Thơ Việt Nam sau năm 1975, một phác thảo nhỏ

Chủ Nhật, 17/07/2016, 08:20
Thơ bám riết vào cuộc sống, lấy phôi liệu từ hiện thực xã hội trong đó có hoàn cảnh của riêng mình để dựng nên cấu tứ, tìm tòi chọn lọc hình ảnh, sử dụng ngôn ngữ trên nền xúc cảm chân thật, sâu sắc là xu hướng chung của nhiều tác giả.Thơ thực sự quan tâm đến cuộc sống đời thường, thân phận con người trong đó có cái riêng, cái cá thể...


Thơ truyền thống và những dấu ấn nổi bật. 

Quá khứ thật ám ảnh và đó là lý do để cho dòng thơ viết về chiến tranh tiếp tục chảy với những lưu vực rộng rãi hơn cùng độ sâu mới. Chúng ta cần ghi nhận đây vừa là sự tiếp nối đầy trách nhiệm công dân và nhân bản của thơ kháng chiến vừa là sự bù đắp, bổ sung cho những gì các lớp nhà thơ chưa viết ra được.

Nếu như thời chống Mỹ thơ hướng tới cái to lớn, cao cả, tràn ngập chất anh hùng ca thì sau năm 1975 nhiều tác giả đi sâu khai thác cái bi thương, mất mát trong chiến tranh. Độ lùi về thời gian càng xa thì văn học nói chung và thơ nói riêng càng có cái nhìn về chiến tranh điềm tĩnh, kỹ càng, đầy đủ sát đúng hiện thực hơn.

Chiến tranh được soi chiếu ở nhiều mặt, nhiều tầng, nhiều góc khác nhau trên mẫu số chung là thân phận con người xã hội không phân biệt địch - ta. Nhiều tác phẩm thi ca buốt nhói những đau đớn, xót xa gây chấn động mạnh trong lòng bạn đọc.

Khai mạc Ngày thơ Việt Nam năm 2016 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Thơ viết về chiến tranh sau năm 1975 biết lắng xuống để chạm đúng vào nỗi buồn đích thực của Nhân dân đã từng bị khuất lấp trong ngân nga hào sảng một thời. Có thể nói rằng, như để bổ sung, bù đắp phần thiếu hụt khá lớn cho thơ trước năm 1975, thơ thời hậu chiến có nhiều ngậm ngùi, đau thương. Thơ chất chứa những hoài niệm khôn nguôi và bộn bề trăn trở day dứt. Trong nhiều trường ca, bài thơ viết về chiến tranh ta dễ dàng cảm nhận được điều đó. Và, mặc nhiên điều này cũng trùng khít với tâm cảm dân tộc thời hậu chiến như là sự tri ân, tưởng nhớ những người đã ngã xuống trong chiến tranh.

Thơ về biên giới, biển đảo xuất hiện ngày càng nhiều hơn và đã có những tác phẩm lan tỏa nhanh trong công chúng. Có thể xem đấy cũng là những cột mốc thi ca khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Thơ bám riết vào cuộc sống, lấy phôi liệu từ hiện thực xã hội trong đó có hoàn cảnh của riêng mình để dựng nên cấu tứ, tìm tòi chọn lọc hình ảnh, sử dụng ngôn ngữ trên nền xúc cảm chân thật, sâu sắc là xu hướng chung của nhiều tác giả.

Thơ thực sự quan tâm đến cuộc sống đời thường, thân phận con người trong đó có cái riêng, cái cá thể.

Xét về mặt nghệ thuật, thơ viết theo xu hướng truyền thống vẫn trung thành với những khuôn thức thi ca quen thuộc, tuân thủ đúng lề luật thi ca đã có, coi trọng tứ thơ, chất liệu đời sống và gần với cách cảm thụ lâu nay của công chúng Việt. Có lẽ, cái mới của xu hướng thơ truyền thống không nằm ở cái "vỏ" hình thức chung chung hay ham chuộng sự bí ẩn, bí hiểm, chủ trương giải thiêng, giễu nhại, thích thú hình ảnh ngôn từ "gây sốc"… Cái mới nằm trong sự phát hiện những nguồn cơn khởi phát thi ca, tìm ra những thi ảnh lấp lánh và sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ nhuần nhụy sáng tạo.

Biên độ của sự liên tưởng trong thơ được mở ra vô tận, bất ngờ nhưng không hề lạ lẫm khoa trương và quan trọng hơn là sức gợi, sức nghĩ của nó rất lớn: "Mảnh đất nghèo mồng tơi không kịp rớt/ Lúa con gái mà gầy còm úa đỏ/ Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ/ Không ai gieo mọc trắng mặt người" (thơ Hoàng Trần Cương); "Thời gian lên men thầm lặng trong bình/ Ý chí sủi tăm đáy chén" (thơ Lê Thành Nghị); "Đêm chồng vợ bị cắt làm hai nửa/ Mắt em khuya chảy máu cả trăng liềm" (thơ Trần Mạnh Hảo); "Chim ngói cả tin mắc lồng oan nghiệt/ Ngọn tơ hồng chết nghẹn giữa bòng bong" hay: "Một chút lửa hoa dong riềng cuối dậu/ Sợ một ngày sương muối đến đem đi"… (thơ Hữu Thỉnh); "Câu thơ nấp ở sân đình/ Nhuộm trăng trăng sáng, nhuộm tình tình đau" (thơ Đồng Đức Bốn); "Một mai trắng xóa cõi màu/ Thời gian chẳng trước chẳng sau chẳng gì" (thơ Đỗ Trọng Khơi)…

Thơ cách tân trong chuyển động thi ca Việt

Những người sáng tác thơ theo xu hướng cách tân hình như đang cố chứng minh thơ hiện đại, hậu hiện đại là sự lựa chọn tất yếu cho sự đổi mới của thơ Việt hiện nay. Theo họ, dạng thơ rõ ràng, dễ hiểu, du dương xưa nay không còn hợp thời nữa. Đã có những phát ngôn đó đây trên các diễn đàn văn nghệ cổ súy cho thơ hiện đại, hậu hiện đại xem nó như là cứu cánh cho sự phát triển của thơ Việt hiện nay.

