Ai hà tiện hơn?

Thứ Sáu, 17/06/2022, 18:19

"Lão hà tiện" châm biếm sâu cay những "thói hư tật xấu" của kẻ lắm tiền: Keo kiệt, thủ đoạn, coi tiền là trên hết, là thước đo cho mọi giá trị…

Tòa tháp nghệ thuật nước Pháp thế kỷ XVII được nâng đỡ bởi ba chân cột vĩ đại là Cornây, Raxin và Môlie. Những vở bi kịch của Cornây và Raxin làm bàng hoàng cả nước Pháp thì hài kịch của Môlie làm nghiêng ngả cả thế giới bởi tiếng cười đặc sắc, độc đáo.

Thậm chí ở ngày hội nhập toàn cầu hôm nay với sự chi phối mạnh mẽ của kinh tế thị trường thì tiếng cười Môlie càng làm thức tỉnh nhân loại cảnh giác với sự tha hóa đến tàn nhẫn của đồng tiền. Các vở kịch kinh điển của Môlie (1622 - 1673) như: "Những bà đài các rởm" (1659), "Trường học làm vợ" (1662), "Tactuyp" (1669), "Đông Joăng" (1665), "Kẻ ghét đời" (1666), "Lão hà tiện" (1668), "Người bệnh tưởng" (1673),… đang được phục dựng lại trên sân khấu không chỉ ở châu Âu mà nhiều nơi trên thế giới.

"Lão hà tiện" châm biếm sâu cay những "thói hư tật xấu" của kẻ lắm tiền: Keo kiệt, thủ đoạn, coi tiền là trên hết, là thước đo cho mọi giá trị…

image001.png -0
Bìa cuốn sách “Lão hà tiện” của Molière.

Là một tư sản giàu có nhưng Acpagông vẫn cực kỳ hám vàng và cực kỳ hà tiện. Quý vàng đến mức lão bắt con trai Clêăng đi vay nặng lãi để chi tiêu và phải lấy một bà góa giàu có, trong khi đó Clêăng đã có người yêu là Marian.Lão ép con gái Êlidơ (đang yêu một thanh niên tên Vale) lấy một lão già (Ăngxenmơ) góa vợ giàu có và không lấy một đồng tiền hồi môn. Còn chính lão, đã ngoài 60 tuổi, từ ngày vợ chết công khai theo đuổi một cô gái, oái oăm thay lại chính là người yêu con trai, tức Marian. Không khí gia đình căng như một dây đàn. Ngôi nhà đang ở - như lời con trai lão, chẳng khác gì "nấm mồ lộ thiên". Vở kịch đã đến hồi cao trào cần một sự "mở nút": người đầy tớ La Flesơ lấy trộm tráp bạc của lão và hứa trả lại toàn bộ nếu lão phải chịu cho con trai lão lấy vợ là Marian và con gái lão lấy chồng là Vale. Tất nhiên lão đồng ý...

Đúng với tính chất hài kịch vui vẻ, kết thúc vở kịch là cảnh đoàn tụ bất ngờ: sau nhiều năm dài thất lạc, nhờ bao sự kiện chung quanh "lão hà tiện" mà cha (Ăngxenmơ) được đoàn tụ cùng hai con ruột (Vale và Marian).

Là nhân vật trung tâm, Acpagông biểu hiện tập trung cao độ tính cách hà tiện. Cũng rất đúng với nghề kiếm sống của lão là cho vay nặng lãi. Nghề này và tính cách này thì nhiều người có, nhất là ở cái thời kỳ đầu chủ nghĩa tư bản tích lũy vốn.

Riêng với nhân vật Acpagông thì hám tiền vàng và keo bẩn đến mức ngược đời. Tính tham đi liền với hà tiện sẽ kết thành cái gốc để mọc lên cái cây nhân cách bần tiện cùng các cành nhánh tính nết xấu xí khác. Là sự xảo quyệt, độc ác. Lão tính từng li với bản quy ước: nếu cho vay 15 ngàn quan thì người vay chỉ được nhận 12 ngàn quan tiền mặt còn 3 ngàn quan là những đồ phế thải của nhà lão như quần áo, bàn ghế, tư trang... Những đồ thừa này lại là do lão tịch thu từ các con nợ không đủ tiền trả.

