Tản mạn năm Tý – Hình tượng con chuột trong văn hóa dân gian

Thứ Ba, 14/01/2020, 10:57
Khó có thể khẳng định được loài chuột xuất hiện trên trái đất này từ bao giờ. Song, chuột từ lâu đã trở thành một con vật gắn bó bền chặt với đời sống con người, trở thành một biểu tượng văn hoá sống động gắn liền với những quan niệm, ví von đa chiều, hàm chứa nhiều ẩn ý sâu xa...

1. Với bản tính lanh lợi, tinh ranh, tích xưa truyền lại rằng, khi Ngọc Hoàng tuyên bố chọn 12 con giáp, chuột có mặt sớm nhất nên nghiễm nhiên được đứng ở vị trí đầu tiên. Chuột chễm chệ đứng trên cả những con vật uy nghiêm khác, trước cả hổ lẫn rồng. Dù muốn dù không, dù căm ghét con chuột đến vô cùng, nó vẫn đồng hành với con người cả triệu năm nay.

Điển hình ở những vùng Đồng bằng châu thổ, nơi mà cây lúa, con trâu là những người bạn gần gũi trong đời sống sản xuất, người ta cũng chưa bao giờ quên sự có mặt của chuột. Mặc dù là loài phá hoại, nhưng theo quan niệm của người miền Tây Nam Bộ xưa nay, cứ vào đêm giao thừa, hễ nghe được tiếng chuột kêu lít chít đâu đó quanh nhà hay trong bồ lúa, bồ khoai, không ít người sẽ hân hoan tin rằng đó là tín hiệu của một năm mới sung túc, mùa màng bội thu.

Họ lý giải rằng, chuột là một trong những con vật có khả năng sinh sôi nảy nở nhanh và nhiều hơn bất cứ loài vật nào, vì vậy nơi nào hễ xuất hiện nhiều chuột là nơi đấy phồn thịnh. Rõ ràng, ở đây, chuột như một “sứ giả” hết sức thiện lành và may mắn.

Tác phẩm “Đám cưới chuột” - Tranh gốm sứ dân gian.

Trong dòng tranh Đông Hồ nổi tiếng xưa kia, bức tranh dân gian “Đám cưới chuột” đã trở thành một hình ảnh quen thuộc trong tâm thức người Việt. Loài chuột xuất hiện đầy hóm hỉnh trong một đám cưới xưa với cờ, quạt, kèn, trống, ô lọng cùng vô số lễ vật.

Gặp lão mèo già hung hãn cản lối, những chú chuột trong đám rước sợ hãi, lấm lét, phải cống nộp lễ vật (chim, cá) cho mèo, thỉnh cầu cho đám cưới bình yên. Hình ảnh chuột trong bức tranh vô hình trung lại khiến người ta cảm thương, yêu mến chúng - điều rất hiếm hoi mỗi khi nhắc đến loài vật này với hầu hết những định kiến tiêu cực.

“Đám cưới chuột” không chỉ là bức tranh dừng lại ở nghệ thuật giải trí đơn thuần mà người xưa muốn mượn hình ảnh chuột để minh chứng sống động cho quan hệ kẻ mạnh ức hiếp kẻ yếu trong xã hội phong kiến; mỉa mai, châm biếm một cách hài hước, sâu cay một tệ nạn xã hội cần lên án và loại bỏ.

Ngoài ra, ý nghĩa của bức tranh này còn được xem xét ở những góc độ khác. Các nhà nghiên cứu văn hoá cho rằng, “Đám cưới chuột” phản ánh rõ nét bản sắc văn hoá của dân tộc: đám tiệc náo nhiệt, xôm tụ, rình rang nhưng không kém phần thiêng liêng với màu sắc rực rỡ, những ô lọng, kèn, trống, đoàn rước dâu kéo dài... Điều đó làm nổi bật nét văn hoá người Việt xưa khi đám cưới không chỉ là việc riêng của mỗi cá nhân, gia đình mà là việc chung của cả cộng đồng, làng xã.

Mặt khác, ý nghĩa cộng sinh cũng là một thông điệp mà “Đám cưới chuột” hướng đến. Mèo và chuột vốn dĩ là hai loài vật “không đội trời chung” nhưng cuối cùng cũng bước qua “bản thoả thuận” để sinh sôi giữa hai mặt đối lập mà đích đến cuối cùng là sự cam kết cùng nhau tồn tại và phát triển.

