Thơ của... nhà văn
- Nhà văn Hồ Phương: “Viết bao nhiêu cũng chưa đủ trả nợ cuộc đời”
- Chuyện chưa bao giờ kể về nhà văn, nhà biên kịch Đoàn Lê
- Nhà báo, nhà văn Dương Thành Truyền: Người đi “săn chữ”
- Nhà văn Nguyễn Quang Sáng: Chi tiết nhỏ cho cuộc đời lớn1
- Nhà văn hóa Nguyễn Văn Xuân: Người Quảng hay cãi
1. Nhà văn ở đây, xin hiểu là những người viết văn xuôi và những người viết lý luận, phê bình văn học. Họ làm những việc ở lĩnh vực chuyên môn của mình, thường không làm thơ để đăng báo, in sách, nhưng thỉnh thoảng cũng có làm thơ để... chơi, hoặc để tặng người thân, bạn bè. Với những cung bậc, sắc thái khác nhau, nhiều khi thơ họ làm cho người đọc ngạc nhiên, thích thú, có cả những khi làm người đọc phải ... phì cười nữa!
Ta hãy xem qua vài trường hợp.
2. Chắc rất ít người nghĩ rằng mình có thể được đọc thơ của một nhà chuyên nghiên cứu và lý luận như Đặng Thai Mai (1902-1984). Hiện mới thấy hai bài của ông in ở vài quyển sách và có in trong “Toàn tập Đặng Thai Mai” (Nhà xuất bản Văn học, 1997). Đây là bài “Từ biệt bạn”, Đặng Thai Mai viết trong những ngày bị giam ở nhà lao Huế, năm 1930 (vì phụ trách phong trào Cứu tế đỏ ở Huế).
Từ biệt bạn:
Trần đồ phân Nam Bắc
Liếc phong quang chạnh tiếc lúc tao phùng
Trước sông Hương gió cuốn bụi hồng,
Đường dặm liễu chân trời trông xanh ngắt.
Thử địa, thử nhân, tùng thử xuất
Nào cung đàn nghe réo rắt giọng hoài nhân.
Thôi can chi mà chuốc não cưu hờn,
Cười một tiếng nhấp ngon liều biệt hận.
Mảnh thân thế hẹn tang bồng nợ sẵn.
Mượn vần thơ mà nhắn bạn tâm giao.
Tình sâu, bể rộng, non cao,
Yêu nhau thấu hiểu lòng nhau mới là.
Tiễn đưa một chén quan hà!
Lời thơ già dặn. Giọng thơ gần với các nhà cách mạng cũng là các nhà thơ đương thời như Huỳnh Thúc Kháng, Trần Huy Liệu... hay trở về trước nữa như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến....
Từ trái qua: Nhà văn Nguyễn Công Hoan, Giáo sư Đặng Thai Mai, nhà phê bình Hoài Thanh và Nhà giáo nhân dân Huỳnh Lý. |
3. Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Huỳnh Lý (1914-1993) suốt đời gắn bó với văn chương, chủ yếu trong các lĩnh vực nghiên cứu, biên soạn sách giáo khoa và dịch thuật. Ông được nhiều thế hệ học sinh, sinh viên và đồng nghiệp kính trọng vì còn là một nhân cách lớn.
Một sinh viên của ông tên là Bạch Mai có lần kể lại tài thơ của ông (trong quyển “Nhà giáo nhân dân Huỳnh Lý - cuộc đời và tác phẩm”, Nhà xuất bản Giáo dục, 2005): Hồi thầy trò sơ tán lên núi rừng Thanh Hóa, trong thời gian kháng chiến chống Mỹ, một hôm cô và bè bạn thích thú, vui mừng chuyền tay nhau những bức thư vừa nhận được của gia đình, bè bạn. Gặp đúng lúc Giáo sư Huỳnh Lý đi đến, Bạch Mai khoe nhận được thư của người bạn là Hải Đường đang học Trường Y. Thật bất ngờ, Giáo sư Huỳnh Lý ứng khẩu luôn một bài tứ tuyệt:
Hai bạn Bạch Mai với Hải Đường
Ghi lòng tạc dạ lắm yêu thương
Hai hoa dù cách sông ngăn núi
Vẫn mãi giao tình dưới ánh dương.
