Truyện “Thạch Sùng”- tiếp biến và ý nghĩa

Thứ Sáu, 01/05/2020, 08:05
Truyện này ở ta có ba tên gọi: “Thạch Sùng”, “Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho”; “Sự tích con mối” nhưng đều chung cốt truyện, nhân vật, tình tiết. Tên truyện thứ ba cho thấy đây thuộc loại truyện cổ tích về loài vật có mục đích chính là răn dạy đạo lý. Có nguồn gốc bên Trung Quốc ảnh hưởng sang ta, giống như “Truyện Kiều”, qua khúc xạ văn hoá nên được điều chỉnh có nhiều chi tiết lấp lánh những ý nghĩa mới.


Truyện kể có vợ chồng nghèo khó tên là Thạch Sùng sống bằng cách xin ăn qua ngày. Họ tằn tiện tích cóp dần dần có một số vốn nhưng vẫn giả bộ nghèo khó mà làm nghề hành khất. Một hôm đi xin về khuya trông thấy hai con trâu từ dưới sông lội lên rồi húc nhau chí tử. Đấy là điềm trời sẽ có lụt to, vợ chồng bàn nhau lấy tiền tích trữ đong gạo đợi lúc thóc cao gạo kém mới đem bán.

Cứ vậy, lâu dần Thạch Sùng trở thành giàu có, tậu nhiều trâu bò ruộng vườn. Ông ta còn nhiều mánh khóe khác như mua lúa rẻ, cho vay nặng lãi, tiến tới buôn to bán lớn. Thuyền buôn của Thạch Sùng đi khắp nơi, lại thông đồng với bọn cướp làm những chuyện thất đức nhưng kiếm được rất nhiều của cải; tiền vàng châu báu như nước đổ về…Thạch Sùng trở thành đại phú gia.

Vợ chồng Thạch Sùng.

Thạch Sùng còn nghĩ cách “hối lộ” vua vàng bạc ngọc ngà để có tước quận công. Từ đó Thạch Sùng vừa có tiền, vừa có danh, lại có quyền, trong trướng phủ có tới hàng trăm kẻ hầu hạ và thê thiếp ăn mặc toàn đồ lụa là gấm vóc. Ông ta trở nên nổi tiếng chỉ sau vua.

Nhưng cũng còn có một tay đại cự phú khác tiền vàng nhiều như nước và cũng nổi tiếng xa xỉ. Người đó họ Vương, em ruột Hoàng hậu. Một hôm Thạch Sùng gặp Vương trong một đại tiệc đủ mặt các bậc công hầu. Câu chuyện đưa đẩy thế nào mà dần dần chuyển thành một cuộc khoe của. Người khoe nô tỳ nhà mình đều mặc đồ tơ lụa, mỗi năm phải có hàng kho vải lụa để may mặc. Người đáp nô tỳ nhà tôi thì phải có lúa gạo của cả một huyện mới đủ để chúng ăn…

Cứ thế mà lớn dần  thành cuộc thách đố. Người sai lấy lụa căng làm màn trần phủ tất cả các dinh thự. Kẻ bắt người nhà lấy gấm căng che mọi lầu son gác tía và đường đi lối lại. Người sai lấy thuỷ tinh thay ngói lợp tất cả các nhà cửa phủ đệ. Ánh mặt trời chiếu xuống làm những tòa lầu sáng rực như ngọc. Người lấy ngọc thạch cho thợ cắt ra từng phiến làm gạch lát sân...

Rồi họ đọ ai nhiều san hô, ai nhiều sừng tê nạm ngọc, ai có nhiều vật lạ. Người khoe có ngựa “thiên lý mã” mua từ bên Thiên-trúc mỗi ngày chạy được một ngàn dặm. Người khoe một con hươu có hai đầu. Chẳng ai chịu ai…

Cuối cùng Thạch Sùng đưa ra viên ngọc và nói: “Viên ngọc này mùa nóng đeo vào thì mát, mùa rét đeo vào thì ấm. Trong thiên hạ chỉ có một không có hai”. Họ Vương không chịu hỏi Thạch Sùng: “Nhà ngươi giàu thật nhưng đầy mà không đủ. Thế nào trong nhà ngươi cũng còn thiếu nhiều…”. Thạch Sùng vênh mặt: “Nhà ta không thiếu một đồ vật gì cả. Nếu ngươi chỉ ra được một vật mà ta thiếu ta sẽ mất với nhà ngươi tất cả gia sản. Trái lại, nếu ta có đủ thì ngươi cũng mất như vậy!”.

