Tác phẩm lớn hơn tác giả?
Milan Kundera trong tập tiểu luận “Nghệ thuật tiểu thuyết” khi đề cập đến cuốn tiểu thuyết “Anna Karenina” của Lev Tolstoy với những nhận định cho rằng tác giả đã thay đổi nhân vật Anna Karenina rất nhiều so với những suy nghĩ ban đầu vì tiếng gọi đạo đức và luân lí là không chính xác.
Ban đầu, nhà văn định cho Anna Karenina xấu xa và tệ hại, và cái chết của nàng là đáng kiếp, nhưng cuối cùng ông lại xây dựng nhân vật nữ chính thành một người đẹp đẽ, đáng thương, nhà văn gần như đã chệch hướng khỏi những suy nghĩ ban đầu.
Vì sao Lev Tolstoy làm thế, vì những suy nghĩ về đạo đức và luân lí? Milan Kundera không đồng ý như vậy, ông cho rằng nhà tiểu thuyết vĩ đại người Nga đã nghe thấy một tiếng nói sâu thẳm khác, đó là “sự hiền minh của tiểu thuyết” và khiến cho ông thay đổi cách nhìn. Và nhờ đó cuốn tiểu thuyết đã lớn hơn những suy nghĩ thông thường của tác giả, tác phẩm thông minh hơn tác giả hoặc nói một cách khác, tác phẩm lớn hơn tác giả!
Nhà thơ Thâm Tâm (1917-1950). |
Tất nhiên trường hợp của Lev Tolstoy mà Milan Kundera đưa ra tôi không hoàn toàn đồng tình vì bản thân Tolstoy là một nhà tư tưởng và rất khác thường. Tư tưởng và nghệ thuật của Lev Tolstoy chưa bao giờ thua kém những cuốn tiểu thuyết của chính mình nhưng có lẽ tôi sẽ bàn vấn đề này ở dịp khác. Ở đây tôi muốn lưu ý rằng nhận định của Milan Kundera đúng với nhiều trường hợp, là một ý kiến khá mới và đáng được bàn luận.
Ngay ở Việt Nam, Trần Đăng Khoa trong một đánh giá về bài thơ “Tống biệt hành” của Thâm Tâm đã cho rằng, nếu chọn mười nhà thơ tiêu biểu nhất của phong trào Thơ Mới chưa chắc đã có Thâm Tâm, nhưng nếu chọn mười bài thơ tiêu biểu của phong trào này thì nhất định phải có “Tống biệt hành”.
Từ nhận định này ta có thể suy ra một cách dễ dàng rằng, tác phẩm của Thâm Tâm nổi tiếng và được nhiều người biết hơn tác giả của chính nó. Nói đến Thâm Tâm có thể ít người biết nhưng “Tống biệt hành” vẻ vang hơn nhiều. Như vậy có thể nói tác phẩm lớn hơn tác giả được không?
Trường hợp kiểu này theo nhà phê bình Lại Nguyên Ân cũng đúng với Lê Lựu với “Thời xa vắng” và nhân vật Giang Minh Sài. Tất nhiên ta không bao giờ đồng nhất tác giả với nhân vật, tác giả và tác phẩm nhưng rõ ràng Giang Minh Sài và “Thời xa vắng” nếu đặt lên bàn cân sẽ “bảnh” hơn so với Lê Lựu khá nhiều.
Người cha đẻ ra nó đôi khi có những nét thô nhám, sần sùi nhưng rõ ràng “Thời xa vắng” rất tinh tế và dịu ngọt. Lần đầu gặp Lê Lựu tôi đã không ngờ rằng, một người mốc thếch, quê mùa như Lê Lựu mà có thể viết được “Thời xa vắng”! Tất nhiên thời điểm tôi gặp ông, nhà văn Lê Lựu đã già yếu bệnh tật nhưng trong con mắt người đọc hồn nhiên của tôi thời đó, cha đẻ ra Giang Minh Sài phải là một người rất khác. Ở đây, tôi mượn cách nói của Trần Đăng Khoa để nói về trường hợp này.
