Thần thánh mà biết nói năng...

Thứ Năm, 02/03/2017, 08:29
Nếu lướt qua bề nổi của các lễ hội, dễ lầm tưởng phần đông người Việt mộ thánh thần, sùng kính tín ngưỡng dân gian, tri ân truyền thống, thực tâm muốn hướng thiện, sẵn sàng hỷ xả vì người khác, vì xã hội. Đáng tiếc, nhìn vào thực tế những gì đang diễn ra ở hầu hết các lễ hội hiện nay, người có lương tri không khỏi ngao ngán và thất vọng. 


Đã đến lúc cần lên án mạnh mẽ hơn nữa “một bộ phận không nhỏ” đã và đang khiến lễ hội ngày càng “bát nháo”, khiến "thần phật ngày càng nổi giận". Sự giận giữ này bắt nguồn từ đâu?

Bản chất ban đầu của hầu hết các ngày hội, lễ là dịp để người ta "giao lưu cộng động, cầu an" cho gia đình, "cầu mưa thuận gió hòa". Mục đích giao lưu thường được đặt lên hàng đầu và lời cầu xin nặng về giá trị tinh thần, được đa phần tiến hành dựa trên đức tin, hướng tới mục đích giúp ổn định tâm can là chính. Trên nền tảng ấy, người ta thành kín đến với lễ hội, chuẩn bị cẩn thận từ việc ăn mặc, tắm rửa…

Điều đáng lạ là ngày nay, khi đời sống vật chất được cải thiện hơn rất nhiều so với trước đây, tâm thế đến với lễ hội của nhiều người lại có khuynh hướng thiên hơn về "vụ lợi, mưu cầu vật chất, dựa trên sự vay mượn, mặc cả với thần phật". Đám đông ngày càng trở nên say khát, chạy đua trong việc mua chuộc thánh thần thông qua lễ vật nhằm đòi hỏi phải nhận được lại nhiều hơn chứ không thực tâm vì kính, tín. Lòng thành đã bị biến thành lòng tham…

Vài năm trở lại đây đám đông rộ lên với niềm tin chùa này thiêng hơn chùa kia, đền này linh hơn phủ nọ. "Cơ chế tin đồn, sự ngu muội, tham lam" không giới hạn khiến không ít người quên rằng phật thờ ở chùa nào chẳng là phật, thánh ở đền nào chẳng là thần. Có chùa, đền, phủ độ chục năm trước chẳng ai ngó ngàng, chỉ sau một sự tình cờ nào đó, cộng với sự đồn thổi, a dua của thế gian, người người đua nhau ăn chực, nằm chờ, chen lấn, giẫm đạp, dùng bạo lực với nhau chỉ để có một chỗ ngồi, một chút lộc.

Người ta không chỉ “phong sắc” cho thần phật mà còn điên dại cầu xin những điều không thể. Bà Chúa Kho nào có quyền cho vay mà xì xụp lễ lạt đầu năm? Không nhẽ dân gian có đủ quyền năng biến bà thành giám đốc ngân hàng? "Chốn cửa Phật đâu phải là nơi ban phát tiền tài, hóa giải tai ương mà xếp hàng xì xụp?".

Thần, Phật dạy một đằng, người ta làm một nẻo, như thể người ta có thể cải hóa, thay đổi quyền lực cho cả thánh thần…

Dường như số đông đi lễ hội đang công khai dối lừa thần phật. Họ tin có thể dùng lễ lạt để mua chuộc thánh thần, mưu cầu những điều bản thân thừa biết mình không xứng đáng hoặc không nên làm. Thánh thần nào ủng hộ chuyện mua một bán một trăm?

Há chẳng phải đẩy người khác vào chỗ chết hay sao? Thần phật nào ban được chức, tước, quyền cho những kẻ chỉ cao luồn, thấp nhẩy, cơ hội, bè phái, nói một đằng, làm một nẻo, chỉ chăm chăm thu vén lợi ích cho bản thân, đặt đồng nghiệp, tổ chức dưới chân mình? Có nhiều nơi người ta còn đua nhau dựng miếu giả, đặt bát hương để moi móc tiền lễ của du khách thập phương.

Không ít người cứ ra rả lòng thành, tâm can thành kính dù chẳng cần họ, người đứng kế bên cũng thừa biết họ chỉ đang đơn thuần đọc vẹt dăm câu khấn học đôi cuốn sách bán lậu bên vỉa hè. Không ít người xì xụp khấn vái mà không cần biết rõ đang khấn ai, thân thế của thần ấy thế nào, lịch sử của đền chùa ấy ra sao. Người ta vui vẻ bỏ ra tiền triệu mua lễ lạt, khấn vái cả buổi cầu lợi chứ mấy ai bỏ ra chục ngàn mua sách, dành ít phút đọc để hiểu thêm về nơi mình đang hành hương…

Như thể, họ cho mình quá đỗi thông thái, có thể dối lừa tất cả… 

Nguyễn Công Thảo
.
.