Họ cùng ký giao ước trước cả triều đình làm chứng. Ký xong, họ Vương lạnh lùng: “Hãy đưa mẻ kho của nhà ngươi ra!”. Thạch Sùng choáng váng. Mẻ kho là thứ nồi đất mẻ chỉ nhà nghèo khổ như hắn thời xưa mới dùng. Từ khi giàu có hắn đâu còn dùng thứ ấy nữa. Đau đớn tột cùng vì thua cuộc, quá tiếc của, hắn biến thành con thạch sùng suốt ngày chặc lưỡi…

Tuy là cổ tích nhưng có kết cấu khá hiện đại chứng tỏ truyện ra đời vào thời kỳ phong kiến hưng thịnh chấp nhận và khuyến khích nghề buôn. Truyện triệt để khai thác hình thức tương phản và phép tăng cấp tạo sự hồi hộp ở độc giả rồi kết thúc bất ngờ tạo nên một hiệu ứng thẩm mỹ giàu ý nghĩa. Tương phản hai nhân vật họ Vương và Thạch Sùng, kẻ thua người thắng.

Tương phản trong con người Thạch Sùng, trước nghèo kiết sau giàu sang, trước ăn mày sau thành quận công. Rồi đột ngột thành “thạch sùng”… Phép tăng cấp từ hình ảnh bắt đầu là khoe là đọ đồ đạc gia sản ít giá (lụa là, thóc gạo) đến quý giá (vàng ngọc, sừng tê giác) đến của lạ, của hiếm (ngựa “thiên lý”, hươu hai đầu). Đi cùng là phép tăng cấp tâm lý về sự khoe khoang, từ sự thích “thể hiện” đến cay cú và cuối cùng là cuồng vọng mất hết lý trí. Xét kỹ đây là một canh bạc “tất tay” để rồi con bạc “khát nước” đến “chết cháy”!

Là cổ tích nên vẫn phải có cái môtip “ở ác gặp ác”. Thạch Sùng xứng đáng nhận cái kết ấy, xứng đáng phải như thế! Truyện khuyên răn: đừng hợm hĩnh khoe khoang. Bệnh khoe khoang sẽ dẫn đến cái chết!

Nằm trong tập quán canh tác lúa nước, lăn lộn với ruộng đồng “bán mặt cho đất bán lưng cho giời” mới có miếng ăn nên người Việt quý trọng thành quả lao động “một nắng hai sương”, chuộng sự thật thà “Thật thà là cha quỷ quái”.

Như lẽ tự nhiên người ta rất ghét kẻ ăn bám, không ưa người buôn “Thật thà cũng thể lái trâu”. Đã ăn bám, đã đi buôn lại giàu có thì càng bị ghét. Nông dân ghét. Kẻ sĩ ghét, nhất là giới nhà Nho quen với những tấm gương đạo hiếu, đạo làm người tử tế nơi “cửa Khổng sân Trình” thì ghét cay ghét đắng. Câu chuyện này là một sự minh hoạ cho tâm lý ấy.

Thạch Sùng và họ Vương đọ của!

