(Đọc “Ly ca” của Đỗ Doãn Phương - NXB Hội Nhà văn, 2021)

Vẫn tin lắm đến ngày ta gặp lại

Chủ Nhật, 04/07/2021, 14:03
Tôi vẫn nhớ khoảnh khắc trao hoa, bắt tay chúc mừng nhà thơ Đỗ Doãn Phương đoạt giải tập thơ “Hoan ca” nhân Ngày hội sách và văn hóa đọc tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Kể từ “Hoan ca” (2011) đến “Ly ca” (2021) được “chính chủ” đề tặng trang trọng cũng vừa tròn 10 năm.

Hành trình 10 năm của Phó Tổng biên tập báo Thể thao &Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) bận rộn là thế, nhưng vẫn lặng lẽ viết, miệt mài cùng con chữ để thăng hoa cảm xúc “sinh” thêm “Tuyệt ca” và tập truyện ngắn “Một bông hồng và triệu bông hồng”. 

Ai đã từng tiếp xúc đều nhận thấy Đỗ Doãn Phương là người khá trầm tính, kiệm lời, ngại nơi ồn ã, lặng lẽ, nhủm nhỉm ở một vị trí khiêm tốn nếu là đại biểu. Còn khi đăng đàn, chủ trì họp hành, sự kiện thì anh lại ở một vị thế khác chủ động và điềm tĩnh, khúc chiết và tường minh, hóm hỉnh và thuyết phục… Doãn Phương “phân thân” hài hòa, cộng hưởng “hai trong một” của một nhà quản lý bên nhà thơ thật khéo. 

Đọc thơ Đỗ Doãn Phương điều dễ nhận thấy là cảm xúc tràn đầy dường như đã được chiết xuất qua thời gian, lắng đọng từ tâm hồn đầy nhiệt huyết, từ trái tim bận rộn “chỉ biết yêu thôi chả biết gì” chỉ chực chờ “thời cơ” thì một “ngọn lửa nhỏ” khẽ khêu khơi cũng có thể thành một “núi lửa”.

Nhà thơ Đỗ Doãn Phương.

*

“Ly ca” là sự trở lại chầm chậm sau 8 năm ủ lửa, đủ trải nghiệm, đủ độ chín... để gửi đến bạn đọc tập thơ mới với phong cách rất nhất quán, định hình nên phong cách từ “Hoan ca”, “Tuyệt ca” đến “Ly ca”. Chàng trai làng Việt cổ Đường Lâm như có "duyên" với chữ "ca". Biết đâu đấy có thể trong hành trình “đuổi hình bắt chữ” tới, tác giả sẽ tặng bạn đọc tập thơ mới có “một…chữ ca”…

“Ly ca” là tập thơ tình gồm 61 bài thơ chia làm hai phần: “Ly ca” (37 bài) và “Khúc ca hư vô” (24 bài). Nếu “Hoan ca” là tập thơ tổng hợp tất cả những gì diễn ra trong và ngoài đời sống của nhà thơ từ gia đình, tình yêu, nghĩ suy… thì đến “Ly ca” tác giả chỉ tập trung vào chủ đề yêu của tận cùng dâng hiến, tận cùng xa xót, chia lìa… Nỗi đau ly biệt của một người đàn ông không thể gì thật hơn. Tôi đọc lắng nghe từng con chữ và thấy tập thơ hiện lên một người đàn ông yêu thành thực – thành thực với đời, với người, nhất là với tình yêu chia lìa, day dứt đến quên cả bản thân, quên mất cả “sự an toàn” thực tại. Kệ. Chỉ biết yêu si mê, đắm đuối. 

Tập thơ “Ly ca” đặt tình yêu và sự chia lìa trong mối tương quan giữa con người và vũ trụ. Thấm tinh thần Phật giáo, thấp thoáng trong “Ly ca” là “ái biệt ly khổ” - nỗi khổ tình yêu phải sinh ly, tử biệt. 

