"Truyện Kiều" đã có phiên bản tiếng Nga

Thứ Bảy, 14/11/2015, 08:00
Nhân dịp kỷ niệm 250 năm ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du, vừa qua, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp ra mắt tác phẩm "Truyện Kiều" bằng tiếng Nga. Ở phiên bản tiếng Nga, tác phẩm vẫn được mang tên là "Kiều" và có tên thứ hai là "Đoạn trường tân thanh". Với bản dịch tiếng Nga lần này, "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du đã được dịch ra 20 thứ tiếng với 35 bản dịch khác nhau, góp phần không nhỏ để độc giả các nước trên thế giới hiểu thêm về một tác phẩm văn học độc đáo trong kho tàng văn học Việt Nam

Người có sáng kiến và phụ trách dự án dịch "Truyện Kiều" sang tiếng Nga là Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng, nhà thơ, tác giả của nhiều cuốn sách. Từ cuối năm 2013, nhóm dịch giả đã bắt đầu tiến hành việc dịch thuật và Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng đã trực tiếp tham gia hiệu đính cuốn sách. Dịch nghĩa văn xuôi là dịch giả Vũ Thế Khôi - Nhà giáo Ưu tú, một trong những chuyên gia văn học và tiếng Nga hàng đầu ở Việt Nam. Người dịch thành văn bản thơ tiếng Nga là Vasili Popov, một nhà thơ trẻ đã thành danh ở Nga (Vasili Popov sinh năm 1983, Thư ký Ban chấp hành Hội Nhà văn Nga). Phần hiệu đính và dịch thuật của dự án này do dịch giả Đoàn Tử Huyến và nhà Việt Nam học người Nga Anatoli Socolov, Phó giáo sư Ngôn ngữ học thực hiện.

Theo nhận định của một số chuyên gia tiếng Nga tại buổi ra mắt "Kiều" bản tiếng Nga, nhà thơ Vasili Popov đã chuyển tải tương đối chính xác và rõ ràng sự phong phú của kiệt tác văn học Việt Nam sang tiếng Nga. Chia sẻ về quá trình dịch tác phẩm "Truyện Kiều" thành văn bản thơ tiếng Nga, nhà thơ Vasili Popov đã chia sẻ tại buổi lễ ra mắt sách: "Được dịch "Kiều" là một vinh dự của tôi. Chúng tôi nhận thấy "Truyện Kiều như một "Yevgeniy Onegin " (tiểu thuyết bằng thơ của Puskin). Để dịch tác phẩm này, tôi đã phải tìm hiểu rất nhiều về tác giả, tác phẩm, bối cảnh xã hội phương Đông trước đây, về các tư tưởng, giáo lý về nam - nữ thời phong kiến. Sau khi dịch "Kiều" tôi thấy mình trở thành một con người khác!".

Bìa “ Truyện Kiều” bản tiếng Nga.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng đã trích dẫn câu thơ "Công trình kể biết mấy mươi" để nói về sự "gian truân" trong quá trình dịch tác phẩm này sang tiếng Nga. Nhóm dịch giả đã phải vượt qua "trùng trùng điệp điệp" điển tích điển cố lớn nhỏ (trong "Truyện Kiều" có tới 3.236 điển cố, điển tích, thành ngữ, tục ngữ, các cụm từ Hán -Việt). Các dịch giả cùng với những người hiệu đính đã cố gắng để diễn giải sao cho ngắn gọn mà độc giả tiếng Nga có thể hiểu được, "cảm" được cái hay, cái đẹp của "Truyện Kiều".

Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ: "Vì bản dịch Truyện Kiều không phải là một quyển sách tra cứu, nên chúng tôi không có kỳ vọng chú thích toàn bộ mà cố gắng diễn giải ngay trong từng câu thơ, giúp các độc giả nắm bắt được ý nghĩa nội dung. Chỉ những điểm thật cần thiết nhất, chúng tôi mới chọn lọc để chú thích, chú giải".

Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ thêm: "Điều quan trọng nhất chúng tôi xác định là không phải là giải mã, chuyển nghĩa thông thường, mà mục đích cuối cùng phải đạt tới là làm sao để có một bản dịch nghĩa sát với nguyên bản, một bản dịch thơ hoàn chỉnh, chuyển tải được trọn vẹn nội dung Truyện Kiều mà không làm mất đi vẻ đẹp nghệ thuật của tác phẩm nổi tiếng bậc nhất trong văn học Việt Nam. Đây là một công việc khó khăn, nặng nề và đầy trách nhiệm của các dịch giả.

