơ nghĩ đắn đo không viết/ Viết đưa ai, ai biết mà đưa/ Giường kia treo cũng hững hờ/ Đàn kia gảy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn”. Câu thơ diễn tả một trạng thái cô đơn cực điểm, người hiểu nhất thì chết rồi nên bây giờ có sáng tác thì cũng chẳng có ai hiểu. Nguyễn Du cũng có hai câu kinh điển: “Không biết ba trăm năm lẻ nữa/ Thiên hạ ai người khóc Tố Như”. Như vậy sáng tác và tiếp nhận theo lối tri âm cũng là một kiểu tiếp nhận rất đáng trân trọng. Về cơ bản, lối phê bình “lấy hồn tôi để hiểu hồn người” của Hoài Thanh cũng là tiếp nhận truyền thống.
Nhưng đến thời 4.0, cuộc sống mở ra muôn ngàn vạn nẻo ùa vào tác phẩm. Nghệ thuật trở nên đa trị. Người đọc được đề cao lên vai trò chủ thể (tiếp nhận). Hướng tìm “ý đồ của tác giả” chỉ là một lối đi chật hẹp. Phê bình tối kỵ “độc tôn phương pháp”. Câu chuyện nhà văn Nguyễn Khải viết hộ bài phân tích truyện ngắn “Mùa lạc” cho con chắc chỉ là giai thoại để giễu lối phê bình xã hội học chăm chăm tìm ra quan điểm tác giả. Lời phê của cô giáo “Không hiểu đúng ý nhà văn” cũng là sự “ngây ngô” vì “ý nhà văn” là như thế nào, biểu hiện cụ thể ở đâu? Nếu nhà văn có nói ra cũng chắc gì đã đúng với hình tượng văn bản? Chính nhà văn Nguyễn Khải cũng đáng cười vì làm một việc thừa thãi là đi hiểu thay người khác và cũng đáng trách, không chỉ phi khoa học mà còn “nối giáo cho... sự lười”...
Tác phẩm là một thế giới, mỗi cách hiểu là sự khám phá thế giới ấy bằng con đường riêng, không ai giống ai, dân chủ và bình đẳng… Đến lượt các cách hiểu lại cọ xát, tranh luận với nhau để tiệm cận chân lý. Nhìn từ góc độ này sẽ thấy những chuẩn mực đạo đức từ nhiều tác phẩm giáo huấn thời xưa có cái “dã man” cần loại bỏ. Lỗ Tấn đã lên tiếng rất đúng trong “Nhặt cánh hoa tàn” khi mạnh mẽ phê phán lối tiếp nhận “Nhị thập tứ hiếu” đã quá lỗi thời. Thời hiện đại không thể có kiểu quái gở như con đã già còn mặc quần áo trẻ con rồi múa may như trẻ con để bố mẹ vui... Tiếp nhận truyền thống luôn là hai chiều, tiếp thu cái lõi tinh hoa, tích cực, phù hợp và loại bỏ cái lỗi thời, tiêu cực.
Nhà thơ Anh Ngọc có bài thơ “Thị Màu”, về bản chất đây là một tranh luận với cách hiểu truyền thống: “Người sống trong hơi thở của nhân dân/ Mấy trăm năm ai để thương để giận/ Câu sa lệch cũng hò reo nổi loạn/ Nhịp trống gầm lên những khát vọng không lời/ Những khát vọng nằm sâu trong mỗi trái tim người/ Được sống đúng với lòng mình thực chất”. Sức sống mạnh mẽ của dân gian đã kết tinh ở nhân vật Thị Màu một tinh thần phản kháng luân lý Nho gia hà khắc cực kỳ ích kỷ. Nhiều nhà Nho từng lên án nàng Kiều được chính Nguyễn Du ca ngợi “hiếu nghĩa đủ đường” là “mắc bệnh tà dâm”, là “con đĩ”... thì họ càng kết tội Thị Màu “dâm dật”, “mất dạy”.
Đứng về phía nhân dân, nhà thơ Anh Ngọc khẳng định Thị Màu tiêu biểu cho tinh thần nhân văn với khát vọng bản ngã cao cả. Đó là “được sống đúng với lòng mình thực chất”. Sự đánh giá của Anh Ngọc đã đưa hình tượng Thị Màu tỏa sáng trong bầu trời nhân tính: hạnh phúc nhất là được sống trung thực với bản thể, được sống là chính mình - một vấn đề trọng tâm của triết học con người hiện đại. (Thực tế thời nay cũng chưa có nhiều người được như thế!).
Vấn đề mới của tiếp nhận nghệ thuật trên thế giới là dựa trên cơ sở lý thuyết đối thoại trong bối cảnh hội nhập toàn cầu để đánh giá, phê bình. Muốn có đối thoại thực chất thì phải hiểu biết, bình đẳng, tôn trọng, nhất là biết lắng nghe nhau. Từ góc nhìn này thì “Chí Phèo” của Nam Cao rất đặc sắc, đi trước thời đại.
Chúng ta vẫn quen phân tích rồi khái quát truyện là “bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người”. Trong khi đó thực tế thời ấy, sống trong xã hội cũ thì những người dân nghèo bị áp bức đều chịu chung bi kịch này. Là đàn ông ai cũng bị đánh thuế thân, thứ thuế đánh vào người đang sống, sống thì phải nộp thuế. Những anh Dậu, anh Hợi, anh Pha, Chí Phèo… đều bị thế cả. Nên nói như trên là chưa nói được sâu sắc giá trị tác phẩm.
Mở đầu thiên truyện là hình ảnh Chí vừa đi vừa chửi, tức là Chí khát khao một sự đối thoại. Nhưng chẳng có ai thèm đối thoại, vì tất cả dân làng Vũ Đại đã coi Chí ở hàng thú vật. Thành ra chỉ có mấy con chó “chửi” nhau với Chí. Như vậy Nam Cao đã gián tiếp nêu ra một vấn đề lớn: bản chất cuộc sống là đối thoại; chỉ con người mới có thể đối thoại được với nhau; điều kiện để đối thoại là hiểu nhau (nhưng có ai thèm hiểu Chí đâu?), biết lắng nghe (nhưng có ai thèm nghe Chí?)… Tất cả đều không hiểu đến cái khát khao ở Chí muốn đối thoại bình đẳng để làm hòa với mọi người tức không hiểu cái mầm lương thiện đang cựa quậy trong một hình hài thú vật… Thì ra, bi kịch lớn nhất là bị cự tuyệt quyền đối thoại, mà như thế có nghĩa là chết còn hơn sống…!!!