Thơ trẻ:

Xưa rồi “hữu xạ tự nhiên hương”?

Thứ Tư, 23/09/2015, 08:00
Sau hai tuần phát hành, "Thơ dành cho gái hư" (Phương Nam Books và NXB Văn hóa - Văn nghệ ấn hành) của tác giả trẻ Huỳnh Tuấn Anh đã tiêu thụ hết 1.000 bản. Điều này không còn khiến cho làng thơ ngạc nhiên như độ "Đi qua thương nhớ" của Nguyễn Phong Việt ra mắt năm 2012.

Có thể xem "Đi qua thương nhớ" với kỷ lục phát hành 38.000 bản là phát súng đầu tiên phá vỡ sự đóng băng của thị trường thơ trẻ. Những tập sau đó của anh như  "Từ yêu đến thương" (2013), "Sinh ra để cô đơn" (2014) liên tục đạt con số phát hành ngất ngưởng với trên 10.000 bản. Những tác phẩm lạ lẫm của hàng loạt gương mặt rất mới lần lượt xuất hiện nhưng vẫn thu hút một lượng độc giả đông đảo. Vì đâu thơ của những tác giả chưa hề có tên tuổi trên thi đàn lại được săn đón như vậy?

Nói không ngoa khi thơ hiện là nỗi "hãi hùng" của các đơn vị làm sách. Vì thơ in ra một thời gian lại nằm ở quầy sách hạ giá, để ở đó có khi mấy năm trời vẫn không bán hết. Nói đến chuyện in, nhà thơ Lê Minh Quốc  thừa nhận nhiều khi các nhà thơ lão làng cũng phải tự bỏ tiền túi ra in rồi mang đi biếu bạn bè thân quen, huống hồ các tác giả mới toanh. Mà số lượng cũng chỉ chừng 1.000 - 2000 bản là "đụng nóc". Ngay cả tập thơ đình đám "Đi qua thương nhớ" của Nguyễn Phong Việt lúc đầu cũng phải tự tác giả đi mời chào, bị 4 đơn vị làm sách từ chối rồi mới có đơn vị chịu in. Đã vậy, để Công ty sách Phương Đông yên tâm xuất bản, anh phải cam kết rằng nếu sách không bán được thì sẽ mua hết.

Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu (bên trái) thay mặt Ban Nhà văn Trẻ TP Hồ Chí Minh trao hỗ trợ kinh phí in tập thơ đầu tay cho hai tác giả Trần Võ Thành Văn và Ngô Thúy Nga (giữa).

Nhìn vào làng văn, dễ dàng nhận thấy những năm gần đây, ngoài những cây bút best seller kỳ cựu như Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư ... thì góp mặt trong danh sách bán chạy là những gương mặt rất trẻ. Họ là Anh Khang, Iris Cao, Hamlet Trương, Jun Phạm... Buổi ra mắt, ký tặng sách nào của họ cũng chật kín. Mới đây, tập tản văn "Mỉm cười cho qua" của bộ đôi Iris Cao, Hamlet Trương tiếp tục gây sốt trong giới trẻ. Số lượng liên tục tái bản nhưng vẫn không kịp đáp ứng. Mấu chốt thành công của họ  ở chỗ họ biết độc giả của mình cần gì.

Trái với những thứ rối rắm, phức tạp đôi khi quá cao siêu, nội dung sách là những tâm tình thủ thỉ rất giản dị về tình yêu, về cuộc sống với hơi văn bảng lảng, nhẹ nhàng triết lý mà bạn đọc nào cũng có thể đồng cảm và tìm thấy mình trong đó. Nhất là những bạn đọc trẻ ưa những điều bay bổng, lãng mạn nhưng pha chút đời, chút thực tại. Ngoài "bao bì, nhãn mác" bắt mắt, sang trọng còn có hàng loạt chiêu thức PR từ việc quảng bá trên mạng xã hội khi sách chưa ra đời cho đến các chiêu trò trong buổi giới thiệu, giao lưu, tặng quà...