2. Bên cạnh hiện diện gần gũi trong đời sống con người, từ bao đời nay chuột cũng là loài vật giữ một vị trí đặc biệt trong kho tàng văn học dân gian, được nhắc tới rất nhiều trong ca dao, tục ngữ, thành ngữ cùng với những phép ẩn dụ, so sánh, ví von... giàu ý nghĩa.

Quen thuộc nhất là bài đồng dao thuộc nằm lòng của những đứa trẻ quê: “Con mèo mà trèo cây cau/ Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà/ Chú chuột đi chợ đường xa/ Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo”, đến trò chơi dân gian “mèo đuổi chuột” từng góp mặt trong tuổi thơ mỗi người. Để thay lời cho những nhận diện, phán xét, mỉa mai, phê phán... người ta cũng hết sức ý nhị khi sử dụng hình ảnh chuột: Thái độ gian xảo, sợ sệt được ví von “lấm lét như chuột ngày”; khi rơi vào bế tắc, không còn lối thoát hay lựa chọn nào khác là tình huống của kẻ “chuột chạy cùng sào”; may mắn hơn là kẻ khù khờ, kém cỏi nhưng lấy được người quyền quý, có câu “chuột sa chĩnh gạo”; khi phê phán những tuyên ngôn nọ, chủ trương kia ban đầu có vẻ to tát nhưng cuối cùng kém thành quả, người ta chế diễu “đầu voi đuôi chuột” hay “cháy nhà ra mặt chuột” là thành ngữ chỉ sự thật bị phô bày, chân tướng bị vạch trần khi xảy ra biến cố...

Tác phẩm “Đám cưới chuột” - tranh Đông Hồ.

Có lẽ, bởi con người quá am tường về loài chuột, kể cả đặc tính giống nòi của nó, nên hễ khi muốn nói đến điều gì cần ngụ ý, họ lại mượn chuột. Mượn để nói khéo, nói một cách đầy ẩn dụ và ý nhị. Ám chỉ quan hệ nam nữ bất chính, người ta chỉ ngắn gọn là “chim chuột”; nói về thói ích kỷ trong tập thể, người này ỷ lại người kia, có câu “chuột bầy đào không nên lỗ”...

Người đời cũng mượn hình ảnh chuột để phê phán, châm biếm hết sức tinh tế: “chuột chù đeo đạc” (thói đua đòi, không tự biết mình); “chuột chù lại có xạ hương” (bản chất xấu nhưng làm ra vẻ tốt đẹp); “chuột đội vỏ trứng” (mượn hình thức kẻ khác để che đậy bản chất của mình); “chuột chù chê khỉ hôi” (kẻ không thấy cái dở của mình lại hay đi chê bai người khác); “chuột gặm chân mèo” (chỉ những kẻ dại dột, liều lĩnh); “mèo ra cửa - chuột xướng ca” (không người cai quản sẽ tự do, thoải mái làm điều bậy).

Ngoài ra, những hiện tượng đời sống, sinh hoạt hằng ngày cũng được khuếch tán đầy thú vị dưới lăng kính chuột: “Nhà như ổ chuột” (nhà chật hẹp, chui rúc và bẩn thỉu); “khói như hun chuột” (khói nghi ngút, cay xè và lan rộng); “ướt như chuột lột” (ướt sũng từ đầu đến chân). Phong phú, đa diện là vậy, nhưng với bản tính tinh ranh, lanh lợi vốn có của mình, thành ngữ cũng từng phán oan cho chuột khi có câu “lù đù như chuột chù phải khói” (ý chê trách sự chậm chạp, ngờ nghệch)...

Có thể nói, hơn bất cứ loài vật nào trên trái đất này, chuột bao đời nay vẫn hiển diện hết sức đông đảo và gần gũi với đời sống con người, hình ảnh chuột đã đi vào kho tàng văn hoá dân gian một cách tự nhiên, sống động như chính bản tính của nó. Con người dù căm ghét nhưng một góc độ nào đó cũng quý chuột, thậm chí thờ chuột, coi chuột như một biểu tượng của sự sung túc, sinh sôi.

Đón năm Tý, chúng ta chào đón con vật tuy nhỏ bé nhưng đứng đầu 12 con giáp quay về sau một vòng tuần hoàn, để rồi tiếp tục có dịp bàn luận, sẻ chia cùng nhau những mẩu chuyện, những giai thoại về chuột - loài vật đã trở thành một phần của thế giới, của văn hoá, luôn song hành với đời sống nhân loại.

Ngô Thế Lâm
.
.