Tiếng đàn trên đường phố

Thứ Năm, 03/08/2017, 08:45
Âm nhạc vốn dĩ đi từ cộng đồng, sinh ra từ cộng đồng, rồi từ đó, qua lịch sử phát triển của loài người, mới bắt đầu có những phân tầng trong âm nhạc, như sự phân giai tầng trong xã hội loài người. Và một khi âm nhạc sinh ra từ cộng đồng, việc nó trở về với cộng đồng cũng là lẽ dĩ nhiên. Cơ bản, khát vọng gửi gắm trong âm nhạc là được vang lên và khi vang lên, nó rất cần thính giả.

Nhưng khi âm nhạc vang lên trước cộng đồng, chắc chắn nó sẽ để lại thái độ. Người thích thú sẽ trở thành thính giả say mê. Người không thích thú với thứ âm nhạc đang vang lên kia sẽ cảm thấy bị phiền toái. Chính vì thế, triết gia Immanuel Kant đã từng đánh giá "trong các loại hình nghệ thuật, nhạc không lời là thứ nghệ thuật hạ cấp nhất".

Kant cho rằng khi không có hình ảnh, ngôn ngữ (tức ca từ), âm nhạc không biểu hiện hết được các mục đích tinh thần cũng như đạo đức. Và chính vì nó có thể là một thứ gì quyến rũ và hấp dẫn với người này nhưng song song đó có thể là nỗi phiền toái đối với người khác như kiểu ô nhiễm tiếng ồn. Việc thỏa mãn một nhu cầu thưởng thức của một vài cá nhân nào đó chung sở thích có thể đồng nghĩa với việc làm bực bội những cá nhân khác xung quanh đó, vì họ bị "cưỡng bức" phải nghe thứ âm nhạc không hợp với tạng của mình.

Và dịp cuối tuần vừa rồi, ở phố Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, có một sự việc liên quan đến trình diễn âm nhạc nhưng lại gây tranh luận dữ dội trong cộng đồng. Câu chuyện cậu bé 15 tuổi kéo violin để quyên tiền làm từ thiện nhưng hành động đó bị nhắc nhở bởi cơ quan chức năng đã được thổi phồng lên như một vụ "đàn áp nghệ thuật".

Thực sự, thái độ của cậu bé, gia đình cậu bé và người cán bộ quản lý nhà nước như thế nào, chúng ta không bàn tới vì chúng ta không được chứng kiến câu chuyện tận mắt. Nhưng đằng sau câu chuyện đó, chúng ta nhận thấy cái mà mình còn thiếu, đặc biệt là khi du lịch Việt Nam mới bị đánh giá khá thấp ở hai mảng hạ tầng du lịch và văn hoá trong chỉ số cạnh tranh du lịch mới nhất được Diễn đàn kinh tế thế giới công bố.

Chuyện trình diễn âm nhạc ở nơi công cộng, địa điểm du lịch chúng ta có thể gặp rất nhiều ở những quốc gia khác và chúng ta vẫn mặc định cho rằng người nghệ sỹ đường phố được tự do trình diễn ở bất kỳ đâu mà người ấy muốn. Song thực tế lại khác, tùy quy định của từng chính quyền thành phố, người nghệ sỹ đường phố sẽ phải chấp hành những thủ tục, xin những loại giấy phép khác nhau. Đặc biệt là việc trình diễn có sử dụng các hỗ trợ về tăng âm, bởi âm thanh cường độ lớn có thể gây ảnh hưởng đến môi trường chung.

Ngoài ra, chuyện cầm cây đàn guitar ngồi hát tại 1 quán café vỉa hè (như những người nghệ sỹ già ở đồi Montmartre - Paris chẳng hạn) khác hẳn với việc trình diễn và có nhận tiền của khách vãng lai. Những quy định đó nói chung rất cụ thể, và có thể phải đóng phí (rất thấp) song đặc biệt việc cấp phép được tiến hành rất nhanh gọn để không cản trở mục đích của người nghệ sỹ.

Từ đó, chúng ta hiểu rất rõ rằng, ở các tuyến phố đi bộ của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tức là những tuyến phố văn hoá phục vụ du lịch đặc trưng, chưa hề có một quy chế riêng để người dân tham gia vào đó hiểu được quyền lợi và trách nhiệm của mình.

Sẽ không có ồn ào đáng tiếc xoay quanh chuyện chú bé 15 tuổi chơi violin ở Bờ Hồ nếu như ngay từ tháng 9-2016, khi tuyến phố đi bộ quanh Bờ Hồ được thiết lập, có một quy chế rõ ràng về việc trình diễn nghệ thuật ngẫu hứng đường phố với sự phân tách cụ thể đâu là chơi đàn cho vui (phục vụ riêng mình và một nhóm nhỏ bạn bè), đâu là trình diễn ngẫu hứng công cộng.

Và khi người cán bộ công quyền không có công cụ làm cơ sở (các hành lang pháp lý), anh ta hoàn toàn có thể bị nhìn nhận tiêu cực. Trong khi đó, người nghệ sỹ đường phố cũng không có chỉ dẫn pháp lý cơ bản để tham khảo và dễ dàng để mình rơi vào trạng thái vi phạm pháp luật.

Nietzsche đã từng nói "không âm nhạc, cuộc đời này là một sai lầm vĩ đại". Vậy thì phải để âm nhạc bước ra những con đường mà không có một sai lầm bé nhỏ nào, bằng những quy ước pháp lý cụ thể.
Văn Đoàn
.
.