Theo tôi, điểm chung nhất mà các nhà thơ cách tân ở nước ta muốn hướng tới là một trật tự thơ mới. Trong thơ của họ thường xuất hiện những hình ảnh rời rạc, những kết hợp không thông thường, những cấu trúc lỏng lẻo, những thủ thuật cắt dán, những chồng lấn, những mập mờ…

Biểu hiện của vô thức, của những giấc mơ hay ảo giác mung lung cũng là cái hay gặp trong thơ cách tân. Yếu tố siêu thực như là một đặc điểm nổi bật trong thơ Lê Đạt, Dương Tường, Đặng Đình Hưng, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Quang Thiều, Dương Kiều Minh, Nguyễn Bình Phương, Mai Văn Phấn… và tiếp nối là những người trẻ hơn như Văn Cầm Hải, Vi Thùy Linh, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Đỗ Doãn Phương…

Một vài dẫn dụ: "Bầy em én/ tin xuân/ tròn mẩy áo/ Hội kênh đầy/ chân trắng ngấn sông quê/ Nắng mười tám/ má bờ đê con gái/ cây ải cây ai/ gió sải tóc buôn thề…" (Thơ Lê Đạt). "Kỉ niệm/ rớm xanh/ lối em đi/ em đi/ balcon rớm nắng/ rớm ánh nhìn/ mi cửa sổ/ rớm/ bóng em để lại/ em đi/ ngực nhụy/ rớm hương/ buồn tiền sử/ và em lại đi/ nắng rớm/ chiều đào…" (thơ Dương Tường).

"Hỡi mặt trời/ Ta không sao chịu nổi/ Lại một con sóng buồn vừa chết trước ta/ Và đâu đó từ những chân trời nước/ Từ những bãi tha ma biển/ Từ những con đường mòn của bầy cá lạ/ Vọng về bài ca hoàng hôn nước/ Và lúc này hơn mọi lúc nào/ Lúc mặt trời úp mặt vào biển/ Ta vẫn bước đi, bước đi/ Cát vẫn chảy mải miết qua cổ họng ta/ Bầu trời mặt biển trên đầu ta cao mãi/ Ta lẫn vào những đàn cá lạc/ Vừa bơi vừa ngân lên khúc hát gọi bầy…" (Thơ Nguyễn Quang Thiều).

Ở một phía khác qua theo dõi của tôi thì không phải lúc nào các nhà cách tân thơ cũng thờ ơ với cái thực. Tuy nhiên, không hiểu một số nhà cách tân thơ quan niệm về cái mới trong thơ ra sao mà lại đưa hiện thực vào thơ như "nướng gà cả lông" vậy.

Ví dụ: "Cái kéo. Phích nước. Chiếc bút…/ Dăm tờ giấy trắng/ cạnh biên bản, hình như một cuộc họp/ có ghi tên chủ tọa, thư ký và đại biểu cấp trên/ "Hôm nay, hồi 17 giờ 30, tại…/ Tổng số: 32/ Vắng: 04, có lý do…" (thơ Mai Văn Phấn). Tôi mơ thấy em hôm qua, vào khoảng đêm về sáng/ Rúc đầu vào chăn tôi ngủ nán/ Ngoài trời dần sáng bạch/ Người nhà bảo tôi lười quá/ Chỉ em gái lo tôi ốm …" (thơ Đỗ Doãn Phương)

Cho đến bây giờ thì thơ cách tân chưa có nhiều sự hậu thuẫn từ bạn đọc, đó là một thực tế. Con đường cách tân thơ như đã có đang thực sự dở dang. Những gì các nhà cách tân thơ công bố chưa đủ sức thuyết phục, mê dụ, lay động công chúng.

*

Thơ là phiên bản của tâm hồn. Chính vì thế ta mới nói rằng thi ca nước nhà là nơi lưu giữ tâm hồn Việt sâu sắc, vững bền nhất. Có những giá trị truyền thống của Dân tộc đã được gìn giữ, bảo lưu trong đó. Đổi mới thi ca không có nghĩa là chối từ, khước bỏ, quay lưng lại truyền thống mà ngược lại phải biết cách tân trên nền tảng những tinh hoa thơ Dân tộc.

Hầu như các nền thi ca trên thế giới đều mang trong nó những bản sắc, giá trị riêng biệt, độc đáo của dân tộc mình. Đổi mới thi ca cũng là quá trình làm mới, làm hay những bản sắc, giá trị ấy. Sùng ngoại, lai căng, bắt chước, học đòi không làm cho thơ hay hơn trái lại sẽ làm biến dạng, méo mó nền thơ Việt.

Sự đổi mới nào trước hết cũng phải hướng tới Nhân dân và Dân tộc mình. Thơ cũng thế. Đừng bao giờ để Nhân dân hờ hững, chối bỏ thi ca. Hạnh phúc của nhà thơ là được Nhân dân đón nhận tác phẩm một cách nhiệt thành. Và để có được hạnh phúc đó các nhà thơ vẫn phải trả lời 2 câu hỏi: "Viết cái gì? Viết như thế nào?" đã có từ lâu nhưng theo tôi chưa hề cũ.

Nguyễn Hữu Quý
.
.