Trung tướng, nhà văn Hữu Ước

Viết như hưởng lộc trời

Thứ Hai, 23/03/2015, 08:00
Ông từng được phong danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới, và tôi nghĩ lần này nữa, những độc giả có chữ và tử tế sẽ lại phong ông thêm một lần anh hùng với bộ tiểu thuyết "Kiếp người" mà ông sắp sửa cho ra mắt bạn đọc...

Hữu Ước đang có một khoảng lặng. Một khoảng lặng tự nhiên, đầy đủ ân phước theo nhiều nghĩa trong tâm hồn mình để ông thực hiện nốt, hoàn thành thêm một sứ mệnh tôi cho rằng quá lớn lao. Sứ mệnh của một nhà văn, viết tác phẩm quan trọng nhất của đời mình. Đó là bộ tiểu thuyết đồ sộ về cuộc đời của ông, về kiếp người, về bể dâu ở đời sống mà ông không biết may mắn hơn hay bất hạnh hơn khi đã đến, có mặt và can dự vào đó như một nhân vật chính với nhiều khúc bi tráng nhất. Cuộc vượt đuổi qua mọi gian khổ hiểm nguy để sống sót thần kỳ như một chiến binh dũng cảm và không kém phần may mắn là linh hồn của bộ tiểu thuyết..

Ông từng được phong danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới, và tôi nghĩ lần này nữa, những độc giả có chữ và tử tế sẽ lại phong ông thêm một lần anh hùng với bộ tiểu thuyết "Kiếp người" mà ông sắp sửa cho ra mắt bạn đọc.

1.Từng là lính của ông, làm việc gần 15 năm dưới quyền chỉ huy của thủ trưởng Ước, tôi rút ra một kết luận rằng: Hữu Ước chưa bao giờ tuyên bố suông. Một lời hứa là danh dự. Là nhát dao tuyên thệ chém vào đá.

Hữu Ước nói ông chuẩn bị viết kịch bản cho sân khấu, chuẩn bị làm triển lãm tranh, hay các đêm diễn nghệ thuật thi ca nhạc họa. Nghĩa là sắp tới mọi người sẽ được chứng kiến việc đó diễn ra một cách nhanh nhất, hoành tráng, mãn nhãn người xem.

Hữu Ước là thế, đã không tuyên bố thì thôi, đã tuyên là y lời. Đã không làm thì thôi, làm là quyết tử cho đến cùng, để bạn bè, đồng nghiệp, khán thính giả yêu nghệ thuật, mến mộ ông đến với ông luôn cảm thấy họ được ông đón tiếp trân trọng bởi không khí và chất lượng nghệ thuật mà ông mang đến cho họ.

Rời Báo Công an nhân dân trao quyền lại cho người kế nhiệm, Hữu Ước tuyên bố sắp tới ông sẽ cho ra mắt bộ tiểu thuyết cả ngàn trang. Hữu Ước tuyên bố khi mà ông chưa đặt bút viết dòng chữ nào. (Hữu Ước có thói quen yêu thích là viết chữ bằng tay. Tất tần tật mọi thứ đều được ông viết bằng bút mực, trước khi được đưa đi đánh máy. Đơn giản đó là một thói quen xưa cũ và lạc hậu đầy chất nông dân như ông tự trào bởi vì ông chả giấu gì cái việc ông không rành máy vi tính mà cả tòa soạn ai cũng biết. Nhưng công bằng mà nói thì tìm được một nhà văn viết tiểu thuyết cả ngàn trang bằng bút mực trên giấy thật là một ''của hiếm''.

Trung tướng - nhà văn Hữu Ước.

Thường thì người ta chỉ tuyên bố khi cái công việc của họ đã đi được đến nửa đường và cái kết quả hoành tráng nó đã lấp ló, lồ lộ ra ở phía trước rồi. Đằng này Hữu Ước với hai bàn tay trắng mà đi đâu, gặp bạn hữu yêu văn thơ, ông đã khà khà nói về bộ tiểu thuyết sắp tới lưu loát hoạt ngôn đến nỗi y như ông đã viết xong béng đi rồi, và đã thuộc làu làu từng chi tiết, tâm trạng và con chữ. Và Hữu Ước tiện mồm thì đọc luôn vài trích đoạn từ trí não nhanh nhạy và chính xác như một cái vi tính đặc biệt của riêng ông, khiến bạn hữu mắt tròn mắt dẹt.

Nói một thôi một hồi, đọc một trích đoạn bằng trí nhớ xong, Hữu Ước làm một ''bị'' thuốc lào phả khói mù mịt và bảo. “Tao đã viết đâu. Sắp tới mới viết”, khiến cho mọi người cứ là mắt chữ o, mồm chữ a.