Điều này đã được làng thơ học hỏi và phát huy hiệu quả. Thơ của các nhà thơ trẻ bán chạy hiện nay không phải là những câu chữ bóng lộn, rối rắm mà đơn giản, thô mộc với những đề tài gần gũi như tình yêu, tình bạn, cuộc sống... Mỗi câu thơ như một câu văn xuôi nhuần nhị, dễ đi vào lòng người. Nhà thơ Nguyễn Phong Việt thấy rằng thơ của anh bán chạy vì tạo được sự đồng cảm với bạn đọc, nói thay tâm trạng của nhiều người, chạm vào trái tim của họ với những dòng thơ ám ảnh, day dứt.

Anh thừa nhận: "Cuốn sách của tôi thành công phần lớn là nhờ hiệu ứng của mạng xã hội Facebook, nhờ đó mới bán được đến số lượng như vậy. Bây giờ tác giả phải biết cách đưa tác phẩm đến gần công chúng bao nhiêu tốt bấy nhiêu chứ không thể trông đợi vào "hữu xạ tự nhiên hương"". 

Việc đưa thơ trên mạng không những giúp Nguyễn Phong Việt tìm thấy độc giả của riêng mình mà còn nhận được những góp ý, chia sẻ, kích thích sáng tạo bản thân. Để từ đó, chính nhu cầu của độc giả, anh mới mạnh dạn tập hợp nó thành sách như món quà tri ân những người yêu mến mình. Sau khi sách ra mắt, đây lại là một trong những kênh phát hành lý tưởng để Nguyễn Phong Việt rao bán tác phẩm.

Từ hiện tượng Nguyễn Phong Việt, các đơn vị xuất bản bắt đầu chú ý hơn tới thơ của các tác giả trẻ, đặc biệt là thơ "gây bão" trên mạng xã hội. Nồng Nàn Phố là một trường hợp. Năm 2014, nhận thấy những bài thơ cô viết đăng trên Facebook kéo theo sự theo dõi và phản hồi tích cực của đông đảo độc giả, Công ty sách Đinh Tỵ đã ngỏ lời mời để xuất bản 2.000 tập thơ "Anh ngủ thêm đi anh, em phải dậy lấy chồng". Mặc dù buổi ra mắt thơ của Phố chỉ diễn ra ở một không gian nhỏ nhưng với những dư âm trên Facebook đã tạo ra sức lan tỏa lớn đối với công chúng và truyền thông. Đầu năm 2015, "Yêu lần nào cũng đau" của Nồng Nàn Phố ra đời cũng từ tập hợp thơ trên Facebook.

Nhiều tập thơ được đánh giá là có nội dung hoặc xu hướng na ná như Nguyễn Phong Việt xuất hiện và bán rất chạy, chủ yếu là cho giới trẻ. Chẳng hạn như "Ai rồi cũng phải học cách quên đi một người" của Lương Đình Khoa hay "Tin em đi, rồi anh sẽ lại yêu" và "Giữa bao người xuôi ngược, sao anh lại chọn em" của September Rain được Người Trẻ Việt và NXB Văn học phát hành.

"Rẽ lối nào cũng gặp nhớ thương" của Việt Anh dù phát hành lần đầu nhưng lên tới 4.000 bản. Đại diện Phương Nam Books cho biết việc phát hiện ra những cây bút trẻ ăn khách trên mạng xã hội đang là một trong hướng đầu tư của họ hiện nay. Nhờ cách khảo sát này có thể xác định được công chúng tiềm năng, phân khúc độc giả.

Ngoài việc tự quảng bá online (trên mạng xã hội), các nhà thơ trẻ hiện nay còn học các cách thức tiếp thị sinh động, hấp dẫn như các cây bút mới nổi của làng văn. Minh Đan, Nồng Nàn Phố... rất chăm chút để vẻ bề ngoài của đứa con tinh thần được lạ lẫm, duyên dáng. Hình minh họa trong tập "Anh ngủ thêm đi anh, em phải dậy lấy chồng" của Nồng Nàn Phố rất gợi do họa sĩ nổi tiếng Phương Bình và Lê Thiết Cương vẽ.