Là keo kiệt, ky bo với chính bản thân lão. Kẻ giàu có bậc nhất ấy, tay đeo đầy nhẫn kim cương mà không dám ăn, không dám mặc. Không chịu mất một chút tài sản, lão "phát đơn kiện một con mèo hàng xóm tội ăn vụng một mẩu đùi thịt cừu còn thừa". Nghiện tiền, say tiền, mê tiền nên lão trở thành nô lệ của đồng tiền, bị nó chi phối, điều khiển. Đồng tiền biến lão thành cái máy vô cảm, không còn tình người trong tình trạng vật chất hóa! Thế nên lão bắt con trai phải lấy bà lão, bắt con gái phải lấy ông già, vì họ giàu... Bắt ép con không được thì lão "từ mặt" con trai, nhốt con gái vào nhà tu kín...

Không đơn giản là miêu tả hay phê phán thói hà tiện của một cá nhân, tác phẩm vươn tới sự mỉa mai, đả kích, lên án lối làm ăn phi nhân tính sẽ dẫn đến tình trạng con người bị phi nhân tính hóa. Ý nghĩa phổ quát bật ra: phải tạo ra một môi trường có nhân tính để con người được sống với nhân tính của họ!

Truyện cười dân gian Việt Nam có một truyện "Thà chết còn hơn" kể về một "đại hà tiện" còn "cao thủ" hơn Acpagông nhiều. Anh chàng nọ rất ky bo, chẳng dám ăn chơi chỉ chăm chăm tích của làm giàu. Nghe bạn bè kích bác hôm ấy anh ta liều một chuyến lên tỉnh. Đến nơi, thấy cái gì cũng hay cũng lạ, rất muốn mua nhưng lại tiếc tiền, đành thôi. Khát nước cũng không dám mua uống, nói gì đến chuyện vào hàng cơm. Chiều về, qua đò, khát quá, anh ta mới cúi xuống vục nước uống lấy uống để. Chẳng may lộn cổ xuống sông. Anh bạn đi cùng hoảng hốt kêu: "Ai cứu, xin thưởng năm quan tiền! "Đang vùng vẫy dưới sông nghe thấy thế anh ta cố ngoi lên mà nói: "Năm quan đắt quá!"Người bạn vội chữa: "Thì ba quan vậy!". Anh ta lại cố ngoi đầu, kêu: "Ba quan vẫn còn đắt lắm! Thà chết còn hơn!". Thế rồi chìm nghỉm...

image003.png -0
Kén rể... lười!

Nói "cao thủ" hơn Acpagông ở chỗ Acpagông dù có làm nô lệ cho đồng tiền, có chà đạp lên tình nghĩa cha con nhưng ông ta vẫn còn chút ít lòng thương chính bản thân mình ở chỗ vẫn còn biết theo đuổi người con gái trẻ đẹp. Ngoài tiền vẫn còn tìm thấy sự hấp dẫn khác. Tức vẫn còn tính người. Nhưng anh chàng hà tiện của ta thì ngoài tiền chẳng có gì hấp dẫn anh ta cả. Loài vật sống theo bản năng, rõ nhất là bản năng sinh sản và bản năng tồn tại. Khi bị dồn vào chỗ chết, theo bản năng, con vật sẽ vùng lên mạnh mẽ hơn bất cứ lúc nào khác. Anh chàng nọ không được như vậy. Lúc sắp chết mà vẫn coi tiền quý hơn mạng sống, thậm chí mạng sống của mình còn không "xứng đáng" với "ba quan tiền" nọ. Thiết nghĩ thế là "đỉnh cao" hà tiện rồi!