Tác giả trực diện đề cập đến nỗi đau chia ly không đậy điệm giấu giữ. Không làm duyên chữ nghĩa, bỏ ngôn từ hoa mỹ, cả tập thơ “Ly ca” giàu yếu tố tự sự. Mỗi bài thơ là một câu chuyện tình yêu được kể với muôn trạng thái: yêu đớn đau, nhớ mỏi mòn, khao khát được giao hòa, sẻ chia, mâu thuẫn giằng xé, chấp nhận thực tại “em đã lấy chồng” mà vẫn không hết buồn, hết ghen... 

“Ly ca” đi đến tận cùng của cảm giác biệt ly, gặm nhấm nỗi đau một mình khiến nhà thơ thốt lên: “Bây giờ nhìn hướng nào cũng thấy ly biệt”. Thế mới biết tình yêu trong trái tim thi nhân thật khủng khiếp. Lúc nào cũng tràn bờ. Không có giới hạn nào định vị sự chảy trôi vô tận ấy.

Tình yêu là bạn đồng hành của nỗi nhớ. Nỗi nhớ thường trực nhưng nhức trái tim. Tác giả dùng từ “nhớ” với tần suất lớn: “Nhìn thấy gì anh cũng nhớ tới em”; “Đôi mắt anh nới rộng khoảng trống trên con đường, để đổ đầy vào đó nhớ thương”; “Ngày đêm nào anh cũng nhớ tới em”; “Vì anh quá nhớ em…Cũng vì anh quá nhớ… Mà nỗi nhớ trong tim cứ đè nặng”… Nhớ khắc khoải tràn vào cả giấc mơ “Đến mức trong mơ anh cũng chỉ thấy lưng em và sau gáy”; “Trong giấc mơ anh tự hỏi, những ngày qua anh đã ở đâu rồi…/ Hay không phải là mơ, anh khuất đã lâu rồi…/ Lần về gặp em trong lành lạnh cơn mơ”; “Như vào cơn mê sâu”; “Chỉ cần em mơ, hoặc anh mơ…Ta cùng mơ, cùng gặp/ Ta cùng mơ cùng khóc”; “Anh mơ thấy em đang vứt viên than tổ ong ra góc tường nhà”…

Quên nỗi nhớ là điều không thể. Cũng vì nỗi nhớ ấy, người đàn ông yêu tự “hành hạ” mình để “lộ nguyên hình” một gã tình si “lảo đảo”, “ngồi rũ bên bờ ao”, “đi chầm chậm trên phố, “trần trụi phơi thân dưới ánh mặt trời”, “mắt dại như mắt cá”, “Thân anh đang sụt xuống…anh không thể nào thở được…Cúi nhìn mãi thế này sẽ lẫn vào đất đen”, “Anh buông xuôi, nằm duỗi dài”, “Thân lẫn vào đất đen”, “mục nát, lăn trôi”, “không còn muốn hôn hay muốn làm tình”, “Đôi chân anh cuồng khấu/ Đôi mắt anh càng lồi”, “Cả người và xe lẫn trong bóng tối quanh nhà”; “Khi bước lên bàn mổ”, “Vết cào của em trên ngực anh/ Như một đám rước rồng rắn”, “Anh tưởng mình bị gai ở chân/ Rồi lại thấy bị đau ở bụng”; “Trên trời, dưới đáy đều là vực sâu”…

“Ly ca” thể hiện bao cung bậc. Yêu đến mụ mị, yêu không còn ý niệm thời gian, không gian: “Anh tiễn em đi một quãng đường/ Anh chẳng tới đây là dài hay ngắn”. Yêu khiến người đàn ông tâm thức nhớ, quên: “Dừng xe trên cây cầu không biết tên/ Phía dưới là dòng sông gì anh càng không biết”… Yêu khao khát có “cơ hội trông thấy nhau”, để “được em nhìn trong nhục nhãn đời này”… Chỉ cần thế, anh dám “đánh đổi” tất cả, tự hành hạ mình dẫu thân “lẫn vào đất đen”, “mục nát, lăn trôi”... 