Trong quá trình dịch Truyện Kiều, chúng tôi tuân thủ theo một tiến trình mang tính nguyên tắc sau đây: "Sau khi dịch Truyện Kiều ra văn xuôi, sẽ được hiệu đính lần thứ nhất; sau khi hiệu đính xong lần thứ hai, lúc đó mới dịch ra thơ. Bản dịch thơ sẽ được đối chiếu với bản dịch văn xuôi một cách kỹ lưỡng và thận trọng trên cơ sở trao đổi, góp ý và cuối cùng thống nhất ý kiến. Đặc biệt là, số câu thơ trong bản dịch tiếng Nga không tương đương với văn bản gốc Việt nên việc đánh số các câu thơ trong bản tiếng Nga chỉ là nhằm giúp người đọc theo dõi nội dung của truyện thơ và dễ đối chiếu với văn bản tiếng Việt".

Ngoài những công việc "bếp núc" đầy khó khăn trên, nhóm dịch giả còn chịu thêm áp lực phải ra mắt "Truyện Kiều" đúng tiến độ, tức là trước lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du sẽ được tổ chức trang trọng tại quê hương nhà thơ ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Trong quá tình dịch, nhóm dịch giả đã tham khảo những bản dịch "Truyện Kiều" khác đã được công bố bằng tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc và tiếng Anh. Để giúp độc giả Nga ở các lứa tuổi, các tầng lớp xã hội và học vấn khác nhau bước đầu tiếp xúc với tác phẩm "Truyện Kiều", "Lời nói đầu" của bản dịch tiếng Nga đã viết một cách khái quát về thân thế, sự nghiệp của nhà thơ Nguyễn Du trong bổi cảnh xã hội Việt Nam thế kỷ XII-XVIII. Đồng thời, phần tóm tắt "Truyện Kiều" được viết một cách chọn lọc, tương đối chi tiết theo tiến trình diễn biến của cốt truyện. Sau đó là sự phân tích ngắn gọn, làm nổi bật "Truyện Kiều" là một tác phẩm mang tính hiện thực và nhân đạo cao cả; là một bộ "Tiểu thuyết bằng thơ", một bộ "Bách khoa toàn thư" về xã hội Việt Nam trong quá khứ. Ngoài giá trị văn học, tác phẩm "Truyện Kiều" bằng tiếng Nga còn được coi như món quà về tình hữu nghị Việt - Nga của những người Việt sinh sống trên đất nước Nga với mong muốn được đem tác phẩm văn học được coi là tinh hoa của Việt Nam giới thiệu với bạn đọc Nga cũng như thế giới.

Phạm Ngọc Lan

Gió trong "Truyện Kiều" ra sao?

Trong Kiều thực lắm loài hoa
Cảnh - người đẹp tựa Hằng Nga yêu kiều
Tuyết in sắc ngựa lam chiều
Hỏi rằng Gió ở trong Kiều ra sao?

Thưa rằng
Truyện Kiều tuyệt tác trên đời
Lưu truyền hậu thế sáng ngời văn phong
Ngữ - nghĩa - câu chữ tinh thong
56 từ Gió, nội dung đa chiều
Tả chân cảnh thực: đáng yêu
Tượng hình qua Gió: làm xiêu lòng người
Gió đưa tâm trạng: hợp thời
Tượng trưng nhân cách con người: thực sâu

Nàng Kiều qua cuộc bể dâu
Gió đưa thân phận bi sầu triền miên
Bóng tà phụ mộ Đạm Tiên
Gió hiu dẫn dụ vào miền hư vô
Hồn đi trong gió cuốn cờ
Gió theo vào tận giấc mơ đầu đời
Gió lay làm tỉnh giấc người
Nghĩ rằng số vận vào đời mà Kinh
Chàng Kim đã kết chữ tình
Gió chiều giục vội tìm hình người thương
Chàng đà rón bước ngọn tường
Dù cho rày Gió vẫn vương tơ long
Qua bao ngày Gió đêm trăng
Gặp nàng tóc phủ bụi đường hoa râm
Cũng vì Gió bắt mưa cầm
Lửa hương đã để lạnh lùng người thương
Dịp đâu may mắn lạ thường
Tay tiên như gió giúp nàng đề thơ
Sóng tình đã quyện đôi ta
Dưới trăng Gió mát tựa hoa cầm đài
Tiếng khoan như Gió thoảng ngoài
Tiền người ăn Gió dặm dài về quê
Thương người cữ Gió tuần mưa
Về hộ tang Chú chẵn vừa ba đông
Họa nhà như vạ gió giông
Bán mình báo hiếu một lòng vì Cha
Ngập ngừng từng bước thềm hoa
Thân nàng giợn Gió trước bà mối manh
Thương con viên ngoại chẳng đành
Để cho mưa Gió tan tành con thơ
Do cơn sóng Gió bất ngờ
Nghĩa chàng Kim đó, nàng nhờ cậy em
Dù cho ở dưới cửu tuyền
Gió hiu là chị bên em chẳng rời
Ai làm cách trở đôi nơi
Người tình còn đó tựa trời gió đông
Thương thay thân phận hồng quần.
Để mưa Gió Mã chiếm phần đời xuân
Giục xe trong cõi hồng trần
Lòng nàng như gió mây vần biệt ly 

