Thấy gì sau đường dây bán dâm giá "khủng"
- Á hậu "dính" tin đồn liên quan đến đường dây bán dâm bị thu hồi danh hiệu
- Đường dây bán dâm liên quận tại TPHCM bị bóc gỡ
- Sinh viên trường cao đẳng tham gia đường dây bán dâm tiền triệu
- Triệt phá đường dây bán dâm ngàn đô có người mẫu, á khôi tham gia1
Việc những cái tên đình đám được nhắc tới ở cương vị nhân vật giải trí, người của công chúng hành nghề bán dâm nó khiến nhiều nghệ sĩ chân chính nóng mặt. Họ cảm thấy bị xúc phạm vì thực sự đang có sự đánh lẫn vào làng giải trí để mang danh "nghệ sĩ" nhập nhèm nhằm mục đích làm sang, làm "giá" phục vụ cho chuyện mua bán dâm đáng lên án.
Nhưng thực tế, chúng ta không thể không thừa nhận rằng, đã và đang có những công cụ để tạo ra sự đánh lẫn ấy. Những công cụ ấy được sử dụng một cách đắc lực để biến một nhan sắc vô danh trở thành "người có danh hiệu". Từ đó, người có danh hiệu kia lọt vào các sự kiện trong tư cách khách mời, sánh vai cùng nhiều nghệ sĩ tên tuổi, uy tín khác nhằm một mục đích: để có thể tự mạo nhận mình là nghệ sĩ.
Không hiểu từ bao giờ, thế giới nghệ sĩ lại mở rộng ra tới cả những người mẫu, hoa hậu, những cá nhân vốn dĩ chỉ được coi là nhân vật giải trí. Nghệ sĩ mà không có sản phẩm, tác phẩm nghệ thuật thì là loại nghệ sĩ gì? Và chính những nghệ sĩ lập lờ kiểu này đang khiến ngành nghệ thuật bị xem nhẹ, bị vấy bẩn và làm xấu hổ những con người chân chính.
Đáng buồn thay, lực lượng góp phần tung hô những nhân vật giải trí tầm thường kia thành nghệ sĩ lại chính là giới truyền thông. Giới này bấy lâu nay có thói quen chăm bẵm một vài nhân vật giải trí nào đó để lấy thù lao (rất lớn) và chính họ cũng làm nóng mặt nhiều nhà báo đúng nghĩa, có uy tín trong giới văn hoá văn nghệ vì bị đánh lẫn.
Nhưng một nguyên nhân không thể không kể đến chính là sự nở rộ đến dư thừa các cuộc thi sắc đẹp. Ở Việt Nam từ trước đến nay vốn dĩ chỉ có hai cuộc thi có bề dày, có sức nặng là Hoa hậu Hoàn vũ và Hoa hậu Việt Nam (tiền thân là Hoa hậu báo Tiền Phong). Nhưng với việc có cả chục cuộc thi nhan sắc khác được cấp phép, những người đẹp đăng quang vẫn nghiễm nhiên mang danh hiệu Hoa hậu, Á hậu như thể họ là đại diện tiêu biểu cho vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam. Và họ dùng cái danh hiệu đó để bước vào showbiz, rồi tự xưng hai tiếng "nghệ sĩ" một cách thản nhiên. Sau đó, hệ quả là gì hẳn chúng ta đều đã quá rõ.
Trên trang cá nhân của Kiều Đại Dũ có một tấm ảnh được chú thích cậu ta chụp ở Tuyệt Tình cốc. Thời điểm khá ngẫu nhiên lại trùng hợp với thời điểm bộ ảnh Tuyệt Tình cốc (mà một cô gái trong đường dây của Dũ là nhân vật chính) được truyền thông ầm ĩ. Rõ ràng, những mối nối của câu chuyện này đáng được đặt ra dấu hỏi? Phải chăng, truyền thông lá cải, với xu thời sex shock, đã vô tình thành kênh để Kiều Đại Dũ tiếp thị mặt hàng.
Trong trào lưu nữ quyền chung phản đối các cuộc thi hoa hậu vì cho rằng nó đã lạc hậu, chỉ phục vụ sở thích của đàn ông, BTC cuộc thi Hoa hậu Mỹ đã phải nhượng bộ bỏ phần thi áo tắm từ năm 2018 này. Vậy thì Việt Nam có đi ngược xu hướng chung hay không khi chúng ta đang cấp phép cho quá nhiều cuộc thi hoa hậu mà có những cuộc thi, chỉ cái tên của nó thôi cũng đủ thấy tầm phào và vô bổ?
Đó là còn chưa kể tới những xì xầm liên quan tới chuyện mua giải, đổi tình lấy giải vẫn râm ran bấy lâu nay. Và cũng phải nói thêm, với mức giá "hạng sang" như thế, đối tượng mua dâm nếu không phải trúng quả cờ bạc, giàu có bất chính, vung tay một lần quá trán kiểu tự nhiên nhận cả mớ tiền đền bù đất thì cũng phải là những liên minh ma quỷ sử dụng tình dục cao cấp như một phần của hối lộ. Do đó, chuyện chỉ công khai danh tính kẻ bán mà không công khai nhân thân người mua sẽ càng khiến xã hội mất lòng tin.