Thạch Sùng làm cái nghề mạt hạng nhất trong mọi nghề là ăn mày. Nhưng nó có “cái đức” của nghề đi buôn: biết đầu cơ tích trữ, biết nhìn ra và biết đón cơ hội, biết tính toán mua rẻ bán đắt, biết “thông đồng” móc ngoặc (với cả kẻ xấu), biết hối lộ…Nguyên tắc “dồn tụ” này đã tạo ra một Thạch Sùng có “trí” (của kẻ buôn) nhưng không có “tâm” (của người quân tử). Thế nên nó phải chết, chết cay chết đắng, chết còn phải biến thành con thạch sùng suốt ngày kêu tiếc của…

Chi tiết “cái mẻ kho” rất đắt. Dưới góc độ kết cấu nó là đỉnh điểm, là cái nút thắt đầy kịch tính mở ra lối thoát cho tình huống căng thẳng chả ai chịu ai, chưa biết ai thắng ai. Một chi tiết đầy bất ngờ mà hợp lý. Dưới góc độ ý nghĩa nó như cái gương để độc giả soi mình vào đó: con người ta đừng bao giờ quên quá khứ, dù đó là quá khứ nghèo khổ. Nhiều khi nhờ cái nghèo khổ mà mình mới thành công!

Ý nghĩa phổ quát của nó là giáo dục, nhắc nhở lòng biết ơn, nhớ ơn, mà thiếu nó con người sẽ như cái cây không có cội rễ. Thạch Sùng khi giàu có không còn nhớ gì về thời đã qua nên bị trả giá!

Câu chuyện còn là một minh hoạ cho triết lý Nho gia: “Cao nhân tất hữu cao nhân trị” (Người cao tay tất sẽ có người cao tay hơn trị). Câu này răn người ta biết mình (tri kỷ) biết người (tri bỉ), khiêm tốn.

Chi tiết “trông thấy hai con trâu từ dưới sông lội lên và húc nhau chí tử” rất đáng chú ý. Đây là phái sinh từ tín ngưỡng của lễ hội chọi trâu của cư dân nông nghiệp với mục đích cầu mưa. Như vậy có thể tìm thời điểm ra đời truyện này gắn liền với tục chọi trâu của ta.

Dễ thấy truyện ra đời muộn, có sự nhuận sắc rõ của nhà Nho. So sánh truyện với truyện của Trung Quốc càng khẳng định việc này. Truyện của Trung Quốc là một truyện lịch sử, có thật. Thạch Sùng tự Quý Luân, sống thời Tấn Võ Đế, nổi tiếng thông minh từ nhỏ, hơn 20 tuổi làm huyện lệnh Tu Vũ, từng là thứ sử Kinh Châu, sống cực kỳ xa hoa. Gia thần của Tướng quốc Tư Mã Luân muốn cướp vợ thiếp của Thạch Sùng là nàng Lục Châu nên vu cho Sùng làm phản. Thạch Sùng bị giết. Gia sản bị tịch thu…

So sánh với truyện của ta thì hoàn cảnh, thân thế, sự nghiệp của Thạch Sùng (Trung Quốc) hoàn toàn khác. Trung Quốc cũng có truyện cổ tích tên “Thạch Sùng” lấy nguyên mẫu từ sự thật ngoài đời. Nhân vật Thạch Sùng cũng giàu có tới mức nhà xí của ông ta như phòng ngủ nhà giàu khác “bên trong có một chiếc giường rộng, chăn chiếu trên giường bày biện rất sang trọng, hai bên có hai tỳ nữ xinh đẹp tay cầm túi hương đứng hầu”.

Thạch Sùng còn làm giàu bằng cách giết người cướp của. Truyện của ta “nhẹ” hơn, Thạch Sùng chỉ “thông đồng” với kẻ cướp! Đặc biệt có chi tiết rất ghê rợn xa lạ với văn hoá Việt thì được cắt bỏ hoàn toàn là: Thạch Sùng mời Vương Khải (tức nhân vật họ Vương) đến nhà cùng xem báu vật. Vương Khải ngây ngất trước sắc đẹp của người vợ lẽ Thạch Sùng múa hầu rượu...

Lát sau, nhà bếp bưng lên một món canh, trông tựa như chân giò, Vương Khải nếm vẫn không biết là canh gì. Thạch Sùng cười nói đó là bàn chân người vừa múa lúc nãy. Vương Khải thất kinh, Thạch Sùng nói tiếp những người như thế trong nhà tôi có tới mấy nghìn, hôm khác xin đưa sang cho ông tẩm bổ…!

Nguyễn Thanh Tú
.
.