Tự tin xoá bỏ xuyên tạc
- Đấu tranh với thủ đoạn bôi nhọ, xuyên tạc hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Đối tượng xuyên tạc vụ việc Đồng Tâm lãnh 18 tháng tù
- Bị phạt 6 tháng tù vì dùng Facebook xuyên tạc dịch COVID-19
- Khởi tố kẻ đăng tin xuyên tạc về COVID-19
Ai cũng hiểu rằng "tai nạn" do dịch bệnh là bất khả kháng. Hầu như ai cũng mang một suy nghĩ tích cực, cần hành động chủ động đúng theo nhịp sống tốc độ của thời đại. Nhưng đúng vào lúc sự lạc quan đang tạo một tác động xã hội mang tính tiến bộ thì lại bắt đầu xuất hiện kiểu tin tức mang tính bôi nhọ. Điển hình nhất là việc tạp chí Forbes đăng tải thông tin đại ý họ có thể "loại Việt Nam khỏi nhóm hạng 1 và đưa xuống hạng 2 về độ an toàn do giấu dịch". Dữ liệu mà họ dùng để minh chứng cho lập luận của mình đến từ bên thứ ba, tổ chức Deep Knowledge Group (DKG) và với những gì tổ chức này trưng trổ trên website của mình, không ít người đã hoang mang và bắt đầu lung lay niềm tin.
Thực tế, DKG dù gióng giả rằng họ là một tổ chức phi lợi nhuận nhưng hoạt động chủ yếu của họ là nghiên cứu thị trường, tư vấn đầu tư dựa trên… trí tuệ nhân tạo (AI). Nghe có vẻ "hoành tráng" nhưng DKG không hơn không kém chỉ là một dạng quỹ đầu tư mạo hiểm (cái tên của đơn vị con của họ là Deep Knowledge Venture đã nói lên tất cả) với việc thu thập thông tin dựa trên một tính năng của trí tuệ nhân tạo thời đại kỹ thuật số là machine learning (máy học).
Machine learning là quá trình máy tính tự hoàn thiện khả năng cung cấp dữ kiện của mình qua các đóng góp của người dùng. Cụ thể, chất lượng của máy dịch google ngày càng cải thiện cũng nhờ vào việc người sử dụng đóng góp và hoàn thiện các bản dịch để tạo kinh nghiệm cho máy dịch google khi gặp một bản dịch mới có trường hợp tương tự.
Và một khi máy tính thu thập kinh nghiệm người dùng một cách đại trà, thông tin sai lệch, thông tin bị cố tình xuyên tạc cũng được coi ngang giá trị với thông tin chân thực. Đó có thể là lý do DKG đã đưa ra những đánh giá bôi nhọ nỗ lực chống dịch của Việt Nam suốt thời gian qua, một nỗ lực được rất nhiều quốc gia, các cơ quan uy tín của thế giới ghi nhận.
Nhưng vấn đề rất lớn nằm ở chỗ DKG sẽ có những khách hàng của họ. Việc họ đưa ra thông tin bôi nhọ như vậy là vô cùng nguy hiểm bởi dễ dẫn tới một khách hàng nào đó cảm thấy nghi ngại và quyết định chưa đầu tư vào Việt Nam dù họ đang có mong muốn hướng tới thị trường nước ta.
Tác hại này là vô cùng lớn và đã đến lúc chúng ta yêu cầu DKG, Forbes phải có những đính chính và lời xin lỗi nghiêm túc, công khai gửi tới người Việt Nam và Chính phủ Việt Nam. Đặc biệt là trường hợp của Forbes. Tạp chí này cũng có phiên bản tiếng Việt, phát hành tại Việt Nam và do đó, phía Bộ Thông tin - Truyền thông cũng cần phải có cảnh cáo, chấn chỉnh dành cho họ, một đơn vị truyền thông đang khai thác thị trường Việt Nam nhưng thiếu tôn trọng Việt Nam.
Người Việt cũng nên rút kinh nghiệm về cách tiếp nhận thông tin từ nước ngoài. Không phải cứ lúc nào "Âu, Mỹ" cũng đúng, cũng chuẩn chỉnh cả. Ngay cả Forbes, họ không thiếu lần đã bị bóc mẽ vì thổi phồng nhân vật. Phải thừa nhận, tâm lý "sợ Âu, Mỹ", cho rằng "Âu, Mỹ chuẩn mực" là khá phổ biến đối với người Việt.
Chính thứ tâm lý ấy mới là thứ mà các tổ chức vụ lợi đang tận dụng để làm mất ổn định đời sống xã hội trong nước suốt thời gian vừa qua. Chỉ có cách tự chúng ta "tiêu diệt" tâm lý nhược tiểu kia, biết tự tin hơn thì chúng ta mới có thể mạnh mẽ chống lại những bôi nhọ, xuyên tạc, loại "bệnh dịch" còn nguy hiểm hơn COVID-19 nhiều lần.