Lê Lựu chưa chắc đã có trong danh sách “top ten” những nhà văn quan trọng nhất của văn học đổi mới nhưng “Thời xa vắng” thì nhất định phải được xếp một chỗ trong cái mâm mười món tiểu thuyết của văn học đổi mới, nếu người ta có ý định xếp một mâm như vậy.
Quay lại ý kiến của Milan Kundera, ông nói thêm rằng, một nhà văn mà thông minh hơn tác phẩm của anh ta thì tác phẩm không đáng đọc. Ý Milan Kundera là tác phẩm phải vượt lên tầm của tác giả, vượt trên cái tôi thông thường của tác giả mà vươn tới những giá trị tư tưởng, thẩm mĩ và nghệ thuật cao hơn.
Ta rất dễ gặp nhiều trường hợp, nhà văn là người có xuất phát điểm rất bình thường lại có thể sản sinh những tác phẩm ngoại hạng, có tầm cỡ. Ngoài trường hợp Lê Lựu tôi gặp lần đầu thì Nguyễn Huy Thiệp cũng khiến tôi bất ngờ. Truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp rất sắc sảo cá tính, lời thoại chan chát nảy lửa, nhưng khi nói chuyện với ông tôi thấy nhà văn nói khá khó khăn. Chậm, hay lặp và khá lâu mới bật ra một ý, không hề có cảm giác đó là Nguyễn Huy Thiệp, tác giả của những truyện ngắn đọc đến gai cả người!
Tất nhiên mọi sự so sánh đều khập khiễng và cái câu “văn là người” chưa chắc đã đúng hoặc chỉ đúng trong một số trường hợp nhất định. Tôi đã gặp khá nhiều nhà văn có những tác phẩm rất quyết liệt, mạnh mẽ nhưng vẻ bề ngoài và tính cách lại gần như đối ngược. Bảo Ninh cũng khá gần với Nguyễn Huy Thiệp về vẻ bề ngoài và cá tính, ông nói khá chậm và cũng hơi lâu một chút mới bật ra một ý. Nếu không ai giới thiệu đó là Bảo Ninh thì có thể người ta sẽ đôi chút “băn khoăn” về người tạo đã ra nhân vật Kiên và những trang sách đầy chất thơ trong “Nỗi buồn chiến tranh.”
Nhưng đó chỉ là vẻ bề ngoài, cách nói chuyện có thể dễ nhìn thấy còn thẳm sâu trong suy nghĩ và tư tưởng của nhà văn, ta khó lòng thấy hết được. Một người thực sự “lớn, bé” thế nào là trong suy nghĩ của anh ta chứ không phải biểu hiện bề ngoài. Nhưng tôi vẫn cho rằng, nhận định tác phẩm lớn hơn tác giả đúng trong rất nhiều trường hợp và đó mới là sự tiến bộ và ưu việt của văn học. Bởi nhà văn có thể trong những hoàn cảnh và địa vị rất tầm thường, thậm chí cuộc sống đói rét, khốn khổ hoặc tù ngục anh ta vẫn có thể sản sinh ra những tác phẩm sáng láng, có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao, vượt lên trên hẳn hiện thực, cuộc sống và địa vị của anh ta.
Nam Cao vốn chỉ là một “giáo khổ trường tư”, quanh năm vất vả, cực nhọc với miếng ăn vẫn viết được những tác phẩm khái quát được nỗi đau và thân phận của con người. Nhà văn chỉ là một anh giáo rất bình thường nhưng nếu chọn một bảng những nhà nhân văn chủ nghĩa tiêu biểu thì Nam Cao chắc chắn sẽ có một vị trí trang trọng.
Nhà văn Vũ Trọng Phụng (1912-1939). |
Vũ Trọng Phụng cũng là một “ca” điển hình cho kiểu nhà văn nghèo đói khốn khổ. Ngày nào nhà văn cũng phải “viết như điên”, vật vã để kiếm tiền. Nếu chỉ căn cứ vào việc mưu sinh khốn khó ấy Vũ Trọng Phụng khác gì một anh nông dân làm việc quần quật trên cánh đồng chữ nghĩa của mình, đổ mồ hôi sôi nước mắt mà mục đích đầu tiên là để kiếm miếng ăn.