Các cô, các cậu sinh viên lúc ấy tròn xoe mắt kinh ngạc, lần đầu thấy thầy giáo mình làm thơ, mà làm thơ rất nhanh! Quả thật, đến các nhà thơ chuyên nghiệp cũng không phải ai cũng làm được những câu thơ có ý nghĩa như thế trong một khoảng thời gian nhanh đến thế!
Đọc một bài nữa để thấy tài thơ của Giáo sư Huỳnh Lý: bài tặng Giáo sư Hoàng Như Mai dịp ông được Nhà nước tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân:
Vững một niềm tin
Nhà giáo nhân dân có những ai?
Trên đài nghe rõ tiếng anh Mai.
Hội An còn nhớ lời ca kịch,
Hà Nội chưa quên giọng giảng bài.
Món nợ văn chương vương vấn mãi,
Mối tình nghệ thuật tỉnh say hoài.
Dạy văn “tải đạo” con thuyền nhỏ,
Vững một niềm tin lại chắc tay.
20-11-1990
4. Không mấy ai biết nhà phê bình Hoài Thanh (1909 - 1982) có làm thơ. Phải đến khi bộ “Hoài Thanh toàn tập” in ra (Nhà xuất bản Văn học, 1999), người ta mới được đọc hai bài thơ của ông.
Tôi đã có dịp nói về bài “Viết cho Bền” là một trong hai bài ấy. Nay giới thiệu bài còn lại (không thấy ghi tên bài) dù có hơi dài; vì tìm được bài thơ này đối với nhiều người không phải chuyện dễ (Bài này còn... khá hơn bài “Viết cho Bền”).
Đọc hai bài thơ của Hoài Thanh chắc không ít người ngạc nhiên: Ở quyển “Thi nhân Việt Nam - 1932- 1941” ông tinh tế bao nhiêu trong việc nghiên cứu phê bình thơ, thì ở đây, ông vụng về bấy nhiêu trong việc làm thơ:
Bền ơi, thương em quá đi thôi!
Thương từ cái miệng em cười
Hàm răng em trắng muốt
Thương tấm thân em mát rượi dưới tay anh
Thương trí em thông minh
Đôi tay em cần cù, khéo léo
Tính tình em hiền hòa điềm đạm
Quý bè bạn, giúp bà con
Cách xử thế luôn trọn tình, trọn nghĩa
Càng thương em mười mấy năm trời một mình
vò võ mà với nhân dân, với Tổ quốc, vẫn một dạ thủy chung
Khuya sớm tính toan
Ngược xuôi vất vả
Chỉ mong sao góp hết sức mình
Thêm ấm no cho miền Bắc
Bớt đau khổ cho miền Nam
Khi hai đứa mình gặp lại nhau thì cuộc đời riêng đà xế bóng
Có ngờ đâu bỗng lại tràn ngập ánh xuân tươi
Em đến với anh như nàng tiên trong chuyện cổ
Miếng cơm, giấc ngủ
Cả những điều anh suy nghĩ
Những bài anh viết
Những việc anh làm
Tất cả đều sưởi ấm trong tình em âu yếm
Nhưng em đâu phải chỉ là em
Trong tâm trí anh em còn là hình ảnh yêu mến
của chuyến đi ngày trước
Và cũng là hình ảnh của hạnh phúc ngày mai
Khi sạch bóng quân thù
Em dẫn anh về trên quê hương Nam bộ
Anh vốn không hay làm thơ
Nhưng lần trước gặp em đã có mấy câu đề tặng
Nay anh lại muốn mượn lời thơ nói đôi điều tâm sự
Nhưng em ơi, thương em nói mấy cũng không cùng.
