Bà và tháng Tám
Tháng 8, tháng của gió se và nắng nhạt. Gió trở mùa đưa mây về phía núi, nắng chòng chành trải dọc triền đê xuôi chiều bến nước. Lũ cỏ gà xôn xao sắm sửa áo quần đưa duyên cùng heo may và bụi đỏ. Bà đi chợ Bến, chân trần vẹt cỏ, dẫm lên mùa và xuyên qua hanh hao mang về đủ thứ: những nong, nia, rổ, sảo cùng con rau giống, cà, trám...
Bà than đầu thu mà oi bức, nước sông cũng cạn. Con đường như dài ra, trải theo bao nhiêu vạt dâu ngăn ngắt, bao nhiêu bãi chuối, khoảnh ngô, đám lạc. Tóc bà bạc trắng nhuộm nắng sáng lên, dáng lưng còng như dấu hỏi nghiêng hoàng hôn tím sẫm.
Có hôm, trong cái thúng tròn còn thêm mấy quả thị. Mùi thơm ủ trong tấm khăn đen thập thững suốt cả quãng đường, để khi về nhà nở thành nụ cười trong mắt lũ cháu. Quả thị để trên bàn, những buổi sáng yên tĩnh hồi hộp chờ mong. Lũ trẻ tin rằng sẽ có một cô Tấm bất ngờ chui ra từ trong lớp vỏ mỏng vàng màu cổ tích. Để qua hết buổi này, buổi khác, ngơ ngác và thắc mắc không hiểu cô Tấm trốn đi đâu, chỉ có một bà Tấm lưng còng cặm cụi quét sân, nhà, cổng, ngõ sạch bong cùng cơm canh dẻo ngọt.
Bà Tấm luôn chân, luôn tay nhưng thỉnh thoảng vẫn càu nhàu lũ trẻ mải chơi, phá phách. Nhưng vắng những lời mắng mỏ ấy một buổi thôi bỗng thấy trống trải làm sao. Thị và cô Tấm, chỉ chờ mong một mùa tháng Tám. Còn bà Tấm tóc bạc, lưng còng quanh quẩn trong nhà, ngoài ngõ thì bốn mùa cần mẫn gói trọn yêu thương. Chỉ e, những buổi sớm mai hay chiều muộn khi thưa thớt sương rơi; đôi bàn chân, bàn tay bà Tấm nhức nhối không yên. Tối về, thể nào cũng kêu đứa nọ, đứa kia ra xoa, nặn.
Tháng 8, tháng của những mùa trung thu náo nức. Bố chuẩn bị đồ làm đèn kéo quân, đèn ông sao. Khi mảnh gỗ, lúc thanh tre, giấy màu, keo dán... chi chút từng mẩu thời gian vụn đầu chiều, cuối buổi. Mẹ sẩy sàng mẻ thóc nếp đầu tiên, hong phơi vừa độ để làm cốm, làm chè. Ông mang chiếc khuôn gỗ cất kĩ trong tủ từ mùa trước ra cọ rửa sạch bong. Lũ cháu đã mường tượng thấy hương thơm, vị ngọt của những chiếc bánh nướng, bánh dẻo ngào ngạt quyện cùng khói củi.
Bà lặng lẽ ngoài vườn, xới xới vun vun những luống rau, gốc cà, giàn mướp. Không quên canh chừng mấy cây bưởi đang lúc lỉu quả to, quả nhỏ. Mé ao là cây bưởi chua, quả to tròn, căng mọng và được ăn sớm nhất. Bà sẽ trẩy độ mươi quả để cho nhà và các cô, chú cúng rằm. Những trái bưởi bóng bẩy, tròn đều còn nguyên mấy cái lá dày thâm thẫm trên đầu. Bưởi chua ăn hơi gắt nhưng mã đẹp, múi đều, vỏ mỏng. Không chỉ để trưng mà còn để cắm hương khi bày mâm ngũ quả ra ngoài sân cúng ông trăng. Có đận, bà còn ngồi tỉ mẩn làm những con chó bông đáng yêu với đôi mắt tròn xoe ngơ ngác từ hai hạt nhãn.
Mấy cây bưởi dở và ngọt được ăn sau, quả cũng xếp hàng như đội bóng trông thật thích. Bà đã nhờ ông dựng cây que để phòng hôm nào gió to, bão giật. Rồi mấy cây na vừa bói, bà ngong ngóng xem bao giờ mở mắt. Lẩm bẩm mong là kịp chín vào Trung thu. Loanh quanh với cây cối, thời gian trôi đi bà chẳng để ý. Vệt nắng cuối cùng ngủ quên nơi góc vườn in bóng bà lẫn vào bóng quả, ân cần, tần tảo.
Tháng tám, còn là mùa bánh bà làm. Hôm nào mát giời, bà xay bột quấy nồi bánh đúc. Trong cái se lạnh của cơn mưa ngang chiều, cả nhà quây quần bên sàng bánh đã đổ ra nguội hẳn. Bẻ từng miếng bánh chấm tương ngon ngọt thấy như có dòng sông vừa ngang qua, thấy bờ ao gió mát, thấy trong lành và cả dịu êm.
Những ngày năng nắng, vãn việc bà dọc lá chuối phơi cho heo héo để gói bánh rợm hoặc sai mẹ cắt lá dong ngoài vườn dành gói bánh khoai. Bánh rợm dẻo thơm bột nếp, thơm bùi nhân đỗ dừa. Bánh khoai chắc bở, đậm đà. Những rổ bánh trong gian bếp nhỏ ăm ắp niềm vui và xua tan cơn đói xế buổi của lũ cháu mải chơi, ham ăn.
Tháng Tám cứ thế mà rộn ràng và lặng lẽ đi qua. Mang theo gió đồng và hương cốm. Vấn vít và êm đềm. Như bóng bà bên cửa, miệt mài, thăm thẳm yêu thương!