Thơ Việt đang chuyển động
- Tìm kiếm và sáng tạo thi ảnh trong thơ Việt
- Nhịp điệu, tiếng gọi quyến rũ của thơ Việt
- Một cách thưởng thức cấu trúc thơ Việt
Có nhà nghiên cứu văn học cho rằng, thơ Việt Nam hiện đại hình thành và phát triển khoảng một thế kỷ trở lại đây, vắt qua ba thời kỳ lịch sử. Đó là, giai đoạn 1930 - 1945 của thế kỷ 20 với thành tựu nổi bật, nói như Hoài Thanh là tạo ra được một “thời đại thi ca” với những tên tuổi nổi bật của phong trào thơ mới như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử…
Thời kỳ “thơ kháng chiến” có thể tính từ 1945 - 1975 khi đất nước trải qua hai lần chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ lâu dài, gian khổ, nhiều đau thương nhưng cũng rất anh hùng với các nhà thơ cách mạng như Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Trung Thông, Trần Hữu Thung, Minh Huệ, Trần Mai Ninh, Hữu Loan, Trần Dần, Hoàng Cầm, Vũ Cao, Quang Dũng, Phạm Ngọc Cảnh, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Anh Ngọc, Vương Trọng, Hoàng Nhuận Cầm, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây, Phan Thị Thanh Nhàn, Trần Đăng Khoa…
Sau năm 1975, dân tộc bước vào công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc với những gian nan, ngặt nghèo không lường hết. Thời hậu chiến, thơ Việt có những chuyển động mạnh mẽ, đa chiều, đa dạng tạo nên diện mạo như ta thấy bây giờ.
Không quá khó khăn để nhận ra rằng, nền thơ Việt hiện nay đông đảo và đa dạng về lực lượng, qui mô sáng tác, quan niệm nghệ thuật; phong phú về đề tài, chủ đề, cảm hứng, tư tưởng, thể loại, ngôn ngữ, hình ảnh, giọng điệu, bút pháp. Sự thật chưa bao giờ người làm thơ ở nước ta nhiều như bây giờ. Nhiều đến mức người ta phải nói tới sự “lạm phát thơ” như một hiện tượng đời sống đáng lo ngại.
“Gặp nhau tay bắt mặt mừng/ Tặng gì thì tặng xin đừng tặng thơ”. Thế đấy, thơ trở thành đối tượng châm chọc mỉa mai của ai đó, ở đâu đó. Thật buồn. Nhưng thiết nghĩ, không sao cả, còn ngôn ngữ thì còn thi ca; thơ tự biết cách lo liệu cho mình. Thực tế minh chứng rằng sau năm 1975 và đặc biệt từ 1986 đến nay, không phải không có những nhà thơ đích thực và những thi phẩm hay, gây xúc động với nhiều người đọc xuất hiện trên các ấn phẩm bằng giấy và cả trên mạng.
Thơ hầu như ôm hết mọi phạm vi hiện thực xã hội (quá khứ - hiện tại - tương lai; chiến tranh - hoà bình; biên cương - biển đảo; đời thường - tâm linh; ý thức - vô thức; thật - ảo...), đủ các cung bậc, trạng thái tinh thần của con người. Như vậy, thơ không còn chịu bó khuôn trong một vài đề tài, nội dung nào nữa và không gian thi ca có thể nói đã và đang mở ra vô cùng tận. Thơ cũng là một trong những nhịp cầu kết nối các nền văn hóa, các dân tộc, con người với con người trên nền tảng phẩm giá chung của nhân loại.
Thơ Việt hiện thời có các hình thức kết cấu khá đa dạng trong một thế giới siêu phẳng hết sức cởi mở và dư thừa thông tin. Chính điều này đã mở ra các ô cửa cho người làm thơ có cơ hội nhìn vào thế giới bao la. Những trào lưu sáng tác bên ngoài lãnh thổ ùa vào ta, ít nhiều tác động vào đội ngũ làm thơ trong nước. Xu hướng tìm tòi thể nghiệm trong sáng tác là cách làm của không ít tác giả, nhất là với người trẻ. Tôi nghĩ nó như là hệ quả của sự kết nối, giao thoa trong phạm vi toàn cầu. Đã xuất hiện nhiều dạng thức sáng tác như thơ siêu thực, thơ tượng trưng, thơ văn xuôi, thơ haiku, thơ cấu hình, thơ lập thể, thơ hậu hiện đại, thơ tân hình thức…
Theo dõi chuyển động thơ Việt hiện thời, tựu trung lại chúng ta thấy có hai xu hướng. Một là tiếp tục kế thừa hoặc làm mới truyền thống. Hai là mạnh bạo cách tân trên cơ sở tiếp thu những trào lưu phương pháp sáng tác của thơ thế giới. Những biến đổi về hình thức thơ là đặc điểm không thể bỏ qua về thơ hiện nay. Tuy nhiên, sự biến đổi này cũng từng gây ra nhiều cuộc tranh luận bất phân thắng bại. Dù theo xu hướng nào thì thơ phải luôn được đổi mới. Truyền thống hay cách tân đều phải đổi mới. Đổi mới cả nội dung lẫn hình thức. Đó là quy luật phát triển của thơ.