“Ly ca” khẳng định tình yêu vĩnh cửu “Yêu miết giữa thiên thu”; “Đi đến tuần chung thất/ Mở mắt ta tìm nhau”; “Tìm nhau giữa thiên, địa, nhân”; “Bơ vơ cả cõi đời/ Cho tới ngày cùng tận”… Xót xa trước câu chuyện thời sự mới đây về “đôi trai gái trốn đi và chết trong hang núi/ Giờ còn hai bộ xương vẫn nắm tay nhau”, nhà thơ chạnh lòng nghĩ về chúng ta đã “buông nhau, quay về/ Tiếp tục sống theo cách mọi người vẫn sống… Thịt da lại thấm đậm mồ hôi mình… Dưới lớp thịt da, bộ xương của chúng ta vẫn bền bỉ cử động”. Có “Một Khau Vai trong số phận chúng mình” (Trần Hòa Bình) hiện hữu: “Đến khi chết cũng chẳng cho ai biết rằng/ Chỉ là sập xuống một ngôi đền tự dựng”. Phải chấp nhận “một cuộc sống không có nhau” dẫu tiếc nuối là rất thật “từ cái ôm anh không được ôm”, “từ đôi tay anh không được nắm”… Đúng là “Nợ tình chưa trả cho ai/ Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan” (Truyện Kiều).

Bìa tập thơ “Ly ca” của nhà thơ Đỗ Doãn Phương.

Biết người đã về tận phía kia, nhưng khi lắng lại, thi nhân chất vấn độc thoại “Sao phía này mi vẫn ngóng bóng?”, “Sao nơi này mi vẫn lắng tiếng vang?”, “Sao mi vẫn vào chờ sâu trong núi?” và tự “an ủi” mình “Rằng đời này không còn chỗ gặp mặt/ Thì kiếp sau chỗ nào cũng là chỗ hẹn hò”. Nhà thơ đã lý giải cảm xúc có lúc mâu thuẫn ấy là “lời hứa đến phút cuối vẫn yêu em”. Yêu em càng nhiều mong em hạnh phúc càng lớn. Tôi bỗng thấy tác giả có chung niềm mong ước nhân văn “Cầu cho em được người tình như tôi đã yêu em” (Puskin). Thật diễm phúc nàng thơ nào đã làm tác giả yêu mê đắm, “điên cuồng”, rồ dại để hát khúc “Ly ca” xúc động đến thế. 

*

Sau một hồi theo cánh diều no gió, mải mê đến tận cung trăng, mơ mẩn cùng nàng “áo xanh” thì cũng đã đến lúc thi nhân biết phải “tiếp đất” đối mặt với đời thường “cơm áo đâu đùa với khách thơ”, đưa con đến trường, đưa vợ đi shoping… để cho ấm áp “ngôi nhà và những đứa trẻ” và “giàn thiên lý” không đổ. Tỉnh táo để qua cơn mê sảng, phân định, khẳng định:

“Không bao giờ anh muốn đánh đổi gì để được có em
Vui buồn mỗi người ngày hôm nay là điều phải xảy đến
”.

Đàn ông luôn khôn ngoan sau “Những giây phút xao lòng” tự “kiểm điểm” thấy mình có lỗi để “Sau những lần nghĩ đến đâu đâu mình thương vợ mình hơn” (Thuận Hữu).

Còn bao điều muốn nói với “Ly ca”, tôi xin mượn lời của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư khi đọc tập thơ này: “Lâu lắm rồi mới thấy người đàn ông (trong thơ) cổ điển và thuần khiết tới vậy, đau đớn vì người tình đã chồng con và đau đi đau lại bởi vì mỗi chuyện ấy. Đến nỗi tôi còn nghĩ vui rằng cũng cô đấy, hay nhiều cô khác. Cảm giác, yêu thôi chưa đủ, mà yêu đến cả hai con người thành một. Và mọi sự chia xa dù ở thể chất hay tinh thần, vết thương hở ấy cũng là quá sức”…

Lê Thị Bích Hồng
.
.