Vấn nạn lò luyện thi đầu cấp: Giáo dục cần thay đổi từ bản chất
- Có tạo áp lực dạy thêm, học thêm?
- Học sinh liên tiếp lập Facebook phản đối học thêm1
- Cấm dạy thêm học thêm: "Thuốc đắng giã tật" hay giải pháp mang tính đột phá?
- Hà Nội siết chặt quản lý dạy thêm, học thêm11
- Trường THPT thu gần 2 tỷ tiền học thêm ngoài sổ
Ngay sau bản tin thời sự nóng, lập tức Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có công văn yêu cầu ban kiểm tra liên ngành các quận, huyện kiểm tra đột xuất và xử lí nghiêm những trường hợp vi phạm quy định về dạy thêm và học thêm.
Công văn còn ghi rõ: “Phòng Giáo dục - Đào tạo chịu trách nhiệm trước Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND quận, huyện về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn theo quy định”.
Phụ huynh vào tận phòng thi đón con sau một ngày căng thẳng ứng thí để vào lớp 1 ở Trường tiểu học Nguyễn Siêu, Hà Nội. |
Có cấm được việc dạy thêm, học thêm?
Vấn nạn dạy thêm học thêm, vấn nạn luyện thi đầu cấp từng đã được đề cập nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng chưa bao giờ hạn chế nổi chứ đừng nói tới việc dẹp bỏ. Ngay từ Tết ra, phụ huynh học sinh đã vào cuộc chạy đua nước rút để phục vụ việc tuyển sinh đầu cấp. Đến thời điểm này (khoảng giữa tháng 5) gần như việc tuyển sinh đầu cấp, đặc biệt là cấp Tiểu học, Trung học cơ sở ở một số trường đã hoàn thành xong chứ không phải đợi đến gần vào đầu năm học.
Cho dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bỏ hoàn toàn phương án tuyển sinh vào đầu cấp 1 và cấp 2 trong hệ thống trường công để giảm thiểu và ngăn chặn việc dạy thêm học thêm ở cấp Tiểu học và Trung học cơ sở, thế nhưng những gia đình có điều kiện muốn cho con vào học các ngôi trường tư nổi tiếng, ví dụ như trường Nguyễn Siêu, BillGate; Olimpia, Đoàn Thị Điểm, Lương Thế Vinh, Marie Curie, Acsimet .v.v thì ngay từ cấp Tiểu học vào lớp 1, vì tỷ lệ chọi cao, khoảng 10 học sinh chỉ chọn 1 nên muốn cho các con vào được các trường này, cha mẹ đã phải có những phương án riêng.
Đơn cử các bé 6 tuổi muốn vào được trường Nguyễn Siêu phải trải qua các vòng phỏng vấn kiểm tra trình độ ngoại ngữ, chỉ số IQ, toán IQ, năng lực phân tích và nhận biết trong các hoạt động nhóm. Thử hỏi, nếu không học trước bảng chữ cái, ngoại ngữ, IQ làm sao các bé có thể tham dự các vòng phỏng vấn, chưa nói đến các bé muốn đỗ phải có kết quả xuất sắc và loại được 10 bé khác cùng ứng thí thì mới vào được trường.
Không ít cuộc hội thảo từ cấp Trung ương đến địa phương, xuống tận cơ sở lấy ý kiến tìm biện pháp, tìm hướng đi, cách giải quyết. Không chỉ chuyện dạy thêm học thêm mà đau đầu nhất là nạn luyện thi vào đầu cấp từ cấp Tiểu học, Trung học cơ sở đến Phổ thông trung học.
Trẻ em từ 6 tuổi muốn vào lớp 1 trường chuyên lớp chọn đã phải cắp sách đến các lò luyện thi để dùi mài kinh sử, trong khi việc học hành của các em ở tuổi đầu đời này chỉ mang tính chất vỡ lòng để các em làm quen với các mặt chữ và con số, làm quen với khái niệm “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”… Giúp các em nhận biết ý thức từ đây, ngoài việc biết ăn, biết ngủ, và chơi ngoan, các em sẽ được đến trường để học hành như một nhiệm vụ quan trọng của đời người. Câu thơ của Bác Hồ dành cho các em thiếu nhi lứa măng non: “Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan”.
Một nền giáo dục quá căng thẳng
Tình hình giáo dục ở Việt Nam mấy năm gần đây ngày càng gây tâm lí căng thẳng, sợ hãi cho học sinh và phụ huynh có con nhỏ trong độ tuổi đến trường, bởi cái guồng quay học thêm và luyện thi quá mệt mỏi. Một nền giáo dục nhạy cảm và gây nhiều thương tổn cho cả phụ huynh lẫn học sinh. Một nền giáo dục căng như dây đàn mà bất kỳ động thái nhỏ nào cũng có thể mang lại những tổn thương gây tâm lí hoang mang cho dư luận xã hội. Đến nỗi cứ bất kỳ một chính sách thay đổi, cải cách nào của Bộ Giáo dục và Đào tạo được đưa ra ban hành thì xã hội ngay lập tức có những phản ứng tiêu cực mạnh mẽ, dù chưa chắc chính sách đó là không tốt. Đơn giản vì dư luận xã hội không tin tưởng vào tính hiệu quả, tính ưu việt của những chính sách đổi mới giáo dục sẽ mang lại những kết quả thực tiễn hữu ích tốt đẹp hơn cho học sinh.
