“Tiến hoá” trong mạng xã hội
- Cẩn trọng với thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội
- Bài trừ nạn trục lợi, vu khống trên mạng xã hội
- Cảnh báo hành vi lừa đảo qua mạng xã hội
- Mạng xã hội và những cuộc biểu tình không thủ lĩnh
Mạng xã hội bùng nổ và thay đổi gần như toàn bộ diện mạo đời sống hiện đại. Rất nhiều những thứ tiêu cực của mạng xã hội đã hình thành nên một nỗi sợ thực sự đối với con người. Những điều tiêu cực đó, những mối đe doạ đó là có thật. Điển hình là tin giả (fakenews), là bắt nạt trên mạng (cyber bully), là quyền riêng tư bị xâm phạm… Nhưng những thứ đối lập đều tồn tại song song với nhau. Có tiêu cực, ắt hẳn phải có tích cực.
Một đồng nghiệp đặt ra câu hỏi: “Anh có thấy là dư luận Việt Nam bây giờ chỉ quan tâm đến những tin tức tiêu cực hay không?”. Tôi đã trả lời: “Đó là điều bình thường, không chỉ ở Việt Nam, mà ở trên toàn thế giới. Xu hướng tò mò, bị thu hút bởi những gì tiêu cực là có thật”.
Thời đại số hoá - ảnh nguồn internet. |
Cơ bản, không phải con người ưa thích sự xấu xa mà họ thực chất quan tâm đến những gì “thật” hoặc “có vẻ rất thật”. Những tin tức tiêu cực thường có độ chân xác cao, nhiều khi đến trần trụi. Trong khi đó, những tin tức tích cực lại dễ bị hoài nghi là “dàn dựng”, dễ bị quy kết rằng “ấy là câu chuyện giả”.
Nhưng thực sự những tín hiệu tích cực vẫn bừng nở. Điển hình là câu chuyện về những tuyển thủ Đội tuyển Việt Nam, tuyển thủ U22 hôm nay. Rất nhiều người đều có chung nhận xét “Lứa cầu thủ này chững chạc, ăn nói mạch lạc, phát biểu đâu ra đó, hơn hẳn những lứa đàn anh, đàn chú”. Có người cho rằng hệ thống giáo dục học đường của các lò đào tạo bóng đá trẻ hôm nay tốt hơn xưa rất nhiều. Nguyên nhân ấy cũng đúng. Nhưng nguyên nhân lớn hơn cả chính là do… mạng xã hội.
Khác với đàn anh, đàn chú đi trước, lứa cầu thủ hiện nay khi mới 6-7 tuổi đã bắt đầu được biết đến những khái niệm mạng xã hội và có thể họ đã tham gia chơi mạng xã hội từ 12-13 tuổi. Họ hằng ngày tập quen với những đối thoại, những xu hướng trên mạng, những thái độ phổ thông của cộng đồng. Họ phải quen với đời sống ấy từ khi còn rất trẻ, từ tuổi bắt đầu định hình tính cách.
Việc tập quen với áp lực cũng là điều đương nhiên. Vì thế họ đã có một bản lĩnh vượt trội các thế hệ đàn anh khi đối diện các đối thủ khó. Hà Đức Chinh, chỉ một năm trước thôi là tâm điểm của chửi bới, chê bai, công kích. Vậy mà chàng trai ấy vẫn nhẹ nhàng vượt qua thử thách để chứng minh giá trị của mình ở SEA Games vừa rồi.
Nhìn vào cách ứng phó, cách sử dụng ngôn ngữ của giới trẻ, chúng ta sẽ nhận ra rằng họ có một sự linh hoạt rất đáng khen so với một vài thế hệ trước. Quá trình đối thoại liên tục trên mạng xã hội, thậm chí phải đối thoại gay gắt đã buộc họ phải học lấy một kỹ năng đối thoại cho phù hợp với không gian mạng ấy. Kỹ năng khi đã ăn vào ý thức, nó thay đổi thế hệ trẻ thực sự. Chúng ta có thể gọi đó là một quá trình tự học, một quá trình “tiến hoá” trong mạng xã hội.
Cái cách mà Sơn Tùng M-TP tuyên ngôn khi thành lập tập đoàn giải trí của mình đủ để những người lớn phải giật mình. Không nói về “tôi” nữa, Sơn Tùng M-TP lựa chọn “chúng ta”, một lựa chọn khôn ngoan và quá già dặn, đáng khích lệ. Những con người như Sơn Tùng M-TP, như Đoàn Văn Hậu của bóng đá, mạng xã hội đã lan tỏa một hình mẫu “giấc mơ lớn” kích thích người trẻ ở Việt Nam vượt qua mặc cảm tự ti để hình thành giấc mơ lớn riêng cho mình. Tín hiệu tích cực đó, rất tiếc, lại ít được người ta nhắc tới trong khi nỗi sợ mạng xã hội lại liên tục được thổi phồng lên như một con quái vật.
Sẽ có những người lập luận phản bác cho rằng mạng xã hội đã tạo ra những bi kịch, kiểu dạng như bi kịch tự sát của những ngôi sao giải trí Hàn Quốc trong năm 2019 này, hoặc tạo ra những thứ dị hợm kiểu như Khá Bảnh... Không thể phủ nhận, song nếu tỉnh táo, chúng ta có thể sẽ đồng thuận với nhau rằng “tiêu cực ấy không thể đại diện cho toàn bộ”. Trong khi đó, cái cách thế hệ trẻ phải cải thiện mình để thích nghi với tranh luận; phải tập quen với việc sống trong các áp lực để có thể dễ dàng đối diện mọi áp lực ở đời thường… lại cho thấy sự phổ biến của tính tích cực mà mạng xã hội mang lại.
Đó là còn chưa kể tới việc kết nối rộng đã và đang giúp người trẻ chia sẻ kinh nghiệm nhanh hơn, càng giúp sự thích nghi diễn ra kịp thời hơn. Mạng xã hội ra đời, như một cực đối lập với vô vàn thứ tiêu cực để tạo ra sự cân bằng trong xã hội.
Nói về ích lợi hay tác hại của mạng xã hội có thể sẽ là một cuộc tranh cãi triền miên không hồi kết. Điều quan trọng là chúng ta đặt mình vào trong đó như thế nào, có bắt kịp và biết chắt lọc hay không mà thôi. Nhắc lại, làm được như thế chính là một bước “tiến hoá” trong thời đại số hoá này.