Từ giải hiện tượng sách best seller của các cây bút trẻ:

Vì sao “sách ngôn tình” vẫn tiếp tục “lên ngôi”?

Thứ Bảy, 29/04/2017, 08:00
Thực tế, các nhà nghiên cứu - phê bình văn học đã phải thừa nhận sự tồn tại cũng như chỗ đứng của "dòng văn học ngôn tình" trong xã hội hiện đại bởi quy luật cung - cầu. Song, làm thế nào để các tác phẩm văn học nghiêm túc, có giá trị nhân văn, giá trị nghệ thuật đến được với đông đảo bạn đọc hơn, như văn dòng văn học ngôn tình đã làm được thì vẫn luôn là một câu hỏi quá khó đối với nhiều tác giả cũng như các đơn vị làm sách...


Hội sách Đà Nẵng được tổ chức tại quận Hải Châu (Đà Nẵng) từ ngày 19 đến 23-4 đã thu được thành công rực rỡ với doanh thu lên tới 15 tỉ đồng. Trong số các tên tuổi lọt vào top có sách bán chạy nhất, ngoài Nguyễn Nhật Ánh - tên tác giả luôn được độc giả ưu tiên lựa chọn - còn có những cây bút trẻ đại diện cho dòng văn học đại chúng (hay còn gọi là đại biểu cho những cuốn sách ngôn tình) như Anh Khang, Gào, Hamlet Trương, Rosie Nguyễn, Nguyễn Phong Việt...

Điều này đồng nghĩa với việc "sách ngôn tình" tiếp tục lên ngôi. Vậy điều gì ở những cuốn sách vẫn bị giới nghiên cứu chê là "không có chiều sâu tư tưởng", "chỉ xoay quanh cái tôi nhỏ bé" hay "chỉ đề cập đến tình cảm, tâm lý thông thường" lại hấp dẫn khán giả đến vậy?

Trong tháng 4, cả 2 cây bút đình đám của "văn học mạng" là Anh Khang và Gào đều có sách ra mắt bạn đọc. Nhà văn Anh Khang ra mắt cuốn sách thứ 6 có cái tên cũng rất... ngôn tình: "Trời còn xanh, em vẫn còn anh" (NXB Văn học - Phương Nam book ấn hành).

Tập truyện ngắn này được coi là phần tiếp theo của tập truyện "Đường hai ngả, người thương thành lạ" ra mắt trước đây. Anh Khang là một trong số ít tác giả 8X thủy chung với đề tài tình yêu đôi lứa đã lập kỷ lục về số lượng sách được bán ra trên thị trường với con số lên đến trên 200.000 bản in cho 6 đầu sách của mình.

Những buổi ra mắt sách của các "tác giả ngôn tình" thường  đông đúc, náo nhiệt.

Đặc biệt, cuốn "Buồn làm sao buông" đã bán được trên 40.000 bản cho đợt phát hành đầu tiên và những đợt sau, con số đều là hàng chục ngàn bản. Điều này là niềm mơ ước của bất kỳ một cây bút nào và nó cũng chứng tỏ, truyện ngôn tình chắc hẳn có một sức hấp dẫn nào đó đối với các bạn trẻ thời công nghệ số chứ không hoàn toàn là một "hội chứng đám đông".

Bởi lẽ, nếu là "hội chứng đám đông" về một tác giả nào đó, thì không thể có chuyện cuốn sách thứ 6 vẫn hút khách như hiện tượng "Trời còn xanh, em vẫn còn anh" của Anh Khang vẫn tiếp tục lọt vào top sách best seller một lần nữa. Mà hẳn nhiên, nó đã đáp ứng được một xu hướng thị hiếu của độc giả

Còn với cây bút nữ có cái tên gây sốc Gào vốn được bạn trẻ biết đến với những cuốn sách viết về đề tài tình yêu đôi lứa như "Nhật ký son môi", "Tự sát", "Hoa linh lan" và cuốn "Rồi chúng ta sẽ ổn thôi" (viết chung với tác giả Minh Nhật);  cuốn "Mẹ, em bé và bố" vừa ra mắt cũng là cuốn sách thứ 8 của cô gái sinh năm 1988 này.