Cuối năm nay, Nguyễn Phong Việt sẽ ra mắt tập thơ thứ tư mà toàn bộ các bài đều được chép tay. Một số tác giả khác thì tặng kèm các tấm bưu thiếp xinh xinh, CD thơ do mình trình bày hoặc tặng kèm các phiếu mua giảm giá. Ngoài mời các nhà chuyên môn, nhà thơ chuyên nghiệp đến giao lưu thì các nhà thơ trẻ còn có đủ chiêu trò để câu kéo độc giả.

Đêm ra mắt "Thơ dành cho gái hư" của tác giả Huỳnh Tuấn Anh tối 28/8, những người mẫu đình đám của showbiz như Ngọc Trinh, Lan Khuê, diễn viên Vân Trang... được mời đến để tranh luận thế nào là gái hư. Đêm ra mắt có nhiều nội dung phong phú như ngâm thơ, biểu diễn acoustic guitar, ca sĩ hát những ca khúc được phổ thơ trong tập "Thơ dành cho gái hư". Ngoài ra, độc giả còn được mãn nhãn bởi bìa sách "Thơ dành cho gái hư" được kết từ hơn 10 ngàn đóa hoa tươi.

Một số tập thơ trẻ đang phát hành tốt trên thị trường.

Việc quảng bá tưởng dễ nhưng là một yêu cầu khó khăn với những tác giả không giỏi quan hệ, không biết cách tiếp cận công chúng và tạo chiêu trò. Các đơn vị làm sách cũng chỉ chú ý đến các tác giả giỏi PR, có sức ảnh hưởng đến cộng đồng, dù chỉ là cộng đồng ảo. Như Huỳnh Tuấn Anh được giới sân khấu và điện ảnh biết đến qua nhiều kịch bản chất lượng cao, nhận nhiều giải thưởng như "Gió hoàng cung", "Cổng mặt trời"...;  September Rain là thành viên mảng thơ của trang Facebook mạng xã hội Văn học có gần 800.000 người theo dõi; Việt Anh là biên tập viên mảng thơ của báo Sinh viên Việt Nam...

Tác giả trẻ Trần Võ Thành Văn cho hay anh cũng có lập Facebook để giới thiệu các bài trong tập thơ đầu tay "Quen và lạ" dự định sắp tới sẽ in. Nhưng trang này vẫn có số lượng người khiêm tốn theo dõi mặc dù thơ anh được giới chuyên môn đánh giá cao. Do khó khăn về kinh phí để tự in nên vừa qua, Trần Võ Thành Văn và Ngô Thúy Nga (tập "Nốt trầm") đều được Ban Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh cấp kinh phí hỗ trợ xuất bản.

Trong buổi ra mắt Ban Nhà văn trẻ, nhiều ý kiến cho rằng ban nên có trang Facebook hoặc một diễn đàn trên mạng để giúp các tác giả trẻ tự giới thiệu rộng rãi tác phẩm của mình và tạo sự tương tác với công chúng. Đó sẽ là một diễn đàn vừa mang tính học thuật cao (vì có sự tham gia phân tích, định hướng của nhà chuyên môn), vừa mang tính thăm dò thị trường cho thơ chứ không phải chỉ đơn giản là một diễn đàn mang tính phong trào như nhiều trang mạng khác hiện nay.

Vậy có thật đã hết rồi thời của thơ "hữu xạ tự nhiên hương"? Tất nhiên vẫn có nhưng rất hiếm, nhất là đối với tác giả chưa có tên tuổi. Nhà thơ Phan Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh cho rằng việc dùng mạng xã hội hay các chiêu để quảng bá thơ là một cách làm hay, giúp thơ có bước đà thuận lợi để được nhiều người biết đến. Tuy nhiên để khẳng định giá trị trong lòng bạn đọc thì chất lượng, cá tính riêng của tác giả vẫn phải đặt lên hàng đầu chứ không đơn thuần là ve vuốt thị hiếu của độc giả.

Nguyễn Trang
.
.