Khi hiện thực cuộc sống đổi thay, cái tôi cá nhân trỗi dậy mạnh mẽ, thì thơ mang dấu ấn của người sáng tác rất rõ. Ai chưa tạo ra được dấu ấn này coi như chưa thành công trong sáng tác thơ. Chính dấu ấn sáng tạo riêng biệt của nhà thơ đã tạo nên tính đa thanh, đa điệu, đa sắc của thi đàn. Dấu ấn sáng tạo riêng biệt của nhà thơ không gì khác chính là cái đích họ cần đạt được. Đó cũng là cái để phân biệt nhà thơ này với nhà thơ khác. Chính vì thế mà Xuân Diệu đã từng viết, xin nhắc lại: “Thơ phải xuất hiện từ thực tại, từ đời sống, nhưng phải đi qua một tâm hồn, một trí tuệ, và khi đi qua như vậy, tâm hồn, trí tuệ phải in dấu vào đó thật sâu sắc, càng cá thể, càng độc đáo càng hay”.
Nghi thức thả thơ rất độc đáo trong Ngày thơ Việt Nam. |
Thơ luôn chịu sự đãi lọc muôn vàn nghiệt ngã của thời gian và những bài thơ, câu thơ hay bao giờ cũng ít ỏi khan hiếm. Đấy là lý do vì sao nhiều tuyển tập thơ chung và riêng thường không làm thỏa mãn người đọc. Nghĩ rằng, thơ truyền thống hay cách tân nếu có chất thì đều chinh phục được bạn đọc cả. Cái quan trọng là tạo ra được chất thơ trong tác phẩm của mình. Cho đến bây giờ, chúng ta thấy thơ viết theo xu hướng truyền thống cũng không sợ bị cũ kỹ, lỗi thời. Đổi mới thơ không phải là quay lưng hay phủ định thơ truyền thống. Trái lại, trong sự chuyển động của thi ca Việt hiện nay rất cần sự đổi mới nhưng có cái mới nào lại không kế thừa và phát triển trên nền tảng của quá khứ.
Sự chuyển động thi ca Việt sau năm 1975 cho đến nay nên nhìn ở cả hai mặt nội dung và hình thức. Cùng với sự biến động lớn lao, ồ ạt của xã hội, đặc biệt là hình thức kinh tế thị trường gắn với quá trình đô thị hóa nhanh chóng trong bối cảnh hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa ngày càng sâu sắc chứa đựng muôn vàn ảnh hưởng và hệ lụy, sự giao lưu văn hóa mở rộng từ vùng miền đến khu vực và thế giới đã có những tác động đáng kể đến thơ ca.
Những cách tân của thơ sau năm 1975 vừa do yêu cầu nội tại (của người sáng tác, của xã hội) vừa chịu ảnh hưởng từ các trào lưu, luận thuyết thơ có nguồn gốc từ nước ngoài. Trong sự đổi mới của thơ nước ta hiện nay cần phải ghi nhận sự đóng góp của thơ cách tân, kể cả nội dung và hình thức, đặc biệt là hình thức. Tuy rằng, thơ cách tân đang gặp những trở ngại đáng kể từ phía một bộ phận không nhỏ người viết, người đọc nhưng phải thừa nhận nó có đóng góp cho việc đổi mới hình thức thơ ở Việt Nam trong mấy năm qua.
Niềm tin vào sự chuyển động của thơ Việt thời hậu chiến chưa hề thất thoát trong phần lớn người sáng tác và tưởng thức; tất nhiên không phải từ những tuyên ngôn cao giọng đó đây, càng không phải từ các thể nghiệm dung tục, bôi đen, ám chỉ... Chúng ta cảm nhận và khâm phục những cái mới đích thực của thơ từ hàm lượng sáng tạo chứa trong đó. Hàm lượng sáng tạo càng cao càng chinh phục được nhiều người. Trong từng tác phẩm thơ phải toát lên được sự tự do của con người, của sáng tạo nghệ thuật. Thơ phải chứa trong nó nhân vật trữ tình, câu chuyện trữ tình của chính thời đại chúng ta đang sống và mặc nhiên bạn đọc đương thời sẽ tìm thấy ở đó những tình cảm và suy tư của mình. Nói theo Chế Lan Viên thì:
“Hãy mang con mắt thời đại anh để nhìn trời mưa cũ
Nếu không, dù anh có tuôn xuống “trăm câu nghìn chữ”
Cũng thừa…”.