Chỉ trong mấy ngày đầu sau khi ra mắt, 10.000 cuốn "Mẹ, em bé và bố" đã được bán hết và cuốn sách còn được dự báo vẫn tiếp tục có lượng bán ra "khủng" nữa bởi chỉ trong buổi giao lưu, ra mắt sách đã có tới vài ngàn người tới tham dự. Điều này đã khiến nữ tác giả Gào (tên thật là Vũ Phương Thanh) vẫn tiếp tục là tác giả có sách lọt vào top sách best seller tại Hội sách Đà Nẵng vừa qua.

Trong danh sách tác giả có sách best seller những năm qua, một tên tuổi không thể không nhắc đến, đó là nhà thơ Nguyễn Phong Việt. Tính từ tập thơ đầu tiên đến nay, Nguyễn Phong Việt đã có trên 120.000 bản in được tiêu thụ trên thị trường.

Cụ thể: "Đi qua thương nhớ": 55.000 bản; "Từ yêu đến thương": 20.000 bản; "Sinh ra để cô đơn": 15.000 bản; "Sống một cuộc đời bình thường": 15.000 bản và "Về đâu những vết thương": 10.000 bản cho lần phát hành đầu tiên.

Có thể nói, Nguyễn Phong Việt đã trở thành hiện tượng của làng xuất bản ngay từ tập thơ đầu tiên có tên "Đi qua thương nhớ" với một câu thơ gần như đã trở thành quen thuộc với nhiều độc giả trẻ: "Có bao nhiêu người đã đi qua thương nhớ mà quên được nhau?".

"Đi qua thương nhớ" là tập thơ đầu tay và cũng chính là tập thơ làm nên "thương hiệu Nguyễn Phong Việt". Tập thơ gồm 64 bài, lập tức "cháy hàng" ngay từ khi mới ra mắt. Cuối năm 2016, cùng với việc ra mắt "Về đâu những vết thương", cái tên Nguyễn Phong Việt một lần nữa được hâm nóng với "Đi qua thương nhớ" tiếp tục tái ngộ bạn đọc bằng một phiên bản đặc biệt.

Trong lần tái bản này, Saigon Books đã phát hành 10.000 bản tiếp theo, nâng tổng số lượng phát hành ra thị trường của cuốn thơ này là 55.000 bản - một con số kỷ lục của một tập thơ tình khiến bất cứ nhà thơ hay người cầm bút hay một đơn vị xuất bản nào cũng phải ao ước.

Ngoài các tác giả đình đám nói trên, Nguyễn Ngọc Thạch là nhà văn trẻ có sức viết dồi dào và luôn chọn những mảng đề tài gai góc, gây nhiều tranh cãi trong xã hội như đồng tính, mại dâm, chuyển giới... Đến nay, Nguyễn Ngọc Thạch là chủ nhân gia tài tác phẩm lớn bao gồm "Đời call boy", "Chuyển giới", "Lòng dạ đàn bà", "Một giọt đàn bà", "Chênh vênh hai lăm", "Lưng chừng cô đơn", "Lạc giữa miền đau", "Khóc giữa Sài Gòn"…

Cuốn "Buồn làm sao buông" của tác giả An Khang liên tục lập kỷ lục là sách best seller. 

Tổng lượng sách của Nguyễn Ngọc Thạch được bán ra cũng lên tới hàng trăm ngàn bản với mỗi đầu sách đều có số lượng in lên đến hàng chục nghìn bản. Một tác giả nữ nữa cần được nhắc đến, đó chính là Phan Ý Yên (tên thật là Nguyễn Hoàng Phương Thảo). Cô là chủ nhân của nhiều tác phẩm ăn khách như "Em là để yêu", "Người lớn cô đơn", "Khi phụ nữ uống trà đàn ông nên cẩn thận"… Đặc biệt, cuốn tản văn "Tình yêu là không ai muốn bỏ đi" của cô được nhiều độc giả trẻ yêu thích.