Xã hội hoài nghi, phụ huynh và học sinh hoang mang lo lắng là hoàn toàn có cơ sở. Bởi xét về mặt vĩ mô, góc độ tổng quát thì giáo dục Việt Nam hiện nay vẫn loay hoay tìm đường đi, các thí điểm đổi mới liên tục được cập nhật với biên độ và mật độ dày đặc đã không ít lần gây shock cho toàn xã hội. Và cái quan trọng nhất mà xã hội mong muốn, đó là nền giáo dục Việt Nam ổn định, bớt thay đổi, bớt đối phó, giáo điều, xa rời thực tiễn, và quan trọng nhất là giảm tải trong việc dạy và học, để giảm áp lực lên đầu con trẻ. Giáo dục cần phải tiến tới toàn diện hơn, thực chất hơn như bên cạnh giáo dục kiến thức là việc chăm sóc, giáo dục tâm hồn, thể chất, kỹ năng sống, sự hiểu biết và nhận thức về cuộc sống, xã hội.
Trong những cải cách giáo dục gần đây nhất, có lẽ để lại những dấu ấn tâm lí hoang mang và nặng nề hơn cả là thời điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng phương thức đổi mới thi cử trong kỳ thi chung Quốc gia năm năm 2015, và mới đây nhất là đổi mới phương thức thi tổ hợp vào bậc Phổ thông trung học năm 2019. Báo chí đã tốn khá nhiều giấy mực để mổ xẻ hai phương án cải cách trong hai kỳ thi quan trọng nhất của giáo dục phổ thông.
Kết quả tốt đẹp thì chưa có nghiên cứu đánh giá sát thực và cụ thể có sức thuyết phục, nhưng hệ quả nhỡn tiền là việc tăng bài thi, tổ hợp môn thi khiến học sinh và phụ huynh vô cùng mệt mỏi. Và shock nhất là mới đây Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thay đổi trong kỳ thi lên cấp 3, thay vì 2 môn toán, văn như trước đây, giờ tăng lên thành tổ hợp ít nhất là 6 môn với 3 bài thi đang gây hoang mang trong dư luận học sinh, phụ huynh và làm nóng các diễn đàn các trang mạng xã hội.
Phụ huynh đợi con thi vào lớp 1 ở Trường tiểu học Nguyễn Siêu - Hà Nội. |
Người viết bài này đã từng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc của việc có con thi kỳ thi chung quốc gia và sắp tới đây là kỳ thi tuyển sinh vào cấp 3. Khỏi phải nói hết nỗi khổ của học sinh và các bậc làm cha làm mẹ. Lại hỗn loạn, hoang mang, stress vào việc học thêm, tìm lò luyện thi, lại đổ trên đầu những đứa trẻ gánh nặng học hành… Lại lao vào vòng quay luẩn quẩn tẩu hoả nhập ma của việc luyện thi và học thêm mà chẳng biết để làm gì khi tỷ lệ thất nghiệp sau đại học ở Việt Nam luôn cao trong khu vực.
Giáo dục muốn thay đổi phải thay đổi từ bản chất
Nhiều ý kiến cho rằng, muốn thay đổi giáo dục, dẹp bỏ nạn dạy thêm học thêm, luyện thi tràn lan như hiện nay, trước tiên phải thay đổi từ gốc, từ bản chất của nền giáo dục. Với những cải cách ngày càng quá tải như hiện nay thì không những không giảm tải việc dạy và học mà chỉ càng khởi động cỗ máy dạy thêm - học thêm - luyện thi vốn đã mệt mỏi càng mệt mỏi hơn.
Xin được kết thúc bài viết này bằng ý kiến phát biểu của Tiến sĩ Giáp Văn Dương trên diễn đàn Văn nghệ Công an “việc cải cách giáo dục, cụ thể là những thay đổi trong thi cử như vừa rồi và sắp tới đây, dù là một cố gắng về lý thuyết, nhưng trên thực tế, sẽ không giúp ích gì nhiều cho việc nâng cao chất lượng học sinh, và rộng hơn là chất lượng giáo dục.
Để giải quyết vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển toàn diện, đòi hỏi phải có những thay đổi bài bản hơn rất nhiều, từ triết lý giáo dục, giá trị cốt lõi, sứ mệnh của nhà trường, đến chất lượng giáo viên, cách dạy, cách học, quản lý và tài chính… chứ không chỉ đơn thuần thay đổi cách thi là xong được.
Các nhà quản lý giáo dục đang chỉ thay đổi phần ngọn mà không chú trọng phần cốt lõi của giáo dục. Chỉ có điều, phát triển năng lực là câu chuyện của cả quá trình giáo dục, chứ không phải của riêng chuyện thi cử. Thi cử chỉ là ngọn. Gốc rễ không thay đổi, thì dù ngọn có thay đổi bao nhiêu đi chăng nữa, chất lượng giáo dục vẫn không thay đổi”.
Vì vậy ngành Giáo dục đừng nên đặt ra vấn đề cấm dạy thêm, học thêm, cấm luyện thi vì e rằng việc cấm ấy không bao giờ thực hiện được nếu giáo dục Việt Nam không thay đổi từ gốc, từ bản chất.