Trước Ngưng Bích, chốn thị phi
Thả hồn theo gió cuốn về duyềnh ngân
Phận nàng là kiếp phong trần
Tú Bà cùng Sở rắp tâm ra đòn
Lừa nàng miệng gã ráo trơn
Khó như gió kẹp mưa đơn, sợ gì
Bỏ nàng một phận Kiều nhi
Giữa ngàn như chiếc lá lìa, gió đưa
Thế mà gã Sở còn vu
Mắng nàng dụ gã làm trò gió mây
Đành cam thân phận đọa đầy
Lầu xanh là chốn đêm ngày đìu hiu
Mặc cho mưa Gió dập dìu
Làng chơi như Gió cành chim bụi đường
Mất mặt dày Gió dạn sương
Giãi dầu Gió tựa hoa tường hôm mai
Mặc như gió trúc mưa mai
Để cho cát lấp sóng vùi một thân 

Tình nàng như gió đêm xuân
Gió gác chàng Thúc lần lần trăng sân
Thoát Phong ba lão Thúc ông
Đôi trăng gió, cất Gió mừng vu quy
Khuyên chàng về chốn ninh gia
Đừng để sóng Gió tạo đà mưa mây
Chén đưa chàng buổi hôm nay
Chén mừng hẹn gặp trong ngày hân hoan
Ngờ đâu sấm sét hung tàn
Vợ cả Thúc đầy đọa nàng vì ghen
Biết chàng đã có sẵn bìm
Vẫn coi như gió thoảng bên tai ngoài
Nhởn nhơ thơn thớt nói cười
Cùng chàng Thúc thưởng ngoạn hoài gió trăng
Vợ còn sai lũ Khuyển - Ưng
Thuận phong - buồm gió xích chân nàng về
Ngắm trăng sao, dạ tái tê
Tưởng chàng như gió lọt về phòng loan
Trách sao luồng gió bạo tàn
Giúp cao ngọn lửa cháy tan loan phòng
Mẹ Hoạn làm gió sát thân
Đập nàng còn chửi là quân lộn chồng
Gặp nàng Âm các Cửa không
Thúc sợ vợ như tố giông phũ phàng
Cửa Thiền mây tạnh Gió quang
Sư càng nể mặt Nàng càng vững chân 

Tiếp bao khổ nạn gian nan
Lầu thâu hưởng ngọn gió ngàn dưới trăng
Từ Công tựa áng mây rồng
Kết nàng đâu hạng gió trăng ở đời
Gió đưa Từ Hải dặm khơi
Khi về hàm én mày ngài như xưa
Đời như Gió quét mưa sa
Đang thế công Từ đã ra thế hàng
Thấp cơ tử nạn trận tiền
Anh hùng tiếng đã kinh thiên một thời
Hồ khen: nàng đủ sắc tài
Ép cung Gió thảm cả hai nhăn mày
Nghe càng đắm ngắm càng say
Nghĩ mình đau phải thuộc bầy Gió trăng 

Chàng Kinh đi chẵn ba đông
Về vườn Thúy, mỗi gió đông đào cười
Thương nàng mặc gió vần người
Não lòng như ngọn gió đưa lay rèm 

Buổi nàng hội ngộ chàng Kim
Thẹn mình: giãi Gió mưa dầm xót xa
Bấy chầy Gió táp mưa sa
Mấy trăng cũng khuyết mấy hoa cũng tàn
Thương thay một phận hồng nhan
15 năm bị bao làn Gió xoay



.
.