Câu chuyện toát ra một ý nghĩa đạo lý: sống trên đời, thân thể mình là quý giá nhất. Phải yêu nó trước khi yêu mọi cái khác. Anh hà tiện thì ngược lại, đói không ăn, khát không uống, cái muốn mua không mua. Đến thân thể mình cũng không bằng "ba quan tiền". Con người chỉ là con người khi vượt qua được sự so sánh với đồng tiền!

Nói về hà tiện thì không chỉ là hà tiện đồng tiền, còn hà tiện nhiều thứ khác. Ví như câu chuyện "Kén rể". Có nhà giàu nọ mở hội kén rể nhưng tiêu chí rất kỳ lạ là chỉ chọn anh nào lười nhất. Cực dễ. Có anh đến ăn nằm vạ vật ra nhà. Có anh ngủ li bì cả tuần... Chủ nhà vẫn lắc đầu. Bỗng một hôm có một anh đến cổng rồi quay lưng đi giật lùi vào "Ban Giám khảo"... Mọi người ngạc nhiên hỏi sao vậy. Anh ta trả lời: để nếu "thi trượt" thì khỏi mất công... quay người! Tất cả ồ lên: Chính danh "chàng rể" quý! "Thì trao giải nhất chi nhường cho ai"!

Câu chuyện vui. Tất cả đều đáng cười cả, từ "ban giám khảo" đến người thi, nội dung thi, mục đích thi... Đúng là tiếng cười bông phèng thoải mái. Vẫn lấp lánh đọng lại những hạt muối hài trí tuệ: sao mà nghĩ ra được tình huống đáng cười như vậy!?

Trở lên là các câu chuyện hư cấu, nói nôm là "bịa". "Bịa y như thật", vì nó khái quát một cách nghệ thuật các dạng vẻ mặt trái của đời sống. Xin kể một câu chuyện có lõi là sự thật nhưng vẫn được thêu dệt bởi những đường viền mang màu sắc hài hước, trào phúng. Đó là trường hợp nhà tư sản Mỹ Henrietta Hetty Howland Robinson (1834 - 1916).

Bà sinh ra trong một gia đình thượng lưu, mới 6 tuổi đã được dạy việc quản lý tiền bạc. Lên 13 tuổi được giao việc kiểm kê sổ sách kế toán. 20 tuổi biết đem toàn bộ trang phục thời thượng nhất mà cha tặng đi bán lấy tiền đầu tư vào trái phiếu chính phủ. Năm 30 tuổi người cô không gia đình qua đời để lại di chúc dành 2 triệu USD làm từ thiện. Tiếc của, Hetty bịa ra một di chúc khác nói tặng số tiền ấy cho Hetty. Sự việc bị lộ. Từ đó có biệt danh "phù thủy Phố Wall".

Nhà văn O.Henry lấy đó là một chi tiết đắt để dựng thành tiểu thuyết "The Enchanted Profile" (tam dịch: Tập hồ sơ mờ ám). Quá quý tiền nên rất lo sợ có kẻ trộm tiền, đi đâu bà cũng mang theo chìa khóa két ngân hàng. Hetty hà tiện, ky bo quá đáng với cả tính mệnh con cái. Con trai bị gãy chân, bà đưa đến bệnh viện miễn phí dành cho người nghèo. Do tình trạng dụng cụ y tế và thuốc men thiếu thốn nên người con buộc phải cắt bỏ một chân. Bà luôn mặc đi mặc lại một bộ quần áo và ít khi mua đồ lót mới, không bao giờ sử dụng nước nóng dù trời rất lạnh. Bà chỉ thường mua bánh quy vụn để bớt chi phí cho bữa ăn thường ngày. Có nuôi chó nhưng đi xin hàng xóm xương heo về hầm cho thú cưng. Người ta thấy bà liên tục di chuyển chỗ ở. Mãi sau mới biết bà làm thế để trốn tránh báo chí, và... trốn thuế (!). Có thể là thêm thắt chi tiết nhưng nhân vật có thật, tính cách có thật... Thì ra ở đâu, thời nào cũng có những "đại cao thủ" hà tiện!!!

Theo bạn ai hà tiện hơn ai? 

Nguyễn Thanh Tú
.
.