Tôi cho rằng khi viết văn, Vũ Trọng Phụng không đặt ra quá nhiều ý nghĩa cao cả cho việc viết của mình, đơn giản đó là một nghề kiếm sống, thậm chí rất cực nhọc. Thế nhưng từ quá trình ấy Vũ Trọng Phụng vẫn có “Số đỏ” và “Giông Tố” lừng danh. Và nói về sự nổi danh thì tất nhiên "Xuân tóc đỏ" đã vượt hơn cha đẻ của mình rất nhiều và tôi nghĩ nếu Vũ Trọng Phụng biết được những nhận định này của hậu thế, ông cũng sẽ không phản đối.
Chính sự lớn hơn của tác phẩm so với tác giả đã kích thích sự sáng tạo và lao động của nhà văn, người nghệ sĩ. Bởi nếu những nhà văn ở đáy xã hội mà chỉ viết những tác phẩm ngang tầm với cuộc đời, với anh ta thì sẽ rất tai hại. Nghề văn rất hiếm những người ở địa vị cao quý và giàu sang sẵn có, và nếu như chỉ những người cao quý mới được viết văn và những vấn đề lớn lao thì lại là một nguy cơ khác. Và sự thật đã có những minh chứng rõ ràng. Rất nhiều người có xuất phát điểm tốt, địa vị và giàu sang thì chỉ có những tác phẩm rất trung bình và ngược lại, những người xù xì, gân guốc, đói khát lại có những tác phẩm tinh tế, đẹp đẽ và cao cả. Tất nhiên mọi việc đều có tính tương đối, trong sáng tạo văn học không có mặc định anh đang đứng ở điểm A thì anh chỉ có thể viết xoay quanh điểm A. Sự vượt qua thực tại và hoàn cảnh của chính mình khiến người ta có thể có những cú bứt phá ngoạn mục, không chịu ràng buộc hoặc ảnh hưởng bởi định kiến nào hết.
Và tôi nghĩ trong thâm tâm, bất cứ người viết nào cũng muốn đứa con tinh thần của mình lớn hơn chính mình. Người viết không bao giờ muốn khi độc giả đọc tác phẩm của mình, anh ta bị chi phối bởi nhân thân tác giả. Anh ta giàu hay nghèo, sang hay hèn, xấu hay đẹp… Tất cả những thứ ấy đều có vai trò thứ yếu trong việc nhìn nhận đánh giá tác phẩm.
Tác phẩm là trên hết sau đó mới quy chiếu đến tác giả. Bởi nếu không làm thế sẽ dẫn đến sự bất bình đằng vô cùng lớn, những người có địa vị, giàu có, sẽ tìm cách ảnh hưởng lên độc giả bởi con người cá nhân của mình. Điều ấy không có lợi cho sự sáng tạo khi nó bị những cái bóng thế lực khác chi phối.
Để cảnh giác và cũng giảm yếu tố cá nhân tác giả ảnh hưởng tới tác phẩm, nhiều nhà văn chuyên nghiệp đã có ý thức làm mờ hoá, hoặc giảm thiểu những dòng tiểu sử cá nhân của mình. Người viết không muốn được người ta nhớ đến vì địa vị, hoàn cảnh gia đình, công việc, đời sống riêng tư hơn chính tác phẩm của anh ta. Khi tác phẩm ra đời, người viết lùi vào một khoảng sâu để cho tác phẩm độc lập phô diễn. Nhưng đấy cũng chỉ là một cách nghĩ, cách làm, vì dù thế nào người ta cũng không thể không soi chiếu ít nhiều tác phẩm với cha đẻ của chính nó. Nhưng về cá nhân, tôi mong rằng sự quy chiếu này nên ở vị thế thứ yếu và tham khảo, vì nói cho cùng, tác phẩm mới chính là thứ đáng quan tâm và bàn luận nhất.
Và đến bây giờ, khi viết để thuyết phục độc giả luận điểm tôi còn đôi chút băn khoăn lúc ban đầu thì chính tôi đã bị thuyết phục rằng, tác phẩm lớn hơn tác giả là điều dĩ nhiên, đó là con đường “thuận chiều”, đúng đắn nên hướng tới!