1-4-1969
5. Cũng không mấy ai biết rằng nhà văn Nguyễn Công Hoan (1903 -1997) đã làm thơ, và làm không ít. Bài thơ đầu tiên của Nguyễn Công Hoan chắc là bài này, in trên “An Nam tạp chí” số 32, 12-3-1932, họa lại một bài thơ của nhà thơ Tản Đà (1888- 1939):
Trách ông lỗi hẹn
An Nam tạp chí ra đời
Xa thời chẳng trách, gần thời trách chơi
Trách ai lên phố Hàng Khoai
Tỉnh Đông lỗi hẹn, cho người chờ mong
Chè hương đượm, rượu men nồng
Vắng ai, ai cũng cảm lòng kém vui
Vô duyên đâu có nực cười
Năm Ngọ Nam Sách, năm Mùi Lao Kay
Năm Thân lại có lần này
Tìm nhau khó gặp như ai với mình
Ngày xuân vì gió đa tình
Thăng Long thổi lại cho mình gặp ai
28-2-1932
Nếu tính chất “trữ tình” quán xuyến cả bài thơ này, thì giọng trào phúng, hài hước lại có ở một loạt bài thơ khác viết tặng bạn bè. Ấy là các bài “Năm Dần mừng Tú Mỡ”, “Với Vũ Ngọc Phan”, “Kịch thơ” (về Vũ Ngọc Phan và vợ là Hằng Phương), “Vì sao?”, “Họa thơ Tú Mỡ”, “Tâm phúc với Đồ Phồn và Xích Điểu”, “Tìm đường ra” (kịch thơ về Tổng thống Mỹ Ních-xơn)...
Ta đọc thêm hai bài:
Với Vũ Ngọc Phan
Hằng Phương hỏi:
Vì sao sách chỉ đề tặng
Vũ Ngọc Phan?
Trách tôi không tặng chị
Nào tôi có lỗi đâu?
Vốn tôi biết từ lâu:
“Của anh ấy của chị”!
13-4-1974
Vì sao?
Vì sao Tú Mỡ sống dai
Thì ra chuyện cũng khôi hài lắm thay.
Vốn Trời vẫn ngậm cay nuốt đắng,
Vì Tú ta đã chẳng kính Trời,
Gọi là “xừ” để mua cười,
Là “thằng xỏ lá” chao ơi, nhục nhằn!
Trời đập nậm xuống bàn chan chát,
Mắt trợn tròn, miệng ngoác đến tai,
Gọi Thiên Tào với tay sai:
“Cái tên Tú Mỡ là ai thế mày?”
Ta truyền lệnh cắt ngay hộ khẩu,
Bắt lên đây, ta nhậu với gan,
Cho chừa cái thói chửi càn,
Cho chừa cái thói chửi tràn cả ta!”
Thiên Tào vội điều tra, luống cuống,
Nhờ Xi-a đưa xuống địa cầu,
Hỏi thăm Hà Nội địa đầu
Hỏi cầu bằng giấy ở đâu để tìm.
Bắt thằng béo, kẹp kìm lòi mỡ,
Phớt lờ đi những đứa gầy còm.
Cho nên lọt lưới lọt hom
Khẳng khiu khô đét, Tú Nhom lại cười.
Thỉnh thoảng ốm, ốm chơi, ốm bỡn.
Vào Việt - Xô ngày phởn với thơ
Đêm khuya kéo nhị ì o
Để khoe Tú Mỡ cử cò tài ba!
|Vào cổng trước rồi ra cổng trước,
Vì xưa nay mực thước sống quen,
Phải đâu nhờ chuyến tàu lên
Vả còn đợi vé, khó chen hàng dài.
Chuyện là thế, ai ai cũng thích
Trời có oai, nhưng đếch thấy gì
Rồi đây dai dẳng lợm lì
Tú ta sống lậu, cười khì với con
Đêm 1-1-1975