Người ngoài có thể sẽ hoài nghi những lời tuyên bố của ông, nhưng những người gần ông, biết ông, làm việc cùng ông sẽ biết mười mươi Hữu Ước đã nói là sẽ có. Nhưng tôi không nghĩ ông viết nhanh đến thế, viết như gió mưa bão bùng. Viết như thể chữ cứ nhảy tanh tách trong đầu ông ra và sắp đặt gọn gàng trên giấy. Chữ nọ nối chữ kia, mọi lập trình đã được mã hóa sẵn trong bộ óc điện tử của ông cứ thế gọn gàng trật tự, ngăn nắp chảy tràn ra trên từng trang giấy trắng một cách trơn tru, lưu loát.

Tôi nói vậy bởi tôi chính là một trong những người may mắn được đọc những trang đầu tiên trong bộ tiểu thuyết của ông. Ông bắt đầu khai bút viết vào ngày mồng 2 Tết Giáp Ngọ (2014) tại căn phòng VIP 302, khách sạn khu Vinpearl Nha Trang của người bạn tri kỷ thời xa xưa của ông là Phạm Nhật Vượng. Sau đó, cứ độ vài ngày, có khi chỉ một ngày thôi đã thấy ông alo sang phòng để đọc đoạn mới, chương mới ông vừa viết. Tôi và những bè bạn yêu văn chương mà ông hay gọi sang đọc tiểu thuyết cứ là kính cẩn nghiêng mình trước năng lực văn chương và sức viết như vũ bão của một người đàn ông vóc dáng bé nhỏ mà năng lượng thì như núi lửa khổng lồ lúc nào cũng chỉ chực phun trào nham thạch.

Tôi nói không ngoa bởi có nhiều người chứng kiến việc này. Hoặc đơn giản nhất cứ sang 100 Yết Kiêu hỏi cô Thu ban trị sự chuyên đánh máy những trang tiểu thuyết của thủ trưởng Ước thì biết.

2. Ông viết nhanh, viết gọn ghẽ, cuốn người đọc đến nỗi trong thời đại mà mọi thứ được thông tin, được vi tính hóa đến mức tối giản trên internet cho những kẻ lười biếng cầm sách hay những tập bản thảo dày cồm cộp để đọc chữ như tôi thì Hữu Ước đã gạt toẹt hết mọi thói quen lười đọc đó bằng những trang bản thảo tươi mới, hấp dẫn đến từng chi tiết nhỏ còn tươi rói mùi mực in và nguyên vẹn cảm giác rung động đầy tinh khôi của người viết gửi gắm vào đó bao cốt tủy tinh thần, bao dồn nén ấp ủ, bao cảm xúc trào dâng. Đọc xong một chương đoạn, hay đấy nhưng nhiều khi chúng tôi cũng thử đánh bạo không thèm tin vào cái sự trường sức của Hữu Ước ở một lĩnh vực mà ông chưa thử nghiệm bao giờ là tiểu thuyết để lại cứ chờ xem, Hữu Ước viết tiếp chuyển đoạn mới thế nào. Có viết tiếp nổi không hay lại... tắc tị.

Dân viết chúng tôi, quá hiểu để viết được một bài báo, một truyện ngắn, hay ngắn như một bài thơ mà mình đọc tự mình thấy hài lòng trước đã là lâu, là khó. Đằng này viết hẳn một bộ tiểu thuyết dày cả nghìn trang chữ, mà dụ người đọc mở trang đầu tiên cho đến hết trang cuối cùng đâu có đơn giản, đâu cứ muốn mà được.

Nhà văn  đâu phải là thánh nhân mà đến thánh nhân nhiều khi cũng đành bất lực trước chữ chứ đâu có đùa. Viết tiểu thuyết có khi dành cả đời không xong được một bộ. Ấy thế mà Hữu Ước coi mọi thứ nhẹ bẫng. Nghỉ tết Ất Mùi, ông tuyên bố xanh rờn. ''Tết này tao ở lại tòa soạn để viết cho xong quyển một''. Quyển một của ông viết cho xong thì cũng chỉ độ dăm trăm trang bản thảo đánh máy chứ bao nhiêu. Mọi người cứ không tin Hữu Ước nói đi. Mọi người cứ hoài nghi đi. Hữu Ước đâu có nói chơi bao giờ. 