Đã có nhiều lý giải xung quanh những hiện tượng sách best seller mang đậm chất yêu đương, chứa đựng tâm lý, tình cảm gần gũi với số đông mà người ta vẫn hay gọi là "văn học đại chúng", "truyện ngôn tình", thậm chí còn hơi coi thường khi gọi là thứ "văn học hạng 2".

Phần lớn đều cho rằng, do công chúng trẻ bây giờ có thị hiếu đọc khá dễ dãi. Họ chỉ đọc để giải trí một cách thông thường nên hướng đến những đầu sách nhẹ nhàng tình cảm, khiến họ được thư giãn chứ không phải suy nghĩ hay trăn trở gì nhiều cho mệt đầu. Và đó cũng chính là lý do khiến nhiều cuốn sách được viết và xuất bản khó khăn, với nhiều tìm tòi, khám phá về nội dung và hình thức thể hiện lại không có độc giả.

Nhưng theo quan sát của phóng viên, để có được điều này, trong những năm qua, các tác giả có sách best seller như Nguyễn Phong Việt, Gào, Anh Khang, Hamlet Trương, Iris Cao, Nguyễn Ngọc Thạch hay Ý Yên thường có một điểm chung đó là họ có một lượng fan rất lớn.

Có nghĩa, là nhà văn nhưng họ lại thiết lập được mối quan hệ đối với đông đảo độc giả qua blog hay facebook với vai trò như những người của công chúng. Trong khi các nhà văn làm việc theo kiểu truyền thống là giữ kín bí mật về tác phẩm cho đến khi nó ra lò, thì các tác giả thời công nghệ số này thường công bố tác phẩm hay một phần tác phẩm của mình ngay trên facebook. Điều này đã tạo ra hiệu ứng tương tác rất rõ rệt với độc giả hiện đại, ví dụ như đối với trường hợp của nhà thơ Nguyễn Phong Việt, phần lớn những bài thơ trong các tập thơ đã được Nguyễn Phong Việt đăng tải trên mạng xã hội nhưng khi được xuất bản thành sách vẫn đắt hàng.

Rõ ràng, điều này chỉ có thể lý giải là vì những cảm xúc trong thơ Nguyễn Phong Việt đã chạm đến trái tim, đến các "nơ ron" tình cảm hay chạm vào nỗi nhớ thương vẫn được cất giấu trong đáy lòng của nhiều người.

Trở lại với việc, vì sao nhiều cuốn sách được các nhà phê bình, các nhà văn khó tính thế hệ cha chú coi là "văn chương hạng hai", thậm chí còn có ý mạt sát khi gọi là "chuyện ngôn tình ba xu", được sáng tác theo kiểu truyện ngôn tình rất phổ biến ở Trung Quốc từ mấy chục năm nay, thì việc các bạn trẻ chỉ chăm chăm săn đón để đọc truyện ngôn tình quả cũng là điều đáng lo ngại cho văn hóa đọc, thị hiếu đọc của các bạn trẻ hiện nay.

Thế nhưng, khi dòng văn học ngôn tình vẫn được độc giả trẻ tiếp nhận với số lượng lớn hơn hẳn những cuốn sách được viết theo lối truyền thống xưa nay, thì rõ ràng đang có một điều gì không ổn ở đây và cần được nhìn nhận một cách thấu đáo.

Thực tế, các nhà nghiên cứu - phê bình văn học đã phải thừa nhận sự tồn tại cũng như chỗ đứng của "dòng văn học ngôn tình" trong xã hội hiện đại bởi quy luật cung - cầu. Song, làm thế nào để các tác phẩm văn học nghiêm túc, có giá trị nhân văn, giá trị nghệ thuật đến được với đông đảo bạn đọc hơn, như văn dòng văn học ngôn tình đã làm được thì vẫn luôn là một câu hỏi quá khó đối với nhiều tác giả cũng như các đơn vị làm sách. 

Nguyệt Hà
.
.