Thương về màu tím hoa sim
Cuối tuần về quê, nghe tin thằng bạn đồng niên gọi bảo: “Mi vô tau chơi uống rượu, ngắm hoa”. Ngạc nhiên bởi thú vui tao nhã của nó, vội tắm rửa và vào ngay. Mùa hè miền Trung oi ả, bước vô không gian vườn xanh mướt cây cỏ của nó, chợt thấy mát lòng. Nó hồ hởi khoe, vừa đi bứng được gốc sim già trên núi xa về trồng trong bình, hôm nay hoa đã nở rộ. Bất chợt gặp màu hoa tím ngày xưa ta không khỏi rưng rưng xúc động, nghe hồn mình trôi miên man về một miền dĩ vãng mờ xa.
Thuở ấy, cuộc sống mọi làng quê còn nghèo, văn minh thị thành chưa về tới ngõ. Trẻ con lớn lên một cách hồn nhiên và tự nhiên; chưa bị mê hoặc bởi những thiết bị công nghệ số; chẳng phân biệt giàu nghèo hay chênh lệch nhau vài ba tuổi. Thuở ấy, nhà nhà đều có một vài con trâu, bò làm đầu cơ nghiệp. Nhiệm vụ chăn trâu thường dành cho đứa nhỏ trong nhà.
Thuở mục đồng náo nức ấy, ta thích nhất là những chiều đông tê tái, lùa trâu lên đồng, trong tay đứa nào cũng có một vỏ ống sữa bò đựng những hòn than nóng hoặc bện nùi rơm giữ lửa.
Theo phân công, đứa giữ trâu, đứa tát cá, đứa móc cua trong hang, đứa đi bới trộm khoai lang. Khi đống lửa nhen lên, mùi đồng quê thơm thảo loang cả cánh đồng cùng ngọn khói. Cả bọn vừa thưởng thức đại tiệc vừa xuýt xoa trong cái lạnh của từng cơn gió Bấc. Nghĩ lại, bây giờ dẫu đã thưởng thức bao nhiêu sơn hào hải vị, ăn đủ món Á – Âu cũng chẳng có được cảm giác ngon như bữa tiệc tuổi thơ.
Còn những chiều hè, cả bọn lại lùa trâu lên động để thả. Sau khi nhảy ùm xuống đập để làm vơi cái nóng ngày hè, cả bọn lại chia nhau đi hái những trái sim chín mọng ẩn hiện dưới lùm cây. Động Mũi Thuyền ngày ấy còn nguyên sinh. Lác đác vài cây bạch đàn cằn cỗi, những cây bốm, cây dầu trồng thuở còn hợp tác, còn lại là bạt ngàn cây dại: Hoa dành dành, hoa mua, hoa sim, hoa mẫu đơn (bông trang), hoa trinh nữ (thẹn thẹn), hoa cỏ may, hoa chua me đất, thậm chí còn cả những bụi hoa lau trắng muốt ngày cuối năm…
Những trái sim rừng quê mình thường được gọi dân dã là “sim trâu” bởi khi chín căng mọng, tròn lẳn, màu hồng tím. Sim có nhiều công dụng với sức khỏe con người như bổ huyết, trị bệnh đường tiêu hóa, trị chứng chóng mặt, ù tai, mất ngủ… Điều ấy sau này lớn lên mới biết, còn thuở ấy những đứa trẻ quê bị hấp dẫn bởi vị ngọt lịm của sim. Có lúc sung sướng khi phát hiện được bụi sim chưa đứa nào tìm đến. Có bụi to phải đến hàng chục, thậm chí cả trăm quả. Hái đầy túi áo quần, đầy mũ nón; cả bọn tập trung dưới bóng râm vừa kể chuyện tếu vừa thưởng thức hương vị của núi rừng…
Vừa cụng ly với thằng bạn vừa hàn huyên về những kỷ niệm chưa lâu mà đã như mịt mờ trong miền nhớ. Vẫn những bông hoa nở tím ngắt, lặng thầm nhưng giờ ta thấy sao nó chẳng còn quyến rũ. Phải chăng nó là loài cây hoang dại nên không quen sự chăm chút, tỉa tót của con người? Phải chăng nó đơn độc trong môi trường xa lạ nên không dâng hiến hết mình phô sắc biếc? Phải chăng nó chỉ thuộc về khí hậu, thổ nhưỡng của những núi rừng bạt ngàn xanh ngày xưa?
Bâng khuâng chợt nhớ, chợt thương như những lần trước đây khi ta đi lại trên con đường thiên lý Nam Bắc, qua địa phận Kỳ Anh, Hà Tĩnh lại thấy nhiều người dân bưng rổ sim, vẫy tay rao bán cho khách qua đường. Ta chợt nhớ đến lời bài thơ man mác buồn của tác giả Hữu Loan “… Những đồi hoa sim/ những đồi hoa sim dài trong chiều không hết/ Màu tím hoa sim/ tím chiều hoang biền biệt…”. Ta nhớ lần du lịch ở Đảo ngọc Phú Quốc, đến với cơ sở sản xuất rượu sim nổi tiếng, lang thang dưới cánh rừng sim bạt ngàn mà vẫn không sao tìm thấy một chút nào bóng dáng tuổi thơ xưa…
Ngắm những bông hoa tím xinh tươi trước hiên nhà bạn, ta bồi hồi bao nỗi nhớ. Tuổi thơ gần đấy mà xa. Cánh hoa tím mong manh đã làm ta vừa như tìm thấy vừa như để vuột mất một điều gì quý gá. Những ngày hồn nhiên và bình yên, không lo toan, muộn phiền ấy đã thành quá vãng. Bùi ngùi tiếc nhớ, ta tự dưng thấy yếu lòng khi thương về một sắc tím hoa sim…