Hữu Ước không nói chơi thật. Tiểu thuyết là một quá trình sáng tạo nặng nhọc và trường sức nhất trong các thể loại sáng tác của nhà văn. Có nhà văn hoàn thành được một bộ tiểu thuyết phải mất mấy năm, chục năm có khi là cả đời. Khó nhất của tiểu thuyết ngoài ngôn ngữ, chi tiết, hình ảnh, các lớp lang sự kiện ra thì cách sắp xếp các chương đoạn sao cho hợp lý, sao cho dẫn dụ mời gọi người đọc, đã đọc chương đầu thì phải tìm đọc cho kỳ hết chương cuối mới thôi đòi hỏi tay viết phải cực bợm. Ấy là chưa nói đến tính văn chương nghệ thuật, tính tư tưởng, tính khái quát thời đại, xã hội cao thông qua câu chuyện và thông điệp gửi gắm của nhà văn ở phía sau tác phẩm.

Bạn đọc bây giờ khó tính và đòi hỏi cao. Trong thời đại đa phương tiện thông tin như thế này, tiểu thuyết sống được, đến được với người đọc, trường tồn với thời gian hay không là điều cực khó. Viết tiểu thuyết đã khó rồi, in ra có được bạn đọc ngó đến hay không mới là chuyện khó hơn cả.  Thế nên viết tiểu thuyết đòi hỏi nhà văn phải có vốn sống, có sức vóc về tư tưởng, có kiến văn dày dặn, sức lao động sáng tạo bền bỉ và không phải nhà văn nào từng viết tiểu thuyết cũng thành công với thể loại văn chương dài sức này.

Về tính nghệ thuật của quyển một "Sống" trong bộ tiểu thuyết 2 tập "Kiếp Người" của Hữu Ước tôi dành riêng một bài phê bình sau. Trong khuôn khổ một bài báo nhỏ này tôi chỉ muốn được sẻ chia cùng bạn đọc những câu chuyện nhỏ xung quanh việc Hữu Ước viết tiểu thuyết.

Với Hữu Ước, tôi có cảm giác bộ tiểu thuyết "Kiếp người" ông đã ấp ủ từ lâu lắm, từ khi ông lớn lên biết cầm bút, rồi khoác áo lính ra đi, trở về với một tâm thế của người lính trên mặt trận khác. Những trải nghiệm của đời binh nghiệp cả trong chiến tranh, hay thời bình đã sống dậy, sục sôi nhào nặn hoài thai trong đầu ông, trong mạch nguồn suy nghĩ của ông đến độ chín muồi. Thế nên khi có dịp là cứ thế bung ra, chảy tràn trên trang giấy. Chữ cứ nối đuôi nhau chạy từ ý nghĩ, từ tim óc, đến với ông, bầu bạn sớm tối vui vầy với ông.

Nhiều khi tự Hữu Ước thốt lên: Tao viết cứ như là lộc trời mày ạ. Chữ cứ như lộc trời chảy vào tao. Tao viết không kịp ấy chứ.

Tôi may mắn là đứa em nhỏ trong số những đứa đàn em được ông chia sẻ và đọc ngay từ những trang viết đầu tiên của bộ tiểu thuyết khi bút mực còn chưa ráo. Từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, từ kinh ngạc này đến kinh ngạc khác, Hữu Ước đã làm cho chúng tôi không thể tin nổi vào mắt mình khi chỉ trong vòng dăm ba tháng tập trung cao, ông đã có trên tay cả nghìn trang viết tay, cả tập dày bản thảo đánh máy sạch sẽ quyển 1 "Sống" trong bộ tiểu thuyết "Kiếp người".

3. Mà có phải Hữu Ước đã nghỉ hẳn công việc, đã thanh thản ung dung hưởng cái chữ NHÀN của một đời binh nghiệp bút sắc gươm đao đâu. Đúng vào thời gian tưởng là sắp chạm đến chữ NHÀN thì đời sống, công việc mới của ông cứ như lúc nào cũng ở trong một biển lớn dậy sóng. Không việc này thì việc khác, không gian nan này thì thử thách khác, những thử thách của nỗi đời, tình người, cứ luôn như sóng biển xô mãi vào cuộc đời cuộn sóng của ông để mấy khi ông có được bình tâm mà quẳng mọi gánh lo đi dành trọn cho văn chương chữ nghĩa.

Ấy thế mà trong chật hẹp của đời sống, trong cái bủa vây của bổn phận, trong cái xô xát lắm khi đầy nỗi oan hận xót đau, đầy gươm đao búa rìu và bề bộn của công việc vui có, chán có, buồn có, thất vọng có, Hữu Ước vẫn bình tâm trọn vẹn với từng con chữ để thư thái viết như một kẻ ''lên đồng hưởng lộc trời''.

Tháng 3 xuân Ất Mùi 2015.

Như Bình
.
.