Xây dựng môi trường công nghiệp văn hóa
Đặc biệt, với mục cấp phép cho nghệ sỹ nước ngoài, Việt kiều được đề xuất 2 phương án lựa chọn, có thể thấy rằng nếu đề xuất này được chấp thuận, sẽ có những thay đổi tiến bộ và phù hợp với môi trường công nghiệp văn hóa hiện thời.
Cụ thể, trong đề xuất có đưa ra hai hướng cấp phép mới cho nghệ sỹ ngước ngoài gồm có: a) hướng thứ nhất là giữ nguyên phương pháp cấp phép hiện hành nhưng có bổ sung những điều kiện mới để đơn giản hoá thủ tục và mang tính trực tiếp hơn; và b) sử dụng phương pháp cấp phép mới hoàn toàn, không cấp cho pháp nhân mà cấp trực tiếp và có thời hạn (1 năm) cho chính đích danh nghệ sỹ.
Trong hai phương án đề xuất ấy, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng đánh giá phân tích rất rõ mặt tích cực, tiêu cực của từng phương án cụ thể và kết luật, Bộ kiến nghị nên sử dụng phương án B, tức là phương án đổi mới hoàn toàn.
Cách làm này chắc chắn sẽ triệt tiêu được một lực lượng "cò giấy phép" đang tồn tại trên thị trường âm nhạc hiện thời. Ở trong ngành, nhiều người nắm thâm cung bí sử đều hiểu rõ từ xưa đến nay chỉ có vài pháp nhân cầm giấy phép biểu diễn tại Việt Nam đối với một lực lượng ca sỹ hải ngoại. Điều đó dẫn đến tình trạng "bán giấy phép chui", tức là sang nhượng quyền sử dụng nghệ sỹ ở thị trường Việt Nam mà không chịu bất kỳ trách nhiệm nào đối với nội dung mà những nghệ sỹ ấy thực hiện.
Thêm vào đó, chính các cò giấy phép này cũng trở thành thế lực thao túng thị trường khi nghệ sỹ không thể tham gia những chương trình trình diễn đàng hoàng khác mà chưa được phép của pháp nhân đứng tên trên giấy phép. Hơn nữa, thay đổi này nếu được thực hiện cũng tập trung lại trách nhiệm trước pháp luật về một đối tượng, thay vì phân tán ra nhiều đối tượng khác nhau.
Bên cạnh thay đổi đáng khen kể trên trong đề xuất, có một vài ý kiến đóng góp của giới chuyên môn mà Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng nên cân nhắc. Khá nhiều người trong giới tổ chức biểu diễn, báo chí… đưa ra đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nên công bố danh mục các ca khúc chưa được phép phổ biến ở Việt Nam để tránh tình trạng lùm xùm như vụ "Con đường xưa em đi", đặc biệt là các ca khúc sáng tác trước năm 1975.
Thực tế, các đề nghị của giới chuyên môn kể trên nghe có vẻ đúng nhưng lại không thực tế. Không thể có bất kỳ một cá nhân nào, kể cả những chuyên gia tân nhạc hàng đầu, nhớ được toàn bộ kho tàng ca khúc đồ sộ của Việt Nam ở giai đoạn trước 1975 cả.
Như vậy, việc công bố một danh mục chưa được phổ biến là bất khả, và rất dễ dẫn đến hồ đồ. Có chăng, chính các đơn vị sản xuất, tổ chức biểu diễn, nhạc sỹ, ca sỹ… nên đệ trình xin cấp phép lưu hành cho các ca khúc mà họ muốn làm mới lại, muốn được xuất bản lại và chính việc thẩm định sẽ giúp Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có thể bổ sung thêm nhạc mục vào danh mục các ca khúc được cấp phép lưu hành.
Và nên nhớ, chính hoạt động xin phép hàng tháng, hàng năm sẽ làm cho danh mục ấy được dày thêm lên mới là chuyện cần làm, thuận theo tự nhiên chứ không phải việc ngồi tra soát cặm cụi hàng ngày để làm dày thêm danh mục các ca khúc không được phép lưu hành là một việc làm khoa học.
Nói gì thì nói, cách Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công khai đề xuất để lấy ý kiến cũng như việc Bộ mạnh dạn muốn thay đổi thủ tục cấp phép rõ ràng là một động thái mới rất đáng khen ngợi và đáng được chờ đợi suốt từ nhiều năm qua.