“Tự do ngôn luận” và “ngôn luận tự do”
- Không xâm phạm quyền tự do ngôn luận
- Không ngăn cấm, xâm phạm quyền tự do ngôn luận trên mạng
- Những tin nhắn giết người hay “tự do ngôn luận”?
Trong đó, ca sĩ Hòa Minzy lan truyền tin giả mạo phát ngôn của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về tình hình dịch bệnh. Rồi trên tài khoản Facebook cá nhân của Nguyễn Ngọc Thuý, Á hậu doanh nhân Việt Nam toàn đăng video được quay bằng ứng dụng TikTok có nội dung "kỳ thị, xúc phạm người Đà Nẵng"...
Những thông tin này đã có nhiều người vào xem, chia sẻ và bình luận gây tâm lý hoang mang, lo sợ trong đời sống xã hội. Trong tuần, cơ quan chức năng đã xử phạt gần 30 trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật về dịch COVID-19.
Minh họa Lê Tâm |
Việt Nam luôn khuyến khích và mở rộng tự do ngôn luận, nhằm mục đích tiếp nhận những ý kiến phản ánh, kiến nghị, thậm chí là những ý kiến phản biện trái chiều để kịp thời chấn chỉnh, bổ sung, sửa đổi những cơ chế, chính sách pháp luật cho phù hợp với quá trình phát triển đi lên của đất nước.
Điều này đã được quy định rõ tại Điều 25 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cũng như trong các luật được ban hành thời gian gần đây, như: Luật Tiếp cận thông tin, Luật Báo chí, Luật An ninh mạng…
Theo đó, quyền tự do ngôn luận luôn được tôn trọng và bảo đảm. Mỗi người dân Việt Nam cũng đều có quyền tiếp cận tin tức của các cơ quan thông tấn, báo chí lớn trên thế giới hay các trang cá nhân của mọi “công dân toàn cầu” và được quyền chia sẻ thông tin mà không gặp phải bất cứ sự hạn chế, ngăn chặn, cấm đoán nào...
Tuy nhiên, không chỉ ở Việt Nam mà ở bất kỳ quốc gia, dân tộc nào đều có một điểm chung bắt buộc là các quyền tự do ngôn luận phải trong khuôn khổ pháp luật, những ý kiến phát biểu có trách nhiệm và đúng sự thật.
Kể từ khi hòa mạng internet toàn cầu ngày 1/12/1997, Việt Nam luôn bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu tìm kiếm, trao đổi, thụ hưởng thông tin mọi lúc, mọi nơi, mọi mặt của đời sống chính trị, văn hóa, kinh tế - văn hóa, quốc phòng - an ninh của đất nước. Người dân Việt Nam có thể dễ dàng truy cập vào tất cả các trang web, báo chí trên thế giới; có thể bày tỏ mọi suy nghĩ, trăn trở, mong muốn chính đáng, hợp pháp, bảo đảm thuần phong mỹ tục, giá trị nhân văn, đạo đức... của mình trên mạng xã hội hằng ngày, hằng giờ.
Tự do chia sẻ trên mạng xã hội những bài viết, ảnh, video clip được cắt ghép từ nhiều nguồn tin, từ những tin đồn, mà không kiểm chứng chỉ là kiểu “ngôn luận tự do”, “nói cho sướng mồm” mà không biết mình có thể đang vi phạm pháp luật, đang cổ súy cho một số kẻ có dã tâm, chủ đích chống phá nhằm gây rối an ninh, trật tự, phá hoại các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước ta.
Tự do là quyền của con người nhưng đó không phải là tự do vô lối, tùy tiện, vô chính phủ, thích nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm, mà nó chỉ được bảo đảm khi con người nhận thức đúng đắn quy luật khách quan và hành động phù hợp pháp luật, với thỏa ước về tự do của tập thể, của cộng đồng, của xã hội. Sự phát tán thông tin hỗn độn và sai lệch sẽ làm cho nhiều người mất niềm tin vào cả nguồn thông tin, dẫn đến hậu quả là những thông tin tốt đẹp cũng có thể bị loại trừ, tẩy chay.
Trong khi các cơ quan chức năng đang tiếp tục hoàn chỉnh luật pháp để quản lý chặt chẽ hơn, đẩy lùi các thông tin xuyên tạc bịa đặt, thông tin “xấu, độc”, thì mỗi người dân chúng ta cần phải sáng suốt nhận biết và hiểu đúng về “tự do ngôn luận” và “ngôn luận tự do” để không rơi vào “bẫy” của những kẻ bất mãn, có quan điểm thù địch, vô tình tiếp tay cho các hoạt động chống phá; không hùa theo những quan điểm mang tính trào lưu, cần phải tỉnh táo, cần biết "gạn đục khơi trong”, cảnh giác với những thông tin xấu độc, không chia sẻ bừa bãi trên mạng xã hội một cách vô cảm, để rồi có các hành vi tiêu cực, phản cảm, thiếu văn hóa, thậm chí vô tình vi phạm pháp luật.
Tiếng nói của người dân, của xã hội luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm ghi nhận, đây là nguồn thông tin có vai trò rất quan trọng đối với việc quyết định công tác lãnh đạo, quản lý xã hội. Xã hội càng phát triển thì nhân tố "lòng dân" càng quan trọng. Chính vì thế, đối với những ý kiến đóng góp, phản ánh đúng, chân thành, mang tinh thần xây dựng, vì lợi ích chính đáng của người dân hoặc của quốc gia, dân tộc thì cần phải được tiếp thu, kịp thời giải quyết, đáp ứng các đòi hỏi, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân.
Chính quyền các cấp, các ngành chức năng cần kịp thời cung cấp thông tin chính xác, khách quan để đấu tranh phản bác, định hướng dư luận trước những thông tin sai trái. Không để người dân bị cuốn vào những luồng thông tin xấu, độc; qua đó, bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền tự do ngôn luận và các quyền tự do khác của công dân.